Hướng dẫn làm bài văn miêu tả một con vật mà em yêu thích

12.04.2024 - 14:40

Trong các đề văn miêu tả thường có đề bài như " Miêu tả một con vật mà em yêu thích ". Văn miêu tả là một trong 6 phương thức biểu đạt mà các học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở được tiếp cận. Vậy làm sao để có một bài văn miêu tả con vật sinh động và chân thật nhất, cần rất nhiều yếu tố hãy tham khảo bài viết sau để có thể hoàn thiện bài văn " miêu tả một con vật mà em thích nhất".

tả một con vật mà em yêu thích
Miêu tả một con vật mà em yêu thích

Các bước miêu tả một con vật mà em yêu thích

1. Xác định cụ thể đối tượng của bài văn tả con vật

Bài văn tả con vật là dùng lời văn để vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh con vật một cách sinh động với những đặc điểm về hình dáng, hoạt động và các thói quen sinh hoạt.

Dựa vào yêu cầu của đề bài, các bạn có thể tự chọn hoặc miêu tả con vật cụ thể theo yêu cầu đề bài. Nếu là đề tự chọn, các bạn nên chọn con vật gần gũi, thân quen để có thể miêu tả một cách dễ dàng và việc lồng cảm xúc vào bài văn sẽ tự nhiên hơn, ví dụ các con vật nuôi trong nhà như chó, mèo, gà, lợn, bò... hoặc nếu là bài văn tả con vật trong sở thú, bạn có thể chọn con vật khiến bạn ấn tượng nhất như chim, khỉ, sư tử…

bài văn tả con vật 1
Xác định đối tượng làm bài cho chủ đề miêu tả một con vật mà em yêu thích

2. Quan sát đối tượng cần tả

Có rất nhiều cách để quan sát con vật mà mình định tả. Tùy vào đối tượng và thời điểm miêu tả mà quan sát theo trình tự hợp lý. Tuy nhiên cần phải nhớ một yêu cầu quan trọng trong bài văn tả con vật đó là: quan sát và miêu tả các bộ phận nổi bật, đặc trưng của đối tượng cần miêu tả sao cho làm toát lên được đặc điểm riêng của nó, để phân biệt được với các sự vật khác cùng loại, hoạt động, thói quen của con vật. Quan sát bằng nhiều giác quan: mắt nhìn, tai nghe, tay sờ…và phải biết ước lượng đối tượng miêu tả. Đặc biệt giáo viên cần có hệ thống câu hỏi gợi mở để các bạn tìm chi tiết và dễ tái hiện các chi tiết khi làm bài. Hướng dẫn học sinh sắp xếp các chi tiết đã quan sát được theo trình tự đã chọn một cách tự nhiên, dễ hiểu để người đọc, người nghe cảm nhận được sự vật định tả một cách rõ ràng cụ thể nhất.

Ví dụ: Với đề bài “Tả con gà trống nhà em” có thể dùng hệ thống câu hỏi và sắp xếp các chi tiết theo trình tự sau:

miêu tả con gà
Bài văn miêu tả con vật mà em yêu thích

Tả hình dáng:

  • Gà thuộc giống gà gì? Khoảng mấy kilôgram?
  • Con gà trống có những bộ phận nào? (đầu, mình, chân, đuôi,…)
  • Đầu gà có những bộ phận nhỏ nào? (mào, mắt, mỏ…) các bộ phận ấy có màu sắc và hình dáng ra sao?…
  • Mình gà to chừng nào? Cánh gà có gì đặc biệt?
  • Đuôi gà thế nào? (hơi cong và có nhiều màu sắc như 7 sắc cầu vồng…)
  • Chân gà có đặc điểm gì? (chỉ có 4 ngón và một cái cựa rất sắc…)
  • Móng vuốt gà dùng để làm gì?

Tả hoạt động, thói quen của gà:

  • Gà trống thường có những hoạt động nào? (Vỗ cánh…gáy, tranh ăn với gà nhỏ hơn…)
  • Nuôi gà có tác dụng gì?

Như vậy để quan sát miêu tả con gà, các bạn cần sử dụng các giác quan như: thị giác (Quan sát các bộ phận của gà, thói quen…), thính giác (nghe tiếng gà vỗ cánh và gáy…).

3. Dàn ý cho bài văn miêu tả một con vật mà em yêu thích

Dàn ý gồm những phần nào? 

Dưới đây là dàn bài "miêu tả một con vật mà em yêu thích" mà các bạn lớp 2, lớp 3, hay kể cả lớp 4, lớp 5, lớp 6 đều có thể áp dụng được. Dàn bài cần đầy đủ 3 phần mở bài thân bài và kết bài:

a. Mở bài:

Giới thiệu con vật định tả là con gì, một con hay cả bầy (Con vật đang ở đâu? Em thấy con vật này vào lúc nào?)

b. Thân bài:

Tả hình dáng:

  • Tả bao quát: vóc dáng, bộ lông hoặc màu da.
  • Tả từng bộ phận: đầu (tai, mắt…), thân hình, chân, đuôi.

Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật:

  • Tả một vài biểu hiện về tính nết, thói quen của con vật.
  • Tả một số hoạt động chính của con vật: bắt mồi, ăn, kêu (gáy, sủa…)…
  • Chú ý kết hợp tả một vài nét về cảnh hoặc người liên quan đến môi trường sống của con vật.

c. Kết luận:

Nêu cảm nghĩ (của người tả hoặc những người khác) về con vật

4. Kiểm tra, soát lại dàn ý bài văn tả con vật

Khi lập xong dàn bài, lưu ý ta chưa vội vàng viết ngay vì như thế ý tưởng sẽ lộn xộn khó sắp xếp. Đây là bước quan trọng trước khi viết thành bài văn. Bởi để có bài văn hay, lôi cuốn người đọc thì trước hêt các chi tiết phải logic, trình tự và chặt chẽ. Muốn vậy cần rà soát lại các ý, xác định chi tiết nào chính, chi tiết nào phụ, phần nào viết trước, phần nào viết sau. Tuy nhiên, tùy vào ý tưởng của người viết, có thể sắp xếp các ý theo trình tự riêng của mình.

Chẳng hạn: Khi sắp xếp các ý trong bài văn miêu tả con vật có thể miêu tả hình dáng trước rồi tả các hoạt động và thói quen của con vật sau. Hoặc có thể xen kẽ vừa miêu tả hình dáng vừa tả các hoạt động và thói quen của nó.

5. Thực hành viết bài văn tả con vật

Đây là khâu quan trọng nhất và cũng là khâu khó nhất trong bài văn miêu tả một con vật mà em yêu thích. Trên cơ sở dàn bài đã có, các bạn viết thành câu, đoạn và thành bài văn hoàn chỉnh. Lời văn phải gọn gàng, ý tứ phải rõ ràng, rành mạch, trong sáng. Lại phải diễn đạt cho có hình ảnh, linh hoạt, sinh động và gợi cảm nữa. Muốn đạt như thế chúng ta phải dựa trên cơ sở quan sát tỉ mỉ, suy nghĩ, lựa chọn cách diễn đạt tốt nhất.

Một bài văn hay là phải có cách sắp xếp chặt chẽ: Mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài như một lời thân ái mời chào của chúng ta đối với người khách đến thăm “vườn văn” của mình. Lời mời chào ấy phải hấp dẫn, gợi mở, gây cảm xúc ban đầu nhẹ nhàng, nêu được ý muốn diễn đạt ở toàn bài.

a. Mở bài:

Các bạn có thể vào bài văn tả con vật theo hai cách: trực tiếp hay gián tiếp, có thể mở bài bằng một câu hoặc một đoạn văn nhưng bám sát vào nội dung yêu cầu đã xây dựng.

 Ví dụ: Tả một con vật mà em thích

  • Có bạn vào đề trực tiếp: Trong gia đình nhà em có rất nhiều loài vật nhưng em thích nhất là con mèo tam thể.
  • Có bạn mở bài gián tiếp: Cả gia đình nhà em đều quý con vật. Nhà em nuôi chó, mèo, chim, cá cảnh và cả 2 con sáo hót rất hay. Nhưng người bạn thân thiết hay đón em từ cổng mỗi khi em đi đâu về là chú cún con.

Từ đó tôi rút ra kết luận để các bạn hiểu rằng: Vào bài trực tiếp hay gián tiếp cũng phải bám sát yêu cầu của đề mới viết được bài văn với nội dung tốt, mang tính nghệ thuật cao. Với các bạn các bạn khá giỏi nên động viên các bạn mở bài theo cách gián tiếp.

b. Thân bài:

Dựa vào cấu trúc của dàn bài để viết phần thân bài cho thật đầy đủ các chi tiết.

  • Về cách dùng từ, phải dùng cho đúng, cho sát và lựa chọn từ ngữ nào hay nhất để làm cho câu văn có hồn.

 Ví dụ: Gà mẹ xòe cánh che chở đàn con.

Có thể đổi lại: Đàn gà con vội vàng rúc vào đôi cánh xòe ra che chở của gà mẹ

  • Muốn viết được câu hay, cần phải sử dụng biện pháp nhân hóa, so sánh nữa.

Ví dụ về so sánh: Chùm lông đuôi vừa dài vừa cong óng ả rất hợp với đôi cánh như hai con trai khổng lồ úp hờ hững bên sườn.

Ví dụ về nhân hóa: Dáng đi của trống cồ chậm rãi và oai vệ, ra vẻ một thủ lĩnh lắm.

Như vậy sau khi dùng từ chính xác để đặt câu đúng ngữ pháp, linh hoạt. Các bạn liên kết các câu với nhau thành đoạn, sau đó liên kết các đoạn thành phần thân bài. Lưu ý, mỗi đoạn tả một phần cụ thể của đồ vật, con vật và cây cối.

Ngoài ra cần chú ý lồng cảm xúc của người viết khi miêu tả các sự vật trên.

c. Kết bài:

Có hai cách kết bài: Kết bài mở rộng và không mở rộng.

Có nhiều cách kết bài khác nhau nhưng đều xuất phát từ nội dung chính. Nó khép lại trước mắt người đọc những cảm xúc tràn trề, những hình ảnh đẹp đẽ mà các bạn miêu tả trong bài văn của mình. Phần kêt bài như một cuộc tiễn đưa người khách vừa đến thăm “vườn văn” của mình một cách tình cảm, chân tình, đầy quyến luyến. Vì thế khi viết phần kết bài phải thật cô đọng, tránh cách kết bài cộc lốc, công thức.

Thực tế cho thấy các bạn chỉ liệt kê cảm xúc (Kết bài không mở rộng) “Em rất thích con cún ấy”. Tôi đã gợi mở để các bạn nêu (Kết bài mở rộng): “Cún đã sống với gia đình em rất lâu rồi. Nó rất ngoan, em hi vọng nó lớn lên càng biết vâng lời chủ và trung thành hơn nữa. Chẳng thế mà ai cũng nói chó là con vật rất trung thành và tinh nghĩa”

Sau khi đã qua nhưng bước trên, trong tưởng tượng của các bạn đã phác họa được chân dung của sự vật hiện tượng miêu tả. Một trong những chứng tỏ điều này là các bạn đã nhớ được nhiều chi tiết, hình ảnh, biết sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa, thổi hồn vào sự vật, hiện tượng một cách sống động gần gũi… để các bạn  thể hiện bản thân mình một cách thoải mái, không gò bó và đầy tính sáng tạo.

Sau mỗi tiết luyện tập, tôi cho các bạn nói về bài làm của mình cho cả lớp nghe. Ý kiến nào hay thi cho cả lớp phát huy, ý kiến nào chưa đạt cho các bạn góp ý, giáo viên nhận xét bổ sung. Từ đó giúp các bạn rút kinh nghiệm dế dàng làm bài văn miêu tả.

Xem thêm:

[BÀI MẪU] Những bài văn tả cây phượng lớp 4 hay nhất

Những điểm lưu ý khi tả con mèo và các bài văn mẫu hay nhất

Những lưu ý khi tiến hành miêu tả

1. Dù miêu tả theo cách nào và đối tượng nào cũng cần chú ý vận dụng ví von so sánh để bài văn miêu tả cói nét độc đáo mang tính cá nhân rõ.

2. Bài văn không được quá ngắn gọn cũng không vì thế mà dài lê thê đi không đúng chủ đề, bị trùng ý. 

3. Cần chú ý đến thứ tự miêu tả, nên miêu thả theo đúng trình tự từ bao quát đến chi tiết hoạt ngược lại, không nên miêu tả lộn xộn sẽ gây rối cho người đọc. 

4. Một điều quan trọng nữa là ta cần phải chọn từ ngữ thích hợp cho đối tượng miêu tả, tránh sử dụng những từ ngữ dành cho đối tượng này cho đối tượng kia.

5. Một điểm nữa cần nhớ là phải tìm được những nét nổi bật của con vật được tả khác với con vật khác nếu ta làm tốt điều này thì bài văn ta không những hay, mà còn thể hiện rõ được sự quan sát khác nhau, cách làm khác nhau của từng bạn dù chung một đối tượng miêu tả.

Mong rằng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức chung về mẫu làm bài văn miêu tả. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, nếu có bất kỳ góp ý nào rất mong các bạn có thể chia sẻ trực tiếp ý kiến đóng góp tại phần bình luận dưới bài viết chủ đề “Miêu tả một con vật mà em yêu thích” này nhé!

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!