Cẩm nang mang thai: Thai nhi 16 tuần tuổi

23.11.2022 - 09:20

thai nhi 16 tuần tuổi là lúc đang đến rất gần với thời kỳ mang thai thú vị nhất, bé chuyển động trong bụng mẹ. Trong tuần này, bé đã có thề nhào lộn, đá hay thúc bụng mẹ rồi đấy. Máy thai là bước chuyển biến tích cực có ý nghĩa quan trọng trong quãng thời gian thai kỳ, các bố mẹ sẽ mãi ghi nhớ khoảnh khắc đầu tiên cảm nhận được sự chuyển động của con. 

Mỗi giai đoạn phát triển của thai nhi đều có ý nghĩa nhất định, nhưng thai nhi 16 tuần tuổi đặc biệt hơn cả vì lúc này bé đã có thể chuyển động trong bụng mẹ, đánh dấu mốc phát triển lớn của thai kỳ. Giới tính của bé lúc này cũng rất rõ ràng rồi nên các mẹ hoàn toàn có thể yên tâm.

Sự thay đổi của thai nhi tuần thứ 16

Thế là bé đã ở bên mẹ được gần 4 tháng rồi. Vào thời điểm này, mẹ bầu có thể đã tăng được 3-5kg nhưng em bé thì mới chỉ nặng khoảng 99g và có chiều dài 11,6cm, bé mới chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay bạn thôi nhé.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-2

Thai nhi tuần 16 đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng, bé bắt đầu biết nấc cụt, đây là dấu hiệu cho thấy khả năng hít thở của bé đang phát triển để tiến tới hoàn thiện dần. Mẹ có thể phát hiện cơn nấc cụt của thai nhi bằng cách để ý chuyển động trong bụng. Bé bị nấc cụt, các lần chuyển động sẽ đều như tiếng kim đồng hồ và kéo dài khoảng 1-2 phút.

Ngoài ra, bạn đã có thể biết chính xác giới tính của con bằng cách siêu âm ở tuần này do cơ quan sinh dục đã phát triển đầy đủ. Thai nhi ở tuần 16, giới tính đã rất rõ ràng và khó có thể nhầm lẫn khi siêu âm.

Thai nhi tuần 16 đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển cực kỳ mạnh mẽ tiếp theo. Do hệ xương đã cứng cáp lên nhiều nên phần đầu đã chắc chắn hơn, không còn bị thiếu cố định như trước. Cả tai và mắt đã trở về chính xác vị trí của mình. Các chức năng khác trong cơ thể như tuần hoàn, tiêu hóa cũng đã được hoàn thiện.

Móng tay của thai nhi đã hoàn thiện hơn, tay dài hơn chân và cùng chuyển động trong bụng mẹ. Những chuyển động này có thể nhìn thấy rõ khi bạn đi siêu âm.

XEM THÊM: Bảng cân nặng thai nhi theo tuần bố mẹ cần nhớ

Bắt đầu từ tuần 16, tuần mang tính bước ngoặt thì những tư thế nằm của bà bầu ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Tư thế nằm ngửa sẽ đặt áp lực lên động mạch chủ và tĩnh mạch chủ, khiến lượng máu lưu thông đến thai nhi ít hơn. Điều này sẽ khiến thai nhi không có đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển và lớn lên.

Thật khó diễn đạt chính xác cảm giác lần đầu tiên bạn cảm nhận được những di chuyển của bé yêu trong bụng mình. Nhiều bà bầu cho hay những cử động đầu tiên này giống như một chiếc bong bóng nhỏ đang hân hoan nhảy múa. Những cử động của bé sẽ dễ nhận biết hơn khi bạn nằm hoặc ngồi. Chắc hẳn bạn sẽ mỉm cười khi biết rằng những cử động chòi đạp nhẹ trong bụng là cách bé thông báo cho mẹ biết bé đang khoẻ mạnh.

Lưu ý rằng sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Mỗi bà bầu sẽ có cảm nhận riêng về sự phát triển của con mình. Những ngày đầu, bạn thường không chắc chắn về những chuyển động của bé và dễ cho rằng mình đang tưởng tượng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và bạn sẽ sớm nhận ra những chuyển động đáng yêu này sớm thôi.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-1

Sự thay đổi cơ thể mẹ khi thai nhi 16 tuần

Vào tuần thai thứ 16, bạn nhận thấy đỉnh của tử cung lúc này đã gần tiếp cận với rốn. Sờ vào bụng bạn sẽ chạm được vào đỉnh tử cung. Khi khám thai, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung để kiểm tra và so sánh sự phát triển của bé với những lần khám thai trước đó.

Lúc này, tử cung của bạn có kích thước bằng một quả dưa lưới nhỏ, vì vậy bụng dưới sẽ nặng hơn và chèn lên khung chậu.

Nếu bạn tăng lên vài cân, các vết rạn da ở vùng bụng, háng và vú bắt đầu xuất hiện. Da bạn sẽ khô hơn vì vậy bạn nên dùng sữa dưỡng thể để dưỡng cho da mềm mại hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ trước khi tốn tiền cho các loại kem chống rạn quảng cáo rộng rãi trên thị trường. Hầu hết phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng này và không có cách nào thật sự hiệu quả để ngăn chặn nó diễn ra.

Đây là thời điểm mà hầu hết các thai phụ đều bắt đầu ngáy nhiều đến mức kinh khủng. Nguyên nhân là do mũi bị nghẹt. Để ngủ tốt hơn, bạn không nên cố nằm ngửa hay nằm sấp. Nằm ngủ nghiêng 1 bên và đặt một cái gối dưới chân sẽ giúp bạn dễ chịu và cũng giúp cho máu đến thai nhi được dễ dàng, tình trạng ngủ ngáy sẽ giảm bớt. Nếu mũi bạn bị khô, thuốc xịt thông mũi với công dụng hóa lỏng các chất nhầy, đồng thời giúp làm ẩm và thông mũi sẽ hữu ích cho bạn.

Thời kỳ này, bé của bạn phát triển rất nhanh, bạn có thể dễ bị đói bụng. Bạn nên chuẩn bị một số thức ăn nhẹ tốt cho sức khoẻ trong tủ lạnh và ngăn chứa thực phẩm để có thể dùng khi cần. Tìm mua những thực phẩm có hàm lượng đường thấp để thỏa mãn cơn đói bụng của bạn mà vẫn không làm bạn tăng cân quá nhiều.

Tim bạn phải làm việc tích cực hơn gấp 50% bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể. Hầu hết các mẹ đều trải qua cảm giác này. Nếu tim bạn đập thình thịch sau khi tập thể dục hoặc leo lên cầu thang thì bạn nhớ giảm tốc độ, vận động chậm và nhẹ nhàng để cho cơ thể bắt nhịp từ từ, tránh trường hợp dừng đột ngột. Triệu chứng này có thể kéo dài suốt thai kỳ, tuy nhiên bạn đừng lo lắng nhé vì trái tim bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường sau khi sinh bé. Nếu bạn hút thuốc lá thì thời điểm này chính là lúc đấu tranh tư tưởng để bỏ nó. Vì con và vì chính bạn nữa, hãy thay thế thuốc lá bằng các món khác bổ dưỡng hơn như sữa chua không béo, hỗn hợp nước trái cây tươi.

Những triệu chứng dễ thấy nhất khi mang thai 16 tuần bao gồm:

  • Núi đôi tiếp tục phát triển không ngừng.
  • Táo bón
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Giãn tĩnh mạch
  • Nghẹt mũi
  • Đau lưng
  • Chảy máu nướu răng.

Những thay đổi về cảm xúc

Nếu có chút bất an về quá trình mang thai trước đây thì có lẽ bạn sẽ thấy dễ chịu hơn trong tuần này. Bạn sẽ cảm nhận rõ những cử động của con bạn. Nhiều thai phụ cho rằng họ cảm nhận được sợi dây liên kết vô hình giữa họ và con, một mối liên hệ đặc biệt chưa từng có trước đó. Vì vậy, họ muốn giữ bí mật về những cử động của con cho riêng mình. Điều này cũng dễ hiểu. Tuy vậy, bạn nên chia sẻ những thông tin thú vị đó với ông xã để cả hai cùng cảm nhận được niềm vui sắp được làm cha mẹ.

Tuần này bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch chuẩn bị cho ngày sinh bé. Bụng của bạn ngày càng to và nặng hơn vì bé đang di chuyển xuống dưới. Hãy cùng người thân bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho việc bé chào đời.

Các bệnh thường gặp trong giai đoạn 16 tuần tuổi

Trong tuần này, mặc dù các biểu hiện của ốm nghén đã không còn nhưng mẹ bầu vẫn có thể cảm thấy hoa mắt chóng mặt do các biểu hiện của hạ đường huyết.

Các biểu hiện của bệnh táo bón sẽ diễn ra liên tục trong các giai đoạn này của thời kì mang thai nên bạn không nên lo lắng lắm về sức khỏe mẹ và bé. Để tránh cảm giác khó chịu do bệnh gây ra bạn nên uống nhiều nước, sử dụng nhiều các loại nước ép hoa quả chứa vitamin C, ăn nhiều rau xanh hay uống các loại lá dân gian như lá rau má, rau diếp cá, rau bồ đề…

Những điều bố mẹ cần làm

Mẹ bé nên thường xuyên đến thăm khám bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm các biểu hiện bất thường của bé. Quan tâm tới sinh hoạt của bản thân sao cho luôn luôn trong tình trạng thoải mái, không gò bó, tránh áp lực. Bạn nên tham gia các khóa học tiền sản để có những hiểu biết cần thiết để chăm sóc con mình thật tốt.

Chuẩn bị trước quần áo sơ sinh cho thiên thần nhỏ sắp chào đời của mình. Bạn cũng có thể xin quần áo trẻ sơ sinh của người thân để tiết kiệm phần nào chi phí sau khi sinh bé. Bên cạnh đó, việc bạn thường xuyên nói chuyện với em bé trong bụng là một biểu hiện tốt cho mối dây gắn kết giữa bạn và bé sau này.

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu và thai nhi 16 tuần tuổi

Thai nhi đang trong thời kỳ phát triển, đặc biệt là xương và răng nên cần một lượng lớn canxi. Thai phụ phải tăng cường lượng canxi cung cấp cho cơ thể để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Mẹ bầu có thể tìm nguồn canxi tự nhiên bằng cách ăn nhiều cá, trứng, hạnh nhân, vừng, thịt nạc,...

Ngoài ra, bạn nên uống khoảng 500–600 ml sữa cho bà bầu mỗi ngày để bổ sung lượng canxi tốt nhất cho mẹ và bé. Mang thai ở thời kỳ này rất dễ bị thiếu máu, do đó thai phụ cần phải chú ý bổ sung thêm chất sắt. Nếu trong nguồn phực phẩm hàng ngày vẫn còn thiếu, mẹ bầu có thể bổ sung lượng sắt cho cơ thể bằng việc uống viên sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trong giai đoạn này, việc hấp thu chất xơ là rất quan trọng. Chất xơ có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa chứng táo bón trong thời kỳ mang thai. Vậy nên, mẹ bầu nên sử dụng nhiều loại thực phẩm chứa chất xơ trong bữa cơm hàng ngày như rau màu xanh, hoa quả tươi…

Một vài loại thức ăn tốt cho sức khỏe mẹ bầu như gà hầm hạt sen, chim bồ câu hầm nấm hương, khoai tây nướng phô mai, tôm tươi xào rau hẹ, rau chân vịt, đậu phụ rán…

Ngoài ra bạn cũng nên uống nhiều nước lọc để loại bỏ độc tố trong cơ thể, cũng như bổ sung nguồn chất khoáng cho cơ thể mẹ và bé.

Chất xơ

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-3

Đây là chất rất quan trọng với các mẹ trong thời kỳ mang thai. Chất xơ không chỉ để làm cho ốm đi như nhiều người nghĩ. Mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo một bữa ăn khỏe mạnh cho mẹ bầu.

Khi mang thai, các mẹ sẽ gặp nhiều vấn đề về đường tiêu hóa như chứng táo bón, bệnh trĩ khi mang thai,… Cung cấp chất xơ sẽ giúp các mẹ vượt qua tình trạng này. Chất xơ sẽ chuyển thức ăn một cách nhanh chóng vào cơ thể và đi qua ruột để việc loại chất thải được nhanh chóng. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp giữ nước và thải chất độc ra khỏi cơ thể.

Các thực phẩm giàu chất xơ các mẹ nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày của mình gồm các loại đậu, bơ, lê, atiso, quả mâm xôi, bột yến mạch, bông cải xanh,…

Protein

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-4

Đây là chất cơ bản cấu thành cơ thể của thai nhi. Protein giúp cho sự sinh sôi, nảy nở tế bào não của thai nhi, khiến não thai nhi phát triển tốt. Đồng thời protein cũng đáp ứng những nhu cầu thay đổi về cơ thể của phụ nữ đang mang thai.

Mang thai tháng thứ 4, mỗi ngày thai phụ cần hấp thu khoảng 85 gram protein thì có thể thỏa mãn nhu cầu cần thiết cho cơ thể và để phù hợp với tốc độ phát triển của thai nhi. Một số loại thực phẩm giàu protein mẹ nên bổ sung như thịt nạc, cá, sữa, trứng gà, các loại trái cây như táo, bơ, chuối…, các loại rau như súp lơ xanh, rau bina,…và các loại đậu.

Chất béo

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-5

Mẹ bầu cần bổ sung những thực phẩm giàu chất béo lành mạnh để ngăn ngừa nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc em bé chậm phát triển về nhận thức và thần kinh…Các mẹ cần chú ý đảm bảo chế độ ăn uống đủ lượng axit béo omega 3, 6, 9 có trong các loại cá, đặc biệt là cá hồi, dầu cá, các loại hạt và dầu ô liu…

Tuy nhiên, mẹ chỉ nên bổ sung chất béo một lượng vừa phải và nên chọn các loại thực phẩm lành mạnh, tránh ăn quá nhiều mỡ động vật. Nếu bổ sung quá nhiều chất béo thì sẽ làm mẹ tăng cân nhanh chóng đấy. Bên cạnh đó còn có thể làm tăng huyết áp và gây chứng mỡ trong máu.

Canxi

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-7

Giai đoạn này, thai nhi đang trong quá trình phát triển xương. Vì vậy, mẹ cần bổ sung nhiều canxi để quá trình này được diễn ra thuận lợi. Nếu không cung cấp đúng lượng canxi cần thiết, trẻ sinh ra dễ có nguy cơ bị còi xương, loãng xương.

Lượng canxi tối thiểu mà mẹ bầu giai đoạn này nên bổ sung là 1,5g mỗi ngày. Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như cá mòi, nấm mèo, ngao, tôm, cua, đậu nành, cải thìa, súp lơ, quả kiwi,… Bên cạnh việc bổ sung canxi bằng thực phẩm, mẹ vẫn có thể dùng viên bổ sung canxi cho thai nhi. Khi sử dụng, các mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cũng như phương pháp sử dụng.

Chất sắt

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-8

Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng tốc độ tăng trọng lượng của thai nhi. Khi thiếu máu nghiêm trọng có thể dẫn tới sinh non, thai chết lưu.

Ngoài ra, thiếu máu làm cho sự co bóp của tử cung cũng không tốt, dẫn tới chảy máu nhiều sau khi sinh. Để phòng bệnh tình trạng này, mỗi ngày các mẹ cần hấp thu 15mg chất sắt. Các mẹ Có thể bổ sung sắt bằng lòng đỏ trứng, sữa, gan động vật, thịt bò, hạt bí xanh bí đỏ, đậu phụ, … hay cũng có thể bổ sung bằng các loại thuốc sắt có bán tại các hiệu thuốc và bệnh viện.

Vitamin

Vitamin rất cần cho cơ thể mẹ bầu. Cơ thể mẹ bầu và thai nhi tháng thứ 4 cần tất cả các loại vitamin để giúp tăng sức đề kháng ở mẹ, bên cạnh đó tạo sự phát triển ổn định, đều đặn ở thai nhi.

  • Vitamin A: Có trong trứng, sữa, tôm, cá, gan động vật. Các loại rau quả có màu đậm (như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay, rau khoai lang, cần tàu, gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, củ khoai lang nghệ…). Các thực phẩm này có nhiều caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A rất tốt cho những bà bầu đang mang thai ở tháng thứ 4.
  • Vitamin B1: Có nhiều trong ngũ cốc và các loại đậu (hạt) như gạo, bột mì, bột đậu xanh…
  • Vitamin B2: Hạt ngũ cốc toàn phần, thức ăn có nguồn gốc động vật.
  • Vitamin B6: có nhiều trong gan bê, ruốc thịt, thịt gà, ngô…
  • Vitamin B9 (hay còn gọi là axit folic) có nhiều trong măng tây, rau xanh, gan, thịt gà, trứng
  • Vitamin PP: có trong lạc, vừng, đậu các loại, rau ngót, giá đậu xanh, cải xanh, rau dền đỏ, rau bí, thịt, cá, tôm, cua, ếch.
  • Vitamin B12: Pho mát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng… làm một trong những món ăn mà các mẹ bầu cần bổ sung.
  • Vitamin C: Rau xanh (rau muống, rau ngót, bắp cải, cải xoong), quả chín (cam, chanh, bưởi, xoài, ổi…), khoai tây, khoai lang, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, …
  • Vitamin D: Dầu gan cá, cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt lợn, chất béo của sữa.
  • Vitamin E: Các loại dầu (dầu hướng dương, dầu lạc, dầu cọ…), rau dền, giá đậu, quả mơ, quả đào, gạo, ngô, lúa mì.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-16-tuan-tuoi-11

Những gợi ý cho mẹ mang thai tuần 16

Hầu hết các bà mẹ mang thai đều nên siêu âm từ tuần thứ 16. Hãy hẹn với bác sĩ một ngày mà chồng bạn có thể đi cùng bạn. Và đừng quên lưu lại những hình ảnh đầu tiên của thai nhi để khi lớn lên, bé càng cảm nhận thêm tình yêu của mẹ và bố dành cho bé từ những ngày còn trong bụng mẹ.

Thời kỳ này, bạn có thể sẽ mắc chứng đãng trí, hay quên. Vì vậy, hãy ghi chú vào giấy những thắc mắc bạn muốn hỏi bác sĩ và việc cần làm là mang theo nó khi đi khám.

Bia, rượu và các chất có cồn không tốt cho phụ nữ mang thai và cách an toàn nhất là bạn hãy kiêng tất cả những thứ độc hại này. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước hoa quả, nước khoáng và soda, hoặc nước đun sôi để nguội với một ít chanh.

Những thông tin về thai nhi 16 tuần tuổi trên đây đã cung cấp cho các bạn những thông tin đầy đủ và kinh nghiệm quý báu trong giai đoạn thai nhi 16 tuần tuổi. Các bạn hãy lưu ý những thông tin này để mẹ và bé phát triển tốt nhất nhé.

Cẩm nang mang thai: Thai nhi 17 tuần tuổi

0/5 - (0 bình chọn)

Được viết bởi

img-8133
Quỳnh Trang

Chuyên Gia Mẹ và Bé

Giới thiệu ngắn về Quỳnh Trang Quỳnh Trang là người đánh giá các sản phẩm mẹ bé của Chanh Tươi Review. Để đánh giá và chia sẻ lời khuyên của mình với những mẹ bỉm sữa khác, cô ấy đã kết hợp kinh ...
img_avatar

Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!