Cẩm nang mang thai: Thai nhi 18 tuần tuổi

Chanh Tươi Review 13 tháng 12, 2022 - 11:17 (GMT +07)   Cẩm nang mang thai: Thai nhi 18 tuần tuổi

Khi thai nhi 18 tuần tuổi tức là mẹ đã đi được nửa chặng đường trong quãng thời gian thai kỳ, lúc này cơ thể mẹ có biến đổi rõ rệt, đặc biệt là dáng đi bị thay đổi do bụng bầu to ra. Em bé trong bụng cũng khác biệt hơn so với tuần 17 như máy thai rõ hơn, cơ thể bé dài ra,...

Khi thai nhi 18 tuần tuổi thì mẹ đã có thể thấy rõ sự phát triển của con qua những lần siêu âm thai kỳ, trong khoảng thời gian này tư thế ngủ của mẹ cũng rất quan trọng đối với bé, mẹ nên nằm nghiêng để con thoải mái nhất. Bởi vì nếu nằm ngửa mẹ có thể bị chóng mặt, choáng do lượng máu về tim bị giảm đi.

Sự thay đổi của thai nhi 18 tuần tuổi

Thai nhi 18 tuần tuổi có trọng lượng khoảng 190g và dài khoảng 14,2cm. Nếu so sánh tại thời điểm này bé bằng khoảng củ khoai lang.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-3

Thai nhi tuần 18, hệ xương và các mô sụn của bé đã hình thành. Trong thời kỳ này, nếu thực hiện các xét nghiệp Tripple Test, thai nhi sẽ được phát hiện các dị tật bẩm sinh để có hướng điều trị.

Một hợp chất có tên myelin bắt đầu bao bọc quanh dây thần kinh của thai nhi để bảo vệ bộ não của em bé. Sự bao phủ này sẽ kéo dài cho đến khi thai nhi được 1 tuổi. Nếu dùng các dụng cụ đặc biệt, hỗ trợ nghe nhịp tim thì bạn sẽ có thể nghe thấy nhịp đập của thai nhi.

Giới tính của thai nhi đã có thể được phát hiện bằng phương pháp siêu âm và kết quả đã rất chính xác. Tuy nhiên, nhiều thai nhi nằm ở các tư thế khó khiến bác sĩ khó có thể nhìn rõ cơ quan sinh dục.

Thai nhi ở tuần 18, mũi và các ngón tay, ngón chân đã hiện rõ nhưng đầu vẫn còn to hơn so với phần thân mình. Lông mi, lông mày, tóc… bắt đầu mọc nhưng vẫn còn thưa thớt. Dù mí mắt vẫn còn khép kín nhưng thai nhi đã có thể cảm nhận được ánh sáng từ phía bên ngoài lọt vào.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-4

Phổi của thai nhi đang phát triển và biết thở trong môi trường ối nhưng nguồn cung cấp oxy chủ yếu của thai nhi vẫn là thông qua nhau thai. Các mầm thần kinh vị giác bắt đầu phát triển trên lưỡi của trẻ.

Ở tuần 18, nhau thai tiết ra nhiều kích thích tố nhau như estrogen và progesterone cần thiết cho nhu cầu suốt thai kỳ. Ngoài ra, nó còn tiết ra các nội tiết tố khác để giữ cho tử cung phát triển.

Trong tuần này, mỗi ngày qua bé đều có một bước tiến rất đáng kể, hãy cùng điểm lại nhé!

Ngày thứ 113: Bé có thể giật mình trước tiếng còi xe, tiếng sập cửa hoặc tiếng kèn lớn. Bé cũng bắt đầu nghe ngóng nhiều hơn những âm thanh của thế giới bên ngoài.

  • Mẹ làm cho bé: Nên nghe các loại nhạc hòa tấu nhẹ nhàng, thư giãn, hát ru để xoa dịu và dỗ dành bé.

Ngày thứ 114: Bé đã ngồi được tư thế như đang tập yoga với chiếc lưng thẳng và đôi chân xếp bằng lại. Bé cũng có thể búng, lật, uốn lưng một cách tinh nghịch và duỗi chân, tay một cách dễ dàng.

  • Mẹ làm cho bé: Cố gắng giữ cho những hoạt động đó của bé như là một trò chơi mỗi ngày bạn nhé! Những cử động như chòi đạp nhẹ trong bụng thông báo cho bạn biết là bé đang khỏe mạnh. Nếu cứ mỗi giây bạn nghe thấy bé phản hồi lại những tiếng vỗ nhẹ của bạn thì hãy tận hưởng cảm giác là đã giao tiếp thành công với con rồi.

Ngày thứ 115: Hầu hết các giác quan của bé đã hoàn thiện, bé đã có thể tự vuốt mặt, sờ khắp thân thể của mình hoặc cọ xát 2 gan bàn chân với nhau.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-6

  • Mẹ làm cho bé: Chọn mua các sản phẩm như kem dưỡng ẩm, dầu gội, sữa tắm cho bé sơ sinh ngay từ bây giờ.

Ngày thứ 116: Nếu bé là một cặp song thai, thì theo quy luật tự nhiên chúng sẽ có sự tương tác và đùa nghịch với nhau, thỉnh thoảng còn có cạnh tranh lẫn nhau nữa. Nếu là đơn thai thì bé cũng có thể nháy mắt hoặc đáp trả lại những cử động tương tác bên ngoài của mẹ.

  • Mẹ làm cho bé: Nếu bạn mang song thai dĩ nhiên sẽ tăng cân nhiều hơn. Nghiên cứu cho thấy là những bà mẹ mang song thai nếu tăng cân dưới khoảng 12 kg vào tuần thứ 24 của thai kỳ thì có nguy cơ sẽ sinh non.

Ngày thứ 117: Bé đã có thể dễ dàng cho tay vào miệng ngậm, đó được xem như là một cách bé tự trấn an mình.

  • Mẹ làm cho bé: Đừng quên cất những hình ảnh siêu âm mỗi tháng để lưu giữ lại từng giai đoạn phát triển của bé. Giữ chúng lại là một cách kết nối sâu sắc với bé sau khi bé chào đời.

Ngày thứ 118: Một chất cơ bản màu trắng có tên gọi là bã nhờn thai nhi bắt đầu xuất hiện và bao bọc toàn bộ cơ thể bé. Nó là một lớp nhờn giúp bảo vệ làn da nhạy cảm của bé đang ngập trong nước suốt 148 ngày qua.

  • Việc cần làm cho bé: Một vài thai phụ lựa chọn thủ thuật sinh con dưới nước ấm vì họ tin rằng môi trường nước sẽ giúp bé chào đời tốt hơn. Nếu bạn có kế hoạch sinh bé ở bệnh viện với phương pháp trên thì nên tìm những dịch vụ có bể tắm lớn và hiện đại.

Ngày thứ 119: Bé bắt đầu biết bú, bấy giờ bé nặng khoảng 200g và dài xấp xỉ 15cm tính từ đầu đến mông.

  • Mẹ làm cho bé:Tổng chiều cao và cân nặng của bé phụ thuộc rất nhiều vào dinh dưỡng trong bữa ăn của mẹ. Bạn không thể thay đổi được cách ăn uống trước đó nhưng từ khi có bé, hãy lựa chọn và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tập trung đầu tư cho sức khỏe của cả hai mẹ con.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-5

Sự thay đổi cơ thể mẹ khi thai nhi 18 tuần

Từ tuần thứ 18 của thai kỳ, do trọng lực cơ thể thay đổi, bạn sẽ có dáng đi hơi khác một chút so với bình thường để thích nghi với chiếc bụng bầu ngày một lớn dần lên. Hãy chú ý tư thế đi lại cuả bạn và đừng khòm lưng. Nếu làm công việc văn phòng, bạn hãy điều chỉnh ghế ngồi sao cho thật thoải mái để bớt đau lưng. Bạn cũng nên sắp xếp công việc hợp lý, bố trí chỗ làm việc thuận tiện cho việc đi lại và tranh thủ nghĩ ngơi khi có thể.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-1

Hãy tạm biệt với những đôi giày cao gót, bạn chỉ nên mang những đôi giày có đế thấp và bằng. Từ giai đoạn thứ hai cuả thai kỳ, do sự thay đổi cuả các nội tiết tố trong cơ thể, chân bạn có khuynh hướng sưng phù, vì vậy bạn nên sắm những đôi giày với kích cỡ lớn hơn và nên chọn những đôi đế thấp để tăng độ vững cuả đôi chân khi phải gánh thêm bụng bầu.

Hầu hết mọi người xung quanh đều quan tâm đến sức khoẻ và sự phát triển cuả bé yêu trong bụng bạn. Một vài người sẽ thích sờ vào bụng bạn để cảm nhận được bé. Ứng phó với tình huống như trên ra sao là tuỳ thuộc vào bạn. Có thể bạn sẽ cảm thấy rất vui. Ngược lại, nếu bạn không cảm thấy thoải mái, hãy khéo léo trao đổi thẳng với mọi người về suy nghĩ cuả bạn. Phụ nữ khi mang thai thường có xu hướng bảo vệ bào thai và cố gắng hạn chế tối đa những ảnh hưởng không tốt cho bé. Điều này là hoàn toàn bình thường.

Những thay đổi về mặt thể trạng khi thai nhi 18 tuần

  • Ở tuần thứ 18 của thai kỳ, bạn đừng lo lắng nếu kết quả siêu âm cho thấy bánh nhau của bạn nằm ở đáy tử cung. Mặc dù bánh nhau được gắn kết chặt chẽ với thành tử cung, tử cung của bạn vẫn sẽ ngày một lớn hơn để phù hợp với sự phát triển của bé, vì vậy, không nhất thiết bánh nhau phải cố định một chỗ.
  • Lúc này, tử cung đã cao ngang rốn. Bụng của bạn sẽ lộ rõ hơn, đặc biệt là vùng từ dưới cánh tay đến eo sẽ trở nên to hơn. Nếu đây là lần mang thai thứ hai, bụng cuả bạn lúc này sẽ còn lớn hơn nữa do các cơ bụng ngày càng giãn ra, không còn săn chắc như trước.
  • Tim bạn làm việc tích cực hơn để bơm khoảng 7 lít máu mỗi phút để đi khắp cơ thể. Do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, các mạch máu sẽ phình to nhằm giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Việc này gây chèn ép tĩnh mạch và là nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ thường phổ biến trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các chứng bệnh này sẽ giảm sau khi sinh bé, vì vậy bạn đừng quá lo lắng.
  • Đôi khi bạn cảm thấy nóng ran quanh vùng ngực, nách và háng. Nhiệt độ cơ thể tăng hơn một vài độ so với bình thường khiến bạn dễ bị đổ mồ hôi. Vì thế, bạn nên chọn quần áo lót đúng kích cỡ và làm từ chất liệu cotton thoáng mát, không nhất thiết phải đẹp mắt vì điều quan trọng là bạn thật sự cảm thấy thoải mái.
  • Trên 50% phụ nữ mang thai phải đối mặt với bệnh nám da thai kỳ. Phần lớn, khi mang thai, da cuả phụ nữ trở nên xỉn màu, lỗ chân lông to, vùng chữ T bóng nhờn, vùng da ở gò má xuất hiện các vết nám. Nguyên nhân là do nội tiết trong cơ thể thay đổi làm rối loạn sắc tố da. Sạm da khi mang thai chỉ là một hiện tượng sinh lý thông thường và phần lớn các vệt nám này sẽ sớm biến mất sau khi bé chào đời. Vì vậy, các bà bầu không nên quá lo lắng, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nếu muốn, bạn có thể dùng một chút phấn nền hoặc kem che khuyết điểm để che đi các vết nám không mong muốn. Ngoài ra, bạn nên dùng kem chống nắng khi đi ra đường. Các tia UVA và UVB có trong ánh nắng mặt trời sẽ càng làm cho tình trạng nám trở nên tồi tệ hơn.
  • Chóng mặt là hiện tượng khá phổ biến trong giai đoạn thứ 2 và giai đoạn cuối cuả thai kỳ. Bạn không nên đứng quá lâu hay đột ngột bật dậy khi đang nằm. Hãy để cơ thể có thời gian thích nghi với tư thế mới.

Những triệu chứng phổ biến khi mang thai tuần thứ 18 là:

  • Thai nhi máy
  • Đầy hơi
  • Giãn tĩnh mạch
  • Chuột rút
  • Chảy máu nướu răng
  • Rạn da
  • Sưng phù nhẹ mắt cá chân
  • Thay đổi ở da, tóc và móng tay, chân

Những thay đổi về cảm xúc

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-7

  • Từ tuần thứ 18 cuả thai kỳ, có rất nhiều cặp vợ chồng lo lắng về quá trình sinh nở sẽ như thế nào và họ sẽ ra sao trong vai trò mới toanh sắp tới. Tất cả những lo lắng này đều hết sức bình thường. Hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ về những băn khoăn của bạn để nhận được những giải đáp và lời khuyên hữu ích nhất.
  • Nếu bạn có lịch siêu âm trong tuần này, chắc hẳn bạn sẽ thấy gắn kết với con yêu cuả bạn hơn bao giờ hết vì đây là lần đầu tiên bạn được nhìn thấy diện mạo cuả bé. Nhiều phụ nữ chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi kết quả siêu âm cho thấy con họ đang phát triển bình thường. Đây cũng là diễn biến tâm lý rất phổ biến.
  • Trong những tình huống nguy hiểm và khẩn cấp, bản năng cuả người mẹ luôn khiến các bà bầu đưa tay ôm lấy bụng để nâng đỡ và bảo vệ con mình.
  • Chồng bạn chỉ mới cảm nhận về bé qua những thay đổi cuả bạn trong thai kỳ. Vì vậy, bạn hãy tạo cơ hội cho anh ấy gần gũi với bé hơn. Đừng quên thu xếp lịch để anh ấy có thể đưa bạn đi siêu âm và cùng tham gia các lớp học tiền sản. Nhờ đó, ông bố tương lai không chỉ biết thêm những điều mới mẻ mà còn có thể tìm thấy nhiều giải đáp thú vị cho việc chăm sóc bạn và bé sau này.

Các bệnh thường gặp

Các biểu hiện của ốm nghén đương nhiên sẽ không gây khó chịu nhiều cho bạn trong tuần này nữa, nên bạn có thể thoải mái ăn thêm các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe bạn và bé.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-8

Các thai phụ sẽ gặp phải chứng đau nhói thoáng qua không thường xuyên. Đặc biệt khi mẹ bầu thay đổi vị trí hoặc hoạt động nhiều sau một ngày. Đây là biểu hiện của chứng đau dây thần kinh tọa. Nguyên nhân là do các dây chằng nâng đỡ tử cung của mẹ đang bị kéo giãn để nâng đỡ em bé trong bụng ngày càng tăng về kích thước và cân nặng. Tuy nhiện bạn cũng không nên lo lắng nhiều về những cơn đau này. Nếu các triệu chứng đau nhói, khó chịu này kéo dài, bạn nên đến bác sĩ để được khám, điều trị kịp thời.

Một số thai phụ có sức khỏe yếu thường cảm thấy chóng mặt khi thay đổi tư thế. Nguyên nhân là do huyết áp của bạn thấp hơn bình thường trong giai đoạn này. Bạn hãy bổ sung thêm dưỡng chất đặc biệt là chất sắt, bạn có thể giảm bớt được tình trạng này.

Chế độ dinh dưỡng

Trong tuần thai thứ 18, bộ não của bé đang phát triển khá mạnh, do đó bạn nên bổ sung các chất có lợi cho sự phát triển trí não như các thực phẩm chứa nhiều canxi, chất khoáng…Bạn nên tránh ăn các loại hải sản như cá kiếm, cá thu và cá kình vì chúng chứa nhiều thủy ngân, mà thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé đấy.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-9

Mẹ không nên ăn các món ăn từ cá kiếm, cá thu, cá kình.

Ngoài bổ sung các chất xơ trong bữa ăn hàng ngày, bạn nên chú ý ăn nhiều rau xanh hoặc các loại hoa quả có màu đỏ tươi, nó sẽ giúp bạn giảm bớt các vết thâm cũng như các sắc tố gây nám da. Lượng calo bổ sung cho cơ thể cũng không nên giảm bớt nếu như bạn giữ mức cân nặng tăng trong khoảng từ 5-6 kg đến thời điểm này. Đừng lo lắng nếu như cơ thể bạn nặng nề hơn vì lúc này bạn không chỉ cung cấp dưỡng chất cho một cơ thể mà là hai.

Một số mẹ bầu còn hay bị chóng mặt. Vì vậy, để giảm triệu chứng chóng mặt, mẹ cần bổ sung đủ lượng sắt cho cơ thể nhé. Một số thực phẩm giàu chất sắt mà mẹ có thể dùng như: thịt đỏ, gan, rau lá xanh đậm… hoặc các loại thuốc bổ sung sắt dành cho mẹ bầu.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-2

Bổ sung các thực phẩm từ thịt đỏ.

Ngoài ra, đây cũng là khoảng thời gian mà bộ não của bé phát triển mạnh, do đó, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất khoáng (như canxi, kẽm, sắt…) cho cơ thể. 

Bố mẹ cần làm

Trong tuần này, não bé đã có những bước phát triển vượt trội, các cơ quan xúc giác cũng đang dần hoàn thiện chức năng của chúng. Do đó bạn nên trao đổi thông tin với bé nhiều hơn. Có thể cho bé nghe các loại nhạc không lời với giai điệu nhẹ nhàng, hoặc nói chuyện với bé hằng ngày. Điều này có lợi ích kích thích khả năng tiếp nhận thông tin của bé và góp phần tạo mối quan hệ khăng khít giữa bố mẹ và thành viên mới sắp chào đời.

cam-nang-mang-thai-thai-nhi-18-tuan-tuoi-11

Cần phải thường xuyên thăm khám bác sĩ, đặc biệt là phải làm các xét nghiệm về mức đường huyết của mẹ. Nên có chế độ ngủ và nghỉ ngơi thích hợp cho mẹ, tốt nhất bạn nên dành ra tầm 15-30 phút ngủ trưa để cho cơ thể đỡ mệt mỏi cũng như thoát khỏi stress.

Điều quan trọng nữa là luôn quan tâm tới vệ sinh ăn uống, bổ sung nhiều dưỡng chất cho sự phát triển của bé, tránh cho bé mắc phải các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, mẹ nên tham gia các lớp học tiền sản đầy đủ để có những kĩ năng chăm sóc cho bé thuần thục.

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.

Gửi bình luận
phuongthao
Tác giả: Chanh Tươi Review
Đội ngũ biên tập
Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Chanh Tươi Review

Thông báo