Coi chừng nếu trẻ em bị bệnh viêm đường hô hấp trên

24.11.2022 - 13:50

Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em nói chung là các bệnh về viêm mũi, viêm thanh quản, cảm lạnh, viêm họng,... liên quan đến đường hô hấp của trẻ. Thông thường thì những bệnh này không nghiêm trọng và gia đình có thể chăm sóc bé tại nhà. Tuy nhiên, đã có những trường hợp bé vì không được điều trị mà bị nặng hơn như chuyển sang mãn tính, lan xuống đường hô hấp dưới,... Vì thế các mẹ đặc biệt không nên chủ quan với căn bệnh này của trẻ.

Theo thống kê y khoa thì trung bình mỗi trẻ sẽ gặp phải bệnh viêm đường hô hấp trên từ 5 cho đến 8 lần trong vòng 1 năm, đặc biệt dễ mắc bệnh trong mùa lạnh hoặc khi có sự thay đổi về thời tiết. Các mẹ nên có phương pháp chăm sóc con đúng khoa học để con nhanh khỏi bệnh nhất, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con.

1. Khái niệm bệnh viêm đường hô hấp trên

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-1

Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ.

Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản, là cơ quan đầu trên đường hô hấp tiếp xúc trực tiếp với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên. Ban đầu là cảm lạnh sau đó có thể là viêm mũi họng, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa ….

Hệ thống hô hấp trên có chức năng chủ yếu là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Các bộ phận của đường hô hấp dưới một phần chức năng thực hiện lọc không khí và phần chức năng còn lại là trao đổi khí.

Là cơ quan đầu ngoài cùng tiếp xúc với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều do đường hô hấp trên gánh chịu hết như bụi, lạnh, nóng, hơi độc, kể cả các virus, vi khuẩn, nấm mốc. Bởi thế, nếu xét về tỷ lệ mắc bệnh hô hấp thì tỷ lệ bệnh mắc đường hô hấp trên chiếm phần lớn so với tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp khác.

Viêm đường hô hấp trên là một chứng bệnh thường gặp hàng năm, mắc tái diễn, nhiều lần và là một chứng bệnh chủ yếu gây giảm giờ làm và giờ học của nhóm người mắc bệnh trên toàn thế giới. Mặc dù là loại bệnh “tự khỏi” nhưng những phiền toái do chúng gây ra cũng đủ tạo ra những thiệt hại đáng kể về sức khoẻ và kinh tế.

Bệnh Viêm đường hô hấp thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa Đông thời tiết lạnh và mùa hanh khô trùng với mùa của bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi.

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-2

Trẻ có thể bị bệnh viêm đường hô hấp trên theo mùa.

2. Biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ

Một số biểu hiện dưới đây sẽ giúp bố mẹ nhận ra tình trạng viêm đường hô hấp trên của bé.

Sốt

Sốt là biểu hiện quan trọng đầu tiên. Sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39 độ C trở lên.

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-3

Sốt là một trong những triệu chứng của bệnh.

Sổ mũi và chảy nước mũi

Đứa trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Dịch mũi về bản chất là một dịch viêm bảo vệ nhưng nó lại là thủ phạm lan truyền mầm bệnh vì dịch mũi rất nhiều mầm bệnh. Nó chính là thủ phậm lây bệnh từ bộ phận này sang bộ phận khác, từ đường hô hấp trên sang đường hô hấp dưới.

Bé bị ho

Ho là một biểu hiện mà gần như có mặt trong mọi bệnh viêm đường hô hấp trên. Viêm mũi đứa trẻ cũng ho, viêm họng cũng ho mà viêm thanh quản cũng ho. Vì lí do thành họng của trẻ rất nhạy cảm cộng với tình trạng tiết dịch nhiều nên ho thường là một triệu chứng phổ biến.

Ho có nhiều loại: ho thành cơn, ho khan, ho có đờm…Ho là biểu hiện đầu tiên cũng là biểu hiện cuối cùng báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm. Thông thường ho là có lợi nhưng nếu không kiểm soát tốt, ho lại làm cho đứa trẻ mệt, mất ngủ, nôn trớ…

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-5

Bé bị ho có thể là dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên.

Khó thở

Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Nó thường là triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp dưới nhưng trong trường hợp đứa trẻ bị viêm thanh quản thì rất có thể sẽ bị khó thở. Khó thở là triệu chứng rất ít gặp nhưng đã gặp thì rất đáng ngại. Biểu hiện thường thấy là đứa trẻ phải rít thở, thở khò khè…

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-4

Trẻ nếu bị khó thở thì có thể do bệnh viêm đường hô hấp trên gây ra.

XEM THÊM: Coi chừng bệnh ngủ ngáy ở trẻ nếu các mẹ không muốn con bị bệnh hô hấp

Những biểu hiện trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kết hợp. Chẳng hạn, nếu bé chỉ bị bệnh nhẹ, triệu chứng chỉ đơn thuần là sổ mũi, nghẹt mũi. Nếu bé đã bị sốt, đó thường là dấu hiệu bệnh đã nặng hơn và hệ miễn dịch đang tích cực làm việc để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.

Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.

Bệnh viêm đường hô hấp trên cấp tính:

Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ… Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục. Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn. Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Bệnh viêm đường hô hấp trên mạn tính:

Khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành viêm đường hô hấp mạn tính. Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài thò lò mũi xanh, trẻ ngủ thường ngáy, thở bằng mồm. Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi,… Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu…

Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-6

Bệnh viêm đường hô hấp trên mạn tính.

Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, trẻ hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Có khi hắt hơi đến rát cả mũi họng. Sau đó trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.

Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì trẻ sẽ bị khàn tiếng. Càng nói nhiều thì tốc độ khàn tiếng càng nhanh và càng nặng. Ban đầu chỉ là lạc tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và có khi đến mất giọng.

Tuỳ thuộc vào cơ quan bị bệnh mà mỗi một mặt bệnh cụ thể đơn lẻ sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau. Mặc dầu vậy, vì lý do giữa các bộ phận mũi-họng-thanh quản-xoang đều thông với nhau bằng đường khí và dịch nên khi một cơ quan bị bệnh thì nó sẽ nhanh chóng lây sang cơ quan liền kề và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tổ hợp lại thành một hình ảnh bệnh lý đầy đủ.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là những căn bệnh phổ biến nhất khiến chúng ta phải ngừng lao động và trẻ em thì không thể đến trường và có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

Một trong các biến thể nghiêm trọng ấy là tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau. Biến thể cũng hay gặp đó là biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng đắn và đúng mức. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông thì có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em. Ngoài những biến chứng này thì viêm đường hô hấp trên thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Vì vậy cần có thái độ dự phòng đúng mức với bệnh này.

3. Nguyên nhân gây bệnh 

Do virus

Virus Rhino, Corona, Adeno,virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV.

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-7

Virus có thể là nguyên nhân gây bệnh ở trẻ.

Do vi khuẩn

Thường gặp là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm….

Các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển:

  • Thời tiết: Thời tiết trở lạnh là điều kiện lý tưởng nhất để các bệnh đường hô hấp bùng phát. Nhưng thế không có nghĩa là bé không bị viêm đường hô hấp trên trong mùa nóng. Sinh sống trong vùng có bầu không khí ô nhiễm cũng khiến nguy cơ mắc các bệnh hô hấp của bé cao hơn. Đặc biệt, đường hô hấp trên là bộ phận đầu tiên trực tiếp tiếp xúc và xử lý luồng không khí ô nhiễm này sẽ dễ bị viêm nhiễm.
  • Tuổi: tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 2 tháng tuổi dễ mắc bệnh
  • Trẻ non yếu
  • Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A
  • Trẻ có suy giảm miễn dịch như: mắc bệnh HIV, điều trị corticoit kéo dài…
  • Trẻ sau mổ…
  • Nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong…), vệ sinh kém,…

Đôi khi, bệnh đến từ chính thói quen sinh hoạt của gia đình, chẳng hạn như mở điều hòa nhiệt độ quá lạnh, để quạt thổi thẳng vào mặt hay người bé… Những thói quen tưởng chừng vô hại này có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp của bé.

Ngoài ra, bé cũng dễ bị viêm đường hô hấp trên nếu tiếp xúc với người bệnh. Bé có thể hít phải những giọt nước bọt, nước mũi li ti trong không khí sau khi người bệnh ho, hắt hơi hay cười lớn. Đó cũng là lý do các bé đã đi nhà trẻ, mẫu giáo dễ bị lây bệnh hơn những bé sơ sinh hay trẻ nhỏ đang còn chưa đi học.

Một sự thật khác là những bé chưa được tập thói quen rửa tay thường có nguy cơ bị bệnh cao hơn, vì vi khuẩn, virus gây bệnh có thể bám vào vật dụng trong nhà như chén đũa, tay nắm cửa, ghế ăn của bé…

4. Điều trị viêm đường hô hấp trên cho trẻ

Thông thường, sau 5 đến 7 ngày, bệnh sẽ lui dần, sau đó, các bệnh đường hô hấp trên sẽ giảm dần và biến mất trong từ 5 đến 7 ngày nữa, tức là cần khoảng 2 tuần từ khi phát bệnh đến khi khỏi bệnh. Trong phần lớn trường hợp, các bé không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu bé bị sốt, bố mẹ cần nhớ cho bé uống nhiều nước, lau mát, mặc ít quần áo và có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt dành riêng cho trẻ em.

coi-chung-neu-tre-em-bi-benh-viem-duong-ho-hap-tren-8

Bố mẹ nên lau mát cơ thể trẻ để trẻ hạ sốt.

Khi bị bệnh đường hô hấp trên, bé cũng ăn không ngon, đờm dãi tích tụ nhiều trong họng, và trôi xuống thực quản dễ khiến bé bị buồn nôn, nôn. Trong thời gian này, bố mẹ nên chuẩn bị cho con những món ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp… Thêm vào đó, hãy cho bé ăn từng ít một. Nhiều bé hầu như không ăn gì trong những ngày bệnh nhưng vẫn uống sữa. Hãy cố gắng kiên nhẫn và bình tĩnh, tuy bé bị sụt cân nhiều nhưng sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tự có nhu cầu bù đắp năng lượng và bố mẹ sẽ thấy bé ăn nhiều hơn trước đây.

Trong thời gian bé bệnh, tránh để không khí trong phòng bé quá khô. Bạn có thể mở máy lạnh, nhưng nên mở hé cửa sổ hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm. Không nên để quạt thổi vào mũi, miệng, cổ bé.

Khi chăm sóc bé, bố mẹ cũng cần theo dõi những triệu chứng để kịp thời xử lý khi bệnh trở nặng, chẳng hạn như hiện tượng thở khò khè, thở rít, co rút lồng ngực, ho dữ dội thường gây ra do bệnh đã ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới và gây viêm tiểu phế quản, phế quản hoặc phổi.

Những biểu hiện trẻ trở nặng cần đưa tới bệnh viện để được thăm khám:

  • Bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú.
  • Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực.
  • Trẻ bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê.
  • Trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.

5. Một số loại thuốc có thể dùng cho trẻ khi bị viêm đường hô hấp trên

  • Acetaminophen (paracetamol): Có mặt trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến như Efferalgan, Hapacol… Bố mẹ cần mua đúng loại cho trẻ em và dùng liều đúng với cân nặng của bé.
  • Ibuprofen: Là một loại thuốc kháng viêm phổ biến, ngoài tác dụng kháng viêm còn giúp giảm đau, sưng và hạ sốt.

coi-chung-benh-ngu-ngay-o-tre-neu-cac-me-khong-muon-con-bi-benh-ho-hap-10

Thuốc kháng viêm Ibuprofen.

Tuy nhiên bố mẹ nên lưu ý là thuốc ho và kháng sinh chỉ dùng khi được bác sỹ kê toa, kể cả các loại siro ho thảo dược.

6. Những biến chứng của bệnh viem đường hô hấp trên

TS.BS Lê Thị Hồng Hanh, phó trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, lại thêm không khí lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Bệnh hô hấp khá phổ biến, thường dễ tái đi tái lại và gây ra hậu quả xấu nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Bệnh viêm đường hô hấp là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. 
Viêm đường hô hấp gồm 2 loại:

  • Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi – họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa.
  • Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

BS Hạnh cho biết, thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng. Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.

Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

7. Cách phòng chống bệnh viêm đường hô hấp trên

Đối với bệnh viêm đường hô hấp trên, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu để ứng phó. Vì đây là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nên phải:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân .
  • Giữ đôi bàn tay luôn sạch sẽ (rửa tay bằng xà phòng) khi ăn uống sẽ loại trừ virus khỏi bàn tay. Do đó virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp .
  • Đeo khầu trang cách ly với mầm bệnh.
  • Tránh làm việc, học tập trong môi trường nhiệt độ quá cao .Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, mưa…

8. Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên tái phát

Hỏi: Cháu nhà em được 2,5 tuổi, từ khi được 1,5 tuổi đến nay cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên (triệu chứng: họng sưng đỏ, ho, sốt, nhiều đờm), thời gian tái phát lại thường từ 2 đến 3 tháng. Cháu được các bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng sinh là Ceclo, kháng viêm và long đờm, thời gian uống liên tục 6-7 ngày, bệnh có hết nhưng một thời gian lại tái phát. Xin hỏi có cách nào điều trị bệnh để không bị tái phát lại không ạ?

Trả lời của bác sỹ nhi khoa:

Bệnh viêm đường hô hấp thường tái đi tái lại, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi nên con bạn thường bị cũng không phải là quá bất thường. Việc uống kháng sinh hay một số thuốc đi kèm là tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Để phòng ngừa tái phát, cần thực hiện 1 số biện pháp như: tránh cho trẻ sinh hoạt quá lâu ngoài trời, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, thường xuyên giữ ấm khi trời lạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

9. Viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh

Hỏi: “Con tôi chưa đầy tháng. Lúc đẻ ra, cháu khóc ngay, cân nặng 3,1 kg, mấy hôm nay cháu bị ho. Có nên cho cháu nhấp ít mật ong không?”.

Trả lời của bác sỹ nhi khoa:

Nếu đúng như bạn kể trong thư, cháu chỉ ho thì rất có thể là chỉ bị viêm họng nhẹ và cho cháu nhấp một ít mật ong là được vì mật ong cũng có tác dụng kháng khuẩn, trị được ho, tưa miệng… lại bổ dưỡng nữa. Nhưng vì con bạn chưa đầy tháng nên bạn cần lưu ý, các triệu chứng của bệnh viêm phổi thường rất sơ sài, có trẻ sốt mà cũng có trẻ không sốt, thậm chí thân nhiệt lại hạ. Khi thấy trẻ biếng ăn, mút vú yếu, quấy khóc, da xanh, thở không đều trên 60 lần trong một phút, cánh mũi phập phồng, lõm kẽ liên sườn… là bệnh đã nặng.

Nếu bé chỉ ho, sốt nhẹ, sổ mũi hoặc không tức là bé bị nhiễm khuẩn nhẹ ở đường hô hấp trên. Chỉ cần cho bé nhấp ít mật ong (cứ 6 giờ một lần, mỗi lần nửa thìa cà phê) hoặc nhấp nước quất hấp đường kính (lấy quả quất vắt bỏ bớt nước, đem hấp cách thủy với đường kính trong 20 phút, chắt lấy nước, thỉnh thoảng cho bé nhấp miệng).

Nếu bé ho, sốt, thở nhanh (trên 50 lần trong một phút) là bé bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nhẹ; cho bé đến trạm y tế khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ dẫn của y, bác sĩ.

Nếu bé ho, sốt, thở nhanh, co rút lồng ngực (rút lõm) là bé bị viêm phổi rồi; cho bé điều trị tại trạm y tế, để được theo dõi và kịp thời xử trí khi cần.

Nếu bé ho, thở nhanh, co rút lồng ngực kèm theo tím tái (tím tái quanh môi, lưỡi) là bé đã bị viêm phổi nặng và đã bị biến chứng, phải cho bé đi bệnh viện ngay để được hồi sức cấp cứu.

Với những thông tin mà chúng tôi đưa ra trên đây, hi vọng các mẹ có thể tìm cho mình phương án tốt nhất trị bệnh viêm đường hô hấp trên cho bé yêu nhà mình. Bệnh này "nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ" nên chị em vẫn nên lưu tâm tránh con bị bệnh chuyển biến xấu. Chúc các bé luôn mạnh khỏe khiến bố mẹ yên tâm hơn.

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!