Món ngon ngày Tết miền Nam

09.01.2019 - 08:40

Ngày Tết mỗi miền đều có một nét đặc trưng riêng, những món ăn riêng của từng vùng, đôi khi mỗi gia đình còn có món ăn riêng, mang lại một cái Tết thật đặc biệt cho từng gia đình.

Bạn muốn ăn một cái Tết "chuẩn miền Nam" thì cực dễ nhé, chỉ cần chuẩn bị tươm tất những món ăn này trên mâm cơm là được rồi nha. Cùng điểm danh các món ăn không thể thiếu trong nhà miền Nam ngày Tết nè.

1. Bánh tét

Người miền Nam thường làm bánh tét, hình trụ dài và to, nặng mỗi cây tầm 0.5kg nếp trở lên chứ ít làm bánh chưng hình vuông như ngoài bắc.

Bánh Tét thường được ăn kèm với củ kiệu, cà rốt, đu đủ ngâm mắm,... hoặc ăn với thịt kho tàu nữa.

Để biết cách làm nhiều loại bánh tét ngon, bạn có thể xem cách làm Ở đây nha.

banh-tet

2. Thịt kho tàu/ Thịt kho hột vịt

Đây là món ăn không thế thiếu trong bếp của mọi nhà vào ngày Tết, món này còn được biến thể thay vì hột vịt thì kho cả trứng cút nữa. Trứng cút nhỏ, kho mau thấm, ăn ngon hơn.

Mình sẽ hướng dẫn mọi người làm món này luôn nhé.

thit-kho-tau

Chuẩn bị:

  • Thịt ba rọi hoặc thịt đùi. Tùy số lượng người ăn mà chuẩn bị lượng thịt, trứng cho phù hợp nha.
  • Trứng vịt, trứng cút. Không nên dùng trứng gà vì trứng gà không dai mà sẽ bở, không ngon nha.
  • Nước dừa: 1 hoặc 2 trái, tùy lượng thịt, trứng. Chuẩn bị đủ để nước dừa ngập trứng là được.
  • Hành tím, tỏi băm
  • Gia vị
  • Nước màu: Có càng tốt, không có thì mình sẽ hướng dẫn mọi người làm trực tiếp nha

Cách làm:

Thịt nhổ sạch lông, rửa sạch, cắt khúc vuông vuông vừa ăn. Thịt không nên trụng nước sôi với mong muốn thịt sạch hơn, thịt sẽ bị ngấm hóa chất bẩn hơn, cách tốt nhất để loại bỏ là rửa thịt thật sạch, có thể rửa bằng nước muối loãng, khi nấu thì vớt bọt vì bọt là phần bẩn trong thịt được giải phóng ra.

Ướp thịt với giá vị muối, tiêu, đường bột ngọt, nước mắm vừa ăn, ướp  với ít hành tím băm nhuyễn. Tùy lượng thịt mà canh thời gian ướp phù hợp, 0.5 kg ướp khoảng 30 phút là nấu được.

Trứng luộc ngập nước, chờ nước sôi thì đảo nhẹ để lòng đỏ trứng nằm ở chính giữa trứng, lột trứng không bị bể lòng đỏ nha.

Làm nước màu:

Cho dầu vào nồi, nên cho ít dầu thôi vì thịt heo có rất nhiều mỡ, bớt được chất béo bao nhiêu thì càng tốt nha. Cho đường vào dầu, canh khoảng 0.5 kg thịt thì 2/3 muỗng canh đường, bỏ ít quá thì lượng màu không đủ làm vàng thịt.

Đảo đường đều tay với lửa nhỏ để đường cháy vàng đều, thấy đường ngả màu nâu đậm - Đừng để cháy nha, sẽ bị đắng, cho thịt vào đảo đều cho thịt vàng đều và săn lại, đổ nước dừa vào ngập trên thịt, xếp trứng vào cho nước ngập trứng.

Để lửa riu riu, nếm lại nước thịt hơi nhạt tí, lát nước rút bớt là vị sẽ vừa. Kho tầm 30 phút là thịt và trứng thấm rồi, nếu nhà bạn muốn ăn thịt mềm có thể kho lâu hơn nha.

3. Củ kiệu tôm khô

Củ kiệu tôm khô được dùng chung với nhau như một món ăn hoặc được ăn kèm với bánh Tét. Ngoài ra, còn có món cà rốt, đu đủ ngâm nước mắm nữa. Món này ăn cực ngon luôn nha, giòn giòn, lạ miệng, ăn với bánh Tét là hết xẩy.

cach-lam-mon-nham-tom-kho-cu-kieu-cuc-ngon-cho-ngay-tet

4. Canh Khổ Qua

Khổ qua (Mướp đắng) cũng được ưu chuộng vào ngày Tết miền Nam với mong muốn mọi đau khổ năm cũ đều qua đi.

148-8-1-1-148-326x580

Chuẩn bị:

  • Khổ qua theo tỷ là 2 trái 1 lạng thịt bằm.
  • Gia vị, tỏi băm, hành ngò, nấm mèo nếu thích

Cách làm

Khổ qua rửa sạch, trái to thì cắt ngang làm đôi hoặc làm 3, trái nhỏ thì bổ dọc như bổ bánh mì, moi ruột, hột bỏ.

Thịt băm ướp gia vị đầy đủ, vừa miệng, ướp với ít tỏi băm cho thơm nhé. Nấm mèo ngâm nở, cắt bỏ cuống, băm nhỏ vừa ăn, trộng chung với thịt bằm.

Nhồi thịt vào đầy trái khổ qua, thịt dư có thể vo tròn, cho vào nấu chung để nước canh ngọt hơn nha.

Bắt nước sôi thật sôi, cho khổ qua vào nấu, cho thịt bằm vo viên vào nấu chung, nồi canh sẽ ngọt thịt hơn. 

Bí quyết nấu khổ qua ít đắng: Lựa trái khổ qua không già quá. Nước thật sôi mới cho khổ qua vào nấu thì sẽ không bị đắng.

5. Lạp xưởng

Món ăn phổ biến ở miền Nam được khá nhiều người ưu thích là Lạp xưởng. Món này mọi người có thể tìm được ở các chợ, siêu thị. Lạp xưởng khá là nhiều chất béo nên mọi người cũng nên ăn ít thôi nha.

Một số cách chế biến lạp xưởng: Nướng, chiên, chiên nước.

cach-lam-lap-xuong-5-600x397

Thường mọi người chiên nước giúp Lạp xưởng bớt được lượng chất béo. Cách làm là dùng nước để chiên lạp xưởn, dùng khoảng nửa chén nước, đảo đều và chờ nước khô hết là được.

6. Bánh tráng cuốn

Bánh tráng cuốn ở miền Nam còn được gọi là gỏi cuốn, gồm có bánh tráng mỏng, bún, thịt luộc, tôm luộc, rau sống, ăn kèm nước chấm.

goi-cuon

Đây là món ăn được rất nhiều người yêu thích nha, tùy gia đình mà nước chấm cũng được chế biến khác nhau nữa. Thông thường là nước mắm chua ngọt, tương đậu hoặc mắm nêm nấu với thơm.

Thường mình tận dụng thịt kho tàu để cuốn bánh tráng luôn, hơi bị ngon nha hihi Ăn kèm với nước thịt kho luôn, ngon bá cháy.

7. Chả giò

Thêm một món mà mình yêu thích đó là chả giò. Ở miền Nam, các đám tiệc lúc nào cũng có món này cả, bạn cũng có thể bắt gặp món này khi ăn món bún thịt nướng ở miền Nam nhé.

Món này cực dễ làm luôn, bạn có thể xem cách làm Tại đây nha, mình có hướng dẫn bí quyết cho món chả giò được giòn và ngon.

cach-lam-cha-gio-ngon

Ngoài ra, nhiều gia đình còn dùng các món gà như gỏi gà, cháo gà,... hay gỏi ngó sen tôm thịt,...

Trên đây là một số món ăn phổ biến ngày Tết ở miền Nam, mọi người có thể tham khảo và chế biến cho gia đình vào ngày Tết nha. Chúc mọi người có một ngày Tết thật vui và đầm ấm nhé.

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!