Nguồn gốc và Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan và những việc nên làm

22.07.2024 - 10:40

Từ xa xưa, ngày lễ Vu Lan báo hiếu đã luôn là ngày lễ đặc biệt quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt ta. Ngày này không chỉ là ngày để mỗi người thể hiện sự biết ơn đối với cha mẹ mà còn là dịp để nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương nhiều hơn. Bạn đã biết nên làm gì vào dịp lễ quan trọng này chưa? Hãy đọc ngay bài viết này để tìm ra câu trả lời nhé!

lễ báo hiếu Vu Lan

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích xa xưa với câu chuyện vị Bồ tát Mục Kiều Liên xả thân cứu mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ, lễ Vu Lan đã ra đời. Cụ thể hơn, từ khi Phật giáo được truyền vào và dần trở nên phổ biến ở nước ta, ngày lễ Vu Lan đã dần trở thành ngày lễ truyền thống để báo ân, báo nghĩa cho công ơn của các đấng sinh thành. Cứ mỗi dịp rằm tháng 7 đến, người người lại đua nhau đến những nơi linh thiêng như chùa, đền,… để cầu bình an, may mắn và sức khỏe cho những người thân yêu của mình. Tuy đã trải qua hàng nghìn năm lưu truyền, thế nhưng cho đến bây giờ thì ngày lễ Vu Lan vẫn luôn là ngày lễ quan trọng và đặc biệt nhất của dân tộc ta.

lễ báo hiếu Vu Lan

Ý nghĩa ngày Vu Lan

Ngày lễ này chính là dịp đặc biệt quan trọng để nhắc nhở mỗi người chúng ta đều cần phải nhớ về công ơn của cha mẹ, ông bà hay tổ tiên và các anh hùng dân tộc có công với đất nước. Đây là thời gian để mỗi người được sống chậm lại, thể hiện yêu thương và sự kính trọng hơn đối với mọi người. Đồng thời, ngày lễ Vu Lan báo hiếu này cũng chính là dịp để mỗi người có phận làm con như chúng ta hướng lòng thành kính đến các bậc cha mẹ, đấng sinh thành đã sinh ra chúng ta và nuôi dưỡng ta nên người. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn bày tỏ những sự yêu thương cũng như lòng kính hiếu của mình đối với những người thân yêu.

lễ báo hiếu Vu Lan

2. Nghi lễ quan trọng trong ngày Vu Lan 

Lễ Vu Lan, còn gọi là lễ Báo hiếu, mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo và phong tục Việt Nam. Dịp lễ này, các gia đình thường tổ chức nhiều nghi lễ trang trọng để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và cầu siêu cho những vong linh lang thang. Tại mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng theo truyền thống và điều kiện riêng. Tuy nhiên, thông thường sẽ bao gồm các lễ vật sau:

  • Cúng Phật: Mâm cúng Phật thường có cơm chay, trái cây, hoa tươi và bài văn khấn cầu nguyện công đức, giải nghiệp cho tổ tiên.
  • Cúng thần linh: Lễ vật cúng thần linh thường bao gồm: xôi, gà luộc, bánh chưng, trà, rượu, trái cây, hoa tươi... cùng bài văn khấn cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình.
  • Cúng gia tiên: Mâm cúng gia tiên thường được chuẩn bị trang trọng với cơm chay hoặc mặn, tiền vàng mã... Lễ cúng thể hiện lòng thành kính và mong ước tổ tiên được an lạc.
  • Cúng chúng sinh: Lễ Vu Lan thường trùng với ngày rằm tháng 7 nên thường kết hợp cúng chúng sinh (cúng thí) để giúp đỡ những vong hồn lang thang. Mâm cúng rằm tháng 7 cho chúng sinh thường được đặt ngoài trời với các lễ vật như: cháo loãng, đường phèn, muối gạo, trái cây, bánh kẹo, bỏng ngô, nhang, đèn, quần áo giấy, tiền vàng...

3. Những điều nên làm để báo hiếu ngày lễ Vu Lan sắp tới

Bạn đã lên kế hoạch cho dịp lễ đặc biệt này thế nào chưa? Hãy để Chanh Tươi gợi ý cho bạn một vài điều ý nghĩa nên làm cho bố mẹ vào dịp lễ báo hiếu sắp tới nhé!

Đi chùa cầu may mắn, bình an cho cha mẹ

Ngày lễ này xuất hiện trong kinh Phật, vì thế nên vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu này bạn hãy cố gắng dành thời gian cùng gia đình đi lễ chùa cầu bình an, cầu siêu hay cúng dường, làm công quả nhé! Không chỉ giúp gia đình bạn thêm gắn kết, may mắn hơn mà việc đi chùa còn góp phần không nhỏ để thanh lọc tinh thần, giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực không cần thiết.

Thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo

Hẳn bạn đã thấy vào mỗi dịp lễ Vu Lan, các Phật tử đều thực hiện một nghi lễ rất đặc biệt với một bông hồng nhẹ được cài trên áo. Đây chính là một nghi lễ rất ý nghĩa của những người con dành cho ba mẹ của mình. Với ý nghĩa bông hồng đỏ trên áo là tượng trưng cho những ai may mắn còn đủ cả bố và mẹ, còn bông hồng trắng là thể hiện cho sự mất mát khi đã mất ba hoặc mẹ trên đời. Nghi lễ này mang đầy tính nhân văn, đây chính là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta hãy luôn trân quý khoảng thời gian tươi đẹp khi có bố và mẹ bên cạnh đủ đầy như một bông hồng đỏ rực rỡ và thơm ngát.

lễ báo hiếu Vu Lan

Đi thăm, viếng mộ tổ tiên

Không chỉ có ý nghĩa báo hiếu cha mẹ mà ngày lễ Vu Lan còn là dịp để bạn có thể tri ân, hướng về tổ tiên và cội nguồn của mình. Đừng quên ghé thăm viếng, chăm sóc nơi phần mộ của tổ tiên hay ông bà của mình vào dịp lễ này nhé!

Sửa soạn một mâm cơm cúng tươm tất để dâng lên ông bà tổ tiên

Đây là một nghi lễ cổ truyền quen thuộc và không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu. Một mâm cơm cúng được chuẩn bị tươm tất để dâng lên bàn thờ không chỉ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên mà còn là mong muốn ông bà hay người đã khuất được an nghỉ nơi suối vàng.

Thả đèn hoa đăng

Việc thả đèn hoa đăng trên sông, hồ tượng trưng cho việc cầu mong bình an, may mắn cho gia đình và hồi hướng công đức cho cha mẹ, tổ tiên. Đây là việc mà rất nhiều người sẽ thực hiện trong ngày lễ Vu Lan, nhất là tại các ngôi chùa lớn.

Mua những món quà ý nghĩa dành tặng cha mẹ, ông bà

Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn dùng hành động hay những món quà cụ thể để thể hiện sự yêu thương kính trọng cho cha mẹ mình phải không? Hãy dành tặng người thân của mình những món quà ý nghĩa nhất vào dịp lễ đặc biệt quan trọng này nhé!

4. Những việc không nên làm trong ngày lễ này

Dịp lễ này bên cạnh những nghi lễ trang trọng để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và cầu siêu cho các vong linh, mọi người cũng cần lưu ý một số điều kiêng kỵ sau đây:

Tránh tổ chức tiệc cưới hỏi, khai trương kinh doanh:

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch, đặc biệt là ngày lễ Vu Lan, là thời điểm "âm khí" nặng, không phù hợp để tổ chức những sự kiện trọng đại như cưới hỏi, khai trương. Việc tổ chức những sự kiện này trong thời điểm này được cho là có thể mang lại những điều không may mắn.

Tránh sát sinh:

Sát sinh là hành động đi ngược lại với những giá trị đạo đức của Phật giáo. Trong ngày Vu Lan, mọi người nên tránh sát sinh để thể hiện lòng từ bi và cầu mong cho chúng sinh được siêu thoát. Thay vì sát sinh, bạn có thể thực hiện các hoạt động phóng sinh như thả cá, chim,... để tích đức cho bản thân và gia đình.

Tránh nói những lời không hay, làm những việc xấu:

Ngày Vu Lan là dịp để mọi người hướng thiện, gieo trồng công đức. Do đó, bạn nên tránh nói những lời không hay, làm những việc xấu, bởi những hành động này có thể tạo nghiệp và ảnh hưởng đến bản thân và gia đình.

Tránh đi chơi xa:

Theo quan niệm dân gian, trong tháng 7 âm lịch, "ma quỷ" thường xuất hiện nhiều hơn. Do đó, bạn nên hạn chế đi chơi xa vào ngày lễ Vu Lan để tránh những điều không hay.

Tránh mặc quần áo màu tối:

Màu tối thường được cho là tượng trưng cho những điều không may mắn. Do đó, trong ngày Vu Lan, bạn nên mặc những bộ quần áo có màu sắc tươi sáng để thể hiện sự may mắn và cầu mong những điều tốt đẹp.

Bài viết trên đây là một vài chia sẻ của mình về ngày lễ Vu Lan báo hiếu đầy ý nghĩa. Hi vọng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích sau khi đọc xong bài viết này. Đừng quên bày tỏ lòng kính trọng cho cha mẹ, ông bà của mình bằng những cách yêu thương chân thật mỗi ngày để gia đình thêm phần gắn kết và hạnh phúc hơn bạn nhé!

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!