Kim tứ đồ là gì? Ý nghĩa của kim tứ đồ và cách đạt tự do tài chính
Kim tứ đồ là gì? Đây có lẽ là một thuật ngữ không hề xa lạ đối với dân tài chính. Nhưng nó lại cực kì khó hiểu đối với những người vừa mới nghe tới lần đầu, nhiều người có thể sẽ hiểu nhầm nó như một thứ gì đó tâm linh chăng?
Câu trả lời là không đây là một mô hình rất lợi hại của tỷ phú Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaky được nêu ra trong bộ sách Dạy con làm giàu có thể sẽ thay đổi định hướng cuộc đời của bạn sang một hướng khác đấy. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn tất tần tậ những thông tin chi tiết về kim tứ đồ, cùng theo dõi chi tiết nhé.
Kim tứ đồ là gì? Ý nghĩa của kim tứ đồ
Kim tứ đồ là khái niệm dùng để chỉ ra 4 cách kiếm tiền của 4 nhóm người khác nhau. Bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc về 1 trong 4 nhóm đó. Vì thế nếu biết được kim tứ đồ thì nó giúp bạn quyết định cuộc đời theo hướng hoàn toàn khác, định hướng suy nghĩ, hành động để đạt được sự độc lập, tự do về tài chính và sự giàu có.
Kim tứ đồ (Cashflow Quadrant) là thuật ngữ được nhắc đến bởi một nhà đầu tư, một doanh nhân, một tác giả nổi tiếng người Mỹ - Robert Kiyosaki vào năm 1977 trong cuốn sách “Rich dad, poor dad” (Cha giàu, cha nghèo) của ông.
Một câu trích dẫn về Kim tứ đồ trong cuốn “Rich dad, poor dad” của Robert Kiyosaki:
“Dù bạn kiếm tiền bằng bất cứ phương pháp nào bạn cũng sẽ ở một trong 4 góc của Kim tứ đồ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra bạn đang làm việc vì tiền hay tiền đang làm việc cho bạn.”
Kể từ lần đầu tiên được ông Robert Kiyosaki nhắc đến trong tập 2 của Bộ sách “Dạy con làm giàu”, Kim tứ đồ đã trở thành một khái niệm phổ biến và làm thay đổi suy nghĩ, quan điểm về tiền bạc của rất nhiều người, đồng thời giúp họ trở nên thành công hơn về mặt tài chính.
Phân loại 4 nhóm người trong kim tứ đồ
ự do về tiền bạc là giấc mơ của hàng tỷ người trên đời này. Thật không may, chỉ có vài người đạt được điều đó. Số đông áp đảo còn lại vẫn đang từng ngày vật lộn với guồng quay cơm áo, nợ nần, khốn khó. Bí quyết nào tạo nên sự tự do tài chính cho người giàu có? Nếu biết được Kim tứ đồ bạn sẽ có quyết định cuộc đời theo hướng hoàn toàn khác. Mô hình này với bốn góc phần tư tương ứng là 4 nhóm người với 4 cách kiếm tiền khác nhau:
- Nhóm E: Là nhóm gồm những người làm công
- Nhóm S: Là nhóm gồm những người tự doanh (Tự mình làm cho mình hoặc thuê mướn lao động làm cùng với mình)
- Nhóm B: Là nhóm gồm những người làm chủ một công ty, một hệ thống kinh doanh.
- Nhóm I: Là nhóm gồm những nhà đầu tư.
4 cách kiếm tiền của 4 nhóm người trên kim tứ đồ
Nhóm 1 - E: Employee (Người làm thuê)
Nhóm Employee vô cùng đông đảo và chiếm phần lớn trong xã hội.
Nhóm này là những người làm thuê, là nhân viên cho một cá nhân hay một tổ chức nào đó. Họ chỉ mong muốn hoàn thành công việc được giao để nhận được một phần lương nhất định hàng tháng. Họ tạo ra thu nhập bằng cách chủ động dùng thời gian, công sức, trí tuệ của mình để trao đổi.
Câu nói nhận diện nhóm Employee trên kim tứ đồ:
“Tôi đang tìm một công việc ổn định, bảo đảm, có mức lương cao, nhiều phúc lợi và chế độ bảo hiểm tốt”
“Tôi muốn mức lương ổn định hàng tháng…”
Họ thích sự ổn định, an toàn, sợ sự thay đổi, thiếu ổn định về tiền bạc hay nền kinh tế. Vì thế nhu cầu an toàn là cần thiết nhất đối với họ.
Đa phần mọi người cho rằng nhóm Employee này khó có thể mà giàu lên được. Tuy nhiên phần lớn người Việt Nam lại thích làm thuê, làm nhân viên nhà nước bởi vì nó ổn định, việc nhàn. Và họ còn nhận được các khoản phụ cấp, phúc lợi xã hội như bảo hiểm ý tế, bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, thu nhập của họ là thu nhập chủ động vì thế nếu họ nghỉ việc thì không có thu nhập, trừ khi nghỉ hưu sẽ có lương hưu. Và bên cạnh pháp luật thì họ phải làm việc theo yêu cầu của sếp, quản lý, người chủ. Mức thu nhập cũng bị phụ thuộc bởi chủ lao động, tình hình kinh tế thị trường…
Và đối với một số ngành nghề thì đến một độ tuổi nào đó bạn phải nghỉ hữu hoặc dừng lại khi không còn đạt tiêu chí người chủ đề ra.
Vì thế sẽ rất khó để họ có thể trở nên giàu có nếu chỉ làm việc trong nhóm Employee này.
Mặc dù vậy, nếu những người lao động làm thuê biết cách tận dụng công sức, thời gian, trau dồi kiến thức, thái độ, kỹ năng và thói quen tốt trở thành một nhân viên, một người làm thuê chuyên nghiệp. Thì họ cũng có thể kiếm được lương cao với nhiều ưu đãi và nếu họ biết cách quản lý tài chính cá nhân tốt thì có thể sẽ có tiền dư dả.
Và hiển nhiên là không thể giàu có như các CEO, nhà đầu tư, những doanh nhân thành công nhưng rủi ro đánh mất tài sản của nhân viên chuyên nghiệp sẽ thấp hơn.
Ví dụ về người làm công, làm thuê: chẳng hạn một bác sĩ có thể kiếm tiền như một người làm công bằng cách làm việc tại một bệnh viện lớn hay một tổ chức y tế như vậy hàng tháng vị bác sĩ này sẽ nhận được một khoản tiền lương từ bệnh viện hoặc tổ chức y tế đó.
Nhóm 2 - S : Self-Employed (Người làm tư)
Với nhóm Self-Employed này họ làm việc cho chính bản thân mình hoặc có thể thuê người khác làm việc cùng mình chứ họ không muốn làm thuê cho bất kỳ ai. Tương tự như nhóm Employee những người thuộc nhóm Self-Employed họ cũng dùng thời gian, công sức, trí tuệ để tạo ra tiền, nhưng ở đây lại là làm việc cho chính mình.
Nhóm người này họ không thích thu nhập bị phụ thuộc vào người khác. Họ rất có ý thức độc lập về chuyện tiền bạc, tài chính, họ độc lập trong suy nghĩ và tự do trong cách làm. Tuy nhiên thu nhập của họ là thu nhập chủ động và họ tự làm chủ cho nên nếu họ nghỉ việc thì không có thu nhập.
Họ có mức thu nhập cao hơn so với nhóm E nhưng họ lại phải chịu sự áp lực và rủi ro cao hơn so với nhóm E.
Để kiếm tiền được từ khách hàng thì họ phải cung cấp các sản phẩm thật tốt. Nếu có khách hàng mua thì bạn có thể gần như hưởng trọn thù lao (có thể chia % cho những cộng tác viên/ người làm cùng) nhưng nếu không có khách thì họ không có thu nhập và cực kì áp lực về tài chính.
Tuy nhiên về thu nhập của nhóm này vẫn còn bấp bênh, nhiều người chọn đây chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập thôi. Vì vậy, nếu bạn muốn đi lâu dài thì bạn phải là người có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực hoạt động của mình.
Ví dụ như: chủ shop quần áo, một luật sư tự mở văn phòng luật, các Freelancer làm việc tự do về viết lách, design,…
Nhóm 3 - B: Business Owner (Chủ doanh nghiệp)
Đây là nhóm gồm những người sở hữu doanh nghiệp, các chuỗi hệ thống kinh doanh. Họ tạo ra thu nhập bằng cách xây dựng các hệ thống kinh doanh và thuê người khác về làm cho mình. Họ nhận được nhiều sự ngưỡng mộ từ người khác.
Khác với nhóm Self-Employed, nhóm này - họ là những nhà lãnh đạo, và họ luôn rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và chiến thuật kinh doanh. Họ tâm niệm rằng: “Tại sao phải làm công việc đó trong khi ta có thể thuê người khác làm việc cho mình, nhiều khi người đó còn giỏi hơn cả mình”.
Họ biết cách tận dụng thời gian và công sức của người khác. Họ ít làm việc hơn so với nhóm E và S, bởi vì họ tập trung xây dựng hệ thống và thuê nhân viên sau đó hệ thống đi vào hoạt động thì nhân viên sẽ làm việc cho họ.
Và họ là người kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy họ có thể sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Ví dụ: Chủ của một doanh nghiệp, chủ của một chuỗi các quán cafe, chủ của một chuỗi cửa hàng bán lẻ, chủ khách sạn,…
Nhóm 4 - I: Investor (Nhà đầu tư)
Nhóm này họ là những nhà đầu tư, họ tạo ra thu nhập bằng cách đầu tư vào các tài sản sinh ra lợi nhuận cho họ.
Họ dùng tiền để tạo ra tiền, khiến tiền làm việc cho mình, đây là một sân chơi của nhà giàu và giành cho những người muốn trở nên giàu có thực sự.
Thu nhập của họ là thu nhập thụ động. Họ có thời gian làm việc và nghỉ ngơi linh hoạt. Họ sẽ làm việc theo tư duy, suy nghĩ của mình mà không chịu sự áp đặt nào.
Ví dụ: như đầu tư vào một doanh nghiệp, cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ đầu tư, bất động sản,…
Trên đây là những thông tin về 4 nhóm người mà bạn cần biết khi muốn tìm hiểu sâu "Kim tứ đồ là gì".
Tại Sao Có Sự Phân Chia Thành 4 Nhóm Người?
Hiển nhiên là 4 nhóm người được phân chia thành 4 nhóm khác nhau bởi vì họ có những cách kiếm tiền khác nhau.
Vậy, tại sao họ lại có những cách kiếm tiền khác nhau như vậy? Hay điều gì ảnh hưởng, quyết định đến cách kiếm tiền của họ?
Chính những quan điểm về giá trị, mối quan tâm, lối suy nghĩ, niềm tin, sở thích, thói quen,… khác nhau, đặc biệt là cách cư xử khác nhau trước nỗi sợ thất bại, nỗi sợ mất mát tiền bạc đã tạo nên những cách kiếm tiền khác nhau, từ đó tạo nên 4 nhóm người khác nhau.
Cụ thể:
- Nhóm E luôn tìm đến một sự bảo đảm an toàn về công việc, thu nhập và các điều kiện phúc lợi.
Khi đối mặt với nỗi sợ thất bại hay rủi ro về tiền bạc, họ không muốn chấp nhận rủi ro hoặc là họ không sợ nhưng họ chưa biết cách quản trị rủi ro, cho nên họ chọn giải pháp an toàn, bảo đảm.
- Nhóm S thì độc lập trong suy nghĩ, tự do trong cách làm, họ luôn tìm đến một sự độc lập trong công việc, họ không tin là có ai khác làm tốt hơn “cách mà họ thấy đúng”, họ muốn tự tay mình làm và không mấy thích thú việc chia sẻ công việc.
Trên hết, họ không muốn thu nhập của mình bị phụ thuộc vào bất kỳ ai mà do họ tự quyết định, cho nên họ tự doanh, họ tự làm cho bản thân mình, hoặc thuê thêm nhân viên vào làm chung với mình.
- Nhóm B thì quan tâm đến việc xây dựng hệ thống kinh doanh làm việc cho mình, họ thích được vây quanh bởi những người giỏi ở cả 4 nhóm, họ thích phân chia công việc và hướng đến sự tự do tài chính. Cho nên họ thành lập doanh nghiệp, hệ thống kinh doanh.
- Nhóm I thì hứng thú với rủi ro, vì với họ “rủi ro là nguồn gốc của lợi nhuận”, khi đối mặt với rủi ro, họ tự nhủ phải thật “khôn ngoan” và học cách quản trị rủi ro, đồng thời họ cũng luôn hướng đến sự tự do tài chính.
Vì đạt được tự do tài chính thì sẽ đạt được tự do cá nhân (trong khuôn khổ luật pháp).
Do đó, họ tìm cách đầu tư vào các tài sản mang lại thu nhập (thụ động) cho mình mà không cần phải bỏ thời gian, công sức làm việc nhiều.
Từ 4 cách kiếm tiền khác nhau đó đã tạo nên 4 nhóm người khác nhau và mỗi nhóm có một mối quan hệ khác nhau với những doanh nghiệp (hay hệ thống kinh doanh).
- Người Nhóm E làm việc cho (trong) hệ thống, doanh nghiệp, họ thường nói: “Mức lương của tôi là 10 triệu/tháng”, “Tôi phải chạy deadline”,…
- Người Nhóm S tự bản thân đã là hệ thống (doanh nghiệp), hoặc là một phần của hệ thống, họ thường nói: “Tôi cần tìm một phụ tá giỏi”, “Tôi cần một nhân viên mới vừa học nghề vừa làm nghề”…
- Người Nhóm B tạo ra hoặc sở hữu (từ việc mua lại) và kiểm soát hệ thống, doanh nghiệp, câu nói của họ kiểu như: “Tôi đang tìm một Tổng giám đốc cho khu vực phía Nam”,…
- Người Nhóm I thì đầu tư tiền bạc vào hệ thống (doanh nghiệp), họ có thể sẽ nói: “Tôi đang xây dựng một hệ thống nhà cho thuê”, “Cổ phiếu công ty X đang trên đà tăng trưởng”,…
Bản Chất Của Kim Tứ Đồ Và 5 Sai Lầm Thường Gặp
Kim tứ đồ có 2 đặc điểm trong bản chất:
- Thể hiện 4 cách kiếm tiền khác nhau của 4 nhóm người khác nhau.
- Chỉ Định hướng suy nghĩ chứ không phải nêu lên một Hành động cụ thể.
Bằng cách thể hiện 4 cách kiếm tiền khác nhau của 4 nhóm người, Kim tứ đồ đã vẽ ra “bức tranh” tổng quát về những cách kiếm tiền trên thế giới, giải thích vì sao có những cách kiếm tiền đó, mỗi cách có lợi và hại như thế nào.
Từ đó giúp định hướng suy nghĩ của chúng ta, sau cùng mới là hành động để đi đến nhóm mà chúng ta mong muốn.
Việc một người di chuyển từ nhóm này sang nhóm kia, chúng ta hãy tạm gọi là “nhảy nhóm”.
5 sai lầm thường gặp trong quá trình “nhảy nhóm”
(1) Nhóm E không dám “nhảy” sang Nhóm S, C hay Đ do nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro lấn át, hoặc đã dám rồi nhưng vẫn mang nỗi sợ đó bên trong mình.
Đây là thất bại trước mắt nằm ngay trong suy nghĩ của chúng ta, khi chúng ta thua từ ngay trong suy nghĩ thì thật khó để tìm ra lý do cho việc chúng ta thành công.
(2) Có người sau khi hiểu Kim tứ đồ nói gì đã vội vàng “nhảy nhóm” mà quên mất yêu cầu cần thiết trước khi “nhảy nhóm” là gì. Việc này rất dễ dẫn đến thất bại trong khi chuyển nhóm.
(3) Có suy nghĩ cho rằng, vì mỗi người có suy nghĩ, tính cách, nghề nghiệp, chuyên môn,… khác nhau nên mỗi người thường chỉ thích hợp với 1 nhóm.
Sự thật thì không phải vậy, trên thực tế vẫn có nhiều người thành công ở 2, 3 thậm chí cả 4 nhóm. Bởi vì, những suy nghĩ, tính cách, chuyên môn hoàn toàn có thể được học tập và rèn luyện.
(4) “Ở Nhóm B và I sẽ thành công về mặt tài chính”. Điều này không hẳn đúng, vì thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp, Nhóm B và I vẫn có thể thất bại và trở về số 0, thậm chí là âm.
Bởi vì, việc ở một nhóm nào đó không quyết định thành công về tài chính mà chỉ đem lại cơ hội thành công về tài chính. Việc thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nữa.
(5) Đôi khi có sự so sánh là “Ở nhóm này sẽ tốt hơn nhóm kia”, “Nhóm này quan trọng hơn nhóm kia”, “Ở nhóm này sẽ abcxyz hơn nhóm kia”,…
Sự thật thì không hẳn vậy. Ở một nhóm bất kỳ không hẳn đã tốt hơn hay quan trọng hơn nhóm khác.
Bởi vì mỗi nhóm đều có những ý nghĩa nhất định và có những đóng góp giá trị nhất định cho nền kinh tế và xã hội.
Nền kinh tế luôn cần đủ 4 nhóm người trên Kim tứ đồ.
Và để trở nên giàu có và tự do về tài chính hơn, mỗi người đều nên tìm cách nâng cao năng lực, mục tiêu của mình và đặt mình vào ít nhất 2 nhóm trên Kim tứ đồ.
Yêu Cầu Cần Thiết Trước Khi “Nhảy Nhóm” Kim Tứ Đồ
Ở phần trên chúng ta đã biết, nguồn gốc của 4 nhóm người khác nhau là do quan điểm, suy nghĩ, niềm tin, tính cách, sở thích,… khác nhau.
Chính những điểm nằm “sâu bên trong con người” này đã quyết định việc một người chọn cách kiếm tiền như thế nào.
Robert Kiyosaki gọi đó là “giá trị gốc rễ”, nên khi muốn “di cư” sang một nhóm nào đó và hơn hết là để trụ lại và kiếm tiền từ nhóm đó thì trước hết, chúng ta cần tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm đó.
Hay nói cách khác chính là thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen, rèn luyện thái độ, cá tính cần có sao cho phù hợp với nhóm mà chúng ta cần đến. Sau đó là học tập những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần có của nhóm đó.
Sau cùng mới là hành động cụ thể để đạt đến nhóm chúng ta mong muốn.
Cũng vì vậy mà ông đã gọi việc “di cư” từ nhóm này sang nhóm khác là một cuộc “cách mạng”, vì việc làm đó sẽ thay đổi mọi thứ, từ suy nghĩ đến hành động, từ trong ra ngoài, giống như việc con người ta “thay da đổi thịt”.
Những việc này xảy ra bên trong nội tâm, bên trong suy nghĩ của bản thân mỗi người. Việc di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác chủ yếu là một quá trình trở thành chứ không phải hành động trong ngày 1 ngày 2.
Không phải việc “nộp đơn xin nghỉ việc và gia nhập thị trường chứng khoán” là sẽ giúp chúng ta chuyển sang nhóm I ngay lập tức.
Kim tứ đồ đã khuyên chúng ta rằng, từ trong suy nghĩ, chúng ta hãy:
- Hãy chọn tự do thay vì ổn định, an toàn.
- Hãy học cách quản lý rủi ro thay vì né tránh rủi ro.
- Hãy hỏi “Làm thế nào để tôi mua nổi nó?” thay vì nói “Tôi không mua nổi nó”
- Hãy nghĩ “Thứ đó trị giá bao nhiêu về dài hạn?” thay vì “Thứ đó quá đắt tiền”
Việc tìm “nơi trú ngụ” trên Kim tứ đồ có thể được tóm tắt trong 6 bước:
Bước 1: Vượt qua nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro.
Bước 2: Chấp nhận thay đổi và xây dựng niềm tin.
Bước 3: Tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm cần đến.
Bước 4: Xác định sở trường và đam mê của bản thân để phát huy.
Bước 5: Học hỏi những kiến thức, kỹ năng, thái độ và chuyên môn cần thiết tương thích với nhóm đó.
Ví dụ như Nhóm B và I thường cần có những kỹ năng chuyên môn như cách quản trị, kỹ năng lãnh đạo, sự hiểu biết về tiền bạc, quản trị rủi ro, phân tích thị trường, cách gọi vốn, cách sắp xếp nợ, cách điều chỉnh giá bán,…
Bước 6: Hành động.
Bạn lựa chọn thuộc về phía bên nào của Kim tứ đồ?
Dựa vào mô hình này đa số các bạn đọc cũng thấy được nhóm người nằm phía bên phải đó là nhóm Business Owner và nhóm 4: Investor - họ là nhóm người kiếm được nhiều tiền, giàu có, thành công và vẫn linh hoạt được trong thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi hơn so với 2 nhóm còn lại.
Tuy nhiên, không phải cứ thuộc nhóm 1 hay nhóm 2 là kiếm ít tiền điều đó còn phụ thuộc vào khả năng của bạn có thể “cày” đến đâu. Vì vậy, dù bạn đang ở nhóm người nào đi chăng nữa miễn là bạn làm những điều có giá trị, ý nghĩa đối với bản thân và xã hội, bạn có những quan điểm đúng đắn về quản lý tài chính thì bạn đã thành công được một phần rồi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu bạn muốn thật sự thành công về độc lập tài chinh bạn nên nỗ lực nâng cao trình độ hơn nữa và đặt mình vào 2 đến 4 nhóm trên kim tứ đồ để kiếm tiền. Bởi vì bạn có quyền được lựa chọn nhóm nào để mình thuộc về chứ không bắt buộc là phải ở nhóm nào cả.
Ví dụ:
- Như người bác sĩ mà tôi có nhắc đến ở nhóm 1 đó là nếu người bác sĩ đó chọn làm việc ở bệnh viện và nhận lương hàng tháng thì bác sĩ đó thuộc nhóm 1.
- Còn nếu họ tự mở thêm phòng khám riêng thì họ thuộc nhóm 2.
- Nếu họ xây dựng và mở bệnh viện riêng nữa thì họ thuộc nhóm 3.
- Và bác sĩ đó cũng có thể tham gia vào đầu tư, cổ phiếu, bất động sản, bitcoin… thuộc nhóm 4.
Người làm thuê có thể kiếm được nhiều tiền?
Câu trả lời là có! Tôi đã gặp rất nhiều người làm thuê cho các doanh nghiệp, tập đoàn và cuộc sống của họ đã đạt mức khá giả.
Ví dụ nhé…
Nhân viên của Công ty Cổ phần Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) không chỉ hưởng lương thưởng mà còn có quyền mua cổ phiếu ưu đãi được phát hành cho người lao động, tức trở thành cổ đông và nắm giữ tài sản có khả năng sinh lời từ cổ tức và thị giá trên sàn chứng khoán.
Năm 2018, MWG có kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng 3% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành với mức giá chào bán rất ưu đãi, chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi, giá cổ phiếu trên thị trường thời điểm đó là 87.000 đồng/cổ phiếu! Nhân viên của MWG có thể mua cổ phiếu công ty với giá rẻ hơn 8 lần so với giá thị trường.
Nếu bạn đủ khả năng, tại sao không trở thành người làm thuê chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn sẵn sàng chi trả mức đãi ngộ hàng năm rất cao cho nhân viên, miễn là đáp ứng đủ trình độ họ đặt ra.
Bạn muốn trở thành ai trong tương lai?
Đối với những độc giả chưa xem qua Dạy con làm giàu, thì nội dung quyển sách ấy viết về những bài học khác nhau do hai người bố truyền dạy lại cho tác giả về chủ đề tiền bạc và sự lựa chọn cách sống trong đời. Một người là bố ruột, còn người kia là bố người bạn thân nhất của tác giả Kiyosaky.
Người cha nghèo với nền học vấn cao khuyên ông “Hãy đi đến trường ráng học giỏi , và tìm một công việc ổn định an toàn”. Như vậy, Người đã hướng Robert trở thành nhóm E hoặc S giống như rát nhiều bố mẹ Việt đang làm với con mình.
Ngược lại, người cha giàu khuyến khích “Hãy đi đến trường, tốt nghiệp đại học, sau đó tự kinh doanh và trở thành một nhà đầu tư thành công.”. Như vậy, Người đang hướng tác giả đi đến cái đích của sự tự do tài chính nhờ công việc kinh doanh hoặc đầu tư.
Bạn đã có lựa chọn cho bản thân chưa?
Và bây giờ tới lượt bạn, bạn mong muốn trở thành ai? Đi con đường như thế nào? Tự xây dựng cuộc sống ra sao? Bạn muốn trở thành ai trong số 4 nhóm người theo mô hình Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki?
Thực ra, không quan trọng bạn thuộc nhóm nào trong kim tứ đồ, quan trọng bạn có đủ năng lực để kiếm nhiều tiền hay không mà thôi. Tóm lại, nhóm nào trong kim tứ đồ cũng đóng góp một phần giá trị với xã hội. Dù bạn thuộc nhóm nào, bạn cũng có thể đạt mức sống, đạt mục tiêu tự do tài chính mà mình muốn nếu bạn biết thực hiện những nguyên tắc tài chính hiệu quả!
Qua bài viết trên mong rằng các bạn đọc có thể định hướng được những nhóm phù hợp với mình trên kim tứ đồ. Và có lẽ bây giờ bạn đã hiểu được “kim tứ đồ là gì?”, cách phân loại 4 nhóm người với 4 cách kiếm tiền khác nhau, ưu nhược điểm của từng nhóm và có định hướng riêng cho mình rồi nhỉ? Chúc bạn có những lựa chọn sáng suốt và đừng quên chia sẻ cho bạn bè, người thân thông tin bổ ích này nhé!
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.