4 địa danh không thể bỏ lỡ khi du lịch Ba Thê-An Giang

Chanh Tươi Review 16 tháng 03, 2023 - 15:08 (GMT +07)   4 địa danh không thể bỏ lỡ khi du lịch Ba Thê-An Giang

1. Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo

Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo là địa điểm không thể bỏ quên khi du khách đặt chân đến vùng núi Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Đây là nơi tập trung nhiều di vật cổ xưa như đồ gốm, đất nung, tượng phật, đồ trang sức của vương quốc Phù Nam xa xưa-quốc gia cổ đại đầu tiên của vùng Đông Nam Á. Có thể nói, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo đã lưu trữ lại những di vật vô giá của kinh đô vương quốc Phù Nam cách đây hơn 2000 năm trước.

Khi dừng chân đến đây, du khách như được gặp lại tiền nhân của mình trong một không gian và thời gian khác. Đến với nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, ta sẽ thấy được sự tinh xảo và khéo léo của người Phù Nam xưa còn in dấu trên những cổ vật.

Không chỉ thế, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo còn cho chúng ta thấy cư dân Phù Nam xưa có đời sống văn hóa vô cùng phong phú, thấy được sự phát triển mạnh mẽ về thương nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp và cả đời sống tôn giáo xưa với đạo Bà la môn, Ấn độ giáo. Họ không chỉ giỏi về giao thương buôn bán mà còn giỏi về thủ công mỹ nghệ và có đời sống tín ngưỡng tôn giáo đặc biệt.

Thế giới trù phú của cư dân Phù Nam như được hiện ra một cách sinh động trên vô vàn di vật mà dù là những nhà khảo cổ hay những du khách có niềm đam mê về văn hóa Óc Eo cũng không thể nào rời bước.

nha-trung-bay-van-hoa-oc-eo-1

2. Di tích khảo cổ Gò Cây Thị

Khu du tích khảo cổ Gò Cây Thị nằm giữa  một cánh đồng trồng lúa rộng lớn ở thị trấn Óc Eo thuộc vùng núi Ba Thê của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Khu di tích khảo cổ Gò Cây Thị cũng là một điểm đến vô cùng lý thú nếu bạn là du khách muốn tìm về di sản Óc Eo. Đây là nền móng kiến trúc cung đình mang tính chất tôn giáo có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 6 và thứ 7 sau công nguyên của người Phù Nam xưa.

Nền móng kiến trúc được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret khai quật lần đầu tiên vào năm 1944 được gọi là di tích Gò Cây Thị A và nền móng được phát hiện năm 1999 được gọi là di tích Gò Cây Thị B. Di tích khảo cổ Gò Cây Thị thể hiện một lối kiến trúc độc đáo, huyền bí và tinh xảo.

Thực sự, người Phù Nam xưa đã xây dựng những nền móng này như thế nào và thực sự người Phù Nam đã đi đâu là những câu hỏi vẫn đang được các nhà khảo cổ tìm câu trả lời. Đến đây chúng ta như được bước vào thế giới của 2000 năm trước –di tích đã làm nên giá trị văn hóa lịch sử của người Phù Nam mà chúng ta may mắn còn được chiêm ngưỡng.

di-tich-go-cay-thi-1

3. Linh Sơn Cổ Tự

Linh Sơn Cổ Tự hay còn được gọi là chùa Phật bốn tay núi Ba Thê. Linh Sơn Cổ Tự nằm ngay thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và được xây dựng ngay trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ. Tượng thần Vishnu –vị thần bảo hộ trong Ấn độ giáo và Bà la môn giáo, hai bia đá và nhiều hiện vật có giá trị hiện đang được lưu giữ trong chùa.

Khi đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Tượng Phật bốn tay và hai bia đá cổ có khắc chữ của người Phù Nam xưa cùng lối kiến trúc độc đáo trên lối đi dẫn vào chùa.

Chùa mang một nét cổ kính, trầm  mặc. Khi vào Linh Sơn Cổ Tự, du khách như có cảm tưởng đang hành hương đến miền đất Phật và có cảm giác thật thư thái, dễ chịu dưới những hàng cây cổ thụ.

Linh sơn cổ tự

4. Sơn Tiên Tự

Bất cứ ai  khi du lịch đến vùng núi Ba Thê –An Giang mà không ghé qua Sơn Tiên Tự thì chuyến du lịch ấy chưa thực sự trọn vẹn.

Sơn Tiên Tự là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào năm 1933 ngay trên đỉnh núi Ba Thê. Vượt qua một đoạn đường đường khá dài, ngoằn ngoèo và nhờ bác tài có tay lái cứng mà đoàn mình mới lên tới tận được đỉnh  núi. Khi ấy, Sơn Tiên Tự hiện ra trước mắt du khách một cách uy nghi với thành tường được xây từ những khối đá lớn thật vững chãi và bắt mắt.

Nổi bật trên Sơn Tiên Tự là tượng Phật Quan Thế Âm cao khoảng 8m đứng trên đài sen và di tích “Bàn Chân Tiên”- một hòn đá hoa cương cao chừng ba mét nằm ngay bên hông chánh điện. Di tích “Bàn Chân Tiên” hiện ra như một hòn đá khổng lồ với vết tích của một bàn chân to hơn bàn chân của người bình thường nhiều lần.

Điều đặc biệt ấn tượng hơn nữa khi đến Sơn Tiên Tự là du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng toàn cảnh cánh đồng lúa tuyệt đẹp ở bên dưới và có thể nhìn thấy vùng biển Rạch Giá-Kiên Giang về phía Tây và dãy Thất Sơn về phía Tây Nam.

Nếu du khách đi vào những tháng cuối năm hay tháng có mưa, tiết trời Ba Thê se lạnh, mây mờ lãng đãng bao phủ khiến du khách có cảm giác như đang ở xứ sở Đà Lạt vậy.

son-tien-tu-ba-the-an-giang-1

 Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có chuyến du lịch đến Ba Thê-An Giang thật thú vị.

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.

Gửi bình luận
phuongthao
Tác giả: Chanh Tươi Review
Đội ngũ biên tập
Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Chanh Tươi Review

Thông báo