Cẩm nang mang thai: Thai nhi 39 tuần tuổi

13.12.2022 - 11:19

Thai nhi 39 tuần tuổi của bạn có những biểu hiện như thế nào? Đừng hỏi đâu xa mà hãy đọc ngay những thông tin bên dưới nhé các bố mẹ. Nhịp tim của bé có thể tăng lên, lớp da bên ngoài có thể bị bong tróc để sẵn sàng cho việc chào đời,...

Hẳn là đến giai đoạn này thì các mẹ đã rất sẵn sàng cho việc sinh nở rồi, tuy nhiên thai nhi 39 tuần tuổi của bạn có thể chưa muốn ra trong tuần này mà phải đến tuần sau. Các mẹ cũng đừng nóng vội nhé, hãy cứ tập trung nghỉ ngơi thật nhiều để chuẩn bị tinh thần "vượt cạn" thật tốt.

Thay đổi của thai nhi 39 tuần tuổi

Đến tuần thai thứ 39, thai nhi của bạn có thể nặng hơn 3,3 kg và cao khoảng 50,7 cm tính từ đầu đến gót chân. Tử cung của bạn không còn nhiều khoảng trống để cho bé hoạt động nữa vì kích cỡ của bé đã khá lớn. Điều này giải thích tại sao bé yêu của bạn sẽ ít nhào lộn hơn trước, tuy nhiên bé vẫn luôn nhắc nhở mẹ về sự có mặt của mình.

thai-nhi-39-tuan-tuoi-3

Thai nhi 39 tuần tuổi.

Nhịp tim của bé nhanh gấp đôi nhịp tim của mẹ. Các cơ quan nội tạng, thần kinh, hô hấp đều đã hoàn thiện chức năng riêng của mình và đang tích cực hoạt động. Do đó bé có thể chào đời bất cứ lúc nào.

Xương sọ của bé chưa khít lại, cho phép chúng chờm lên nhau một chút để có thể chui lọt qua ống sinh. Tóc của bé đã dài ra khoảng 3cm, nhưng vẫn là những sợi tơ.

Lớp da bên ngoài của bé bong tróc ra, đồng thời một lớp da mới được hình thành bên dưới lớp da cũ. Hầu hết lớp lông tơ và các chất gây bảo vệ cơ thể bé đã mất đi. Lớp mỡ dưới da của bé đang tiếp tục được tổng hợp để giữ ấm cho cơ thể trước sự thay đổi của môi trường khi bé chào đời.

Nhật ký thai kỳ theo từng ngày của bé trong tuần thứ 39

Trong những đợt khám thai lúc này, bạn có thể được kiểm tra CTG (Cardiotocographs – đo tim thai và độ co thắt tử cung) vài lần, cũng như được siêu âm để đánh giá mức độ trưởng thành hay quá tháng của em bé. Bạn cũng có thể được kiểm tra lượng nước ối, kích thước của em bé, và vị trí của nhau thai. Thông thường, khi thai quá tháng thì nhau thai sẽ không làm việc hiệu quả nữa, do vậy, điều quan trọng là nó cần phải được theo dõi cẩn thận.

thai-nhi-39-tuan-tuoi-4

Khám thai và đo CTG.

Bạn có thể được yêu cầu ghi lại những lần chuyển động của thai nhi mà bạn cảm nhận được trong tuần này. Nếu có sự thay đổi hoặc giảm đáng kể trong những chuyển động này thì bạn sẽ cần phải nhập viện.

Bạn có thể cảm thấy áp lực đè lên cổ tử cung, một cảm giác rất khó tả, có lẽ tương tự như khi làm pap smear (lấy mẫu tế bào cổ tử cung để xét nghiệm), đầu của em bé càng đè nặng lên cổ tử cung thì cảm giác này xuất hiện càng nhiều. Lúc này, cổ tử cung của bạn sẽ dần mỏng đi, sẵn sàng để bắt đầu giãn nở. Trong suốt quá trình chuyển dạ, cổ tử cung của bạn sẽ cần phải giãn nở đến 10 cm để đầu và cơ thể em bé thoát ra bên ngoài.

Bạn có thể thấy dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn. Đó là chất màu trắng, hơi lỏng, do các tế bào ở cổ tử cung sản xuất ra. Một số bà bầu có thể thấy ra chất nhầy, và dù đó không phải là dấu hiệu thực sự của chuyển dạ, nhưng nó cũng cho thấy là có gì đó đang diễn ra ở bên trong.

Những thay đổi về mặt cảm xúc trong tuần này

Mỗi cơn đau đến và đi là một dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ, nghĩa là những gì bạn mong đợi cuối cùng cũng đã đến. Đi ngủ cũng vẫn đau, và bạn có thể sẽ bị những cơn đau này đánh thức ngay trong đêm. Việc cố gắng giữ được một thái độ bình tĩnh là rất khó khăn khi thai đã được 39 tuần tuổi. Dường như không thể làm được bất cứ điều gì, hay có được một kế hoạch cụ thể nào, và bạn sẽ cảm thấy như thể toàn bộ cuộc sống của mình chỉ xoay sự kiện lớn này.
Trong tuần này, bạn sẽ có những cảm xúc lẫn lộn: thất vọng, vui mừng, hồi hộp, bồn chồn, sợ hãi, khó chịu, mệt mỏi, và có thể nhiều hơn nữa. Hãy cố gắng nghỉ ngơi và làm những công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không tốn nhiều năng lượng.

Hãy đọc một quyển sách có nội dung kích thích trí tưởng tượng của bạn, hoặc xem một bộ phim. Như vậy sẽ giúp giết thời gian và đánh lạc hướng tâm trí bạn ra khỏi sự chờ đợi hồi hộp. Hãy đi thăm bạn bè, hoặc tốt hơn nữa là yêu cầu họ đến thăm mình. Làm cái gì đó buổi sáng và buổi chiều thì nghỉ, tách ra như vậy để không có vẻ như ngày đang kéo dài vô tận.

thai-nhi-39-tuan-tuoi-5

Đọc một cuốn sách kích thích trí tưởng tượng tốt cho bà bầu.

Hãy thử hình dung mình đang chuyển dạ. Hãy tưởng tượng mình mạnh mẽ và làm được bất cứ điều gì cần thiết để em bé chào đời suôn sẻ. Hãy tin tưởng vào bệnh viện, bác sĩ, và các nhân viên y tế. Và trên hết, bạn cần phải ý thức rõ tầm quan trọng của sức khỏe và sự an toàn của bạn cũng như của em bé hơn bất kỳ mong muốn nào khác về việc chuyển dạ. Đây là ưu tiên hàng đầu.

Bạn có thể có những giấc mơ kỳ lạ, sống động về em bé trong tuần này. Bạn mơ thấy mình đã có em bé mà không nhận ra, hoặc mơ thấy giới tính của bé không như mình vẫn mong đợi. Bạn thức dậy, cảm thấy còn mệt mỏi hơn khi đi ngủ, trí tưởng tượng của bạn thực sự đã làm việc quá sức khi bạn mang thai quá hạn.

Chế độ dinh dưỡng

Mẹ có thể chuyển dạ vào bất cứ lúc nào trong thời gian này khi đang mang thai tuần 39. Và khi đã ở vào những giai đoạn chuyển dạ cuối, các cơn gò tử cung mạnh mẽ sẽ khiến mẹ chẳng thiết ăn uống gì cả.

Tuy nhiên, khi mẹ còn đang ở giai đoạn chuyển dạ đầu và đang ở nhà, thì việc nạp vào cơ thể ít đồ uống và thức ăn nhẹ dễ tiêu hóa sẽ giúp mẹ bổ sung nguồn năng lượng dự trữ và tránh bị mất nước, hơn nữa còn giúp mẹ đương đầu tốt hơn với cơn đau khi chuyển dạ sinh con.

Những thức ăn chứa tinh bột như bánh mì, ngũ cốc, bánh quy lạt, chuối giải phóng năng lượng từ từ, nên thích hợp để giúp mẹ vượt qua các cơn gò chuyển dạ.

thai-nhi-39-tuan-tuoi-6

Bánh quy tốt cho bà bầu.

Một điều cần ghi nhớ là mẹ nên ăn thường xuyên với lượng nhỏ thức ăn chứ không nên ăn nhiều cùng một lúc. Khi mẹ chuyển dạ, thức ăn sẽ cần nhiều thời gian hơn để được tiêu hóa hết do phần lớn lưu lượng máu đang tập trung ở tử cung. Do đó, nếu ăn nhiều một lúc, có thể mẹ sẽ bị nôn mửa.

Dù việc cung cấp năng lượng và nước cho cơ thể là cần thiết nhưng cũng có những trường hợp
mẹ không nên ăn uống gì. Khi dùng các biện pháp giảm đau dùng pethidine, diamorphine, hay gây tê ngoài màng cứng, mẹ không nên ăn gì hoặc chỉ ăn những thức ăn nhẹ, và uống
ít ngụm nước hoặc nước bổ sung ion và chất điện giải.

Trường hợp sinh mổ, mẹ bầu không nên ăn gì cả, vì nếu cần gây mê toàn thân mẹ sẽ có nguy cơ nhỏ hít phải thức ăn vào và gây viêm phổi.

Những bệnh thường gặp

Trong tuần này, bạn cảm thấy cơ thể mình đã căng quá mức và không thể nào căng thêm được nữa. Bạn cảm tưởng như em bé trong bụng bạn sắp rơi ra rồi. Những tuần cuối này, do em bé của bạn đã lọt xuống phía dưới và được nâng đỡ bởi xương chậu nên bạn không còn bị làm phiền bởi chứng đi tiểu liên tục. Ngoài ra cảm giác ợ nóng, đầy hơi, hay táo bón cũng đã bớt làm phiền bạn so với trước đây.

thai-nhi-39-tuan-tuoi-7

Triệu chứng của bà bầu 39 tuần tuổi.

Mặc dù rất mệt nhưng bạn vẫn không thể ngủ. Nguyên nhân phần lớn có thể là do bạn đang rất hồi hộp mong đợi ngày thiên thần nhỏ của mình chào đời.

Bạn cảm thấy đau lưng rất nặng, thỉnh thoảng là những cơn gò Braxton Hicks (cơn co thắt tử cung giả). Mặc dù các hiện tượng này đã từng xảy ra với bạn nhưng do đây là những tuần cuối nên bạn có thể nhầm tưởng mình sắp sinh vì thật khó để phân biệt sự khác nhau giữa những cơn gò này, với những cơn co thắt tử cung khi chuyển dạ thật.

XEM THÊM: Cẩm nang mang thai: Thai nhi 38 tuần tuổi

Bố mẹ nên làm

Đây là những tuần cuối của giai đoạn thai nghén rồi bố mẹ ạ. Hãy tận hưởng và lưu lại những giây phút tuyệt vời này trước khi bé chào đời. Hãy tạo điều kiện giúp mẹ được nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn và đặc biệt nên tránh stress cho mẹ, bố nhé!

Đây là thời điểm tốt để tìm hiểu kỹ về các cơn gò khi chuyển dạ. Nên khám định kì 1 tuần 1 lần và trao đổi với bác sĩ về những cơn đau bạn gặp phải nếu như có bất kỳ sự khác thường nào. Ngoài ra bác sĩ của bạn cũng tiến hành hàng loạt các xét nghiệm, siêu âm như mức nước ối như thế nào, cổ tử cung của mẹ xem nó đã sẵn sàng chưa. Vị trí của cổ tử cung, độ mềm, mỏng và giãn nở của nó đều có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ của mẹ…

Hãy quan tâm nhiều hơn tới những ông bố tương lai, bởi vì khi bé yêu xuất hiện là lúc những ông bố sẽ bị bạn bỏ rơi đấy. Hãy giục chồng bạn kiểm tra lại địa chỉ liên lạc khi cần và chuẩn bị nhập viện. Các mẹ hãy nghỉ ngơi đầy đủ, giữ gìn thể lực tốt để chuẩn bị cho ca sinh nở sắp đến.

Mỗi tuần thai - một chủ đề: 3 câu hỏi về … giục sinh

Câu hỏi 1: Giục sinh là gì?

Nếu quá trình chuyển dạ của bạn không tự bắt đầu, bác sĩ sẽ có thể dùng một số thuốc và kỹ thuật nhất định để giúp bắt đầu hoặc “tạo ra” những cơn co thắt. Bác sĩ sẽ làm điều này khi những rủi ro của việc kéo dài thời gian mang thai cao hơn so với nhữn rủi ro do việc giục sinh đem lại. Hầu hết bác sĩ sẽ giục chuyển dạ nếu bạn vẫn mang thai sau 1-2 tuần sau ngày dự sinh. Việc này là vì nhau thai của bạn đã có thể trở nên kém hiệu quả trong việc cung cấp chất dinh dưỡng vào khoảng tuần thứ 42, và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác có nhiều khả năng xảy ra sau khi quá ngày dự sinh của mẹ.

Câu hỏi 2: Quá trình giục sinh thực hiện thế nào?

Có nhiều phương pháp khác nhau, bác sĩ của bạn sẽ có thể sử dụng một trong số đó tùy theo tình trạng của bạn – dựa vào tình trạng cổ tử cung của bạn (đã chín hay chưa) và tính khẩn cấp của việc giục sinh.

Thông thường, nếu bạn cần giục sinh nhưng cổ tử cung của bạn vẫn chưa giãn hoặc mỏng ra, bạn sẽ được cho nhập viện và người chăm sóc bạn sẽ bắt đầu giục sinh bằng cách tiêm thuốc có chứa prostaglandins vào trong âm đạo của mẹ. Thuốc này sẽ giúp làm chín cổ tử cung và cũng có thể kích thích sự co bóp đủ để bắt đầu chuyển dạ.

Nếu prostaglandins không làm cho bạn chuyển dạ, bác sĩ sẽ tiêm cho bạn một loại thuốc gọi là Pitocin (hay còn gọi là oxytocin). Thuốc này được truyền qua IV và được dùng để bắt đầu quá trình chuyển dạ hoặc tăng cường sự co bóp. (Nếu cổ tử cung của bạn đã chín, bác sĩ sẽ bắt đầu ngay với Pitocin.)

Câu hỏi 3: Có phương pháp kích thích chuyển dạ nào mà tôi có thể tự thử được không?

Không có kỹ thuật nào tự mình làm được chứng minh là hiệu quả và an toàn, do đó bạn đừng thử bất cứ điều gì mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là tin sốt dẻo về một số phương pháp mà bạn có thể đã nghe nói đến:

Quan hệ tình dục: Tinh dịch có chứa prostaglandins và việc đạt cực khoái có thể kích thích tạo ra một số cơn co thắt. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng quan hệ tình dục có thể làm giảm sự cần thiết phải kích thích chuyển dạ, nhưng một số khác cho thấy việc này không có tác dụng gì đối với việc thúc đẩy chuyển dạ cả.

Kích thích núm vú: Kích thích núm vú giải phóng oxytocin, và có thể giúp bắt đầu quá trình chuyển dạ, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Bởi vì nó có thể kích thích quá đà tử cung của mẹ, các cơn co thắt và phản ứng của em bé của bạn cần được theo dõi qua máy nên đừng thử phương pháp này tại nhà.

Dầu thầu dầu là một loại thuốc nhuận tràng mạnh, và việc kích thích ruột của bạn có thể gây ra một số cơn co thắt. Không có bằng chứng dứt khoát nào cho thấy nó giúp tạo ra chuyển dạ dù rất nhiều phụ nữ có thể chứng thực cho các hiệu ứng khó chịu của nó. Hoặc bạn có thể ăn một bữa món Thái với cà ri thật cay để kích thích ruột co thắt.

thai-nhi-39-tuan-tuoi-2

Món cà ri thái các mẹ nên ăn.

Các phương pháp thảo dược: Một loạt các loại thảo mộc được chào mời là có ích cho việc giục sinh. Một số rất nguy hiểm vì chúng có thể gây nên những cơn co thắt quá dài hoặc quá mạnh và có thể không an toàn cho em bé của bạn cũng như nhiều nguyên nhân khác nữa. Với những loại khác, sự an toàn và hiệu quả vẫn chưa biết được.

Gợi ý cho tuần này

Hãy thư giãn hết mức có thể! Mẹ có thể thuê vài bộ phim, chọn đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc tạp chí, nghe một đĩa CD mới, ngủ hoặc chợp mắt bất cứ khi nào có thể. Mẹ đang ở điểm cuối của thai kỳ và xứng đáng được có những khoảng thời gian tĩnh! Nếu bạn vận động liên tục đến lúc sinh, mẹ sẽ kiệt sức sau khi sinh bé.

Quá trình mang thai của bạn đã đến giai đoạn cuối cùng, thai nhi 39 tuần tuổi và thai nhi 40 tuần tuổi là hai tuần quan trọng bố mẹ đều háo hữc chờ sinh. Tuy nhiên đừng vì quá nóng vội mà mắc phải một số sai lầm, nhất là các ông bố trong lúc chờ vợ sinh nhé. Hãy chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể để vợ và bé yêu của mình cảm thấy thoải mái nhất. 

Cẩm nang mang thai: Thai nhi 40 tuần tuổi

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!