Top 4 món đặc sản Cà Mau bạn nhất định phải nếm một lần

25.09.2023 - 11:47

Cà Mau thu hút du khách bởi cái đẹp sơ nguyên, hoang dã của những cánh rừng nguyên sinh, cái mặn mòi đậm vị phù sa Đất Mũi - cực Nam Tổ Quốc, không ngẫu nhiên mà được mệnh danh là "Thiên đường giao thoa giữa rừng và biển", và hơn hết, ẩm thực Cà Mau với những món ăn mang đậm phong vị miền Tây luôn là điều giữ chân du khách khi có dịp ghé qua.

Nói về đặc sản Cà Mau thì nhiều vô kể, bài viết bên dưới sẽ gợi ý cho bạn 4 món nhất định phải ưu tiên "nếm" trước khi đặt chân đến nới đây nhé!

1. Cua Cà Mau

Nghe đến cua là đã kích thích vị giác rồi. Cua biển Cà Mau nổi tiếng là ngon nhất nước vì thịt ngọt, gạch béo ngậy và thơm nồng mùi biển. Vì cua ở đây sống ở vùng bãi bồi ven biển có nhiều vi sinh, khoáng chất nên cua to béo và thịt chắc nịch. Người Cà Mau thường dùng cua như một món đặc sản tiếp đãi khách phương xa, hoặc làm quà tặng bạn bè khi đi sang những tỉnh khác. Sau đây là một số món ngon được chế biến từ cua biển Cà Mau.

Cua hấp

Đơn giản và ngon nhất, vì giữ lại được trọn vẹn vị ngọt và tươi của cua. Cua được lựa chọn con to, chắc rồi cho vào nồi hấp cách thuỷ 10 - 15 phút. Có thể đa dạng món cua hấp bằng: cua hấp muối hột, cua hấp bia, cua hấp sả....

Sau khi hấp xong, cua có màu vàng gạch đẹp mắt, bẻ càng ra lộ từng thớ thịt thơm nức mũi, gạch đỏ sóng sánh. Khi ăn nặn chút muối tiêu, cắt chanh và vài lát ớt tươi vào một cái chén nhỏ, ăn kèm ít rau răm, nhai chậm để cảm nhận vị ngọt và thơm.

du-lich-ca-mau-1

Cua rang me

Đây là món ăn được chế biến khá công phu, làm chín cua, xào nước sốt, nêm nếm cho đậm vị. Đồng thời cũng là món ăn "cuốn lưỡi" thực khách. Ấn tượng bởi cái vị chua ngọt của me, cay cay của ớt, bùi béo của đậu phộng hoà quyện cùng thịt cua ngon không cưỡng lại, vừa ăn được thịt, còn vừa mút vỏ cua thấm nước sốt me thì chắc chắn ăn một lần rồi, sẽ muốn ăn thêm lần hai, lần ba và thêm hẳn món ăn này vào danh sách ẩm thực khi quay trở lại Cà Mau vào lần sau.

Cua rang muối

Tương tự như cua rang me, cua rang muối cũng được chế biến khá công phu. Để có được món cua rang muối ngon thì trong quá trình chế biến cần đảm bảo càng cua không bị rụng. Món này thì cần chọn cua thịt chắc ngọt vì ăn ngon nhất là phần càng. Vỏ cua giòn rụm, thấm muối, sau khi mút phần vỏ để cảm nhận cái vị mặn ngọt, cay của muối, ớt, thơm nồng của hành tỏi phi vàng thì tách vỏ để thưởng thức tiếp đến vị tươi của thịt. Cua biển rang muối là món ăn độc đáo chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất khi ghé Cà Mau.

À, món này mà ăn với muối ớt xanh thì càng ngon hơn nhiều nhé!

du-lich-ca-mau-2

 

2. Đặc sản từ ong rừng U Minh

Mật ong rừng U Minh hạ

Nhắc đến U Minh là nhắc đến mật ong rừng. Mật ong rừng là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Cà Mau, là một trong những món sản vật quý hiếm chỉ có rừng tràm mang lại.

U Minh là vùng đất có hệ sinh thái tràm, ong sinh trưởng tự nhiên nên mật ong ở đây có màu cam vàng óng ánh sánh đặc, vị ngọt thanh dịu, thơm mùi hoa tràm rất đặc trưng và có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Công dụng của mật ong thì có rất nhiều, đặc biệt tốt đối với sức khỏe người già, phụ nữ mang thai và trẻ em, nên mật ong rừng U Minh thường được du khách mua về biếu người thân, bạn bè. Không những vậy, thưởng thức mật ong nguyên chất ngay tại chỗ cũng là một trải nghiệm đáng nhớ khi du khách tham gia du lịch tại vùng đất cực Nam Tổ Quốc.

7-1

Ong non và 2 món ngon "trứ danh"

Ngoài việc lấy mật, lấy kèo để nấu sáp, người Cà Mau còn lấy nhộng ong để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, mang đậm phong vị miệt rừng, trong đó không thể không kể đến là gỏi ong non và ong non chiên bột.

Nghe tên thôi đã thấy béo ngậy trên đầu lưỡi. Nếu gỏi ong non chinh phục du khách bằng vị béo của sữa ong kết hợp cùng bắp chuối chát nhẹ, ăn kèm rau răm, rau thơm quế và chua chua của nước cốt chanh, thì ong non chiên bột lại mang đến một hương vị khác. Tuy cùng là món ăn từ nhộng ong, song món ong chiên giòn này lại giữ cả phần sáp. Người chế biến sẽ cắt thành từng miếng vừa ăn, lăn cho ngấm đều bột rồi chiên phồng lên. Khi ăn, sẽ cảm nhận được độ giòn rụm của lớp vỏ bên ngoài, cắn sâu vào là sáp ong và ong non hoà vào nhau béo ngậy, tạo nên một hương vị khó quên.

Kem chống nắng Vichy Ideal Soleil Mattifying Face Fluid Dry Touch

3. Bánh tằm cay

Về Cà Mau mà không ăn qua bánh tằm cay là chưa biết hương vị miền Tây.

Có nhiều giả thuyết về sự ra đời của món ăn này, một trong số đó là bắt nguồn từ người Khmer, mang món càri Chà và đi khắp vùng, khi về đến Cà Mau thì kết hợp với bánh tằm ngọt dân dã, làm nên món bánh tằm càri cay.

Cũng có người cho rằng bánh tằm cay vốn là món ăn của người Hoa. Cà Mau là vùng đất có cộng đồng người Hoa sinh sống lâu đời. Người Hoa nổi tiếng chịu khó, nấu ăn ngon, trải qua bao nhiều năm kết hợp với ẩm thực miền Tây tạo nên nhiều món ăn đặc sắc.

Giả thuyết nào cũng vậy, bánh tằm cay vẫn là món ăn gấy sốt của nhiều bạn trẻ khi có dịp về Cà Mau, còn người Cà Mau mỗi khi đi xa thì đều luôn nhớ đến.

Có 2 loại bánh tằm cay: bánh tằm càri gà và bánh tằm xíu mại. Cái nào cũng có cái ngon riêng, tuy nhiên bánh tằm càri gà lại được nhắc đến nhiều hơn cả.

Người chế biến sẽ múc nước sốt từ trong chiếc nồi đang sôi ùng ục, chan đều lên trên chiếc dĩa đã bày sẵn bánh tằm, sợi bánh tằm dài, to bằng nửa đầu đũa, trắng muốt. Nước cari rưới đến đâu là nhuộm vàng sợi bánh đến đó, tràn ra đáy dĩa, thơm lừng. Khách sẽ ăn kèm với gà hoặc xíu mại, thêm một chút rau giá, rau thơm.

Phải nói linh hồn của món ăn này là nước sốt, cái nước sốt sền sệt, hơi dẻo, thơm nức mùi cari thấm vào từng sợi bánh, rau giá giòn ngọt. Gà hoặc xíu mại thì chấm với muối tiêu chanh, gà dai, xíu mại thì mịn pha lẫn mùi chua cay nhẹ nhẹ, phải gọi là bùng nổ vị giác.

Món ăn này thì hơi cay, nếu ăn cay không giỏi thì phải dặn chủ quán, làm cho phần ít cay hoặc không cay, nếu không thì xác định "vừa ăn vừa uống nước"

du-lich-ca-mau-3

4. Bún nước lèo

Món này thì ở miền Tây có ở rất nhiều địa phương, hương vị mỗi nơi mỗi khác, nhưng bún nước lèo Cà Mau thì mới đúng chuẩn cái vị sông nước.

Bún nước lèo ở Cà Mau được nấu tương tự như lẩu mắm, nhưng vị đậm đà hơn.

Tô bún thoảng thoảng hương thơm của mắm đồng, vị ngọt của tôm, cá lóc tươi, ăn kèm rau giá, bắp chuối thái và rau muống sống. Bún nước lèo ở đây đặc biệt không có heo quay như những nơi khác, mà chủ yếu là cá và tôm. Cà Mau thì xứ tôm, mà tôm đất ngọt thịt thì còn gì chê được.

Người sành ăn bún nước lèo là phải ăn chung với đầu cá lóc, mà cá lóc đồng thì càng ngon, thịt chắc nịch, ngọt xớt, chấm với nước mắm ớt. Còn một tips nữa, để được thưởng thức một tô bún nước lèo chuẩn vị Cà Mau, trước khi ăn du khách đừng quên nặn vào tô một miếng chanh, một muỗng ớt chua ở quán có bày sẵn.

Không có hình thức cầu kỳ, bún nước lèo tập trung vào cái chất. Tô bún nước lèo của Cà Mau nhìn sơ qua thấy vài con tôm, miếng cá, một ít rau, người ở xa đến nghe mùi mắm hăng hăng. Nhưng chỉ cần nặn vào tô miếng chanh, miếng ớt rồi húp thử nước lèo, thực khách khó tính nhất cũng sẽ bị chinh phục bởi hương vị đê mê, đậm đà. Cho nên không quá khi nói rằng, bún nước lèo là món ăn quê nhà gây thương nhớ cho những người con Cà Mau xa quê, cũng chính là món ăn níu chân du khách khi đến thăm vùng đất cực nam phù sa màu mỡ này.

du-lich-ca-mau-4

Trên đây là 4 món đặc sản không thể bỏ qua khi bạn ghé thăm Cà Mau, hi vọng sẽ giúp bạn có một chuyến đi thú vị khi khám phá vùng đất tận cùng Tổ Quốc. Về Cà Mau, cái gì không biết thì hỏi, sẽ được chỉ dẫn tận tình, vì "người Cà Mau dễ thương vô cùng"!

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!