Chứng khoán phái sinh là gì? Những kiến thức quan trọng cần biết

10.08.2022 - 16:02

Chứng khoán phái sinh là gì? Có nên đầu tư vào Chứng khoán phái sinh hay không? Đây chắc hẳn là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chính vì vậy trong bài viết dưới đây hãy cùng mình tìm hiểu về Chứng khoán phái sinh là gì và thị trường chứng khoán phái sinh nhé!

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Tại khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa:

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Trong đó, tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh (theo khoản 10 Điều 4 Luật Chứng khoán).

chung-khoan-phai-sinh-la-gi-1657074764

Hiểu một cách đơn giản, chứng khoán phái sinh là một hợp đồng tài chính quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Trong đó, giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai.

2. Phân loại chứng khoán phái sinh

Căn cứ vào Luật chứng khoán 2019Nghị định 42/2015/NĐ-CP, gồm các loại như sau:

Hợp đồng tương lai

Là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

a) Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai;

b) Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn

Là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng quyền chọn

Là loại chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

a) Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

b) Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng hoán đổi

Là việc bán một ngoại tệ nhưng đồng thời ký hợp đồng mua lại nó vào một thời điểm nào đó trong tương lai, hoặc mua một ngoại tệ nhưng đồng thời lại ký hợp đồng bán lại nó vào một thời điểm khác trong tương lai.

chung-khoan-phai-sinh-la-gi-3-1657074778

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm).

Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

Như vậy, việc phân loại chứng khoán phái sinh như trên người ta thường gọi là phân loại theo sản phẩm giao dịch. Ngoài ra, còn có cách phân loại theo phương thức giao dịch:

  • Chứng khoán phái sinh niêm yết: hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn
  • Chứng khoán phái sinh trên thị trường phi tập trung: hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi và một số quyền chọn

3. Đặc điểm của Chứng khoán phái sinh

  • Mỗi chứng khoán phái sinh được thành lập trên tối thiểu một tài sản cơ sở và có giá trị gắn liền với giá trị của phần tài sản đó.
  • Chứng khoán phái sinh không xác nhận quyền sở hữu với tài sản cơ sở mà chỉ là sự cam kết về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong tương lai giữa hai bên tham gia vào hợp đồng.
  • Chứng khoán phái sinh là công cụ gắn liền cùng đòn bẩy tài chính. Do đó, chứng khoán phái sinh mang tính chất chủ yếu là đầu tư vào sự biến động giá trị của tài sản chứ không phải là sự đầu tư vào một loại tài sản thực tế.

4. Phân biệt chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở

Để phân biệt chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh NĐT có thể so sánh qua những điểm khác biệt như: Thị trường giao dịch, các loại lệnh giao dịch, số lượng phát hành/niêm yết; bán khống chứng khoán, số tiền cần để giao dịch, chu kỳ thanh toán…

chung-khoan-phai-sinh-la-gi-1657074795

Thị trường giao dịch

  • Chứng khoán cơ sở: được giao dịch ngay trên thị trường. Giao dịch chứng khoán cơ sở nó có tính tức thời và không được phép thay đổi hay lựa chọn.
  • Chứng khoán phái sinh: được giao dịch trên thị trường phái sinh. Thị trường phái sinh có nhiều ưu điểm như hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường cơ sở; như việc nó có cho phép sử dụng đòn bẩy. Bên cạnh đó, nó còn đưa ra những lợi thế tối đa cho nhà đầu tư nắm bắt cơ hội giao dịch; để đoán được xu thế trên thị trường.

Khả năng bán khống

  • Chứng khoán cơ sở: Theo quy định tại Việt Nam, nhà đầu tư không được phép thực hiện hoặc hạn chế ở một số thị trường.
  • Chứng khoán phái sinh: Thực hiện bằng hình thức tham gia vị thế bán mà không cần có tài sản cơ sở.

Số lượng cổ phiếu được phát hành

  • Chứng khoán cơ sở: Có giới hạn, được kiểm soát chặt chẽ số lượng cổ phiếu phát hành. Số lượng chứng khoán phụ thuộc vào các đơn vị tổ chức phát hành.
  • Chứng khoán phái sinh: Không có giới hạn, niêm yết tự do, dựa vào cung – cầu của các nhà đầu tư.

Số tiền cần để giao dịch

  • Chứng khoán cơ sở: Số tiền tối thiểu cần có để tiến hành giao dịch bằng tổng giá trị số chứng khoán muốn mua. Chứng khoán cơ sở không được ứng dụng đòn bẩy.
  • Chứng khoán phái sinh: Vốn bạn cần bỏ ra để giao dịch chứng khoán phái sinh chỉ là một phần giá trị chứng khoán và bạn còn được sử dụng đòn bẩy. Đây là điểm khác biệt tác động tới thị trường.

Thời điểm để chuyển giao và thanh toán

  • Đối với chứng khoán cơ sở: thời điểm thanh toán sẽ được diễn ra ngay sau khi kết thúc giao dịch.
  • Đối với chứng khoán phái sinh: thời điểm thanh toán được diễn ra trong tương lai.

Thời gian giao dịch

  • Chứng khoán cơ sở: được giao dịch ở những khung thời gian là: 09h00 – 11h30; 13h00 – 15h00.
  • Chứng khoán phái sinh: được giao dịch với những khung thời gian là: 08h45 – 11h30; 13h00 – 14h45.

Loại lệnh giao dịch

Cả hai thị trường chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh đều được giao dịch với những loại lệnh giống nhau bao gồm: MOK, MOK, MTL, ATO, ATC, LO.

5. Ví dụ về chứng khoán phái sinh

Ví dụ 1: Ví dụ về chứng khoán phái sinh – Loại hợp đồng hoán đổi lãi suất trong hợp đồng hoán đổi

Các công ty khác nhau sẽ vay tiền với những lãi suất khác nhau. Đôi khi những người đi vay có thể muốn hoán đổi các mức lãi suất này với nhau. Ví dụ như công ty A có một khoản vay 4 triệu $ với một lãi suất thay đổi hoặc thả nổi (lãi suất có thể thay đổi theo ngày) trong khi công ty B có một khoản vay cũng giá trị 4 triệu $ với một mức lãi suất cố định (lãi suất không thay đổi).

Ngân hàng có thể tính phí hoán đổi; tính bằng một tỷ lệ phần trăm của mức lãi suất của công ty đó; để trao đổi lãi suất cho 2 công ty. Điều này có thể tạo ra những điều khoản lãi suất tốt hơn cho mỗi công ty. Trong hợp đồng hoán đổi lãi suất, chỉ duy nhất mức lãi suất được hoán đổi; phần gốc của khoản vay sẽ không được hoán đổi.

Ví dụ 2: Ví dụ về chứng khoán phái sinh – Loại hợp đồng hoán đổi tiền tệ trong hợp đồng hoán đổi

Một hợp đồng hoán đổi tiền tệ là khi hai bên đồng ý trao đổi với nhau: cả phần gốc của khoản vay (số tiền vay ban đầu); phần lãi bằng những ngoại tệ khác nhau. Hợp đồng hoán đổi tiền tệ cho phép các công ty đầu tư vốn xuyên biên giới mà không phải chịu rủi ro về thay đổi tỷ giá hối đoái.

Ví dụ như một công ty Mỹ muốn thành lập một công ty con ở Đức; một công ty Đức khác muốn đầu tư vào một dự án ở Mỹ. Hai công ty này có thể tạo một thỏa thuận để vay tại thị trường địa phương của họ; hoán đổi tiền tệ thông qua một hợp đồng hoán đổi tiền tệ với ngân hàng; điều này sẽ tốn phí bằng một tỷ lệ phần trăm nhỏ của mức lãi suất mà họ phải chịu.

Ví dụ 3: Ví dụ về chứng khoán phái sinh – Hợp đồng tương lai

NĐT thực hiện mua 10 HĐTL chỉ số VN30 tại mức giá là 912. Hệ số nhân của hợp đồng là 100.000 đồng. Tỷ lệ ký quỹ là 13%. Phí giao dịch và thuế giao dịch = 0 đồng
Giá trị hợp đồng của NĐT= 912 * 10 * 100.000 = 912.000.000 VNĐ

Số tiền NĐT phải ký quỹ = 912.000.000 * 13% = 118.560.000 VNĐ

Ví dụ về chứng khoán phái sinh

Ngày 1/8/2021; ông Ba thỏa thuận sẽ mua 100kg cà phê của ông An kỳ hạn 1 tháng với mức giá 200.000 đồng/kg. Ngày 30/8/2021; ông Ba và ông An thực hiện mua bán cà phê tại mức giá 200.000 đồng/kg theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận. (Mặc dù giá cà phê thị trường lúc này đã tăng lên 220.000 đồng/ kg).

6. Đầu tư Chứng khoán phái sinh như thế nào?

Chúng ta đã biết được Chứng khoán phái sinh là gì rồi. Vậy cách đầu tư Chứng khoán phái sinh như thế nào?

Nhà đầu tư dự đoán chiều tăng (long)/ giảm (short) của chỉ số VN-30 bằng cách đặt lệnh giao dịch (mở vị thế long/short):

  • Nếu chỉ số VN-30 thay đổi đúng chiều dự đoán bạn đóng vị thế và có lãi.
  • Ngược lại nếu nhà đầu tư dự đoán ngược chiều bạn đóng vị thế và bị lỗ.

7. Cách chơi Chứng khoán phái sinh

chung-khoan-phai-sinh-la-gi-4-1657074824

Bước 1: Mở tài khoản giao dịch Chứng khoán phái sinh

Bước đầu tiên khi muốn tham gia thị trường, nhà đầu tư cần mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại các công ty chứng khoán. Có thể mở nhiều tài khoản, tuy nhiên tại mỗi công ty chứng khoán chỉ được mở một tài khoản. Cần có tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở trước khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh.

Các cách mở tài khoản: Nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong hai cách sau:

  • Mở trực tiếp tại Phòng giao dịch của các công ty.
  • Mở từ xa với sự hướng dẫn của công ty giao dịch.

Các công ty chứng khoán nhận mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh: BSC, HSC, MBS, KIS, SSI, VCSC, VNDS, VPBS, VCBS.

Bước 2: Nộp tiền ký quỹ ban đầu

Tiếp theo, nhà đầu tư sẽ nộp một số tiền ký quỹ ban đầu theo quy định của công ty.

  • Trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ một số tiền khá nhỏ so với giá trị hợp đồng.
  • Nhà đầu tư có thể ký quỹ bằng tiền mặt hoặc bằng chứng khoán.
  • Nếu ký quỹ bằng chứng khoán, nhà đầu tư cần đáp ứng tỷ lệ giá trị ký quỹ theo quy định của công ty chứng khoán.

Bước 3: Thực hiện giao dịch mua bán

Sau khi nộp đầy đủ số tiền ký quỹ, nhà đầu tư có thể tiến hành đặt lệnh giao dịch và thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán phái sinh.

  • Nhà đầu tư cần đáp ứng yêu cầu về lệnh giao dịch, bao gồm số lượng ký quỹ ban đầu, giới hạn vị thế và khả năng giao dịch còn lại của tài khoản.
  • Có thể giao dịch thông qua nhân viên môi giới hoặc qua phần mềm của công ty chứng khoán.

Bước 4: Bổ sung ký quỹ/ rút lãi

Dựa theo kết quả giao dịch và giá trị thanh toán hàng ngày, tài khoản nhà đầu tư sẽ được công ty chứng khoán hạch toán.

  • Nếu tài khoản ký quỹ không đáp ứng đủ số dư quy định, nhà đầu tư sẽ cần phải bổ sung ký quỹ để tài khoản quy về mức ký quỹ ban đầu.
  • Nếu tài khoản vượt giá trị ký quỹ yêu cầu, công ty chứng khoán sẽ thông báo để nhà đầu tư có thể rút lãi.

Bước 5: Theo dõi tỷ lệ

Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ được tính dựa trên ký quỹ yêu cầu/tài sản ký quỹ. Cần theo dõi tỷ lệ này thường xuyên nhằm có những hành động phù hợp, hạn chế các rủi ro.

8. Đầu tư Chứng khoán phái sinh có đảm bảo không?

Mặc dù rất “hấp dẫn” với cơ chế hoạt động linh hoạt và sự đa dạng sản phẩm, nhưng khác biệt của Chứng khoán phái sinh vẫn khiến nhà đầu tư F0 không khỏi nghi ngại liệu Chứng khoán phái sinh có thật sự đảm bảo?

Nhiều nhà đầu tư đưa ra lý do rằng yếu tố “tương lai” làm cho sản phẩm giống một dạng cược may rủi và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là đầu tư cổ phiếu thông thường.

chung-khoan-phai-sinh-la-gi-2-1657074841

Câu trả lời là nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm khi đầu tư sản phẩm Chứng khoán phái sinh. Trên thực tế nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, bất cứ sản phẩm chứng khoán nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro không chỉ riêng Chứng khoán phái sinh.

Nhà đầu tư có thể hạn chế chúng bằng cách trau dồi kiến thức mới và tham khảo các báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán, các trang tin tức uy tín. Bên cạnh những rủi ro, nhà đầu tư cũng cần nhìn vào những ưu điểm của Chứng khoán phái sinh để thấy được tiềm năng của sản phẩm rất đáng đầu tư này, bao gồm:

  • Phòng ngừa rủi ro biến động giá: Nhà đầu tư nếu dự đoán được mức giá của một tài sản cơ sở sẽ tăng hoặc giảm trong tương lai họ sẽ giảm thiểu rủi ro biến động giá bằng việc mua hoặc bán hàng hóa với giá ở thời điểm hiện tại nhờ hợp đồng tương lai.
  • Bán khống chứng khoán: Nhà đầu tư có thể bán các chứng khoán phái sinh ngay cả khi không có tài sản cơ sở.
  • Tính thanh khoản cao: Chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản cao do sản phẩm này được niêm yết và giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán.
  • Lợi ích đòn bẩy tài chính: Nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ một phần tài sản nhưng được giao dịch với cổ phiếu có giá trị gấp nhiều lần số tiền ký quỹ, mang lại lợi thế đầu tư.

9. Kinh nghệm chơi chứng khoán phái sinh

Quản lý cảm xúc cá nhân

Cảm xúc là thứ làm cho nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định sai lầm. Thị trường chứng khoán phái sinh biến động không ngừng, nhà đầu tư mới hoặc có tâm lý chưa vững dễ lo sợ và bị cuốn vào làn sóng thị trường.

Muốn quản lý được cảm xúc cá nhân, nhà đầu tư nên trang bị kiến thức, kỹ năng phân tích thị trường, đánh giá biểu đồ, từ đó sẽ có tư duy nhạy bén hơn, có cái nhìn tổng quát về thị trường và không bị “lung lay” trước những thông tin nhiễu loạn.

Quy tắc 2% – 6%

Quy tắc 2% – 6% là kinh nghiệm chơi chứng khoán phái sinh được nhiều nhà đầu tư áp dụng. Với quy tắc này, nhà đầu tư xác định được điểm dừng cắt lỗ bằng cách lấy số tiền lỗ chấp nhận mất chia số lượng hợp đồng để có được mức giá phù hợp nhất. Quy tắc 2% – 6% có 3 nguyên tắc như sau:

Áp dụng ngưỡng hỗ trợ hoặc ngưỡng kháng cự fibonacci.

Tiền lỗ không được vượt quá 2% tổng số tiền đầu tư/mỗi vị thế.
Số tiền lỗ chấp nhận mất tối đa 6% tổng số tiền đầu tư/mỗi vị thế.

Nguyên tắc bảo toàn lãi

Giao dịch phái sinh như thế nào để bảo toàn lãi? Nguyên tắc bảo toàn lãi nghĩa là trong mọi phiên giao dịch, khi có lãi phải hiện thực hóa ngay trong ngày, không duy trì vị thế qua đêm.

Khi chơi chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư luôn giao dịch T+1, T+0, nghĩa là được phép mua hôm nay, hôm sau bán hoặc bán ngay trong ngày. Như vậy, mỗi phiên sẽ thực hiện chốt lời, cắt lỗ ngay mà không để sang ngày hôm sau.
Với cách làm này, nhà đầu tư sẽ canh thời điểm mua để bảo toàn lãi, nếu lỡ nhịp thì nên chờ cơ hội khác. Lãi mỗi ngày được bảo toàn, tránh việc nhà đầu tư tham lam giữ một vị thế quá lâu gây mất lãi, thậm chí thua lỗ. Đây cũng là một cách kiềm chế cảm xúc tốt với nhà đầu tư, tránh dao động do tác động của thị trường.

Trên đây là các kiến thức giúp bạn trả lời câu hỏi Chứng khoán phái sinh là gì. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu về Chứng khoán phái sinh nhé!

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

avatar-co-to-quoc
Tú Cao

Kỹ sư công nghệ, Doanh nhân

Tác giả Tú Cao Tú Cao là một kỹ sư công nghệ thông tin, một doanh nhân và một blogger về marketing và tài chính. Anh có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực web-app, SEO, quản lý và xây dựng ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!