Hướng dẫn soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê chi tiết

Chanh Tươi Review 30 tháng 11, 2022 - 14:29 (GMT +07)   Hướng dẫn soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê chi tiết

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê như thế nào thì hãy tham khảo bài viết dưới đây. Mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách soạn bài văn của tác giả Khánh Hoài - Cuộc chia tay của những con búp bê.

soan-bai-cuoc-chia-tay-cua-nhung-con-bup-be-1
Soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê

Giới thiệu tác phẩm cuộc chia tay của những con búp bê

Để hiểu được nội dung của bài văn, các bạn cần phải nắm được những nội dung cơ bản của tác phẩm. Bài viết sẽ giúp các bạn nắm được bố cục, nội dung cũng như hàm ý mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả.

1. Thể loại tác phẩm

Thể loại: Truyện ngắn

2. Bố cục truyện cuộc chia tay của những con búp bê

Tác phẩm được chia thành 3 phần chính:

- Phần 1 (Từ đầu ... hiếu thảo như vậy) : Cảnh hai anh em chia đồ chơi.

- Phần 2 (tiếp ... trùm lên cảnh vật) : Thủy chia tay lớp học.

- Phần 3 (còn lại) : cảnh hai anh em chia tay.

3. Soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê - Tóm tắt truyện

Nhằm giúp các bạn học sinh tiếp thu bài dễ dàng và nhanh chóng hơn, mình xin chia sẻ các đoạn văn mẫu tóm tắt truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê để bạn có thêm ý tưởng cho bài viết của mình nhé.

Mẫu 1:

Câu chuyện kể về cuộc chia tay của Thành và Thủy vì bố mẹ ly hôn. Thành ở lại với bố còn Thủy về quê ngoại với mẹ. Trước khi chia tay, hai anh em chia đồ chơi. Thủy đau đớn khi chia tay thầy cô và các bạn. Trước khi lên xe, Thủy chạy vào nhà đặt hai con búp bê ở lại và bắt anh hứa sẽ không bao giờ để chúng cách xa nhau.

Mẫu 2:

Thành và Thủy là hai anh em hết mực yêu thương nhau vì bố mẹ sắp ly hôn. Mẹ yêu cầu cả hai đêm chia đồ chơi. Thành nhường hết đồ chơi cho em. Còn hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ, Thủy để lại cho anh con Vệ Sĩ.

Hai anh em đến trường để Thủy chia tay với cô giáo và bạn bè. Cô giáo tặng Thủy một quyển sổ và một chiếc bút máy nắp vàng nhưng em không nhận. Vì em sẽ không được đi học nữa. Trước khi chia tay, Thủy suy nghĩ lại, đã đưa luôn cho anh con búp bê Em Nhỏ và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau.

Mẫu 3:

Cuộc chia tay của những con búp bê kể về hai anh em Thành và Thủy rất yêu thương và sống rất vui vẻ với nhau. Nhưng vì bố mẹ chia tay nhau, nên Thuỷ về quê với mẹ, còn Thành ở lại với bố. Trước khi chia tay, Thủy liền lại để lại con búp bê Em Nhỏ lại cạnh con Vệ Sĩ. Em bắt anh trai hứa sẽ không bao giờ để chúng phải xa nhau.

Mẫu 4:

Vì bố mẹ chia tay nhau, hai anh em Thành và Thuỷ cũng phải mỗi người một ngả: Thuỷ về quê với mẹ còn Thành ở lại với bố. Khi mẹ bắt chia đồ chơi, Thành đã nhường hết cho em. Riêng con Em Nhỏ và Vệ Sĩ, Thủy để lại cho anh. Em còn bắt anh trai hứa sẽ không bao giờ để chúng phải xa nhau.

Mẫu 5:

Hai anh em Thành và Thuỷ rất thân thiết. Do bố mẹ chia tay, Thành sẽ sống cùng bố, còn Thủy về ngoại với mẹ. Khi mẹ bắt cả hai chia đồ chơi, Thành nhường hết cho em. Thủy đã để con Vệ Sĩ lại bảo vệ cho anh mỗi khi gặp ác mộng.

Cả hai đến chia tay cùng các bạn trong lớp học, cô giáo của Thủy đã tặng em một cuốn sổ cùng chiếc búp nắp vàng nhưng em không nhận. Đến lúc phải chia tay, Thủy đã để lại Em Nhỏ và Vệ Sĩ cho Thành, để hai con búp bê không bao giờ phải xa nhau.

Mẫu 6:

Hai anh em Thành và Thủy hết mực yêu thương nhau. Nhưng vì bố mẹ ly hôn nên hai anh em không thể tiếp tục sống với nhau được nữa. Trước ngày chia tay, mẹ ra lệnh cho cả hai phải chia đồ chơi.

Thành dành hầu hết số đồ chơi cho em: bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển và bộ chỉ màu và ngay cả hai con búp bê là Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Ngày hôm sau, Thành đưa Thủy đến trường để chia tay cô giáo và bạn bè.

Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám nhận vì không còn được đi học nữa.

Khi hai anh em về đến nhà thì đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa.

Mẫu 7:

Bố mẹ Thành và Thủy sắp ly hôn. Trước ngày chia tay, mẹ đã yêu cầu cả hai chia đồ chơi. Thành nhường hết số đồ chơi cho em. Ngày hôm sau, Thành đưa Thủy đến trường để chia tay cô giáo và bạn bè.

Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám nhận vì không còn được đi học nữa. Về đến nhà, hai anh em thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng.

Mấy người hàng xóm đang giúp mẹ khuân đồ đạc lên xe. Cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa.

4. Nội dung chính truyện cuộc chia tay của những con búp bê

soan-bai-cuoc-chia-tay-cua-nhung-con-bup-be-2
Nội dung chính cuộc chia tay của những con búp bê

Soạn bài Cuộc chia tay của những con búp bê có nội dung chính như sau:

+ Ca ngợi tình cảm anh em thắm thiết trong sáng

+ Phê phán những cặp cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, đẩy con cái mình vào những hoàn cảnh bế tắc, éo le. Qua đó khuyên nhủ mọi người phải biết giữ gìn, bảo vệ tổ ấm gia đình.

5. Nghệ thuật văn học

Tác giả Khánh Hoài đã đem đến cho người đọc một tác phẩm mang nhiều ẩn ý cùng với đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nghệ thuật tinh xảo làm nên thành công cho tác phẩm.

Trong truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê, Khánh Hoài đã sử dụng những nghệ thuật chính sau:

+ Hình ảnh ẩn dụ trong nhan đề.

+ Lựa chọn ngôi kể thích hợp.

+ Xây dựng nhân vật tài tình, thành công.

+ Nghệ thuật đối lập nội tâm với ngoại cảnh

+ Lời kể chân thành, giản dị, truyền cảm.

6. Ý nghĩa của truyện cuộc chia tay của những con búp bê

Với mỗi một tác phẩm sẽ để lại trong lòng khán giả những ý nghĩa đặc biệt mà tác giả đã gửi gắm vào cốt truyện, vào từng nhân vật. Và truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê cũng không ngoại ngoại lệ.

Qua nhan đề câu chuyện, tác giả muốn ca ngợi tấm lòng vị tha, sự bao dung của những đứa trẻ ngày cả trong tình huống bi đát nhất, tình cảm thiêng liêng trong gia đình và tình anh em ruột thịt.

Tác giả muốn nhắn nhủ: đừng vì bất cứ lí do gì mà tổn hại đến tình cảm trong sáng, vô tư ấy. Hãy bảo vệ và vun đắp hạnh phúc gia đình.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê

Câu 1 (trang 26 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Đề bài

Đọc kĩ văn bản để nắm được: truyện viết về ai, về việc gì? Ai là nhân vật chính trong truyện?

Tham khảo một số cách trình bày dưới đây

Cách trình bày 1

- Truyện viết về cuộc chia tay giữa hai an hem Thành và Thủy. Vì bố mẹ li hôn mà hai anh em mỗi người một ngả. Thủy về quê ngoại với mẹ, Thành ở lại với bố.

- Cả hai anh em Thành và Thủy đều là nhân vật chính của câu chuyện.

Cách trình bày 2

- Truyện về các nhân vật: Thành, Thủy, ba mẹ,cô giáo Tâm, con Vệ Sĩ, con Em Nhỏ.

- Truyện kể về cuộc chia tay của bố mẹ Thành và Thủy kéo theo sự chia tay của hai anh em Thành, Thủy và 2 con búp bê Vệ Sĩ, Em Nhỏ

- Nhân vật chính là Thành và Thủy là nhân vật chính

Câu 2 (trang 27 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Đề bài

Hãy suy nghĩ và thảo luận với bạn trong nhóm về mấy điểm sau:

a) Câu chuyện được kể theo ngôi thứ mấy? Việc lựa chọn ngôi kể này có tác dụng gì?

b) Tên truyện có liên quan đến ý nghĩa của truyện không? (Búp bê có chia tay không, vì sao chúng phải chia tay, búp bê có lỗi gì mà phải chia tay?)

Tham khảo một số cách trình bày dưới đây

Cách trình bày 1

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chính là người chứng kiến câu chuyện xảy ra, trực tiếp tham gia cốt truyện – tức là cùng chịu nỗi đau vì sự mất mát về tình cảm như em gái mình. Cách lựa chọn ngôi kể này giúp tác giả có điều kiện trực tiếp thể hiện suy nghĩ, tình cảm và diễn biến tâm trạng của nhân vật, tăng thêm tính chân thực của truyện, làm cho truyện hấp dẫn và sinh động hơn. Chính vì thế, mặc dù tiêu đề của truyện là Cuộc chia tay của những con búp bê nhưng người đọc vẫn hiểu là cuộc chia tay của Thanh và Thuỷ.

Tuy nhiên, tiêu đề truyện còn một hàm ý khác. Những con búp bê thường gợi liên tưởng đến sự hồn nhiên, trong sáng, vô tư. Cuộc chia tay của những con búp bê tạo ra một tình huống tâm lí - đó là cuộc chia tay không đáng có, cũng như không đáng có cuộc chia tay giữa Thành và Thuỷ - hai anh em vốn rất mực gần gũi, thương yêu và luôn luôn quan tâm, chia sẻ cùng nhau. Tên truyện, vì thế đã gợi ra được một tình huống đáng chú ý khiến người đọc phải quan tâm theo dõi.

Cách trình bày 2

a. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất

– Tác dụng: thể hiện sâu sắc những tâm tư tình cảm của nhân vật, làm tăng thêm tính chân thực và thuyết phục cho câu chuyện

b. Tên truyện Cuộc chia tay của những con búp bê cũng là cuộc chia tay giữa Thành và Thủy, nó gợi được ý nghĩa tình huống truyện mà tác giả muốn truyền đạt. Hai đứa trẻ ngây thơ, vô tội, hồn nhiên như những con búp bê nhưng vì lỗi của người lớn nên chúng phải rơi vào cảnh ngộ éo le, đau đớn này.

Cách trình bày 3

a. - Chuyện kể theo ngôi thứ nhất. Nhân vật xưng tôi trong câu chuyện chính là Thành – là người trong cuộc phải chịu đựng nỗi đau chia li và chứng kiến tất cả những sự việc xảy ra.

- Lựa chọn cách kể này mang đến những lợi thế:

  • Thế hiện sâu tâm trạng, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật.
  • Tăng tính chân thực và sự thuyết phục của câu chuyện đối với bạn đọc

-> Đây là câu chuyện do người trong cuộc kể lại.

b. - Tên truyện tất nhiên phải liên quan đến ý nghĩa của câu chuyện. Bởi vì không có một tên truyện này lại không liên quan đến ý nghĩa của chuyện.

- Tên truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” có rất nhiều ý nghĩa:

  • Búp bê là đồ chơi của trẻ thơ, nó gợi lên sự bé bỏng, trong sáng, thơ ngây, hồn nhiên đáng yêu.
  • Đằng sau những con búp bê ấy ta liên tưởng đến hai anh em Thành và Thủy cũng trong sáng và đáng yêu như thế. Hai an hem đâu có tội tình gì thế mà cũng phải chia tay.
  • Tiêu đề đã gợi lên tình huống truyện. Một tình huống đau lòng gây sự chú ý và suy nghĩ của người đọc.

Câu 3 (trang 27 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Đề bài

Hãy tìm các chi tiết trong truyện để thấy hai anh em Thành, Thủy rất mực gần gũi thương yêu, chia sẻ và luôn quan tâm đến nhau.

Tham khảo một số câu trả lời dưới đây

Cách trình bày 1

Các chi tiết trong truyện để thấy hai anh em Thành, Thủy rất mực:

- Chia sẻ, giúp đỡ và quan tâm đến nhau:

  • Thủy đem kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh.
  • Thành giúp em học bài, chiều nào cũng đón em đi học về.

- Rất mực gần gũi thương yêu nhau:

  • Nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.
  • Chia đồ chơi. Thành "Anh cho em tất", Thủy "Em để lại hết cho anh", đem con Vệ Sĩ để đầu gường gác cho anh ngủ.
  • Khi chia tay nhau cả hai anh em đều bật khóc.

Cách trình bày 2

- Hai anh em Thành Thủy luôn gần gũi, yêu thương và chia sẻ với nhau:

  • Thủy vá áo cho anh
  • Thành chiều nào cũng đón em
  • Khi Thủy nức nở trong đêm trước ngày chia tay, Thành nén khóc nhưng nước mắt tuôn ra như suối
  • Thủy nhường lại con Vệ Sĩ để bảo vệ Thành không mơ ngủ thấy ma
  • Khi ra đi Thủy vẫn dặn Thành về chuyện vá áo

Cách trình bày 3

- Các chi tiết chứng tỏ hai anh em Thành và Thủy rất mực yêu thương gần gũi, chia sẻ và luôn quan tâm tới nhau là:

  • Thủy mang kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh
  • Thành chiều nào cũng đón em đi học về, hai anh em nắm tay nhau vừa đi vừa nói chuyện
  • Thủy căn dặn khi nào áo anh rách nhớ đưa cho mình vá
  • Hai anh em cứ nhường đồ chơi cho nhau. Thương anh không có ai gác đêm cho ngủ Thủy nhường lại cho anh con vệ sĩ

Câu 4 (trang 27 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Đề bài

Lời nói và hành động của Thủy khi thấy anh chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra hai bên có gì mâu thuẫn? Có cách gì để giải quyết mâu thuẫn ấy không?

Cách giải quyết của Thủy gợi lên cho em những suy nghĩ và tình cảm gì?

Câu trả lời tham khảo

Cách trình bày 1

Đọc truyện, điều dễ nhận thấy là giữa lời nói và hành động của Thuỷ bộc lộ những mâu thuẫn rõ rệt khi thấy anh chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra hai bên: trong suy nghĩ, Thuỷ không muốn chia rẽ hai con búp bê, nên Thuỷ vừa ngạc nhiên vừa giận dữ "Sao anh ác thế!" đã lại rất thương Thành, sợ đêm đêm không có con Vệ Sĩ canh giấc ngủ cho anh. 

Để giải quyết được mâu thuẫn ấy, chỉ có một cách duy nhất là bố mẹ các em không xảy ra việc chia tay. Nhưng thực tế thật là nghiệt ngã. Cuộc chia tay của người lớn đã để lại hậu quả đau đớn cho các em. Cuối truyện, Thuỷ đã để lại con Vệ Sĩ. Đây là chi tiết có tính cao trào, đặc sắc, giàu ý nghĩa nhân văn của truyện.

Cách trình bày 2

- Thủy và Thành đều muốn nhường nhau đồ chơi. Theo lệnh của mẹ, Thủy để Thành chia đồ chơi nhưng tới khi Thành chia tới hai con búp bê thì Thủy tru tréo giận dữ.

- Cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn chỉ có cách gia đình Thành Thủy đoàn tụ, hai anh em không phải chia tay

- Chi tiết này làm người đọc thương và quý bạn Thủy vì tấm lòng nhân hậu, vị tha

- Từ đó gợi lên suy nghĩ: Chỉ tại cuộc chia tay của người lớn mà kéo theo nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt của trẻ nhỏ, những đứa con.

Cách trình bày 3

- Sự mâu thuẫn của Thủy:

+ Thấy anh lấy con Vệ Sĩ và Em Nhỏ dang sang hai phía thì giận dữ tru tréo lên: “Sao anh ác thế?”

= > Vì không muốn hai con bút bê chia tay nhau.

+ Thế nhưng khi thấy anh để lại hai con búp bê cạnh nhau theo ý muốn của mình Thủy lại cũng kê lên: “Lấy ai gác đêm cho anh”.

= > Đây là sự mâu thuẫn “giữa sự thật cuộc đời cay đắng và tình người ngọt ngào êm dịu” (Vũ Dương Quỹ)

- Cách để giải quyết mâu thuẫn: Là gia đình Thành, Thủy bố mẹ không còn mâu thuẫn, không li hôn nhau nữa, đoàn tụ sum vầy để cho hai anh em không phải chia tay nhau và con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ cũng không phải chia lìa.

- Cách giải quyết của Thủy:

+ Quay lại, đi nhanh về phía chiếc giường, đặt con Em Nhỏ quàng tay vào con Vệ Sĩ.

+ Ý nghĩa: Lòng hi sinh vị tha của Thủy, chấp nhận thiệt thòi về mình để anh luôn có Vệ Sĩ canh gác giấc ngủ, không nỡ để hai con búp bê phải chia lìa nhau. Làm tăng thêm sự nhức nhối, nỗi xót xa về cuộc chia tay vô lí của hai anh em. Thể hiện niềm mong ước được gắn bó, niềm khao khát cháy bỏng muốn được hạnh phúc,không muốn chia lìa.

Câu 5 (trang 27 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Đề bài

Chi tiết nào trong cuộc chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng và chi tiết nào khiến em cảm động nhất, vì sao?

Câu trả lời tham khảo

Cách trình bày 1

- Chi tiết chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng:

+ Cô giáo tặng Thủy quyển số và chiếc bút máy nắp vàng nhưng: "Em không dám nhận… Em không đi học nữa". "Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa để ra chợ ngồi bán".

+ Ý nghĩa: Sự đau xót của số phận tuổi thơ, Thủy phải mất mát quá lớn: xa bố, xa anh, thiếu thốn tình thương. Phải chịu cảnh thất học. Phải lăn lộn vào đường đời để kiếm sống lúc còn quá nhỏ.

- Chi tiết làm em cảm động nhất:

  • Chi tiết chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng
  • Chi tiết cô giáo và cả lớp cùng khóc khi biết Thủy không còn được đi học nữa.
  • Chi tiết Thủy đã trèo lên xe, nhưng bỗng em lại tụt xuống đi về phía đầu giường, đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ.

Cách trình bày 2

Chi tiết khiến cô giáo bàng hoàng và chi tiết nào khiến em cảm động nhất:

  • Chi tiết cảm động nhất có thể là chi tiết cô giáo Tâm tặng cho Thủy quyển vở và cây bút máy nắp vàng, nhưng Thủy không dám nhận vì lí do không được đi học nữa, cô Tâm tái mặt và nước mắt giàn giụa
  • Thủy phải chuyển trường, Thủy không còn được đi học nữa do nhà bà ngoại quá xa trường, phải đi bán hoa quả ngoài chợ

→ Thủy là đứa bé ngoan ngoãn, giàu tình cảm nhưng phải chia tay bạn bè, người thân, đồ chơi, không được đến trường, sớm phải phụ mẹ.

Cách trình bày 3

– Trong tác phẩm, chi tiết chia tay với lớp học làm cô giáo bàng hoàng đó là Thủy không được đi học nữa phải đi bán rau ở chợ vì nhà bà ngoại xa trường học. Thật không ngờ một cô bé còn nhỏ tuổi như vậy đã phải tự kiếm sống

– Chi tiết cảm động nhất là tiếng thốt lên Trời ơi cùng khuân mặt tái lại, nước mắt dàn dụa của cô giáo.

Câu 6 (trang 27 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1):

Đề bài

Em hãy giải thích vì sao khi dắt tay Thủy ra khỏi trường, tâm trạng của Thành lại: “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”.

Tham khảo một số cách trình bày dưới đây

Cách trình bày 1

Thành kinh ngạc bởi trong khi tâm hồn mình đang diễn ra những mất mát, đớn đau quá lớn (mất mái ấm gia đình, phải chia tay đứa em gái nhỏ) thì cuộc đời ngoài kia vẫn trôi bình thản. 

-> Chi tiết này cho thấy sự hụt hẫng, cô đơn của nhân vật. Nó tác động mạnh vào ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta trước những người xung quanh và trước cuộc sống của cộng đồng.

Cách trình bày 2

Khi Thủy rời khỏi trường, Thành “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”

  • Anh em Thành tâm trạng vì hai anh em ở trong không khí ảm đạm, bạn bè, thầy cô đau xót trước nỗi đau quá lớn hai anh em đang trải qua
  • Thế nên, nỗi đau ấy không hề tác động gì đến những người khác

- Thành vì quá đau xót nên Thành nghĩ ai cũng biết nỗi đau của hai anh em

- Thiên nhiên vẫn đẹp một cách dửng dưng

→ Sự kinh nhạc để biểu hiện tâm trạng đau khổ tột cùng và hâng hụt của Thành.

Cách trình bày 3

- Đây là tình huống có tính chất đối lập tương phản giữa ngoại cảnh và nội tâm con người.

  • Ngoại cảnh tất cả vẫn rất bình thường, mọi người vẫn tuôn theo nhịp sống đều đặn cảnh vật thậm chí còn rất đẹp “nắng vẫn vàng ươm”.
  • Nội tâm của hai anh em đang phải chịu đựng sự mất mát quá lớn: sự đổ vỡ của gia đình, cõi lòng tan nát.

- Tăng thêm sự bơ vơ, lạc lọng, cô đơn của hai tâm hồn trẻ thơ, nỗi đau không người chia sẽ, chỉ mình hai anh em chịu đựng.

Câu 7 (trang 27 sgk Ngữ Văn 7 Tập 1)

Đề bài

Qua câu chuyện này, theo em, tác giả muốn nhắn gửi đến mọi người điều gì?

Câu trả lời tham khảo

Cách trình bày 1

Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi đến chúng ta một lời nhắn nhủ rằng: mái ấm gia dình là một tài sản vô cùng quý giá. Nó là nơi gìn giữ những tình cả cao quý và thiêng liêng. Hãy gìn giữ nó, đừng bao giờ vì một lí do gì mà làm tổn hại đến những tình cảm cao quý và thiêng liêng ấy.

Cách trình bày 2

Tác giả muốn nhắn gửi mọi người:

- Gia đình là điều đáng quý nhất trên đời này. Người lớn cần giữ gìn mái ấm gia đình để che chở, chăm sóc cho con trẻ có cuộc sống đầy đủ về tình cảm. Đừng bao giờ để gia đình đổ vỡ, khiến cho người lớn chia tay và kéo theo bao cuộc chia tay đau đớn của các em nhỏ.

Cách trình bày 3

Điều mà tác giả muốn gửi gắm

"Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ

Các bài văn hay cảm nhận truyện cuộc chia tay của những con búp bê

Trong khi soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê, bạn có thể tham khảo các bài cảm nhận, phân tích chi tiết. Dưới đây là một số bài văn hay giúp các bạn có thêm kiến thức về tác phẩm cũng như tăng lượng vốn từ, nâng cao khả năng viết lách của học sinh.

1. Phát biểu cảm nghĩ về Cuộc chia tay của những con búp bê

soan-bai-cuoc-chia-tay-cua-nhung-con-bup-be-3
Phát biểu cảm nghĩ về Cuộc chia tay của những con búp bê

Truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê là tác phẩm đặc sắc của nhà văn Khánh Hoài. Nếu các bạn đang muốn tìm kiếm những bài văn hay để tham khảo thì hãy đọc các bài văn mẫu phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm sau đây nhé!

Bài tham khảo 1:

Trẻ em là một đề tài không quá mới lạ của văn chương Việt Nam. Nhưng trong đó, tác phẩm làm em ấn tượng nhất vẫn là truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê của nhà văn Khánh Hoài.

Truyện ngắn này em đã đọc rất nhiều lần và mỗi lần đọc, em đều có những cảm xúc xót xa, thương tiếc cho số phận của Thành và Thủy như lần đầu tiên. Thành và Thủy là hai anh em ruột thịt. Cũng như bao cặp anh em khác, hai người lớn lên cùng nhau, luôn ở cạnh, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.

Là một người anh trai, Thành luôn che chở, quan tâm em gái hết mực khi chiều nào cũng đưa em về nhà. Còn Thủy, em luôn ngoan ngoãn, quan tâm anh mình. Đặc biệt, có lần em mang kim chỉ chạy ra tận sân bóng để vá áo cho anh kẻo sợ anh bị mẹ mắng.

Trong những năm tháng ấy, hai anh em có cùng nhau rất nhiều kỉ niệm đẹp, khiến tình cảm càng thêm bền chặt. Thế nhưng, giông tố ập đến. Bố mẹ bất ngờ li hôn, khiến cho hai anh em phải xa nhau. Người anh ở lại với bố, còn người em trở về quê với mẹ.

Từ đây hai người không còn được sống cùng với nhau nữa, không còn ngày ngày cùng nhau đi học nữa. Xót xa, cay đắng làm sao. Khi hay tin giữ này, Thủy bất giác run lên bần bật, em khóc suốt cả đêm, đôi mắt lúc nào cũng như người mất hồn. Còn Thành, là anh trai, em cố kìm nén cảm xúc của mình lại.

Thế nhưng sao khó khăn quá. Thành cố gắng không khóc, cắn chặt môi để tiếng khóc không bật ra, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suốt, ướt dầm cả gối và hai cánh tay áo.

Đến lúc chia đồ chơi, Thành quyết định để hết đồ chơi lại cho em gái. Còn Thủy thì lo lắng anh ngủ sẽ mơ thấy ác mộng nên để Vệ Sĩ lại cho anh. Khung cảnh chia những món đồ chơi ít ỏi của hai anh em khiến cho người đọc không khỏi xót xa, thương tiếc. Đến lúc chia xa, cả hai anh em sững sờ, choáng váng khi giờ phút ấy đến nhanh quá.

Thủy như người mất hồn, mặt tái xanh như tàu lá. Dù vậy, em vẫn chạy vội, lấy con Em Nhỏ đặt cạnh Vệ Sĩ. Em làm như vậy vì muốn hai anh em búp bê không phải rời xa nhau như em và anh trai.

Đó cũng là nơi để em gửi gắm, kí thác tâm nguyện của mình. Mong rằng em và anh trai sẽ luôn được ở bên cạnh nhau. Thế nhưng mong ước ấy sao mà xa vời quá.

Truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê đã khắc họa nên bức tranh cảm động về tình cảm anh em. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng và sâu sắc vô cùng. Đồng thời, tác phẩm còn như một lời kêu gọi, nhắc nhở mọi người về quyền của trẻ em, đó là quyền được sống hạnh phúc, đủ đầy tình yêu thương của gia đình.

Bài tham khảo 2:

“Cuộc chia tay của những con búp bê”của Khánh Hoài là một tác phẩm hay và đầy ý nghĩa. Nó khiến cho em xúc động không chỉ bởi vì tình cảm hồn nhiên và dễ thương của hai anh em Thành và Thủy mà còn bởi vì cuộc chia ly đột ngột giữa hai anh em, hai tâm hồn nhạy cảm và trong sáng.

Người ta thường nói búp bê thì không biết khóc bao giờ. Búp bê chỉ là một đồ vật vô tri vô giác mà thôi. Nhưng con người bằng xương bằng thịt thì khác. Họ có thể vui, buồn, giận dỗi và khóc khi mình gặp phải những biến cố hay mất mát nào đó trong đời, cũng có thể khóc khi vui sướng. Thành và Thủy cũng chính là những con người như vậy.

Hai anh em không chỉ rất yêu thương nhau mà còn muốn ba mẹ hai em không chia tay để trong hai trái tim bé nhỏ ấy không biết bao lần thổn thức. Thành là một người anh trai yêu thương em gái hết mực, dù cho đồ chơi của chúng chẳng có gì nhiều nhưng anh vẫn dành hết đồ chơi cho đứa em gái ngây thơ của mình.

Thủy tuy còn nhỏ và khá trẻ con, nhưng hành động “võ trang cho con Vệ Sĩ”, đem đặt đầu giường để gác đêm cho anh để anh không chiêm bao thấy ma nữa xuất phát từ tình anh em.

Thủy không thể chịu đựng nổi khi thấy Thành đem chia hai con búp bê, con Vệ Sĩ và con Em nhỏ ra, em càng không thể cầm lòng khi em biết chỉ trong một thời gian ngắn ngủi thôi, em phải xa người anh trai mà em hết lòng tôn sùng và yêu mến.

Hai anh em cũng chỉ là hai con búp bê có cảm xúc phải chia tay nhau khi còn quá nhỏ để luyến lưu một góc trời ký ức đầy dư âm và kỷ niệm.

Hai em không phải là người quyết định cuộc chia tay ấy mà chính quyết định ly hôn của ba mẹ hai em đã khiến cho hai em phải xa nhau, xa những tháng ngày hạnh phúc và đầy những ký ức đẹp như cổ tích.

Khi biết chuyện, cô và các bạn của Thủy đã rất đau lòng, càng đau lòng hơn khi phải đối mặt với một sự thật phũ phàng rằng từ nay Thủy sẽ không còn được đi học nữa. Sự thật vẫn là sự thật. Em chỉ ước một điều là cái tổ ấm nhỏ bé ấy sẽ không bị tan vỡ và nụ cười lại nở trên môi hai anh em tội nghiệp.

Người lớn thì có bao giờ hiểu được con trẻ nghĩ gì khi tuy còn nhỏ mà chúng phải chứng kiến cảnh ba mẹ bỏ nhau và phải nói lời chia xa với những người mà mình yêu thương nhất. Hai con búp bê cũng phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó.

Em không biết là chúng có khóc không nếu chúng phải chia tay nhau sau một thời gian dài bên nhau, chơi đùa cùng hai con người đáng yêu và dễ thương như hai thiên thần.

Có thể chúng sẽ không khóc đâu vì búp bê làm gì có nước mắt. Nhưng cuộc chia tay đã làm nhói đau Thành và Thủy, để lại trong tim hai em một vết thương rất lớn không gì hàn gắn nổi.

Dù vậy thì cuộc sống vẫn tiếp tục trôi, “mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng um trùm lên cảnh vật”. Hai em có thể xa rời nhau, nhưng tôi tin chắc một điều là chúng vẫn luôn nhớ về nhau, nhớ khung trời tuổi thơ với những cảnh vật quen thuộc, mãi mãi không quên.

Em thấy lòng mình đau đớn khi trong phút giây nói lời tạm biệt, Thủy bắt thành phải hứa là sẽ không bao giờ để hai con búp bê ngồi xa nhau, cũng giống như hai sinh linh ấy sẽ mãi dõi theo nhau trên mọi nẻo đường đời.

Câu chuyện là một bài học về tình anh em, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó có thể phai mờ. Búp bê có lỗi gì mà phải chia tay? Búp bê vẫn muốn mình được hạnh phúc trong vòng tay đùm bọc, chở che của ba mẹ.

Cuộc chia tay đau đớn và đầy cảm động của hai em bé trong truyện có lẽ sẽ nhắc nhở chúng ta rằng: Gia đình chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người. Để bảo vệ và gìn giữ được hạnh phúc gia đình không có gì hơn là chúng ta phải đừng để những cuộc chia ly như thế diễn ra để con trẻ tự nhiên lại phải hứng chịu những mất mát không gì hàn gắn được.

Bài tham khảo 3:

Quyền trẻ em là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay, bởi các em đều là những đứa trẻ mong manh, dễ tổn thương, cần sự bao bọc và chở che của gia đình.

Nhưng hiện nay một thực tế đau lòng là cha mẹ chia xa, gia đình tan vỡ, cuộc đời các em sang trang mới. Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài đã khiến người đọc không kìm được xúc động về hai nhân vật có trong truyện.

Không phải vô cớ tác giả đặt tên truyện là “Cuộc chia tay của những con búp bê”, hẳn là có nguyên do. Bởi rằng búp bê là những thứ vô tri vô giác nhưng lại gắn bó với tuổi thơ của những đứa trẻ. Khi “búp bê” chia tay cũng là lúc những đứa trẻ đó rơi vào nỗi đau đớn không thể thấu.

Và cuộc chia tay của Thành và Thủy trong truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê”. Cách chọn ngôi kể của tác giả cũng tạo nên ấn tượng và xúc động mạnh của truyện ngắn, cứa vào lòng người đọc nhiều nhức nhối về vấn đề quyền trẻ em.

Thành và Thủy là hai anh em rất mực yêu thương, đùm bọc, chở che cho nhau từ tấm bé. Tình cảm đó được biểu hiện qua nhiều chi tiết như hồi lớp Năm, có lần Thành đi đá bóng bị rách áo, chính Thủy đã đem kim chỉ ra sân để vá cho anh.

Một biểu hiện thật bình dị, giản đơn nhưng đượm tình nghĩa. Hai anh em đi học cũng luôn đi cùng nhau “vừa đi vừa trò chuyện”.

Khi bố mẹ bỏ nhau, hai anh em phải mỗi người một nơi, nỗi đau hiện lên từng khuôn mặt đến ngạt thở. Thủy “khóc nức nở, tức tưởi” trong khi Thành thì “cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đẫm cả gối”.

Những giọt nước mắt đó chứa đầy sự đau đớn và tủi nhục khi gia đình tan vỡ. Tác giả đã khiến người đọc không kìm được xúc động khi đọc những câu văn thấm đẫm nước mắt này.

Khi mẹ bảo hai anh em chia đồ chơi thì ai cũng nhường cho người kia, vì dường như những con búp bê và cả hai anh em đều không muốn chia xa. Khi Thành chia đôi hai con búp bê Vệ Sĩ và Em nhỏ cho hai anh em thì Thủy đã có những hành động mâu thuẫn, trái ngược nhau.

Một mặt Thủy nghĩ rằng “anh ác”, nhưng mặt khác lại lo lắng vì sợ không có người “gác đêm cho anh”. Một cô bé giàu tình cảm, yêu thương anh tha thiết và chân thành.

Điều bất ngờ là ở cách giải quyết của Thủy, để hai con búp bê lại cho anh. Hai con búp bê sẽ mãi mãi không xa nhau, anh trai cũng không sợ thấy ma mỗi đêm. Người đọc xúc động trước cử chỉ và suy nghĩ đầy tình yêu này của Thủy. Có thể nói đây là chi tiết đắt mà tác giả đã xây dựng. Một tình cảm vị tha thật đáng ngưỡng mộ.

Khi tác giả kể về khoảnh khắc Thủy chia tay lớp, thực sự người đọc không kìm được cảm xúc của mình nữa. Khi cô giáo tặng Thủy quyển sổ và cây bút thì Thủy không dám nhận vì em sẽ không được đi học nữa, vì “mẹ em sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”.

Chi tiết này khiến cô giáo “tái mặt và nước mắt giàn giụa”. Cũng chi tiết này phản ánh thực tế đau lòng của những đứa trẻ khi bố mẹ chia tay nhau, cuộc sống của những đứa trẻ rơi vào bế tắc, không lối thoát. Trách nhiệm của bố mẹ đã không hoàn thành khi để những đứa con của mình không được đến trường nữa.

Khung cảnh chia tay lớp học của Thủy là khung cảnh ám ảnh người đọc, một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học lại phải lăn lộn kiếm sống. Thật đau lòng. Tác giả đã tái hiện lại quang cảnh sau khi hai anh em rời khỏi trường “Thành kinh ngạc khi thấy mọi người đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”.

Mọi thứ vẫn như vậy nhưng gia đình của hai anh em đã không còn vẹn nguyên, mỗi người một nơi. Cuộc sống càng ngày càng khắc nghiệt với những đứa trẻ đáng ra được hưởng hạnh phúc.

Khánh Hoài với giọng văn nhẹ nhàng, da diết và đầy day dứt đã khiến cho người đọc cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát bao trùm lên tác phẩm. Số phận của những đứa trẻ trong một câu chuyện hôn nhân tan vỡ sẽ như thế nào?

2. Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê

soan-bai-cuoc-chia-tay-cua-nhung-con-bup-be-4
Phân tích nhân vật Thành và Thuỷ

Với mỗi một tác phẩm, việc xây dựng hình tượng nhân vật là yếu tố quan trọng tạo nên cốt lõi của một tác phẩm hay và thành công. Dưới đây là bài văn tham khảo về phân tích nhân vật Thành và Thuỷ trong truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê.

Bài tham khảo:

Cuộc chia tay của những con búp bê do Khánh Hoài sáng tác đã để lại những dư âm, xúc động sâu sắc trong lòng người đọc. Đọc tác phẩm hẳn chúng ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh của Thành và Thủy hai đứa trẻ tội nghiệp, đáng thương phải chia xa nhau vì những khúc mắc của người lớn.

Trước hết, Thành là người có tình yêu thương em sâu sắc. Trong những ngay gia đình hòa thuận, êm ấm, cậu luôn yêu thương, chiều chuộng em, chiều nào cũng đón em đi học về, cùng nắm tay nhau đi và trò chuyện.

Cho đến những ngay gia đình sắp phải li tán, anh em mỗi người đôi ngả tình cảm cậu dành cho em lại càng sâu đậm hơn. Với tâm hồn của một đứa trẻ nhạy cảm, dù đã gắng gượng nhưng cả đêm Thành vẫn khóc, đến mức ướt đầm cả hai gối. Khi chia đồ chơi, Thành nhường tất cả cho em.

Rồi cậu mong sao tất cả những điều này chỉ là một giấc mơ, sau giấc mơ này mọi việc sẽ trở lại như cũ. Thành còn là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

Chi tiết Thành nhận xét sự thay đổi của cảnh vật xung quanh: “cảnh vật vẫn như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này” hay “Ra khỏi trường tôi kinh ngạc khi thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”.

Những suy nghĩ đó càng cho thấy rõ hơn sự nhạy cảm tinh tế của Thành, đồng thời sự đối lập giữa ngoại cảnh và tâm cảnh khiến cho người đọc thêm xót xa và cảm thương hơn cho số phận bất hạnh của hai anh em.

Ta không chỉ ấn tượng với một người anh – Thành yêu thương, chiều chuộng em, mà còn nhớ về một Thủy – người em có tâm hồn, tấm lòng nhân hậu trong sáng và cũng hết sức yêu thương, quan tâm anh.

Trước hết, Thủy là cô bé chu đáo, luôn quan tâm và yêu thương anh. Bằng đôi bàn tay khéo léo, cô bé đã vá lại chiếc áo rách cho anh thật hoàn hảo; tối tối sau khi học bài xong lại “võ trang” cho con Vệ Sĩ và đem đặt lên đầu giường để canh giấc ngủ cho anh.

Cô bé cũng là đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, trước tình cảnh gia đình phải chia lìa, anh em phải rời xa nhau, Thủy đã khóc cả đêm, đôi mắt em sưng húp lên, như mất hồn, người loạng choạng như sắp ngã khi mẹ yêu cầu chia đồ chơi.

Làm sao em có thể sống một cách bình thường khi mà em sắp phải chia tay người em yếu quý nhất. Tác giả đã thật tinh tế và sâu sắc khi nắm bắt chính xác những cung bậc cảm xúc của nhân vật.

Khi chia đồ chơi trong tâm trạng Thủy xảy ra sự mâu thuẫn: một mặt, Thủy tru tréo giận giữ khi anh để con búp bê ra hai phía, mặt khác lại lo lắng nếu để hai con búp bê theo mình, thì lấy ai gác đêm cho anh ngủ ngon. Rồi cuối cùng em quyết định để hai con búp bê lại cho anh, để chúng không bao giờ phải xa nhau.

Những suy nghĩ, hành động của Thủy trong việc chia búp bê cho thấy em là một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, không chỉ yêu thương anh mà còn có tấm lòng vị tha cao cả. Trong hoàn cảnh này, Thủy là một đứa bé vô cùng đáng thương, em không suy nghĩ cho bản thân, mà chỉ suy nghĩ đến người khác, vì người khác.

Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chia li, Thủy đã có hành động vô cùng bất ngờ Thủy tụt xuống xe và chạy về chiếc giường đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ. Dù hai anh em phải chia tay nhưng tình cảm của hai em thì mãi không thể chia cắt.

Số phận của Thủy còn có phần bất hạnh hơn anh trai, có lẽ người anh ở với bố vẫn được tiếp tục học tập, còn với Thủy điều ấy không thể xảy ra.

Trong cuộc chia tay với lớp học, khi cô giáo tặng em bút và vở, Thủy đã từ chối không nhận, lí do em đưa ra khiến người đọc ứa nước mắt: “Thưa cô em không dám nhận … em không được đi học nữa” “Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm.

Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Tình cảnh của em thật đáng thương, Thủy không chỉ bị cướp đi cuộc sống gia đình hạnh phúc, cướp đi người anh trai yêu quý mà em còn bị cướp đi quyền học tập, vui chơi – quyền cơ bản nhất của mỗi đứa trẻ. Em sớm phải lao vào đời kiếm sống.

Để tạo nên thành công của tác phẩm, Khánh Hoài đã kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật. Trước hết là việc lựa chọn ngôi kể, lấy người anh một người trong cuộc chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau chia li, qua đó thể hiện một cách chân thành và cảm động những suy nghĩ, tâm trạng đau đớn, xót xa của nhân vật.

Xây dựng tình huống truyện đặc sắc, mượn câu chuyện hai anh em Thành và Thủy phải chia lìa vừa thể hiện tâm hồn trẻ thơ trong sáng, vừa thể hiện được nỗi đau của trẻ em khi tổ ấm gia đình tan vỡ. Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, phù hợp với tâm lí trẻ em.

Qua hai nhân vật này, tác giả Khánh Hoài cũng gửi gắm đến người đọc những thông điệp ý nghĩa: Tổ ấm gia đình mỗi người là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Bởi vậy, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ phải cố gắng gìn giữ, không nên vì bất cứ lí do nào mà làm tổn hại những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

Trên đây là những tham khảo về cách soạn bài cuộc chia tay của những con búp bê. Hy vọng với những thông tin trên phần nào giúp cho các bạn nắm vững được kiến thức tốt hơn. 

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.

Gửi bình luận
phuongthao
Tác giả: Chanh Tươi Review
Đội ngũ biên tập
Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Chanh Tươi Review

Thông báo