Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An 2024

05.06.2024 - 16:50

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 tại Nghệ An đã chính thức khép lại, mang đến niềm vui và sự hồi hộp cho hàng ngàn thí sinh. Môn Ngữ Văn với vị trí quan trọng trong kỳ thi luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đáp án chi tiết và đầy đủ cho đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 tỉnh Nghệ An năm 2024, cùng với phân tích chuyên sâu từng phần thi, giúp bạn đánh giá toàn diện năng lực và định hướng ôn tập hiệu quả cho những kỳ thi tiếp theo.

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An 2024

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Nghệ An năm nay sẽ được tổ chức trong 2 ngày là 5/6 và 6/6/2024 với 3 môn thi gồm Ngữ văn - Toán (thi theo hình thức tự luận) và Ngoại ngữ (thi theo hình thức trắc nghiệm). Cụ thể:

- 8h sáng ngày 5/6/2024: môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút.

- Chiều ngày 5/6/2024: thi môn Ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.

- Sáng ngày 6/6/2024: thi môn Toán với thời gian làm bài 120 phút.

Dưới đây là Đáp án đề thi vào lớp 10 Nghệ An môn Ngữ Văn năm học 2024-2025:

dap-an-de-thi-mon-ngu-van-ben-tre

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An 2024

Câu 1. Đọc hiểu

a. Thể thơ tự do

b. - Từ láy: mơn mởn

- Từ ghép: cánh đồng.

c. Hình ảnh quê hương hiện lên:

- Hình ảnh quê hương hiện lên vô cùng yên bình, giản dị: hoa xoan tim, lũy tre làng, cây gạo, cánh cò.

- Hình ảnh quê hương hiện lên với vẻ đẹp truyền thống với mái đình cong cong.

=> Quê hương hiện lên thật đẹp đẽ, dù gặp bão táp vẫn kiên cường đứng dậy. Những nét đẹp truyền thống, sự bình yên vốn có của làng quê Việt Nam vẫn luôn được gìn giữ.

d. Học sinh tự nêu thông điệp nhận được. Gợi ý:

- Thông điệp về tình yêu quê hương đất nước.

Câu 2.

1. Mở bài:

Nêu vấn đề bản luận: Thế hệ trẻ hôm nay cần thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương.

2. Thân bài:

a. Giải thích: Thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước là việc ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với đất nước.

b. Bàn luận:

- Vì sao thế hệ trẻ cần thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước?

+ Quê hương đất nước là nơi con người được sinh ra, nơi nuôi nấng, nâng đỡ con người từ khi mới lọt lòng.

+ Thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước chính là một cách thể hiện tình yêu đối với nơi mình sinh ra, tổ quốc của mình.

+ Thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước giúp thế hệ trẻ có động lực phát triển bản thân, đem sức mình ra cống hiến cho sự phát triển của quê hương đất nước.

- Cần làm gì để thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước?

+ Tích cực trau dồi bản thân cả về kiến thức, kĩ năng, đạo đức để xây dựng quê hương, đất nước.

+ Lan tỏa tình yêu nước đến với những người xung quanh.

+ Có những hành động, tham gia vào các hoạt động cộng đồng nhằm thúc đẩy tình yêu nước, giúp thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm, lòng biết ơn đối với quê hương, đất nước.

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

c. Liên hệ bản thân.

Câu 3.

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Làng:

+ Nhà văn Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông vốn am hiểu và gắn bó sâu rộng với cuộc sống nông thôn, Làng là truyện ngắn xuất sắc của ông.

+ Dẫn dắt nội dung nghị luận: diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trước và sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

II. Thân bài

1. Tâm trạng của ông Hai và tình yêu làng

- Nhân vật ông Hai là người nông dân yêu và tự hào về làng, mọi niềm vui, nỗi buồn của ông đều xoanh quay chuyện làng chợ Dầu.

- Ông suy nghĩ vẩn vơ, nhớ về những ngày được làm việc, được chiến đấu cùng anh em, niềm vui ấy bật lên thành tiếng “Ô, sao mà độ ấy vui thế!".

- Những ngày hoạt động đó khiến ông thấy mình trẻ ra: hát hỏng, bông phòng, ...

- Khao khát được về làng để làm việc với anh em.

- Nỗi nhớ làng trong ông lại dâng lên mãnh liệt.

2. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

- Khi đang vui mừng tin thắng trận ở khắp nơi thì ông Hai nghe tin dữ: làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian, ông bất ngờ, choáng váng (Cổ ông nghẹn ắng lại như không thở được).

- Ông cố trấn tĩnh bản thân, ông hỏi lại như thể không tin vào những điều vừa nghe thấy nhưng người phụ nữ tản cư khẳng định chắc chắn khiến ông Hai sững sờ, ngượng ngùng, xấu hổ (ông cố làm ra vẻ bình thản, đánh trống lảng ra về).

+ Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân ông lão lặng đi tưởng như không thở được.

- Về tới nhà ông tủi hổ, lo lắng khi thấy đàn con (nước mắt lão cứ dàn ra, chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?)

+ Niềm tin, sự ngờ vực giằng xé mạnh trong tâm trạng ông Hai

- Nghe thấy tiếng chửi bọn Việt gian “ông cúi gằm mặt xuống mà đi”, nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài

+ Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, thấy đám đông tụ tập nhắc tới hai chữ Cam nhông, Việt gian ông lại chột dạ.

→ Tác giả diễn đạt cụ thể nỗi lo lắng, sợ hãi tới mức ám ảnh thường xuyên của ông Hai, trong tâm trạng ông lúc nào cũng thường trực nỗi đau xót, tủi hổ trước tin làng mình theo giặc.

3. Thành công nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật

- Đặt tâm trạng nhân vật vào tình huống thử thách để khai thác chiều sâu tâm trạng

- Thể hiện tâm trạng nhân vật tài tình, cụ thể qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, và độc thoại nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, cử chỉ.

+ Ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân, và thế giới tinh thần của người nông dân.

III. Kết bài

- Tâm trạng nhân vật ông Hai được thể hiện qua nhiều cung bậc tinh tế, chân thật, đa dạng: diễn tả đúng, gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật.

- Ông Hai người yêu làng mạnh mẽ, say sưa, hãnh diện thành thói quen khoe làng, qua tình huống thử thách tình cảm đó càng trở nên sâu sắc hơn.

- Chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

Bài làm tham khảo

Kim Lân là một nhà văn gắn bó máu thịt với những người nông dân nghèo, những kiếp người chịu nhiều khốn khổ bần cùng. Ông cũng là một văn nhân có trái tim yêu nước son sắt, một tấm lòng thiết tha với dân tộc. Bởi vậy mà những sáng tác của ông thường viết về những người nông dân có lòng yêu nước, yêu cách mạng sâu sắc. Nói đến các sáng tác của Kim Lân ta không thể không kể đến truyện ngắn “Làng”. Tác phẩm đã khắc hoạ sinh động chân dung nhân vật ông Hai - một người nông dân chân chính với tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó máu thịt với bộ đội cụ Hồ. Điều đó được thể hiện một cách rõ nét nhất qua hai đoạn truyện kể lại diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi ở nơi tản cư luôn nghĩ về làng, và tâm trạng đau đớn tủi nhục của ông khi nghe tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc. {...}

Thân bài

1. Khái quát chung

Ông Hai là nhân vật chính của tác phẩm, đó là một người nông dân có tình yêu làng quê sâu sắc, nhưng vì hoàn cảnh, ông buộc phải rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông vẫn luôn nhớ về làng Chợ Dầu quê ông và tự hào khoe làng ông là làng kháng chiến. Tình yêu làng của ông Hai đã được nhà văn đặt vào một tình huống đầy thử thách. Đó là tin đồn làng chợ Dầu mà ông vẫn tự hào đã làm Việt gian theo Tây. Người nông dân ấy đã trải qua tâm trạng dằn vặt, đau đớn, phải tự đấu tranh với chính mình để lựa chọn con đường đúng đắn. Từ tình huống có ý nghĩa thử thách ở nội tâm nhân vật nhà văn đã mở ra biết bao cung bậc cảm xúc của một tấm lòng yêu làng, yêu nước và những chuyển biến mới trong tâm hồn , tình cảm của người nông dân này.

2. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai

Luận cứ 1: Tình yêu làng của ông Hai

* Chuyển ý: Trước hết ông Hai hiện lên là một người yêu nước, yêu làng, luôn tự hào về quê hương- nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nét tính cách đầu tiên và dễ nhận thấy nhất ở ông Hai là tình yêu tha thiết đối với làng ông. Đối với người nông dân, làng không chỉ là một đơn vị hành chính, địa lí. Ở đó chứa đựng cuộc sống của họ, tất cả những gì gần gũi và thân thuộc với họ. Làng chính là quê hương, là cuộc đời họ. Ông Hai cũng vậy, ông có tính hay khoe làng với tất cả niềm hãnh diện. “Ông nói về cái làng ấy một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai mắt ông sáng hẳn lên, khuôn mặt biến chuyển hoạt động.”

- Tình yêu làng đã biến ông Hai thành một con người hoàn toàn khác so với một ông Hai bị gò bó, tù túng trong căn bếp tản cư. Một nguồn sinh lực mới như dồi dào trong ông lúc đó. Tối này đến tối khác, ông nói đi nói lại về cái làng của ông. Kim Lân điểm nhịp câu chuyện bằng những lời trách móc ông hàng xóm nhãng ý không nghe chuyện, nhưng kỳ thực là để cho ta thấy rằng ông Hai không thực sự cần bác Thứ nghe, ông nói cho chính mình, nói để cho sướng miệng và cũng để thỏa nỗi nhớ làng. “Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em. […] Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá.” Những ký ức về làng xưa, xóm cũ trở thành niềm an ủi, động viên ông Hai mỗi khi chán nản. Chỉ cần được ở lại làng, cùng chiến đấu với anh em thì như có một luồng sinh lực mới chảy dồi dào trong ông, và dù có gian khổ, khó nhọc, nguy hiểm đến bao nhiêu ông cũng chịu được. Hình ảnh đó hoàn toàn trái ngược với ông Hai lúc nào cũng buồn chán, bức bối, không biết làm gì trong căn bếp tản cư. Thế nhưng đó cũng chỉ là hồi ức, một hồi ức tươi vui và đầy tự hào đến nỗi mỗi khi nhớ lại, trong ông lại trào dâng một nỗi nhớ khôn nguôi: “Ông Hai nhớ cái làng, nhớ cái làng quá.” Với ông, ngôi làng của ông vốn đã là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng và đẹp đẽ. Nay ở trong căn bếp tản cư chật hẹp, cái làng ấy lại càng đẹp hơn, trở thành một niềm mong ước, khao khát mãnh liệt. Điều đó hoàn toàn không phải phóng đại. Tâm sự của ông Hai là tâm sự của một người gắn bó với làng tha thiết, yêu làng bằng một niềm tự hào chân chính.

Luận cứ 2: Tâm trạng của ông hai khi nghe tin làng chợ dầu đi theo giặc:

- Nhưng như người xưa đã nói, cái gì cũng cần thời gian thử thách. Lòng yêu làng, yêu nước của ông bị đặt vào một tình huống éo le: làng chợ Dầu của ông theo giặc. Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình của Kim Lân đã được bộc lộ rõ ở đây. Như sét đánh ngang tai, ông từ chối tin vào điều đó. Ông Hai hỏi đi hỏi lại mãi người phụ nữ vừa mới tản cư lên. Tin đó quá bất ngờ và quá dữ dội đối với ông. “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng chừng như không thở được. Một lúc sau ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ.” Nếu như tin dữ ấy là cái làng đẹp đẽ của ông bị đốt trụi, nhà cửa, ruộng vườn của ông bị cướp mất thì có lẽ ông cũng không đau khổ bằng tin làng mình theo Tây.

- Tội nghiệp ông lão vui tính, xởi lởi giờ đây phải giả vờ đánh trống lảng “rồi đi thẳng” về nhà mặc cho “ cười nói xôn xao của đám người mới tản cư ấy vẫn dõi theo ông”. Ấy vậy mà cái giọng chua lanh lảnh của người đàn bà cho con bú vẫn văng vẳng bên tai ông “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó…………Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”. Lúc bấy giờ ông Hai không dám đi thẳng mà “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Và trong khoảnh khắc ngắn đó ông bỗng thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà. Mụ mà biết gia đình ông là người làng chợ Dầu thì thế nào cũng bị đuổi ra đường. Ông về đến nhà, nhìn lũ con, “nước mắt ông cứ giàn ra”. “ chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”.

- Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng. Giá ông không quá yêu làng, không quá tự hào về làng thì ông đã không thấy tủi nhục đến thế. Mấy chữ “cả làng chúng nó Việt gian theo Tây” như găm vào trái tim ông, vào niềm tự hào về cái làng mà ông yêu vô cùng. Tất cả những gì ông trân trọng giữ gìn trong tim giờ đây như đều sụp đổ tan tành. Ông không chấp nhận được sự thật ấy và đấu tranh nội tâm dữ dội. Lúc đầu là nghi ngại (“Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được ?“), nhưng sau đó là đau đớn khi được biết những bằng chứng rõ ràng (“Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi“). Phải thừa nhận cái tin đó, không thể nào tả được nỗi đau của ông lúc ấy. “ Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên “ Chúng bây ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.

- Chỉ một câu nói thôi mà ta như thấy được sự chênh vênh, bấp bênh giữa tình yêu làng, yêu nước và lòng tin trong người ông Hai. Có lẽ trong đời mình, ông Hai chưa từng chịu đựng hay thậm chí tưởng tượng được một nỗi đau, nỗi nhục như thế. Những tiếng ấy như thốt lên từ trái tim bị tổn thương, từ niềm tự hào bị chà đạp của ông, khiến người đọc cũng như cảm nhận được nỗi xót xa, tủi nhục của ông lúc ấy. Kim Lân đã rất tài tình khi sử dụng hàng loạt câu cảm, câu hỏi liên tiếp trong nghệ thuật độc thoại nội tâm để lột tả sự đau khổ, xót xa, uất ức mà ông Hai phải chịu đựng. Lúc này đây, làng không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn nữa, mà là một cái gì đó lớn lao hơn, là lòng tự trọng, là danh dự.

3. Đánh giá nghệ thuật

Để xây dựng thành công nhân vật ông Hai, Kim Lân đã dựng được một tình huống truyện rất đặc biệt mà qua đó nhân vật bộc lộ được chiều sâu tâm trạng. Nghệ thuật miêu tả tâm lí rất tinh tế, thông qua từng cử chỉ, hành động, ý nghĩ, lời nói,… làm cho nhân vật trở nên sống động, hấp dẫn. Khả năng sử dụng ngôn ngữ đối thoại cùng độc thoại nội tâm linh hoạt đã tạo nên một ông Hai rất điển hình của người nông dân Việt Nam yêu nước nhưng vẫn có được những nét riêng, dấu ấn riêng của bản thân mình.

Kết bài

Qua truyện ngắn “Làng” và nhân vật ông Hai, Kim Lân đã khắc hoạ thành công hình tượng người nông dân chất phác luôn yêu làng, yêu nước và tin tưởng vào kháng chiến. Những suy nghĩ tình cảm của họ được phản ánh một cách chân thực và mang tính giáo dục sâu sắc cho độc giả. Đọc truyện, ta càng thêm khâm phục và yêu thương biết bao tình yêu nước và sự hy sinh cao cả của những thế hệ đi trước và từ đó tự rút ra bài học quý giá cho bản thân.

5/5 - (1 bình chọn)

Được viết bởi

img-8133
Quỳnh Trang

Chuyên Gia Mẹ và Bé

Giới thiệu ngắn về Quỳnh Trang Quỳnh Trang là người đánh giá các sản phẩm mẹ bé của Chanh Tươi Review. Để đánh giá và chia sẻ lời khuyên của mình với những mẹ bỉm sữa khác, cô ấy đã kết hợp kinh ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!