SPF là gì? PA là gì? Chỉ số chống nắng SPF và PA bao nhiêu là đủ?

Chanh Tươi Review 31 tháng 10, 2022 - 15:07 (GMT +07)   SPF là gì? PA là gì? Chỉ số chống nắng SPF và PA bao nhiêu là đủ?

Chỉ số chống nắng SPF là gì? PA là gì? Các bạn thường thấy 2 chỉ số này xuất hiện trên bao bì của tuýp kem chống nắng nhưng không phải bạn nào cũng biết những kí hiệu SPF50+, PA+++,... được ghi trên mỗi tuýp kem chống nắng có ý nghĩa gì. 

Thực tế những chỉ số này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chống nắng của sản phẩm bạn đang dùng. Vì vậy hãy cùng mình tìm hiểu SPF, PA là gì và cách chọn kem chống nắng phù hợp trong bài viết này nhé!

1. Tia UV là gì? Tác động của tia UV ảnh hưởng đến làn da như thế nào?

Trước khi đi tìm hiểu về SPF là gì, PA là gì thì mình sẽ giới thiệu sơ qua về tia tử ngoại hay còn gọi là tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Bởi loại tia này ảnh hưởng trực tiếp đến làn da của chúng ta cũng như đây chính là nguyên nhân mà kem chống nắng được ra đời.

Tia UV (Ultraviolet) còn được gọi là tia cực tím hoặc tia tử ngoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng. Dựa vào bước sóng mà người ta thường phân loại tia UV thành 3 loại đó là:

Tên tia

Đặc điểm

Tác hại

Tử ngoại A (UVA)

Có bước sóng cao 400 - 320nm, chiếm tới 95% tia nắng mặt trời.Xâm nhập vào tầng hạ bì của da, phá hủy Collagen khiến da nhanh chóng lão hóa.

Tử ngoại B (UVB)

Có bước sóng trung 320 - 290nm, chiếm 5% lượng tia cực tím xuống trái đất.Nguyên nhân chính gây nên bỏng nắng, kích ứng da và ung thư da. Cũng có tác dụng tốt là giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể con người.

Tử ngoại C (UVC)

Có bước sóng ngắn nhất 290nm.Khử trùng, bị lớp ozon và khí quyển hấp thụ hoàn toàn.

- Những tác động của tia UV tới làn da:

  • Tác dụng của tia UV:

- Giúp tổng hợp vitamin D một cách dễ dàng: Tia UV trong ánh nắng mặt trời có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D cho cơ thể, thông qua đó giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, làm xương và răng chắc hơn. Ngoài ra còn kích thích một số hoạt động chính của cơ thể.

- Làm chậm sự phát triển của các tế bào da: Tia UV thường được ứng dụng vào điều trị bệnh vảy nến

- Diệt khuẩn, khử trùng: Tia UV có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật như vi khuẩn, virus theo cơ chế xuyên qua màng tế bào của vi khuẩn và virus, làm phá hủy ADN, ngăn chặn khả năng tái sinh và nhân lên của chúng.

  • Tác hại của tia UV:

- Làm tăng sự hình thành sắc tố melanin tạo nên tình trạng không đều màu da.

- Gây lão hóa da, khiến da bị mất nước, mất sự đàn hồi,hình thành vết nhăn, thâm nám trên da.

- Gây tổn thương bên ngoài như mẩn đỏ, cháy nắng, làm giảm khả năng sản xuất collagen và elastin trên da.

- Tăng sự hình thành các tế bào sừng khiến da bị khô ráp, sần sùi hơn.

- Tăng nguy cơ ung thư da.

- Gây tổn thương mắt và mắc các bệnh về mắt.

- Gây tổn thương hệ thống miễn dịch.

SPF là gì 1
Tác hại của tia UV đến làn da

Để biết khả năng chống lại tia UV của kem chống nắng người ta dựa vào chỉ số SPF và chỉ số PA. Vậy 2 chỉ số này là gì? Có ý nghĩa như thế nào đến làn da của chúng ta? Cùng Chanh Tươi tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

2. SPF là gì? PA là gì? Ý nghĩa của từng chỉ số trên kem chống nắng 

2.1. Chỉ số chống nắng SPF là gì? Ý nghĩa chỉ số SPF

Chỉ số chống nắng SPF ký hiệu viết tắt của Sun Protection Factor, là chỉ số thể hiện khả năng bảo vệ da dưới tác hại của tia UVB. Nói ngắn gọn thì SPF là chỉ số chống lại tia UVB. 

Định mức đo lường khả năng chống lại tia UV được tính theo số giờ và tỷ lệ phần trăm khi sử dụng kem chống nắng trên da. Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. 

Theo định mức Quốc tế thì 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế những tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Sản phẩm có chỉ số SPF cao hơn sẽ bảo vệ da khỏi nhiều tia nắng mặt trời hơn, nhưng khả năng bảo vệ không tăng theo cấp số nhân khi chỉ số SPF tăng lên.

SPF là gì 2
Chỉ số chống nắng SPF là gì?

- Ý nghĩa của chỉ số SPF được hiểu theo 2 cách như sau:

  • Theo thời gian: Nghĩa là lấy chỉ số SPF nhân 10 để tính được thời gian bảo vệ da chống tác hại của tia UVB tính bằng phút. Ví dụ kem chống nắng có chỉ số SPF là 30 thì thời gian bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB là 300 phút.
  • Theo phần trăm: Khi đặt trong điều kiện hoàn hảo thì kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ chặn được khoảng 93,4% tác hại từ tia UV, SPF 30 là khoảng 96,7%, SPF 50 là khoảng 98%. Tỷ lệ này cũng mang tính chất tương đối trong một thời gian nhất định.

Trên thực tế hiệu quả bảo vệ da của kem chống nắng còn tùy thuộc vào cường độ hoạt động đổ mồ hôi và cường độ của ánh nắng mặt trời. Lời khuyên là nên bôi lại kem chống nắng sớm hơn so với thời gian được tính theo lý thuyết bạn nhé.

2.2. Chỉ số PA là gì? Ý nghĩa chỉ số PA

Ngoài khái niệm về chỉ số SPF là gì thì còn có một chỉ số nữa đó chính là chỉ số PA. Chỉ số này thường đi kèm với chỉ số SPF được in trên bao bì của tuýp kem chống nắng.

PA là viết tắt của từ Protection Grade of UVA, có ý nghĩa biểu thị mức độ chống lại tia UVA của kem chống nắng bạn đang sử dụng.

SPF là gì 3
Hiệu quả chống nắng của mỗi chỉ số PA

- PA không phải đo bằng số như SPF mà đo bằng dấu +. Nó được chia thành 4 cấp độ và ý nghĩa của chỉ số PA trong mỗi cấp độ như sau: 

  • PA+: có khả năng chống lại tia UVA ở mức từ 40-50%
  • PA++: khả năng chống tia UVA tốt hơn, ở mức từ 60-70% và thời gian lọc tia khoảng từ 4-6 giờ.
  • PA+++: Khả năng chống tia UVA tốt, tới 90%, thời gian lọc tia khoảng 8-12h
  • PA++++: có khả năng chống tia UVA rất tốt, lên đến trên 95%. Thời gian lọc tia lên đến 16h.

PA là chỉ số chống lại tia UVA, vì vậy với những sản phẩm có chứa những bậc cộng cao hơn thì khả năng chống nắng, bảo vệ làn da chống lại tác hại của tia UVA tốt hơn.

Lưu ý:  Đối với một số loại kem chống nắng, bạn có thể không thấy ký hiệu chỉ số PA mà thay vào đó là ký hiệu viết tắt như UVA-UVB, UVA/UVB hay UVA1, UVA2. Hoặc là những ký hiệu riêng của một số thương hiệu, quốc gia. Ví dụ như SPF 60-12 nghĩa là SPF 60 và PA+++.

Ngoài ra, nếu hay sử dụng các sản phẩm chống nắng từ các quốc gia như Anh, Mỹ hay một số quốc gia Châu Âu. Chúng ta sẽ thường không thấy các nhãn hàng cung cấp chỉ số PA. Thay vào đó chúng ta thấy dòng chữ “Broad Spectrum” (*) có nghĩa là các sản phẩm chống nắng này đã được công nhận có tác dụng hạn chế tác hại của cả hai loại tia UVA và UVB. Và cả 2 chỉ số này đặc biệt phù hợp với làn da đang sử dụng acid như AHA/BHA hay retinol.

(*) Broad-Spectrum: quang phổ rộng, là chỉ số thay thế PA để biểu thị khả năng chống lại tia UVA, thường xuất hiện trên các sản phẩm kem chống nắng đến từ Mỹ, Anh,… 

3. Nên dùng kem có chỉ số chống nắng SPF - PA bao nhiêu?

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF, PA càng cao thì khả năng bảo vệ da chống tia UV và chống lại tia UV càng tốt. Nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Lý do là bởi:

- Đối với chỉ số SPF:

  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao chưa chắc đã phù hợp với làn da của người sử dụng, có thể gây ra tình trạng dị ứng và nổi mẩn đỏ.
  • Các dòng kem chống nắng có chỉ số SPF cao thường tập chung vào việc chống tia UVB hơn là chống tia UVA.
  • Chỉ số SPF càng cao, kem chống nắng càng mang lại cảm giác nhờn trên da. Hoạt chất của kem chống nắng hóa học có tính dầu cao, điều mà phần lớn mọi người không thích. Vậy nên chúng ta có thể thoa kem SPF 30 và thoa lại nếu cần.
  • Thời gian chống nắng của loại kem chống nắng có chỉ số SPF trên 60 cũng không hơn loại SPF 50 là mấy. Nhưng nếu bạn sử dụng loại có chỉ số SPF cao thời gian dài sẽ dễ gây nên hiện tượng bít lỗ chân lông và làm cho da bị tổn thương. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới các dấu hiệu lão hóa cho da. 

Vì vậy, các chuyên gia về da liễu đưa ra lời khuyên rằng chúng ta nên sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF từ 30 đến SPF 60 là đủ. Các loại kem chống nắng với chỉ số SPF nhỏ hơn 30 sẽ không mang tới hiệu quả như mong đợi. 

SPF là gì 4
SPF là gì? Chống nắng có chỉ số SPF bao nhiêu là đủ?

- Đối với chỉ số PA:

  • Trường hợp bạn hoạt động ngoài trời nhiều thì nên lựa chọn những loại kem chống nắng có PA+++ hoặc PA++++ để mang lại hiệu quả bảo vệ tốt hơn và thời gian bảo vệ dài hơn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng da của bạn đang bị mụn gây viêm và sưng thì bạn chỉ nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số từ 15 - 30 để tránh tình trạng kích ứng da. Đối với những loại kem có chỉ số cao từ 60 - 100 thì chỉ nên sử dụng ở những vùng da đặc biệt cần tránh nắng như da đang điều trị nám hay dị ứng với ánh nắng.

Lưu ý: Riêng chỉ số SPF và PA chưa thể nói lên chất lượng cũng như hiệu quả của kem chống nắng bạn đang sử dụng. Bạn nên chú ý cả thành phần của kem nữa nhé. Thành phần tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn cho da so với các loại kem có thành phần hóa học, hóa chất.

4. Cách chọn kem chống nắng phù hợp với từng loại da

SPF là gì 5
Hai loại kem chống nắng phổ biến

Ngoài việc lựa chọn kem chống nắng theo các chỉ số SPF và PA thì bạn cũng nên biết mỗi người chúng ta sở hữu một làn da khác nhau, chính vì thế việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc da nói chung và cách chọn kem chống nắng nói riêng sẽ khác nhau. 

Việc am hiểu làn da của mình và có cách lựa chọn thông minh giúp bạn tránh được những trường hợp kích ứng, có hại cho da. Tùy vào mục đích sử dụng, để lựa chọn kem chống nắng. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng kem chống nắng vật lý hoặc kem chống nắng hóa học, tuy nhiên dưới đây là một số lưu ý:

  • Kem chống nắng vật lý: phù hợp với những làn da nhạy cảm dễ kích ứng, da mụn, da dầu.
  • Kem chống nắng hóa học: phù hợp với da dầu.

Vậy là trên đây mình đã chia sẻ xong với các bạn những kiến thức về chỉ số SPF và PA trong kem chống nắng. Hy vọng qua bài viết này sẽ giải đáp cho bạn các băn khoăn về chỉ số SPF là gì và PA là gì nhé.

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.

Gửi bình luận
phuongthao
Tác giả: Chanh Tươi Review
Đội ngũ biên tập
Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Chanh Tươi Review

Thông báo