Các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất rằng ba mẹ nên chọn sữa công thức cho con theo những tiêu chí cụ thể sau đây: sữa phải phù hợp với lứa tuổi và cân nặng của bé, tình trạng sức khỏe của bé (sinh thiếu tháng, đủ tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, béo phì) và tình trạng dị ứng của bé (cần theo dõi sau khi uống để xem bé có bị nổi mụn, tiêu chảy, táo bón không?), giá cả sữa phải phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Đặc biệt, cần chú ý xem tỷ lệ đạm trong thành phần sữa có phù hợp với độ tuổi của trẻ không. Để biết rõ hơn về vấn đề này, các mẹ có thể tham khảo một số tiêu chuẩn sau:
1. Xem xét về tỉ lệ đạm và các thành phần có trong sữa
- Trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi, tỉ lệ đạm tiêu chuẩn khoảng 11-18%.
- Trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi, tỉ lệ đạm là 18-34%.
Nếu tỉ lệ đạm có trong sữa ít quá sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, nguy cơ nhiễm trùng cao, hệ miễn dịch kém. Ngược lại, nếu thừa đạm sẽ dẫn tới rối loạn hormone, hệ thần kinh phát triển kém, béo phì và bị bệnh lý tim mạch.
Ngoài tiêu chí về tỷ lệ đạm, các mẹ cũng cần phải lưu ý các chất dinh dưỡng khác có trong sữa như DHA, ARA, Beta-Glucan... hỗ trợ cho hệ miễn dịch và phát triển não bộ ở trẻ.
Mỗi loại sữa sẽ có công thức khác nhau, tuy nhiên hầu hết các loại sữa cho trẻ sơ sinh đều có những thành phần cơ bản dưới đây:
- Carbohydrate hay chất đường bột: chủ yếu cung cấp năng lượng cho trẻ.
- Protein hay chất đạm: Ưu tiên cấu trúc đạm sữa mềm nhỏ, tự nhiên để giúp con dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Chất béo: 2 loại axit béo quan trọng trong thành phần sữa mẹ là DHA và ARA hỗ trợ não bộ bé phát triển.
- Vitamin: vitamin phổ biến như vitamin B5, vitamin B12, vitamin C, vitamin D, vitamin A…
- Khoáng chất: Ngoài vitamin, sữa tốt cần chứa đầy đủ các khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, kali, magie, kẽm…
- Một số thành phần khác như: Nucleotide hình thành ADN, ARN và hệ thống miễn dịch của trẻ, bột gạo hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày, chất xơ GOS và PureGOS hạn chế tình trạng táo bón và các vấn đề về tiêu hóa và nhiều axit amin khác …
2. Mua sữa cho trẻ sơ sinh theo độ tuổi
Một trong những lưu ý về cách lựa chọn sữa công thức dành cho trẻ quan trọng mà ba mẹ cần chú ý chính là độ tuổi của con. Loại sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh 0-6 tháng sẽ khác với trẻ từ 6-12 tháng có sự phát triển hoàn thiện hơn.
- Loại sữa: Trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng thường được nuôi bằng sữa công thức dành riêng cho sơ sinh (sữa công thức 0-6 tháng), chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn đầu. Trẻ từ 6-12 tháng có thể chuyển dần sang sử dụng sữa công thức 6-12 tháng, chứa hàm lượng dinh dưỡng và thành phần phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ lớn hơn.
- Hàm lượng chất béo: Trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng cần một lượng chất béo cao để phát triển não bộ và hệ thần kinh. Do đó, sữa bột cho trẻ sơ sinh thường có hàm lượng chất béo cao hơn so với sữa dành cho trẻ 6-12 tháng.
- Protein: Sữa dành cho trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng thường có hàm lượng protein thấp hơn so với sữa dành cho trẻ 6-12 tháng. Điều này giúp giảm tải lên hệ thận của trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu.
- Lactose: Lactose là loại đường tự nhiên trong sữa. Trẻ sơ sinh thường có khả năng tiêu hóa lactose tốt hơn so với trẻ từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có vấn đề về tiêu hóa lactose, có thể cần sữa không lactose hoặc sữa thay thế.
- Vitamin và khoáng chất: Sữa cho trẻ từ 0-6 tháng và 6-12 tháng cần cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ và hàm lượng có thể thay đổi tùy theo lứa tuổi của trẻ.
3. Nhóm sữa dành cho các nhu cầu đặc biệt
Trường hợp bé nhà bạn thuộc nhóm có nhu cầu đặc biệt, phổ biến như không dung nạp đường Lactose, dị ứng đạm bò, trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, hoặc không dung nạp chất béo,… ba mẹ cũng cần chú ý khi mua sữa cho con.
- Nhóm không có đường lactose: Sữa dùng cho trẻ không tiêu hóa lactose bao gồm sữa gốc động vật (ví dụ: Dumex lacto-free, Similac Lactose Free) và sữa gốc thực vật (ví dụ: Prosobee, Nursoy, Isomil).
- Sữa thủy phân: Sữa không chứa lactose và protein sữa bò đã bị thủy phân, phù hợp cho trẻ dị ứng sữa bò (ví dụ: Nutramigen, Pregestimil, Alimentum).
- Sữa dành cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: Có sữa có bổ sung tinh bột gạo hoặc gôm tự nhiên để giảm nôn trớ và tăng thể tích phân (ví dụ: Enfamil AR, Frisolac Comfort).
- Nhóm sữa không chất béo: Sữa không chất béo thích hợp cho những người cần canxi nhưng không muốn tăng cân hoặc cần kiêng chất béo (ví dụ: trong bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid, cholesterol cao, tiểu đường, kém hấp thu chất béo).
Lưu ý khi dùng sữa công thức cho trẻ sơ sinh
Việc cho trẻ sơ sinh dùng sữa công thức cần đảm bảo đúng cách để bé phát triển an toàn và khỏe mạnh:
1. Pha sữa đúng hướng dẫn:
Tuân thủ đúng tỷ lệ nước - sữa theo bao bì. Dùng nước đã đun sôi để nguội (khoảng 40–50°C), đong chính xác bằng muỗng kèm hộp. Lắc hoặc khuấy nhẹ cho sữa tan đều, tránh tạo bọt khí gây đầy hơi.
2. Đảm bảo vệ sinh:
Rửa tay sạch trước khi pha. Tiệt trùng bình sữa, núm ti và các dụng cụ trước mỗi lần dùng. Dụng cụ cần được rửa ngay sau khi bé bú xong.
3. Cho bé bú đúng cách:
Bế bé đúng tư thế, giúp bé ngậm đúng khớp núm để tránh nuốt khí. Không ép bé bú khi đã no. Sau khi bú, vỗ nhẹ lưng cho bé ợ hơi.
4. Bảo quản sữa hợp lý:
Sữa chưa mở để nơi thoáng mát, đã mở dùng trong vòng 1 tháng. Sữa pha nên dùng trong 1 giờ, không hâm lại sữa thừa.
5. Theo dõi phản ứng của bé:
Quan sát dấu hiệu dị ứng, tiêu hóa bất thường (như tiêu chảy, táo bón, trớ sữa). Đưa bé đi khám nếu có dấu hiệu lạ hoặc không tăng cân như mong đợi.