Cẩm nang mang thai: Thai nhi 36 tuần tuổi

13.12.2022 - 10:48

Thai nhi 36 tuần tuổi có thể nặng tới 3kg là chuyện bình thường, mẹ sẽ thấy cơ thể nặng nề hơn trước kèm theo một số dấu hiệu khác. Bé yêu trong tuần này lại hoạt bát hơn tuần trước, bằng chứng là bé cử động hăng hái hơn.

Thời gian thai kỳ đã đi vào hồi kết, thai nhi 36 tuần tuổi tức là mẹ đã đi đến tháng thứ 9 trong chuỗi 9 tháng 10 ngày mang thai rồi. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng sinh con bất cứ khi nào các bố mẹ nhé. Thời gian này thì mẹ hãy gác hết tất cả công việc để chuẩn bị chào đón bé yêu, không có việc gì quan trọng bằng việc bé yêu của bạn chuẩn bị chào đời cả.

Sự thay đổi của thai nhi 36 tuần tuổi

Đến tuần thai thứ 36 bé yêu của bạn chủ yếu tăng về cân nặng, chiều dài chỉ nhích chút xíu, bé nặng khoảng 2,6 kg và cao khoảng 47,4 cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Những sợi tóc lơ thơ xuất hiện dày hơn trên đầu bé. Khuỷu tay, chân và đầu bé có thể nổi lên trên bụng của mẹ khi bé đạp hay ngọ ngoạy.

thai-nhi-36-tuan-tuoi-1

Tuần này, bé của bạn đã được coi là đủ tháng, các cơ quan trong cơ thể đã hoàn thiện chức năng của mình. Do nước ối đang dần giảm đi và do bé yêu của bạn đã quá lớn chiếm hầu hết khoảng không trong tử cung của mẹ nên bé đã bớt hiếu động hơn. Tuy nhiên, bé vẫn luôn nhắc nhở mẹ về sự có mặt của mình bằng việc đạp vào bụng mẹ hoặc vươn vai.

Hầu hết các bé lúc này đã quay đầu xuống dưới, chỉ có một vài trường hợp thai nhi ngược. Bạn có thể hỏi bác sĩ để có thêm lời khuyên bổ ích cho trường hợp này. Nếu như bạn có sinh bé trong tuần thai thứ 36 này, đừng lo lắng vì bé yêu của bạn đã có thể tự thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ rồi đó.

Nhật ký thai kỳ theo từng ngày của bé trong tuần thứ 36

Ngày thứ 246: Mái tóc bé đã dày hơn và xác định được màu tóc tùy theo di truyền. Bạn đừng trông đợi tóc bé giống bố nhé vì đôi khi tóc bé giống bạn hoặc những người thân khác trong dòng họ.

  • Mẹ làm cho bé: Bạn nên tự giác giảm bớt hoặc bỏ cà phê và rượu, sức khỏe của bé phụ thuộc hoàn toàn vào những gì bạn nạp vào cơ thể. Hãy lựa chọn những thực phẩm tươi nhằm tăng cường dinh dưỡng để chuẩn bị “lâm bồn” bạn nhé.

Ngày thứ 247: Bé bây giờ dài 48 -50 cm và nặng cỡ 2.7 kg.

  • Mẹ làm cho bé: Nếu bạn quyết định đi làm trở lại sớm thì bạn nên tìm nhà trẻ cho bé ngay. Nhà trẻ giúp bạn yên tâm lo công việc mà bé vẫn được chăm sóc tốt. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc và lựa chọn nơi thực sự có uy tín.

Ngày thứ 248: Bé đã sẵn sàng cho việc thở không khí bên ngoài rồi vì phổi của bé đã hoàn thiện.

  • Mẹ làm cho bé: Tuần đầu tiên khi bé chào đời, hãy giữ cho bé có được một môi trường sạch sẽ và không nhiều tạp âm. Một số mẹ bị mất ngủ bởi tiếng khò khè hoặc sôi lên trong nhịp thở của bé, chuyện này không có gì “nghiêm trọng” đâu, lý do là bé mới chỉ bắt đầu vận hành lá phổi của mình nên dễ phát ra âm thanh ấy.

thai-nhi-36-tuan-tuoi-3

Ngày thứ 249: Ai cũng tin rằng dấu hiệu sinh nở bắt đầu từ bé, điều này đúng nhưng chưa đủ, chính xác thì bí mật nằm ở tuyến thượng thận của bé.

  • Mẹ làm cho bé: Bạn vẫn phải uống và bổ sung vitamin mỗi ngày để giúp bé tăng trưởng nhé. Nếu có kế hoạch nuôi bé bằng sữa mẹ, thì bác sĩ sẽ khuyên bạn bổ sung vitamin đến lúc cai sữa bé thì dừng.

Ngày thứ 250: Bé có xu hướng phát triển chậm lại nhưng cân nặng thì vẫn giữ mức đều đặn.

  • Mẹ làm cho bé: Bạn cần mua dây an toàn và ghế dành cho bé đi xe hơi để có thể đưa bé rời bệnh viện về nhà. Tham khảo ghế cho bé đi xe hơi tại đây: Link.

Ngày thứ 251: Ngày hôm nay, hệ miễn dịch của bé đã vững hơn nhiều rồi bạn ạ.

  • Mẹ làm cho bé: Trong 1 năm đầu đời, bé sẽ được tiêm các loại vaccine để phòng các loại bệnh nguy hiểm như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván…

Ngày thứ 252: Xin chúc mừng, vì nếu bạn sinh vào tuần này vẫn có thể xem như bé sinh đủ tháng, đó chính là mốc thời gian quan trọng nhất để phổi bé được thực hành việc hô hấp với không khí bên ngoài.

  • Mẹ làm cho bé: Thở là tín hiệu cho biết tình trạng sức khỏe của bé như thế nào và nó đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong cuộc đời bé.

Biến đổi cơ thể mẹ trong thời gian mang thai tuần thứ 36

Một số bà bầu có thể sẽ sinh luôn trong tuần này. Nếu bạn cảm giác như thai nhi không có thêm sự phát triển gì, và các triệu chứng còn giảm dần nữa, thì hãy coi như đó là vì cơ thể bạn đang tập quen dần với thực tế là bạn sắp hết mang thai. Ở một số bà bầu, nút màng nhầy ở cố tử cung biến mất, và họ coi đó là dấu hiệu mình sắp chuyển dạ đến nơi. Thực ra thì, nút nhầy này có thể biến mất hàng mấy tuần trước lúc em bé ra đời, thế nên bạn cũng đừng phấn khích quá khi thấy hiện tượng này.

Hãy chốt lại danh sách tên cho em bé, và hãy vẫn sẵn sàng xem xét những cái tên mới. Nếu bạn là người hay hoài niệm, hãy nhớ lại những cái tên trong gia phả, và có thể chọn một cái tên của một ai đó. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng cuộc sống thay đổi rất nhiều cùng thời gian, những cái tên được cho là sang quý ở thế kỷ 19 có khi nghe lại hơi kỳ cục ở thời điểm hiện tại.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này

Bạn cảm giác và thấy rõ mình to ra, và biết rằng cái bụng bầu là bộ phận đầu tiên trên cơ thể mình nhoài qua cửa khi bạn bước vào một căn phòng. Đã mấy tuần rồi bạn không còn nhìn thấy chân mình, và phần dưới bụng bầu cứ như thể không hề tồn tại vậy.

thai-nhi-36-tuan-tuoi-2

Bây giờ, tìm được áo quần vừa vặn cũng không dễ nữa, kể cả những chiếc “trung thành” nhất với bạn trông cũng như chực bung chỉ. Hãy sáng tạo một chút, và hãy mượn áo quần từ những người bạn đã có con rồi. Đó cũng là việc bình thường ở những tuần cuối này.

Tìm được một tư thế nằm thoải mái thì dường như là điều không thể. Nằm sấp thì chắc chắn là không được, mà nằm ngửa thì không tốt cho cả bạn và bé. lý do là một trong các mạch máu chủ (tĩnh mạch chủ) sẽ bị dạ con chèn ép nếu bạn nằm tư thế này. Tư thế tốt nhất là nằm nghiêng về bên trái, chân phải co lên và đặt trên một chiếc gối.

Thời gian này, bạn nên tránh đám đông và người ốm. Không phải lúc nào cũng tránh được bệnh tật, nhưng hãy cố hết sức trong khả năng có thể. Bạn cần phải khỏe mạnh để chuẩn bị cho lúc lâm bồn, và cũng cần phải duy trì nguồn sức lực dữ trữ của mình nữa.

Bàn chân và mắt cá chân của bạn trông cứ như lẫn vào nhau. Điều này thực sự không có gì đáng buồn cười. Sưng tấy như vậy quả rất khó chịu. Có thể bạn đã phát ngấy việc phải mang mỗi một đôi giày ngày này qua ngày khác, nhưng cũng đừng lấy vậy làm phiền. Sau khi sinh con, đa phần các bà mẹ đi tiểu tiện rất nhiều, nghĩa là họ đang loại bỏ một lượng lớn các chất lỏng trong cơ thể qua đường tiểu. Bạn đừng nên mua giày ngay bây giờ; bàn chân của bạn sẽ sớm hết phù nề thôi.

Ngực của bạn có thể đang ra càng nhiều sữa non hơn, đến mức phải dùng miếng thấm thường xuyên. Nếu bạn đã từng cho con bú trước đây, thì điều này lại càng bình thường. Cho dù bạn cảm thấy hai bầu ngực thật nặng nề và khó chịu, hãy nghĩ rằng chúng đang làm một công việc rất quan trọng, đó là sản sinh sữa để nuôi con bạn.

Những thay đổi tâm lý

Bạn hãy dành những khoảng thời gian ngồi thiền và thư giãn trong tĩnh lặng. Những công việc chuẩn bị phải làm quá gấp có thể khiến những bà mẹ tháo vát nhất cũng phải mất bình tĩnh; vậy nên, hãy dành cho mình những khoảng lặng như vậy để tập trung vào những gì quan trọng nhất. Đi tiệm mát-xa trị liệu, tham gia lớp Yoga dành cho bà bầu, đi bơi, hoặc đi bộ từng quãng dài là những cách để bạn giúp đầu óc mình thảnh thơi.

Có thể bạn đang có chút mặc cảm có lỗi với mấy bé lớn nhà bạn, vì bạn chuẩn bị sinh ra một thành viên gia đình mới và làm xáo trộn cuộc sống của chúng. Bạn có thể đang tự hỏi làm thế nào bạn yêu đứa con sắp tới của mình nhiều như những đứa bạn đang có đây. Đừng lo lắng phiền muộn về những khả năng khó mà xảy ra. Một cách tự nhiên, bạn sẽ yêu thương em bé rất nhiều.

Hãy mua sắm một vài thứ mới cho bé, cho dù bạn có thấy là bé chỉ cần thừa hưởng áo quần từ anh chị mình thôi là đã khá đủ rồi. Bạn cần làm gì đó để bản thân cảm thấy là mình đã cố gắng để trân trọng em bé, đúng nghĩa là một đứa trẻ đặc biệt và duy nhất. Hãy bảo anh chị bé viết thư cho bé. Khi mấy đứa trẻ lớn lên, những bức thư này có thể khiến chúng vui và nhớ rằng chúng cần yêu thương nhau như thế nào. Hoặc nếu bé yêu nhà bạn là con trai thì có thể xem các đồ dùng cần thiết cho bé trai tại đây: Danh sách các đồ sơ sinh cho bé trai.

Dinh dưỡng cần thiết

Canxi là nguồn dưỡng chất không thể thiếu đối với mẹ bầu ngay từ những tuần đầu mang thai. Mẹ cần bổ sung lượng canxi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển tốt nhất của xương thai nhi đồng thời cũng ngăn ngừa nguy cơ bị chuột rút hay loãng xương sau sinh cho mẹ nữa đấy.

Các loại thực phẩm giàu canxi gồm có sữa, cam, trái cây sấy khô, hạt đậu nành, hạnh nhân, bột yến mạch, cải xoăn, súp lơ xanh … Mẹ nên thêm chúng vào thực đơn hàng ngày, hoặc có thể thưởng thức như một món ăn vặt nhé.

thai-nhi-36-tuan-tuoi-4

Thực phẩm giàu canxi cho bà bầu.

Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin K trong thai kỳ cũng rất quan trọng. Vitamin K có tác dụng đối với sự đông máu cũng như giúp cải thiện mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương. Chế độ dinh dưỡng khi mang thai tuần 36 của mẹ không nên thiếu vitamin K. Mẹ cần có khẩu phần ăn hợp lý đầy đủ rau củ, dầu thực vật, ngũ cốc, sữa đậu nành và các loại thực phẩm khác được làm từ sữa để bổ sung vitamin K vào cơ thể.

Các loại vitamin K thường có nhiều trong rau xanh đậm màu như xà lách, súp lơ, bắp cải, rau càng cua. Ngoài ra, để đảm bảo cho việc không bị thiếu hụt dưỡng chất này, mẹ có thể uống hoặc tiêm thuốc bổ sung vitamin K khi mang thai.

XEM THÊM: Coi chừng tử vong khi thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh

Những bệnh thường gặp

Mẹ bầu vẫn còn cảm giác chóng mặt, hay tê buốt cổ chân, cổ tay. Nguyên nhân vẫn là do thai nhi trong bụng bạn quá to, áp lực chèn ép lên các mao mạch, các đường gân khiến lượng máu không được lưu thông điều hòa.

Hiện tượng phù nề do cơ thể mẹ tích nước vẫn tiếp tục xuất hiện. Bạn còn có thể bị trêu là “chân voi” nữa. Các nốt đỏ tím và chuột rút vẫn chưa biến mất. Nguyên nhân là do chứng giãn tĩnh mạch thời kì mang thai. Bên cạnh đó, những vấn đề về răng miệng như viêm lợi vẫn thường trực khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Bạn đừng quá lo lắng, hãy cố chịu đựng thêm một chút nữa, các hiện tượng này sẽ biến mất sau khi bạn sinh em bé một vài tuần.

Bố mẹ nên làm gì?

Đây là khoảng thời gian bạn nên luyện thở đặc biệt là vào các buổi chiều. Việc này giúp bạn làm quen với việc rặn khi sinh để đỡ tốn sức. Các ông bố tương lai cũng có thể mát xa bụng vợ, vừa giúp mẹ được thoải mái vừa giúp gia tăng tình cảm vợ chồng cũng như tình cảm cha con thêm gắn bó.

Một việc khác mà các bà mẹ nên học hỏi lúc này là học cách quấn tã – điều này sẽ giúp các bé mới chào đời cảm thấy an toàn, giống với trạng thái khi bé ở trong bụng mẹ. Hãy tìm mua cho mình những chiếc áo ngực dành cho phụ nữ cho con bú thật phù hợp (size, kiểu dáng) để giúp bạn không bị bẩn quần áo khi cho con bú cũng như xinh đẹp hơn sau khi sinh.

thai-nhi-36-tuan-tuoi-5

Mẹ học cách quấn tã cho bé.

Hãy đến bác sĩ để xác định sự hoàn thiện của chức năng phổi, xem bé có bị suy hô hấp không. Có 2 phương pháp là kiểm tra PG, chất này có nhiều trong nước tiểu của mẹ. Một phương pháp cũng được áp dụng để kiểm tra sự hoàn thiện của phổi là xác định tỷ lệ L/S. Đây là phương pháp so sánh tỷ lệ chênh lệch giữa lecithin tăng lên và sphingomyelin giữ nguyên.

Đều quan trọng cuối cùng là bạn nên chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt cho ngày chuyển dạ.

Mỗi tuần thai - một chủ đề: Dấu hiệu chuyển dạ

Không có cách nào để dự đoán khi nào quá trình chuyển dạ sẽ bắt đầu. Cơ thể bạn thật sự đã “chuẩn bị” cho sự chuyển dạ từ một tháng trước khi sinh. Bạn có thể sung sướng không nhận biết được những gì đang xảy ra hoặc bạn có thể bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu mới khi ngày dự sinh đến gần.

Dưới đây là những điều có thể xảy ra trong những tuần hoặc những ngày trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu:

  • Bé tụt xuống khung chậu. Nếu đây là lần đầu mang thai, bạn có thể cảm thấy một vài tuần trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu do bé đang tụt xuống thấp hơn vào xương chậu của bạn. Bạn có thể phát hiện thấy sự nặng nề ở vùng xương chậu và ít áp lực hơn ở dưới lồng ngực của mình, giúp bạn dễ thở hơn.
  • Bạn lưu ý thấy có sự gia tăng các cơn co thắt Braxton Hicks. Những cơn co thắt thường xuyên và căng thẳng hơn có thể là dấu hiệu tiền chuyển dạ, lúc cổ tử cung của bạn đã chín và “sân khấu” bắt đầu được thiết lập cho quá trình chuyển dạ thật. Một số phụ nữ có cảm giác quặn như khi có kinh nguyệt.
  • Nút nhầy tuột ra. Nút chặn chất nhầy của bạn là một khối chất nhầy nhỏ chặn đường dẫn từ cổ tử cung đến tử cung của bạn. Nút chặn này có thể ra luôn một lúc thành một tảng, hoặc ra theo dạng dịch âm đạo trong nhiều ngày. Nút nhầy này có thể dính máu (có thể màu hồng, nâu hay đỏ), nên còn có thể được gọi là “màn trình diễn đẫm máu.”
  • Nước ối vỡ. Hầu hết phụ nữ bắt đầu những cơn co thắt thường xuyên đôi khi trước khi nước ối vỡ, nhưng trong một số trường hợp, nước ối vỡ trước. Khi chuyện này xảy ra, quá trình chuyển dạ thường mau chóng theo sau. (Nếu các cơn co thắt không bắt đầu tự hoạt động thì bạn sẽ được kích chuyển dạ.) Dù nước ối tuôn ra mạnh hay chỉ nhỏ giọt, bạn cũng hãy gọi ngay cho bác sĩ.

Làm sao tôi biết đó là chuyển dạ thật hay giả?

Đôi khi khó phân biệt được chuyển dạ giả với giai đoạn đầu của chuyển dạ thật. Dưới đây là một số điều có thể giúp bạn phân tích:

  • Những cơn co thắt chuyển dạ giả không thể đoán trước được. Chúng diễn ra không thường xuyên, khác nhau về độ dài và cường độ. Mặc dù co thắt chuyển dạ thật lúc ban đầu cũng có thể đột ngột, nhưng qua thời gian chúng bắt đầu diễn ra đều đặn hơn và trong khoảng thời gian ngắn hơn, trở nên mạnh hơn và kéo dài lâu hơn.
  • Với chuyển dạ giả, cơn đau do co thắt thường tập trung ở vùng bụng dưới. Với chuyển dạ thật, bạn có thể cảm nhận thấy cơn đau bắt đầu ở vùng lưng dưới và bao quanh bụng.
  • Những cơn co thắt chuyển dạ giả có thể tự giảm dần, hoặc khi bạn bắt đầu hoặc ngừng một hành động hay thay đổi tư thế. Những cơn co thắt chuyển dạ thật vẫn tồn tại và diễn ra bất kể bạn làm gì.

Lời khuyên cho bạn

  • Hãy nói chuyện với gia đình và bạn bè, những người vừa mới có em bé gần đây. Nếu họ có những trải nghiệm hay nào đó với bác sĩ nhi của con họ, bạn cũng hãy nói những điều này với bác sĩ của bạn. Nếu bạn có bác sĩ riêng, bạn có quyền yêu cầu để được tự chọn bác sĩ nhi cho con mình.
  • Hãy lên danh sách những ai có thể hỗ trợ bạn khi bạn sinh con. Tuy nhiên, cần tránh việc lên kế hoạch quá cụ thể và cứng nhắc. Việc làm này sẽ giúp bạn biết rằng xung quanh mình luôn có những người quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Chỉ cần biết như vậy bạn cũng đã cảm thấy khác lắm rồi.
  • Hãy để bạn đời thử chở bạn đến bệnh viện, để các bạn làm quen với lộ trình, nơi đỗ xe, biết phải làm gì nếu bạn đi sinh ngoài giờ làm việc, và những số điện thoại, thông tin quan trọng của bệnh viện mà bạn cần biết khi đi sinh.
  • Hãy sắp xếp ghế ngồi của em bé trên xe của bạn, và nhớ rằng điều quan trọng nhất là sự an toàn của bé. Tránh việc mượn hoặc mua một chiếc ghế đã qua sử dụng trừ phi bạn biết rõ lai lịch của nó. Những dụng cụ bảo đảm an toàn cho bé không phải là những thứ mà bạn có thể xuề xòa về chất lượng.

Gợi ý cho tuần này

Tìm hiểu về an toàn cho trẻ sơ sinh. Mẹ cần biết cách bế bé sao cho an toàn khi ngồi trên xe gắn máy hoặc xe hơi. Với các gia đình có xe hơi riêng, bố mẹ có thể quyết định lắp thêm ghế cho bé trong xe.

Thai nhi 36 tuần tuổi tức 9 tháng tuổi chắc chắn sẽ khiến bố mẹ có nhiều điều ngạc nhiên. Hãy chú ý đến các động thái của con trong tuần này để lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ nhé.

Cẩm nang mang thai: Thai nhi 37 tuần tuổi

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

Ban biên tập Chanh Tươi Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Ban biên tập Chanh Tươi luôn nghiên cứu kỹ lưỡng, ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!