Genderless Beauty: Khi làm đẹp không còn phân biệt giới tính

Genderless beauty tạo ra một không gian nơi mọi giới tính và bản dạng giới đều có thể tự do thể hiện bản thân một cách chân thật và không bị giới hạn.

Thúy Nga 08 tháng 07, 2025 - 13:21 (GMT +07)   Genderless Beauty: Khi làm đẹp không còn phân biệt giới tính

Genderless Beauty không còn là một khái niệm mới mẻ – đó là một làn sóng đang bùng nổ mạnh mẽ, phá vỡ mọi ranh giới giới tính trong ngành làm đẹp. Khi giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, ngày càng đề cao sự tự do thể hiện bản thân, chuẩn mực làm đẹp truyền thống đang bị thay thế bằng những giá trị mới: không phân biệt, không gò bó và không dán nhãn. Mỹ phẩm, skincare hay trang điểm giờ đây không còn dành riêng cho “phái đẹp” – mà dành cho bất kỳ ai muốn yêu thương và chăm sóc chính mình.

Cùng Chanh Tươi Review hiểu rõ hơn về xu hướng này nhé!

Genderless beauty là gì?

Genderless Beauty 3
Xu hướng làm đẹp phi giới tính

Genderless beauty (hay còn gọi là gender-neutral beauty) là một khái niệm và phong trào làm đẹp trung tính về giới. Nó tạo ra một không gian nơi mọi giới tính và bản dạng giới đều có thể tự do thể hiện bản thân một cách chân thật và không bị giới hạn bởi các khuôn mẫu truyền thống.

Khái niệm này phá bỏ ranh giới "làm đẹp cho nam" hay "làm đẹp cho nữ", thay vào đó đề cao cá tính riêng, sự chân thật và bình đẳng trong việc thể hiện cái đẹp. Sự phát triển mạnh mẽ của genderless beauty phản ánh sự thay đổi trong nhận thức xã hội, khi sự đa dạng giới được chấp nhận rộng rãi hơn, và việc làm đẹp không còn là "đặc quyền" của một giới nào đó.

Xu hướng Genderless beauty đang ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn

Làm đẹp ngày nay không còn là đặc quyền của bất kỳ giới nào – đó là công cụ thể hiện cá tính, bản sắc và cái tôi riêng của mỗi người. Những khuôn mẫu cứng nhắc về "nữ tính" hay "nam tính" đang dần bị gỡ bỏ, nhường chỗ cho sự chân thực và cá nhân hóa trong làm đẹp.

Như lời Jessielee Pearce, giám đốc vận động và hoạt động xã hội tại thương hiệu Lush, từng chia sẻ: “Việc cho rằng một phần nào đó của làm đẹp chỉ dành riêng cho một giới là cách nhìn hạn hẹp.”

Làm đẹp bao trùm: Khi giới tính không còn là ranh giới

Genderless Beauty 4
Trang điểm vốn không bị giới hạn bởi giới tính

Thế hệ người tiêu dùng mới, đặc biệt là Gen Z – những người có ý thức rõ ràng hơn về vấn đề giới đang định hình lại ngành công nghiệp mỹ phẩm. Họ không còn muốn phân chia sản phẩm theo giới tính, mà thay vào đó coi mỹ phẩm như một phương tiện khám phá và tôn vinh phong cách cá nhân. Chính vì thế, ngày càng nhiều người từ chối sự phân giới trong mỹ phẩm, mở ra một kỷ nguyên mới: làm đẹp vì chính mình, không vì nhãn mác giới tính.

Điều thú vị là trong lịch sử, trang điểm vốn không bị giới hạn bởi giới tính. Dù chỉ cách đây vài chục năm, phần lớn đàn ông không dùng mỹ phẩm, nhưng nếu quay lại xa hơn – như thời Ai Cập cổ đại đàn ông đã từng kẻ mắt như một biểu tượng địa vị. Trong thời hiện đại, cộng đồng LGBT cũng dùng trang điểm để thể hiện bản dạng và khẳng định tiếng nói cá nhân.

Ngày nay, trang điểm đang dần quay lại đúng bản chất "phi giới" của nó là phương tiện sáng tạo, vượt khỏi những khuôn mẫu nam – nữ. Ngày càng có nhiều nam giới sử dụng mỹ phẩm như một cách thể hiện cá tính, nổi bật như Harry Styles, người tạo nên làn sóng làm đẹp toàn diện với thời trang phi giới và cách dùng mỹ phẩm độc đáo trên sân khấu. Anh chính là biểu tượng tiêu biểu cho làn sóng làm đẹp bao trùm.

Khi các thương hiệu và người nổi tiếng "đập vỡ" ranh giới giới tính trong làm đẹp

Genderless Beauty 5
Harry Styles là người đi đầu xu hướng làm đẹp phi giới tính

Không chỉ Harry Styles là người đi đầu trong xu hướng này. Với mong muốn tôn vinh sự khác biệt và không hoàn hảo, anh đã cho ra mắt thương hiệu Pleasing – một nhãn hàng làm đẹp phi giới tính. Ngay sau khi ra mắt, lượng tìm kiếm từ khóa “men’s makeup” (trang điểm cho nam giới) tăng đến 393%, cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng mới này.

Một ví dụ nổi bật khác là thương hiệu Fenty Skin của Rihanna. Năm 2020, cô cho ra mắt chiến dịch “The New Culture of Skincare” với sự góp mặt của A$AP Rocky, Lil Nas X cùng các người mẫu nữ – khẳng định: làm đẹp không phân biệt giới tính. Fenty Skin nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu làn sóng beauty toàn diện, với thông điệp mạnh mẽ: “Vẻ đẹp dành cho tất cả mọi người”.

Tác động đến hành vi người tiêu dùng và nhu cầu thị trường

Sự trỗi dậy của xu hướng làm đẹp phi giới tính không chỉ tạo nên làn sóng thay đổi trong tư duy thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng rõ rệt đến hành vi tiêu dùng và chiến lược của các thương hiệu.

Theo khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường GWI, tại 5 thị trường lớn gồm Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2018 đến quý II năm 2021, tỷ lệ nam giới quan tâm đến sản phẩm làm đẹp trung tính giới đã tăng thêm 3% – một con số tưởng nhỏ nhưng thể hiện sự dịch chuyển đáng kể trong một ngành vốn "định hình giới" rất rõ rệt trước đây.

Một báo cáo từ McKinsey cũng cho thấy:

41% nam giới hiện mua sản phẩm làm đẹp qua kênh online và trong số đó, Gen Z chiếm đến 40%, khẳng định thế hệ trẻ đang là lực đẩy chính cho xu hướng genderless beauty.

Sự thay đổi này cũng được phản ánh trong trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng. Ngày càng nhiều thương hiệu bắt đầu áp dụng bao bì trung tính giới, giúp sản phẩm dễ tiếp cận với mọi đối tượng mà không gắn mác "cho nam" hay "cho nữ".

Các xu hướng thiết kế nổi bật đang được áp dụng trong mỹ phẩm phi giới tính gồm:

  • Thiết kế tối giản (minimalist)
  • Gam màu mạnh mẽ nhưng không giới hạn giới tính
  • Ngôn ngữ bao gồm (inclusive language)
  • Hình ảnh trung tính
  • Tính bền vững và cá nhân hóa trong trải nghiệm sản phẩm.

Rõ ràng, làm đẹp đang dần trở thành lãnh địa tự do, nơi mọi giới tính đều có tiếng nói và không ai bị đặt ra ngoài cuộc chơi chỉ vì không hợp với "khuôn mẫu giới tính" xưa cũ.

Bùng nổ xu hướng Genderless beauty trong ngành mỹ phẩm

Genderless-Beauty-6
Vẻ đẹp phi giới tính được thể hiện rõ trong ngành mỹ phẩm - làm đẹp

Theo phân tích từ Cosmetic Business, dù về mặt sinh học, da nam giới dày hơn nữ giới do chứa nhiều collagen và elastin, đồng thời có xu hướng tiết dầu nhiều hơn, thì theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, các nguyên tắc chăm sóc da cơ bản vẫn giống nhau ở cả hai giới.

Điều thực sự quan trọng, theo giới chuyên môn, không phải là giới tính, mà là loại da và các vấn đề da cụ thể như: lão hóa, mụn hay thâm nám. Quan điểm này phản ánh đúng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng hiện đại – mỹ phẩm không còn dành riêng cho nữ, mà trở thành công cụ chăm sóc bản thân và thể hiện cá tính cho tất cả mọi người.

Đối với Gen Z, làm đẹp không phải là đặc quyền của phụ nữ, mà là một phần thiết yếu của chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể hiện bản thân. Họ đấu tranh để mỹ phẩm được nhìn nhận là một ngôn ngữ phổ quát, không phân biệt giới.

Một tín hiệu đáng chú ý: bức tường phân chia “mỹ phẩm cho nam” và “mỹ phẩm cho nữ” đã dần sụp đổ, không chỉ bởi sự tiến bộ trong nhận thức xã hội, mà còn nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ từ các ông lớn trong ngành. Những tập đoàn có đủ tài chính, sức ảnh hưởng và tầm nhìn đã không ngần ngại đứng về phía xu hướng này, đưa thông điệp làm đẹp không giới tính đến gần hơn với công chúng.

Số liệu và xu hướng không thể bỏ qua:

  • Trên mạng xã hội, hashtag #mensskincare đã thu hút hơn 330.000 bài đăng (tính đến tháng 9/2022).
  • Báo cáo từ WARC cho biết hơn 56% nam giới hiện có chu trình chăm sóc da thường xuyên – một con số chưa từng thấy trong quá khứ.
  • Bên cạnh sự thay đổi nhận thức, làn sóng làm đẹp phi giới tính còn kéo theo hàng loạt xu hướng mới như: Sự nổi lên của influencer nam và người phi giới tính trong lĩnh vực làm đẹp.

Nhu cầu cao về đa dạng sắc tộc, sắc độ da, thể hiện rõ nhất qua Fenty Beauty – thương hiệu tiên phong khi tung ra 40 tông kem nền ngay từ ngày đầu ra mắt, điều chưa từng có trong lịch sử mỹ phẩm.

Thương hiệu như MAC Cosmetics thể hiện rõ tinh thần này trong giới thiệu: Cung cấp nhiều sự lựa chọn những sản phẩm phải-có để tạo ra kiểu trang điểm chất lượng chuyên nghiệp cho mọi lứa tuổi, mọi sắc tộc, mọi giới tính.”

Trong đó, nước hoa cũng đang ngày càng được ưa chuộng hơn với những mùi hương unisex phi giới tính như Le Labo, Diptyque, Byredo,…

Xem thêm: Nước hoa Le Labo mùi nào thơm nhất?

Xu hướng vẻ đẹp phi giới tính trong lĩnh vực thời trang

Trong làm đẹp, không chỉ riêng ngành mỹ phẩm mà thời trang cũng đang nhận thấy rõ sự phá bỏ định kiến giới tính:

Gen Z – Thế hệ dẫn đầu cuộc cách mạng thời trang không giới hạn

Theo Marcus Cook, Đồng sáng lập và Giám đốc sáng tạo thương hiệu HoMie: “Thời trang phi giới vốn đã xuất hiện trong streetwear từ lâu, nhưng điều đang diễn ra hiện nay là sự bao trùm ở cấp độ đại chúng. Gen Z là động lực chính – họ từ chối các phân loại truyền thống để ưu tiên cho sự tự do thể hiện bản thân."

Gen Z – thế hệ sinh ra trong thời đại số, không chỉ chiếm lĩnh mạng xã hội, mà còn đang làm thay đổi sâu sắc ngành thời trang toàn cầu, đặc biệt trong cách nhìn nhận về giới. Theo thống kê của Statista (nửa đầu năm 2024), gần 50% người dùng internet mới tại Trung Quốc nằm trong độ tuổi 10–18, cho thấy mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Gen Z đến hành vi tiêu dùng kỹ thuật số.

Tại khu vực Đông Nam Á, Gen Z hiện chiếm khoảng 23% dân số. Với sự phổ biến của TikTok và Instagram, những xu hướng thời trang phi nhị nguyên giới (non-binary) và bao trùm giới tính đang lan tỏa với tốc độ chóng mặt, phá bỏ hoàn toàn định kiến "đàn ông mặc gì – phụ nữ mặc gì".

Xu hướng vẻ đẹp phi giới tính trong thời trang không đơn thuần là một trào lưu, mà là tiếng nói mạnh mẽ từ một thế hệ khao khát sự bình đẳng, chân thật và tự do thể hiện. Gen Z đang viết lại luật chơi, không theo những giới hạn cũ mà theo cách họ muốn: một thế giới nơi ai cũng có thể mặc đẹp, theo đúng bản dạng và phong cách riêng của mình.

Các nhà mốt cũng không nằm ngoài xu hướng Genderless beauty

Các nhà mốt lớn cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này bằng cách lựa chọn gương mặt đại diện có khả năng truyền cảm hứng cho Gen Z. Một ví dụ điển hình là Felix Lee, thành viên nhóm nhạc K-pop Stray Kids, người vừa trở thành “nàng thơ” mới của Louis Vuitton dưới sự dẫn dắt của NTK Nicolas Ghesquière. Xuất hiện nổi bật tại show Thời trang nữ Thu/Đông 2025, Felix không chỉ phá vỡ giới hạn giới tính trong thời trang mà còn lan tỏa thông điệp “thời trang dành cho tất cả” tới hơn 26 triệu người theo dõi trên toàn cầu.

Genderless Beauty 1
Felix Lee xuất hiện nổi bật tại show Thời trang nữ Thu/Đông 2025 phá vỡ giới hạn giới tính. Nguồn ảnh: IG - Louisvuitton

Sự chuyển dịch trong thời trang phi giới không chỉ dừng lại ở "ai mặc gì", mà còn thay đổi tận gốc cấu trúc thiết kế sản phẩm. Theo Marcus Cook, sự chuyển mình này không nhằm xóa bỏ giới tính, mà để mở rộng lựa chọn, giúp mọi người mặc thứ khiến họ cảm thấy đúng với chính mình, không bị rào cản bởi nhãn dán giới tính.

Điển hình là bộ sưu tập Thu/Đông 2025–2026 của Issey Miyake, trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “One Minute Sculptures” của nghệ sĩ Erwin Wurm, show diễn trở thành một màn trình diễn nghệ thuật nơi người mẫu biến túi mua sắm thành váy, quấn knitwear theo những cách đầy ngẫu hứng, phá vỡ mọi giới hạn về thiết kế. Trang phục mang tính uyển chuyển, không gắn với hình tượng nữ tính – nam tính mà tập trung vào sự thích ứng với hình thể và tinh thần tự do.

Genderless Beauty 2
bộ sưu tập Thu/Đông 2025–2026 của Issey Miyake xóa nhòa giới hạn giới tính

Thương hiệu Ruibuilt, kết hợp với influencer @jingyulin_, cũng đưa ra loạt ảnh thời trang vượt ranh giới giới tính. Từ áo len ôm dáng đến quần dáng điêu khắc lấy cảm hứng từ bộ sưu tập “The Beauty of Paper” của Miyake, bộ ảnh là lời tuyên ngôn: “Dù bạn là ai, cơ thể bạn luôn thuộc về chính bạn.”

Trong thế giới nơi tính cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết, làm đẹp không còn là đặc quyền của một giới tính cụ thể mà trở thành không gian tự do để mọi người tìm thấy chính mình. Dù bạn là ai, theo đuổi phong cách gì hay thuộc bản dạng giới nào, bạn đều xứng đáng với sự tỏa sáng riêng. Và đó chính là tinh thần mà Genderless Beauty đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hannah Abbasi, “Beauty brands are dismantling gender norms – time for retailers to follow suit”, World Advertising Research Centre (WARC), 2022. https://www.warc.com/newsandopinion/opinion/beauty-brands-are-dismantling-gender-norms--time-for-retailers-to-follow-suit/en-gb/5614

[2] Jessica Matlin, “The Next Wave of Genderless Beauty Brands Are Here”, Harper’s Bazaar, 2020. https://www.harpersbazaar.com/beauty/makeup/a34050232/gender-neutral-beauty-brands/

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .

Gửi bình luận
thuynga
Tác giả: Thúy Nga
Biên tập viên
Với kiến thức chuyên môn về Ảnh Báo chí, Thúy Nga mong muốn mang đến cho độc giả những bài viết mỹ phẩm, làm đẹp, thời trang... chất lượng, hữu ích và chân thật.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Thúy Nga

Thông báo