Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo tự túc chi tiết A-Z năm 2024
Tết năm nay vì tình hình dịch bệnh không thể về nhà đón Tết cùng gia đình nên mình đã chọn Côn đảo là nơi đón giao thừa kết thúc năm 2021 và bắt đầu năm 2024.
Chuyến đi này mình cùng đi với một người bạn nữa, hai chị em lên kế hoạch rồi đặt phòng, đặt vé máy bay chốt chỉ trong một nốt nhạc. Một chuyến đi không hề được lên kế hoạch trước của bọn mình bắt đầu cho một trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ. Tới Côn đảo vào dịp Tết thì khác gì ngày thường nào, để những ngày cuối năm ở Côn đảo thật ý nghĩa thì trước khi xuất phát các bạn nên chú ý những Kinh nghiệm du lịch côn đảo mình chia sẻ dưới đây nhé.
1. Đặt vé và book phòng sớm!
Dù là dịp Tết hay ngày thường thì mình khuyên các bạn nên đặt vé và book phòng sớm để có thêm nhiều lựa chọn hơn. Sân bay ở Côn đảo nhỏ, đường bay ngắn nên các chuyến bay tới Côn đảo chỉ là những chiếc máy bay nhỏ thôi, một chuyến bay chỉ tầm khoảng 50 hành khách và 3 người của phi hành đoàn bao gồm 1 phi công và hai tiếp viên. Lúc ngồi đợi ở sân bay Côn đảo mình thấy cứ tầm 30-45 phút thì sẽ có một chuyến bay đáp xuống, đó là lý do bạn luôn có thể canh me chụp hình máy bay sát đầu mình ở bãi Đầm Trầu sát bên sân bay Côn đảo mà không lo tới muộn bỏ lỡ thời điểm thích hợp nhé.
Ảnh: Sân bay ở Côn đảo
Những dịp bình thường khách tới Côn đảo chủ yếu để chơi cũng đã rất đông rồi nhưng vào dịp cuối năm và đầu năm còn đông hơn nữa vì mọi người tới đi Lễ. Côn đảo là một hòn đảo lịch sử và vô cùng linh thiêng nên lượt người tới viếng đi Lễ cuối năm sẽ tăng vọt, bạn có thể book được phòng nhưng lại không mua được vé máy bay ra đảo xác suất xảy ra rất cao vào những ngày này.
Mình xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28 Tết với mức giá khứ hồi 2,700,000 VNĐ/Người của Vietnam Airline. Mình book vé sớm nên săn được vé rẻ, nếu bạn xác định tới Côn đảo thì đừng ngần ngại book vé sớm nhé, nếu không chỉ tích tắc thôi giá vé đã có biến động rồi. Buổi sáng hôm đó trước khi lên máy bay thì mình và bạn đã đi test nhanh covid ở ngoài. Đây là điều kiện bắt buộc khi bạn muốn check in tạm trú ở khách sạn khi tới Côn đảo. Nếu bạn không test trước khi tới Côn đảo thì cũng không cần phải lo lắng, vì mỗi khách sạn, resort ở Côn đảo đều có dịch vụ test nhanh cho bạn trước khi check in để chấp hành tốt công tác phòng dịch của đảo. Giá test nhanh ở Côn đảo thì tùy thuộc vào nơi bạn ở giao động từ 100,000VNĐ – 150,000VNĐ. Như mình thi mình đã chọn test ở Sài Gòn trước khi bay để đảm bảo an toàn, mình test ngoài ở trung tâm xét nghiệm với giá 140,000 VNĐ/người.
Ảnh: Máy bay ra Côn đảo
Nếu bạn không quá vội thì mình khuyên nên test trước khi lên ra đảo thì độ an toàn cho chuyến đi sẽ được đảm bảo hơn. Trước khi xuất phát bạn có thể biết rõ tình trạng sức khỏe của bản thân mình để sẵn sàng cho các kế hoạch vui chơi trên đảo. Kết quả test nhanh âm tính thì bạn có thể an tâm vi vu khi tới đảo rồi, nhưng mà nhỡ dương tính thì bạn còn có thể chủ động xử lý hủy lịch trình, hủy vé máy bay và hủy book phòng; ở nhà tự cách li với đầy đủ điều kiện y tế và thuốc thang.
Còn nếu ra đảo mới test thì có thể hơi bất tiện và nguy hiểm một tí. Nếu kết quả test dương tính bạn sẽ phải test PCR lại một lần nữa để xác nhận. Và thật không may nếu kết quả PCR vẫn là dương tính thì bạn bắt buộc phải cách li ở khách sạn nơi mà bạn đặt phòng cho tới khi âm tính trở lại, chi phí cách li xét nghiệm bạn tự chi trả. Mặt khác điều kiện y tế ở đảo còn rất nhiều thiếu thốn nên nếu “xu cà na” tình trạng của bạn chuyển biến nặng thì phải cấp tốc chuyển bạn tới đất liền để điều trị bằng máy bay hoặc tàu cao tốc. Để phòng tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra thì lời khuyên chân thành là bạn nên test trước khi tới đảo, mình đã thấy trường hợp tới đảo check in mới test nhanh và bị dương tính cách li tại khách sạn, thật may cho bạn đó là không có triệu chứng nặng nhưng số tiền chi trả thì lại vô cùng lớn và điều kiện thuốc thang không hề đầy đủ như ở đất liền. Vào dịp Tết thì bạn nên tranh thủ đi test ngoài sớm trước khi các trung tâm phòng khám nghỉ Tết nhé, chỉ cần kết quả test nhanh có hiệu lực trong vòng 72h là bạn có thể yên tâm check in rồi.
Bọn mình đặt phòng và mua vé máy bay vào ngày 25 Tết, lúc đó thì khách sạn ở Côn đảo gần như kín phòng và không có quá nhiều lựa chọn, may thay bọn mình đã book được phòng đơn ở khách sạn De Condor vô cùng ưng ý.
Ảnh: Khách sạn De Condor
Mình đã book 3 đêm tại khách sạn Côn Đảo De Condor với giá 700,000 VNĐ 1 đêm bao ăn sáng cho hai người.
Ảnh: Phòng vệ sinh phòng mình ở
Khách sạn được trang trí theo phong cách thập niên 80 với họa tiết sàn nhà là các hoa văn sặc sỡ cùng các hình gốm nhỏ xinh xinh.
Ảnh: Hành lang khách sạn
Điều mình ưng ý khi quyết đinh book ở đây là khách sạn có quán bar nhỏ và sân vườn mở ở phía sau vô cùng thoáng mát. Nếu gặp thời tiết xấu không thể ra ngoài chơi bạn vẫn có không gian để chill ở khách sạn mà giá vẫn hạt dẻ.
Côn đảo nhỏ lắm mọi người ạ, nên bạn yên tâm là book phòng ở resort hay khách sạn nào thì cũng cách trung tâm vô cùng gần nhé.
2. Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo và những thứ cần mang theo
Nhắc nhẹ với các bạn là ở Côn đảo tình trạng điều kiện và trang thiết bị trên đảo vô cùng khó khăn, không được đầy đủ như ở trong đất liền nên vì sức khỏe của bản thân và những người đi cùng thì bạn cũng nên chuẩn bị một số đồ dùng thiết yếu sau đây:
- Thuốc: Tất nhiên rồi, trong thời kỳ dịch bệnh như thế này thì việc chuẩn bị một túi thuốc nhỏ phòng theo người là điều không thể quên nhé! Tốt nhất là các bạn nên đem theo những loại thuốc cơ bản như thuốc cảm, thuốc đau đầu, thuốc chống say tàu xe, thuốc đau bụng, men tiêu hóa,… Mỗi thứ nên để ra túi nhỏ riêng và ghi chú rõ ràng tránh tình trạng vội vàng uống nhầm thuốc. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo thuốc chống côn trùng, thuốc chống muỗi, dạng bôi ngoài da hay xịt đều ok nhé! Một ít miếng dán uro, một ít cuộn gạc nhỏ phòng khi đi giữa những mỏm đá nhấp nhô trên biển không may bị thương nhẹ.
- Vật dụng cá nhân: kem chống nắng, mũ nón, khăn, áo khoác, găng tay, kính râm,… để đi nắng mà không lo tổn hại tới da nhé. Mặc dù thời tiết mát mẻ nhưng nắng buổi trưa và chiều cũng rất gắt có thể làm bạn khó chịu không ít đấy. Ai chăm sóc da kỹ hơn thì đừng quên mang mặt nạ đi đắp nhé, sau một ngày rong ruổi ngoài biển thì tối về phòng đắp mặt nạ là một việc khiến bạn cảm thấy vô cùng thư thái đấy!
- Tiền mặt: Thanh toán tiền phòng bao gồm các phụ phí ở trong khách sạn nơi bạn ở có thể thực hiện qua chuyển khoản online nên bạn không cần chuẩn bị quá nhiều tiền mặt mang theo người đâu nhé. Chỉ nên mang tiền mặt vừa phải theo dự toán về các chi phí như ăn uống, xăng, mua quà cáp này nọ….Nếu bạn chi quá tay và không mang đủ tiền mặt thì cũng không cần quá lo lắng, trên đảo vẫn có cột ATM để rút tiền nhé.
3. Đi Côn Đảo thì di chuyển bằng gì?
Vì khách sạn không có dịch vụ đón tiễn ra sân bay nên mình phải đặt xe đưa đón ngoài. Nhân viên khách sạn rất nhiệt tình giúp mình gọi xe đưa tiễn sân bay. Nếu bạn không muốn đặt trước xe thì cũng không sao đâu ạ, ở sân bay có dịch vụ taxi và thuê xe máy tại chỗ, bạn có thể thuê taxi tới trung tâm đảo hoặc tự mình đi xa máy tới.
Vì không quen đường xá và đảm bảo an toàn mùa dịch nên bọn mình đã quyết định gọi xe trước, giá xe 250,000VNĐ/chiều không giới hạn số người. Trước giờ mình lên máy bay anh tài xế có gọi điện xác nhận trước với mình rất cẩn thận, xác nhận đi bao nhiêu người, nếu chuyến bay bị delay thì thông báo với anh ấy. Lúc hạ cánh, ra cửa nhân viên sân bay sẽ hỏi bạn book phòng ở khách sạn, resort nào và chỉ cho bạn tài xế tới đón bạn là ai, mình siêu thích điều này luôn. Vừa đảm bảo công tác phòng dịch vừa đỡ mất thời gian của khách tới và không làm mất trật tự sân bay nữa. Khách sạn giúp bọn mình gọi xe của dịch vụ xe du lịch Bình minh Côn Sơn. Ngoài đưa đón khách sân bay thì nhà xe còn có dịch vụ bao tuor quanh đảo, tài xế trên đảo đều rất thân thiện nên mọi người có thể tham khảo nếu đi theo đoàn mà không biết đi chơi đâu thì có thể liên hệ nhà xe nhé.
Ảnh: Xe đưa đón sân bay
Mình thuê xe máy tại khách sạn 140,000VNĐ/ngày, tính theo ngày chứ k phải theo tiếng nên hôm đó bạn tới buổi tới thuê xe thì vẫn tính 1 ngày các bạn nhé. Giá thuê xe máy trên đảo giao động từ 120,000VNĐ – 140,000VNĐ/ngày tùy loại xe và tùy chỗ. Sau khi thuê xe, đổ thêm 50,000VNĐ xăng nữa là có thể chạy quanh đảo mấy vòng rồi.
Ảnh: Xe máy
Ngoài xe máy, bạn có thể thuê xe ô tô với mức giá 250,000VNĐ/ ngày cho những bạn biết lái xe hay có trẻ em đi kèm không muốn phơi nắng. Hoặc bạn có thể thuê xe điện nếu đi từng đoàn hoặc cả gia đình nhưng vẫn muốn ngắm phong cảnh và tận hưởng nắng gió của biển. Xe điện có thể ngồi tầm 10 người 1 chiêc, xe tính theo km, mình có hỏi thì 20,000VNĐ/km nhé các bạn, ngoài ra nếu dừng lại để ngắm cảnh và chụp hình thì cũng có tính tiền theo từng phút nữa ấy.
Ảnh: Xe di chuyển trên đảo
4. Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo nên ăn gì?
Lên đảo thì tất nhiên là phải đi ăn hải sản bấp chấp lễ lạc hay ngày thường rồi! Đêm đầu tiên ở đảo bọn mình đèo nhau vào trung tâm thị trấn đảo ăn hải sản. Hải sản mình đánh giá ở đây rất tươi nhưng vì các nguyên liệu nấu kèm phải vận chuyển từ đất liền vào cùng các chi phí dịch vụ khác nên giá hơi đắt so với ở trong đất liền nhé. Nhưng mình thấy đáng lắm ạ, hải sản vô cùng tươi ngon ý. Đi Côn đảo thì phải ăn ốc vú nàng nhé các bạn, bọn mình gọi nướng mỡ hành ăn ngon miệng lắm ạ.
Ảnh: Ốc vú nàng nướng mỡ hành
Khoảng thời gian Tết dân đảo bảo mình là mùa nước nổi nên không có cua ghẹ gì cả, nếu có thì chắc nhập ở đâu về ấy, chứ ở đây mùa thu mới có cua, ghẹ nhiều cơ. Thay vì gọi cua, ghẹ bọn mình đã gọi thêm tô cháo hào ăn cho ấm bụng. Hàu con to mà tươi ngọt lắm ạ.
Ảnh: Cháo hàu
Ngoài ra bọn mình còn gọi thêm nhum biển nướng để ăn thử, bạn mình bảo nhum này to mà tươi ghê, tươi hơn nhiều so với mấy chỗ bạn ấy ăn ở thành phố Vũng Tàu ý. Không những tươi mà còn rẻ nữa ạ, nhum con lớn là 60,000VNĐ/con như trong hình, con nhỏ hơn thì 40,000VNĐ/con.
Ảnh: Nhum biển nướng mỡ hành
Bọn mình ăn hải sản ở quán Út Triệu, nhân viên nhiệt tình giới thiệu món ăn vô cùng chi tiết, không gian không rộng lắm nhưng cũng thoáng đãng. Đây là một trong số những quán hải sản mở xuyên Tết ở Côn đảo, bọn mình có ghé quán Cây Bàng được rất nhiều người review ngon nhưng quán đóng cửa nghỉ Tết. Điều bất tiện khi tới Côn đảo ngày Tết đó là rất nhiều quán ăn đóng cửa nghỉ Tết ạ, đêm giao thừa và tối mùng 1 Tết bọn mình đi quanh mãi mới kiếm được quán ăn đó các bạn. Kinh nghiệm rút ra là nên check các địa điểm ăn uống trong những ngày Tết trươc khi tới nếu không bạn sẽ bị bấn loạn không biết nên ăn gì vào lúc đó luôn. Bọn mình tới quán Cây Bàng, quán Lẩu bò ngon số 1, quán gà,…đều đóng cửa.
Ảnh: em chó giữ nhà ở quán hải sản Út Triệu
Tối ngày 29 Tết bọn mình ghé bánh canh ghẹ để nếm thử bánh canh ghẹ nhưng vào muộn nên chỉ có bánh canh xương và hoành thánh, vì quá đói nên bọn mình ngồi ăn luôn do đi quá nhiều quán đều đóng cửa nên oải rồi. Bánh canh với hoành thánh thì như bình thường mình hay ăn ở trong đất liền nên không có gì để review nhé.
Còn tối mùng 1 Tết bọn mình đi ăn bê thui ở quán trên đường Võ Thị Sáu. Trên đường này chỉ có một quán đó thôi nên dễ tìm lắm nhé. Vừa ăn bê thui vừa xem đá banh mọi người ạ.
Ảnh: bê thui
Bọn mình gọi một phần bê thui và một nồi lẩu nhỏ, thế mà ăn no căng mà nồi lẩu vẫn còn rất nhiều thịt. Bữa ăn này hai chị em nhà mình chỉ tốn có 380, 000VNĐ thôi nhưng về chất lượng và số lượng đều cho quán 5 sao ạ.
Ảnh: Lẩu
Kế bên khách sạn của mình cũng có cả quán ăn, có cả lẩu nữa nhưng bọn mình lại không chú ý lắm. Đến lúc tối về thấy nhóm mấy bạn trẻ đi du lịch ở cùng tầng ba khách sạn với bọn mình ăn ở đó mới biết. Mấy bạn tới cũng có thể ghé thử nhé!
Mình đặt phòng bao gồm bữa sáng nên bọn mình chỉ ăn sáng tại khách sạn luôn cho tiện. Bữa sáng của khách sạn tuy ít những theo khẩu vị của riêng mình thì thấy rất ngon, có lẽ mình và đầu bếp đều là người miền Trung nên ăn thấy hợp khẩu vị, đầu bếp người Huế mọi người nhé. Bữa sáng có ba lựa chọn đó là ăn phở gà, bánh canh và bánh mì trứng ốp la kèm trà, cafe, nước ép và hoa quả đi kèm.
Ảnh: Bữa sáng ngày 29 Tết ở khách sạn
Tuy nhiên, sáng ngày mùng 1 Tết khách sạn ăn chay nên sáng đó chỉ có bánh canh chay, dân trên đảo cũng nghỉ Tết nên lò mỳ đóng cửa tới hết mùng ba Tết, nên sáng mùng 1 và mùng 2 Tết đều không được ăn mỳ ốp la đâu ạ.
Ảnh: Bánh canh chay bữa sáng ngày mùng 1 Tết
Mùng 2 tết ăn sáng có hai lựa chọn bánh canh và miến gà, bọn mình đều chọn miến gà vì cảm thấy hợp khẩu vị hơn. Nếu không ăn sáng ở khách sạn bạn cũng có thể tới trung tâm đảo ăn phở hoặc bún rêu nhé. Bún rêu ở Côn đảo rất nổi tiếng ai cũng review nhưng bọn mình đi chơi về toàn tới giờ đóng cửa nên không thử được, cũng tiếc hùi hụi ý.
Ảnh: Miến gà ở khách sạn
Theo mình thấy Tết thì chỉ có sáng ngày mùng 1 là hơi khó tìm thấy quán ăn vì mọi người đều bận đi lễ, đi chùa cầu may đầu năm rồi ấy. Nên tốt nhất bạn nên hỏi xem khách sạn có nhận đặt bữa trưa hoặc nấu hộ không nhé. Thường thì người dân trên đảo vô cùng thân thiện, nếu nhà bếp không nhận cơm trưa bạn có thể đi chợ mua đồ và mượn bếp của khách sạn để tự nấu nướng.
Bọn mình có đặt cơm trưa ở khách sạn trưa ngày 29 Tết vì được anh tài xế khen đầu bếp của khách sạn nấu các món miền Trung chuẩn vị. Nhưng bạn lễ tân lại quên báo nhà bếp nên đến giờ cơm bọn mình về khách sạn ăn cơm thì nhà bếp mới biết có đặt cơm. Vì chỉ có hai người, ăn cũng không nhiều mà không yêu cầu món cụ thể nên bọn mình vẫn đồng ý nhà bếp có gì ăn đó. Bữa cơm có chút đạm bạc nhưng cơ bản thì cảm giác như ăn cơm nhà các bạn ạ. Bữa cơm hai người này khách sạn tính 60, 000 VNĐ thôi ý.
Ảnh: Cơm trưa đặt tạm ở khách sạn
Hoặc các bạn có thể đi ăn cơm tấm ở trung tâm đảo, các tiệm cơm vẫn mở bình thường vào ngày Tết, ngon dở thì tùy theo khẩu vị của từng người. Nhưng theo mình thấy thì người trên đảo chủ yếu là người miền Nam nên khẩu vị sẽ thiên về ngọt một tí đấy ạ.
Ảnh: Trà và hoa quả buổi sáng ở khách sạn
5. Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo chơi gì?
Nếu bạn là một người yêu thích náo nhiệt, đông đúc có nhiều chỗ giải trí thì Côn đảo có lẽ không hợp với bạn rồi. Côn đảo rất hoang sơ, hầu như còn giữ nguyên nét nguyên sơ ban đầu nên có thể nhàm chán đối với một số người thích đông đúc nhé. Còn nếu bạn là một người yêu thiên nhiên, muốn khám phá những cảnh đẹp nguyên sơ, yêu thích sự bình yêu dịu dàng thì mình cá là bạn sẽ mê Côn đảo liền đó ạ!
Ảnh: đường từ sân bay về thị trấn Côn đảo
Không khí ở Côn đảo giống như một vùng quê nông thôn bình dị ở Việt Nam vậy, nhà toàn nhỏ nhỏ nằm giữa vườn cây, vườn rau, dựa vào núi, không có tiếng ồn, không khói bụi công nghiệp, yên ả lắm. Ai mà quen với phố xá lắm thì tới đây có thể hơi sốc nhẹ tí nhé, buổi tối vô cùng yên tĩnh, đèn đường cũng không phải sáng trưng, đường xá cũng không mượt như ở phố đâu ạ. Lúc mình tới là Tết nên buổi tối thường thấy mọi mấy nhà ngồi cùng nhau nhậu, hát hò chúc tết với nhau, thấy ấm cúng lắm.
Ảnh: Một khúc cua trên đường về trung tâm đảo
• Nghĩa trang Hàng Dương – mộ AHLLVTND Võ Thị Sáu
Ảnh: Nghĩa trang Hàng Dương
Tới Côn đảo thì nơi đầu tiên mà mình nghĩ mọi người sẽ và nên đi đó là nghĩa trang Hàng Dương ở trung tâm đảo. Nghĩa trang là một nét linh thiêng của đảo bạn nên tới viếng và đi lễ một lần. Nơi đây là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ kiên trung vì đất nước chiến đấu, đặc biệt là đến viếng mộ Cô – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Về điểm linh thiêng ở đây thì mình không nói nhiều nữa nhé chắc mọi người đều nghe nói qua rồi. Viếng lễ dịp cuối năm và mùa dịch thì bạn cần chú ý những điểm sau:
- Nên thông báo trước với khách sạn nơi bạn ở giúp bạn đăng ký ở nghĩa trang trước. Giờ nghĩa trang phải đăng ký trước một ngày mới được vào viếng, vì lượng khách viếng rất đông và để bảm bảo phòng chống dịch nên nhất định phải đăng ký trước khi vào viếng lễ nhé.
Ảnh: Đường vào nghĩa trang
- Hoa và hương vào viếng lễ có thể đặt trước ở tiệm ngoài chợ Côn đảo, người ta sẽ mang đồ ra tận nghĩa trang cho bạn hoặc khi nào viếng lễ thì mua khi đó cũng không sao ạ. Cửa hàng luôn mở sẵn và có đủ hoa, hương cho mọi người tới mua đi lễ.
Ảnh: Hoa viếng lễ
- Trước khi vào nghĩa trang thì sẽ phải quét mã QR khai báo y tế và thời gian viếng nghĩa trang chỉ tầm 30 phút để tránh tình trạng người tập trung quá đông ở một nơi nhé.
Ảnh: Nơi bày lễ trước khi vào nghĩa trang
• Đền thờ Côn đảo
Ảnh: Cổng vào đền thờ Côn đảo
Đền thờ Côn đảo nằm sát bên nghĩa trang Hàng Dương luôn ạ. Nơi đây trước kia là dinh thự của Chúa đảo nay được trùng tu, xây dựng sửa sang thành nơi thờ cúng của người dân trên Đảo.
Ảnh: Toàn cảnh đền thờ phía trong
Ảnh: Khu đình trước đền thờ
• Vân Sơn Tự
Ảnh: Vân Sơn Tự - ngôi chùa duy nhất trên đảo
Người dân đảo có truyền thống sau đêm giao thừa mùng 1 Tết đều lên chùa viết sớ cầu bình an cho bản thân và gia đình. Hầu như tất cả người dân trên đảo đều sẽ đến thắp hương vào ngày mùng 1 Tết hết, nên người rất đông. Mọi người Tết mà ra chùa thắp hương thì chú ý thực hiện đầy đủ 5K nhé. Vào chùa thắp hương sẽ được trụ trì phát cho một tờ sớ cầu bình an, kèm 1 bao lì xì lấy lộc đầu năm và tặng một chiếc vòng tay.
Ảnh: Điện thờ chính của Vân Sơn Tự
Ở đây bạn còn có thể thấy rất nhiều khỉ nhé, khỉ ở chung trong chùa, trên nóc nhà ở đình viện và trên các ngọn cây ngắm khách qua lại hương khói. Khỉ ở đây vô cùng thân thiện ý, không có dữ dằn hay cướp đồ ăn đâu ạ.
Ảnh: Khỉ ở bậc thềm lên Vân Sơn Tự
• Quảng trường trung tâm Côn đảo
Ảnh: Quảng trường nơi đặt linh vật năm 2022 của Côn đảo
Mùng 1 Tết mà không tới check in cùng linh vật của Côn đảo ở trung tâm hành chính là thiếu sót nhé mọi người. Ở đây được dựng trang trí rất cầu kỳ, vừa đẹp mắt vừa đảm bảo độc đáo. Chỗ này sát bên cổng vào Nhà tù và chuồng cọp luôn.
Nhưng vì tình hình dịch bệnh nê lúc mình tới thì thấy thông báo đóng cửa và chưa biết tới khi nào thì có thể mở cửa trở lại. Nên ai có dự định tới tham quan nhà tù Côn đảo thì nên kiểm tra trước nhé tránh tới cổng thấy đóng cửa thì hụt hẫng lắm ạ.
• Bãi sọ người
Ảnh: Bãi sọ người
Có lẽ rất ít người biết tới Bãi sọ người – nghĩa trang đầu tiên của Côn đảo nhỉ. Bãi sọ người nằm trên đường Võ Thị Sáu gần Mương Sấu, nép mình bên lề đường với kiến trúc thời kỳ thập niên 80, xây bằng gạch đổ kiên cố.
Lúc đầu đi qua bọn mình cứ tưởng đây là chợ cũ của Côn đảo thời xưa kia, nhưng khi dừng xe vào xem mới biết đây là một nơi vô cùng linh thiêng. Là nghĩa trang đầu tiên của Côn đảo và cũng là nơi dùng để tra tấn tù nhân.
• Mũi Cá Mập – Bến Đầm
Ảnh: Mũi Cá Mập
Tới Côn đảo thì không nên bỏ qua việc chạy trên cung đường sát bờ biển để ngắm biển vào sáng sớm và chiều tối nhé.
Ảnh: Biển ở bãi Đầm Trầu
Buổi sáng thủy tiều xuống để lộ cả bãi cát trắng và bãi đá trải dài đẹp như mộng ấy các bạn ạ. Bãi biễn hoang sơ, sạch sẽ, nước biển trong vắt màu ngọc bích vô cùng bắt mắt. Rồi những con đường quanh co sát mặt biển, những khoảng lên dốc xuống dốc đẹp y như trong các bộ phim Hàn Quốc ấy ạ. Một bên là núi một bên là biển xanh ngắt với những mỏm đó vô cùng hùng vĩ.
Ảnh: Bãi biển Đầm Trầu
Buổi chiều tới Mũi Cá Mập – Bến Đầm tắm biển và đợi hoàng hôn thì hết sẩy mọi người ạ. Chiều 29 Tết sau khi chụp được những bức hình xinh đẹp thì bọn mình đã ngồi ở đây ngắm hoàng hôn. Gió mát, biển xanh, tiếng sóng rì rào, mọi người đều tìm chố ngồi ngắm hoàng hôn, đợi chờ khoảnh khắc mặt trời khuất bóng dưới đáy biển kết thúc cho một năm cũ ai ai cũng đầy cảm xúc khó nói.
Ảnh: Hoàng hôn trên biển chiều 29 Tết
Ảnh: Hoàng hôn ở Mũi Cá Mập
Thời tiết ở đảo dao động từ 25 – 27 độ, rất mát mẻ chứ không nóng rát như biển ở Tp.Vũng Tàu hay Phan Thiết đâu ạ.
Ảnh: chiều ở Mũi Cá Mập
Nước biển ở đây trong vắt, nên tầm chiều khoảng 4h có rất nhiều người tới tắm biển. Vì mình đi dịp Tết nên chủ yếu gặp toàn người nước ngoài xuống tắm thôi ạ. Ai biết bơi thì tha hồ xuống tắm, cảm nhận vị mặn chát của nước biển nhé.
Ảnh: Bãi biển Đầm Trầu
Vì Mũi Cá Mập có view ngắm biến à hoàng hôn quá đẹp nên được bọn mình ghé rất nhiều lần để chụp hình và ngắm biển.
Ảnh: Ảnh mình chụp ở Mũi Cá Mập
Ảnh: Ảnh mình chụp ở Mũi Cá Mập
• Cây di sản
Ảnh: Cây di sản
Cây di sản này chắc có tuổi cũng ngang ngửa đảo đấy mọi người ạ. Thân cây cao, to sừng sững đứng nép mình bên đường của thị trấn. Nhìn cây mình có cảm giác đang ở Hà Nội độ cuối đông ý, lá cây rụng hết chỉ trơ lại cành, những chồi non bắt đầu rục rịch mọc lại để chờ đón mùa xuân tới.
Ảnh: Cây di sản
Cây di sản là một nhân chứng sống cho lịch sử của đảo, chứng kiến bao mất mát, bao hy sinh cùng những khó khăn mà dân đảo đã bỏ ra để xây dựng được đảo như ngày hôm nay.
• Bến tàu cũ
Ảnh: Biển chụp từ bến tàu cũ
Lúc mình đi thì bến tàu mới đang tu sửa nên không được phép vào, chỉ được ra bến tàu cũ thôi.
Ảnh: chụp ở bến tàu cũ
Mình ra bến tàu cũ lúc chập choạng, nhìn xa xăm các hòn đảo nhỏ xung quanh mờ ảo cũng nên thơ lắm ạ. Nơi này tha hồ chụp ảnh sống ảo nhé mọi người. Sát bên bến tàu cũ chính là cột cờ Côn đảo, xung quanh là từng cụm hoa sao nhái vô cùng bắt mắt nữa. Chỗ này còn là nơi trưng bày bức ảnh lịch sử quý báu.
• Chợ Côn đảo
Ảnh: Chợ Côn đảo
Chính xác là chợ quê luôn mọi người ạ. Chợ bày bán đầy đủ các loại thực phẩm như trong đất liền vậy á. Mọi người muốn mua gì đều có thể ghé chợ nhé.
• Thuê Cano ra đảo Hòn Tre
Hoạt động này thì mình chỉ đề nghị các bạn nên thử nếu thời tiết đẹp và sóng biển nhỏ thôi nhé! Những ngày mình đi thời tiết tuy đẹp nhưng gió to, sóng lớn nên Cano không thể ra biển được. Vì sự an toàn nên bọn mình đành từ bỏ ra đảo nghắm san hô, hẹn Côn đảo mùa biển lặng sẽ tới ngắm san hô thỏa thích.
Ảnh: Biển Côn đảo
6. Những nơi không mở đón khách dịp Tết.
Thứ nhất đó là Bảo tàng Côn đảo mùng 1 Tết sẽ không mở cửa đón khách đâu các bạn nhé.
Thứ hai là Vườn quốc gia Côn đảo. Nhân viên vườn Quốc gia cũng sẽ nghỉ Tết nếu bạn không book tour trước nhé.
Ảnh: Hoa anh đào nở ở Côn đảo
Trên đây là những điều cần lưu ý mà mình đã rút ra được từ chuyến đi Côn đảo 4 ngày 3 đêm của bọn mình. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn chuẩn bị tốt hơn cho những lần tới Côn đảo dịp Tết nha. Tổng chi phí cho chuyến đi này là 4tr9/người vào dịp Tết. Chi phí này bao gồm tất tần tật các khoản tiền mình chi khi tới đảo, từ tiền mua hoa đi lễ tới chi phí ăn uống, đi lại, xăng xe.
Côn đảo sắp vào mùa đẹp nhất trong năm rồi, mọi người nhanh nhanh canh vé ghé đảo một lần nhé! Hy vọng các bạn tới Côn đảo sẽ có những trải nghiệm đẹp và đáng nhớ!
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.