Hạn sử dụng của son: Quan trọng nhưng hay bị bỏ qua!
Son môi thường có hạn sử dụng trung bình từ 2 đến 3 năm nếu chưa mở nắp.
Hạn sử dụng của son là yếu tố quan trọng nhưng thường bị bỏ qua, khiến nhiều chị em vô tình dùng son quá date mà không hay. Khác với các mỹ phẩm khác, son môi tiếp xúc trực tiếp với miệng nên dễ tích tụ vi khuẩn, nhanh biến chất sau khi mở nắp. Bài viết này sẽ giải đáp tất tần tật từ cách tra cứu hạn sử dụng, dấu hiệu nhận biết son hư hỏng đến mẹo bảo quản son dùng được lâu nhất - đừng bỏ lỡ!”
Hạn sử dụng của son môi là bao lâu?
Thông thường, hạn sử dụng của các loại son môi được tính theo hai cách: hạn sử dụng kể từ ngày sản xuất (ghi trên bao bì, nắp hoặc thân son) và hạn sử dụng sau khi mở nắp. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt mà bạn cần nắm rõ.
Từ ngày sản xuất, hầu hết các loại son (son thỏi, son kem, son tint) có tuổi thọ trung bình từ 2 đến 3 năm nếu chưa mở nắp. Trong thời gian này, nếu son được bảo quản đúng cách - tránh nhiệt độ cao, tránh ánh nắng trực tiếp và môi trường ẩm thấp - thì chất lượng son vẫn ổn định.

Sau khi mở nắp, hạn sử dụng của son thường chỉ còn khoảng 6 đến 18 tháng, tùy thuộc vào công thức sản phẩm. Son môi tiếp xúc với không khí, vi khuẩn từ môi, tay và môi trường bên ngoài, nên thành phần dễ bị biến đổi và giảm độ an toàn theo thời gian.
Vậy nên, ngay cả khi son chưa hết date in trên bao bì, nếu đã mở ra quá lâu, bạn cũng cần cân nhắc việc thay mới để bảo vệ đôi môi.
Các loại son thỏi truyền thống thường bền hơn son kem hay son tint dạng nước, vì kết cấu đặc hơn, ít nước hơn nên chậm bị biến đổi hơn. Ngược lại, son dưỡng môi organic (hữu cơ) do ít dùng chất bảo quản hóa học, nên thường chỉ an toàn trong khoảng 6–9 tháng sau khi mở nắp.
Dấu hiệu nhận biết son đã hết hạn hoặc không còn an toàn
Không phải lúc nào hạn sử dụng của son cũng là "kim chỉ nam" duy nhất. Đôi khi, son có thể xuống cấp trước cả thời hạn ghi trên nhãn, nhất là nếu bảo quản không đúng cách. Những dấu hiệu sau sẽ giúp bạn nhận biết son đã "cần ra đi":

Mùi hương thay đổi: Son mới thường có mùi thơm nhẹ hoặc không mùi. Nếu bạn cảm nhận thấy mùi lạ, mùi chua, mùi dầu ôi hoặc mùi hắc nồng thì đó là dấu hiệu sản phẩm đã bị ôxy hóa.
Kết cấu bị biến đổi: Son thỏi có thể trở nên bột, cứng, hoặc rã ra từng mảnh. Son kem thì bị tách nước, vón cục hoặc khô cứng. Điều này cho thấy thành phần trong son đã bị phân hủy, mất ổn định.
Màu sắc thay đổi: Son có thể ngả màu, xỉn đi hoặc xuất hiện đốm trắng bất thường. Đây là dấu hiệu son đã hỏng, hoặc có thể bị nhiễm nấm mốc vi sinh.
Cảm giác lạ khi sử dụng: Nếu khi thoa lên môi, bạn cảm thấy khô rát, châm chích hoặc ngứa ngáy, hãy ngưng sử dụng ngay lập tức vì son đã không còn an toàn.
Sử dụng son hết hạn có sao không?
Đôi môi là vùng da cực kỳ nhạy cảm và mỏng manh. Khi dùng son hết hạn, bạn không chỉ đơn thuần đối mặt với chuyện màu sắc không đẹp hay chất son kém mướt, mà còn có nguy cơ cao gặp phải nhiều vấn đề da liễu nghiêm trọng.

Vi khuẩn, nấm mốc tích tụ trong son hết hạn có thể gây ra các tình trạng như:
- Viêm da tiếp xúc, môi sưng đỏ, bong tróc, nứt nẻ.
- Dị ứng môi, ngứa, nổi mẩn đỏ hoặc thậm chí nhiễm trùng.
Một báo cáo năm 2018 đăng trên Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology cũng nhấn mạnh rằng mỹ phẩm cũ tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus hay Pseudomonas aeruginosa, có thể gây viêm nhiễm nghiêm trọng nếu không được kiểm soát có thể gây lở loét, viêm nhiễm, cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, một số thành phần hóa học khi phân hủy còn có thể tạo ra các hợp chất gây kích ứng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nếu hấp thụ liên tục qua đường môi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hạn sử dụng của son cần chú ý
Không chỉ riêng thời gian kể từ ngày sản xuất hay ngày mở nắp, nhiều yếu tố khác cũng làm "rút ngắn tuổi thọ" thỏi son yêu quý của bạn:
Cách bảo quản: Để son ở nơi nóng ẩm, như trong xe hơi mùa hè hoặc phòng tắm, sẽ đẩy nhanh quá trình oxi hóa và làm hỏng son nhanh hơn.
Tần suất sử dụng: Son được dùng thường xuyên sẽ tiếp xúc với môi trường, tay và miệng nhiều lần, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Loại son: Son dưỡng có gốc tự nhiên (natural, organic) thường ít chất bảo quản hơn, nên hạn sử dụng sau mở nắp chỉ khoảng 6-9 tháng. Son kem lỏng dễ tách nước nếu không dùng đều đặn, trong khi son thỏi truyền thống có tuổi thọ lâu hơn một chút.
Cách sử dụng: Thói quen như thoa son trực tiếp lên môi đang tổn thương, mượn son hoặc không đóng nắp kín cũng góp phần làm son nhanh xuống cấp.
Một số mẹo giúp kéo dài “tuổi thọ” của son
Sau khi hiểu rõ rằng một thỏi son cũng có "vòng đời" riêng và biết những rủi ro nếu dùng son đã quá hạn, chắc hẳn bạn cũng như mình – sẽ muốn giữ những thỏi son yêu thích được tươi mới và an toàn càng lâu càng tốt.

Thật may, chỉ cần thay đổi vài thói quen nhỏ trong cách sử dụng và bảo quản, chúng ta hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ của son mà không phải lo lắng mỗi lần lấy ra dùng.
- Luôn đóng nắp kín ngay sau khi dùng để hạn chế tiếp xúc với không khí.
- Bảo quản son ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nơi nhiệt độ cao.
- Nếu cần đem son theo người, hãy cho vào túi chống nhiệt hoặc túi vải thay vì để trần trong cốp xe.
- Không nên chia sẻ son với người khác để hạn chế lây nhiễm chéo.
- Vệ sinh bề mặt son định kỳ bằng cách nhẹ nhàng lau đầu son với khăn giấy sạch hoặc cồn y tế nồng độ thấp (không thường xuyên).
Xem thêm:
- Cách đọc hạn sử dụng mỹ phẩm Mỹ (son MAC, Estee Lauder,…)
- Cách đọc hạn sử dụng mỹ phẩm Nhật (son Shu, DHC,…)
Son là món đồ không thể thiếu trong túi xách của nhiều chị em, nhưng ít ai để ý rằng chúng cũng có 'tuổi thọ' nhất định. Sử dụng son quá hạn không chỉ làm giảm hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng môi. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách kiểm tra hạn sử dụng của son, cách bảo quản và tận dụng son một cách an toàn.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .