Kết hợp Salicylic Acid và Benzoyl peroxide có thật sự an toàn?

BHA và BP - một sự kết hợp mạnh mẽ nhưng không hề dễ dàng!

Hồng Thơ 18 tháng 12, 2024 - 15:08 (GMT +07)   Kết hợp Salicylic Acid và Benzoyl peroxide có thật sự an toàn?

Sẽ chẳng khó gì nếu chúng ta muốn tìm hiểu về BHA hay Benzoyl Peroxide (BP) trong thời buổi này. Chỉ cần một cú click chuột trên google là hàng tá bài viết kiểu “BHA là gì?”, “BP có công dụng gì?” hiện ra ngay trước mắt. Dễ như ăn kẹo, đúng không nào? 

Thế nên, mình sẽ không đi sâu vào những khái niệm lý thuyết khô khan đó nữa nhé! Thay vào đó, mình muốn ngồi xuống “tám” với các bạn về những điều thực tế và đáng quan tâm hơn, như: BHA (Salicylic Acid) và BP có thể kết hợp với nhau hay không? Giữa BHA và BP, đâu mới là “đỉnh của chóp” cho làn da dầu mụn? Nồng độ BP bao nhiêu mới thật sự hiệu quả với làn da của bạn? 

Nếu bạn cũng đang lăn tăn mấy câu hỏi này, thì cùng mình “đi sâu” ngay trong bài viết này nhé! 

Trước tiên, tụi mình cùng ngồi nhìn lại qua về 2 hoạt chất đình đám này ha!

SALICYLIC ACID (BHA) – Quen mà vẫn “xịn sò”

Chắc hẳn các bạn chẳng còn xa lạ gì với Salicylic Acid – “ngôi sao” trong làng trị mụn rồi đúng không? Đây là hoạt chất thuộc nhóm Beta Hydroxy Acid (BHA), một loại acid tan trong dầu nên cực kỳ lý tưởng cho những làn da dầu, mụn trứng cá. 

Ngoài ra, Salicylic Acid còn được biết đến là một hoạt chất tẩy tế bào chết hóa học, giúp làm mới lớp da và hỗ trợ tái tạo da hiệu quả.

Điểm mạnh nhất của BHA chính là khả năng:

  • Đi xuyên qua lớp dầu thừa, làm sạch sâu lỗ chân lông, đánh bay lớp bã nhờn và da chết gây bí tắc.
  • Kháng viêm, kháng khuẩn, giúp các nốt mụn viêm nhanh xẹp và lành lại.
  • Ngăn ngừa mụn đầu đen, mụn đầu trắng và cải thiện tình trạng da sần sùi.

Nếu như AHA chỉ xử lý lớp tế bào chết trên bề mặt da thì BHA lại có thể “đào sâu” để giải quyết những vấn đề nằm dưới bề mặt da hiệu quả hơn nhiều.

Thiết kế chưa có tên
Nhớ nha! BHA có thể gây kích ứng! Không cẩn thận là “toang” nha mấy ní!

Nồng độ BHA nào là hiệu quả và an toàn?

Đối với các vấn đề mụn nhẹ đến trung bình, nồng độ 0.5% - 2% là lý tưởng và an toàn cho làn da. Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy các sản phẩm chứa BHA ở nồng độ này trên thị trường.

Còn với những vấn đề da nặng hơn hoặc bạn cần BHA mạnh hơn? Hãy tìm đến chemical peels chuyên nghiệp tại các spa hoặc trung tâm da liễu nhé.

BHA xuất hiện trong những dạng sản phẩm nào?

BHA có mặt trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da:

  • Spot treatment (điều trị mụn cục bộ).
  • Toners, serums, gels, moisturizers, và lotions.
  • Sữa tắm và thậm chí là sữa rửa mặt dành cho body.

Nhưng bạn biết gì không? BHA phát huy hiệu quả tốt nhất khi được lưu lại trên da (leave-on treatment) như toner hay serum. Lý do là vì chúng có đủ thời gian để thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông và phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng với BHA, thì các sản phẩm dạng rửa mặt hay sữa tắm cũng đã đủ "vừa vặn" để giúp làn da sạch sẽ và mịn màng rồi.

Muốn BHA “đỉnh của chóp”? – Hãy chọn dạng toner!

Nếu bạn đang tìm một sản phẩm BHA mạnh mẽ và phát huy hết công dụng, thì đừng bỏ qua BHA dạng toner (hay còn gọi là acid toner). 

Còn mấy loại rửa mặt, serum hay dưỡng ẩm có chứa BHA ư? Thôi, bỏ qua nhé! 😎😎😎

Vì sao à? Vì nồng độ của BHA trong những sản phẩm này thường quá nhẹ, kiểu như “kháng khuẩn cho vui” thôi. Chúng không đủ mạnh để giải quyết triệt để các vấn đề cứng đầu như mụn hay dầu thừa đâu.

Nên nhớ, nếu bạn muốn đầu tư xứng đáng vào làn da của mình, hãy chọn một em BHA đặc trị, có nồng độ rõ ràng. Đảm bảo hiệu quả sẽ khiến bạn phải thốt lên: “Đáng đồng tiền bát gạo!”

BHA – Chân ái của team da dầu và môi trường ô nhiễm

Nếu bạn thuộc team da dầu, lỗ chân lông to, lại sống trong môi trường ô nhiễm dễ tích tụ bụi bẩn, thì một chai BHA dạng lỏng (liquid toner) chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn. Cảm giác sau khi dùng là sạch sâu, thoáng lỗ chân lông cực kỳ “đã” luôn!

Còn nếu bạn thuộc team da khô, BHA có thể không phải lựa chọn lý tưởng đâu. Hãy thử AHA để vừa tẩy tế bào chết vừa dưỡng ẩm nhẹ nhàng. Nhưng nếu vẫn muốn “bon chen” dùng BHA, bạn có thể chọn các loại dạng kem hoặc sữa. Dù vậy, lưu ý là hiệu quả sẽ không mạnh bằng dạng lỏng đâu nha!

Nhưng nhớ nhé: BHA không phải “cứu tinh” cho tất cả

Dù BHA rất “xịn”, nhưng không phải ai cũng hợp đâu. Nếu bạn dị ứng aspirin, thì tiếc là BHA sẽ không phải là “bạn đồng hành” của bạn rồi.

Ngoài ra, tình trạng đẩy mụn sau khi dùng BHA có thể khiến nhiều bạn hoang mang. Đây là chuyện bình thường, nhưng nếu bạn:

  • Không biết cách chăm sóc đúng sau khi đẩy mụn.
  • Lơ là kem chống nắng, khiến da yếu hơn.
  • Hoặc da thiếu nước, dẫn đến mụn chai lì.

Thì hậu quả có thể “toang” thật đấy, chứ không đùa đâu! 🤣🤣🤣

Chia sẻ ngoài lề một chút xíu nè:

Bạn có biết rằng mỗi ngày làn da của chúng ta thải ra gần 1 triệu tế bào chết không? Nghe “ghê” mà cũng thú vị đúng không nào? Những tế bào này có tên gọi là keratinocytes, được cấu thành từ protein keratin dạng sợi.

Cụ thể hơn, keratinocytes được sinh ra ở đáy lớp biểu bì, sau đó từ từ di chuyển lên phía trên. Đến khi chạm tới bề mặt da, chúng sẽ "hy sinh" và biến thành những tế bào chết. Những gì bạn nhìn thấy trên bề mặt da – chính là “lớp sừng”. Lớp này có khoảng 15-20 lớp tế bào chết xếp chồng lên nhau.

Đến cuối vòng đời, các tế bào ở tầng ngoài cùng sẽ vỡ ra và bong tróc tự nhiên, tạo cơ hội cho các tế bào mới từ bên dưới được đẩy lên. Đây chính là vòng tuần hoàn tự nhiên của làn da.

Chu kỳ tái tạo da trung bình khoảng 28 ngày – cũng tương tự như chu kỳ kinh nguyệt của chị em mình vậy!

Nhưng khi tuổi tác càng lớn, chu kỳ này lại chậm đi đáng kể. Ví dụ: Ở tuổi 40, chu kỳ thay da có thể kéo dài tới 38 ngày.

Trong khi đó, làn da của trẻ em chỉ mất tầm 2 tuần để tái tạo hoàn toàn, nên da các bé lúc nào cũng mịn màng và căng bóng!

🔦🔦🔦 Vậy nên, để có một làn da mịn màng bóng khỏe thì chúng ta nên hỗ trợ da bằng cách tẩy tế bào chết thường xuyên. Đó cũng là lý do mà tui khuyên mấy bà dù da không có mụn thì cũng dùng  BHA tẩy da chết để cho da đẹp nha.

Benzoyl Peroxide (BP) – Chiến thần trị mụn P.acnes

Nếu nói về các hoạt chất trị mụn "đơn giản mà hiệu quả," mình dám chắc Benzoyl Peroxide (BP) sẽ luôn nằm trong top đầu. Điều đặc biệt khiến BP nổi bật so với các hoạt chất khác chính là khả năng diệt sạch vi khuẩn P.acnes – thủ phạm gây ra 40% tình trạng mụn trứng cá.

Có thể bạn đã nghe về kháng sinh trong trị mụn, nhưng P.acnes lại dễ lờn thuốc với các kháng sinh thông thường. Còn BP thì sao? Yên tâm đi, vi khuẩn này "bó tay" trước BP trong mọi trường hợp!

Điểm cộng của BP

👍Hiệu quả nhanh chóng: BP là hoạt chất "không cần đơn bác sĩ" (OTC) mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các hiệu thuốc. Nó luôn nằm trong top các thành phần trị mụn hiệu quả nhất.

👍Cơ chế diệt khuẩn độc đáo: BP hoạt động bằng cách đưa oxy vào sâu trong lỗ chân lông. Vi khuẩn P.acnes chỉ sống được trong môi trường thiếu oxy, nên BP sẽ "xử đẹp" chúng mà không lo kháng thuốc.

👍Phổ biến và linh hoạt: Dù là mụn nhẹ hay cứng đầu, BP vẫn có thể "cân" được hết nếu bạn chọn đúng nồng độ và cách dùng.

Điểm yếu của BP 

👎Gây khô và kích ứng: Khi mới sử dụng BP, da bạn có thể gặp tình trạng đỏ nhẹ, ngứa, hoặc cảm giác cháy rát. Đừng lo, đây là chuyện bình thường khi da đang làm quen. Để giảm thiểu kích ứng, bạn nên bắt đầu với nồng độ thấp và làm patch test (kiểm tra trước trên một vùng nhỏ).

👎Tăng tốc độ lão hoá: Vì BP là chất oxy hoá, việc sử dụng lâu dài có thể khiến da bạn lão hoá nhanh hơn. Do đó, hãy chỉ dùng BP khi cần thiết để điều trị mụn, không dùng "cho vui" mỗi ngày nhé!

👎Làm mất màu vải: Một lưu ý "nhỏ nhưng không nhỏ" – BP có khả năng tẩy trắng (bleaching). Hạn chế để BP tiếp xúc với quần áo, tóc, lông mày và đặc biệt là vỏ gối ngủ. Tin mình đi, nhìn cái gối loang lổ mất màu sẽ chỉ khiến bạn thêm stress thôi!

Salicylic Acid và Benzoyl peroxide (1)
Bị mụn P.acnes thì cứ Benzoyl peroxide mà “tương” thôi!

Nồng độ BP: Chọn sao cho đúng?

BP thường có các nồng độ phổ biến: 2.5%, 5%,10%. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng:

  • 2.5% 5% hoạt động hiệu quả tương đương với 10%.
  • Sử dụng nồng độ cao hơn không đồng nghĩa với việc trị mụn nhanh hơn, mà chỉ tăng kích ứng và tổn thương da thôi.

Lời khuyên của mình:

  • Mới bắt đầu: 2.5% là "chân ái" – hiệu quả mà vẫn an toàn.
  • Sau 1 tháng nếu tình hình không cải thiện, bạn có thể tăng lên 5%.
  • Nồng độ 10%? Chỉ nên dùng cho mụn siêu cứng đầu và hạn chế tối đa nhé!

BHA và Benzoyl Peroxide (BP) – Có thể dùng cả 2 được không?

Một trong những câu hỏi mình nhận được nhiều nhất dạo gần đây:

  • BHA và BP, cái nào tốt hơn?
  • Nên dùng cái nào?
  • Có thể dùng cả hai cùng lúc không?

Câu trả lời ngắn gọn nhất là: Hai chất này KHÔNG thể thay thế nhau.

BHA và BP không phải là hai sản phẩm có thể thay thế nhau đâu. Mỗi cái đều có công dụng riêng, và nếu dùng đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kết hợp cả hai để đạt được hiệu quả cao nhất. Hãy để mình chia sẻ chút kinh nghiệm cá nhân nhé!

Đầu tiên, BHA là "người hùng" giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, tẩy tế bào chết và ngăn ngừa mụn. Còn BP lại là “chiến binh” diệt vi khuẩn mụn cực kỳ hiệu quả. Vậy nên, câu hỏi “Cái nào tốt hơn?” thực ra không có lời đáp chính xác đâu. 

Salicylic Acid và Benzoyl peroxide (4)
Đừng hỏi tui BHA và Benzoyl Peroxide (BP) con nào tốt hơn nha! Tui khum trả lời được đâu!

Mỗi người sẽ hợp với một loại khác nhau. Có người da hợp BHA và thấy hiệu quả rõ rệt, nhưng có người lại thấy BP hiệu quả hơn. Và tin mình đi, bạn hoàn toàn có thể dùng cả hai trong một routine skincare mà không gặp phải vấn đề gì, chỉ cần nhớ một số lưu ý sau đây.

1. Cả Salicylic Acid và Benzoyl peroxide đều có thể gây khô da và kích ứng, đặc biệt là nếu bạn mới bắt đầu sử dụng. Với BHA, mình khuyên bạn nên bắt đầu từ nồng độ thấp, khoảng 2%. Mới dùng, bạn có thể chỉ dùng 2-3 lần mỗi tuần thôi. Nếu da không bị kích ứng, từ từ tăng lên dùng cách ngày, rồi có thể dùng mỗi ngày, thậm chí 2 lần/ngày nếu da bạn "chịu" được. 

Quan trọng là đừng vội vã dùng quá nhiều ngay từ đầu, nếu không da sẽ dễ bị kích ứng. Mình đã từng làm vậy và da mình phản ứng rất dữ dội, nên bạn nhớ kiên nhẫn nhé!

2. Còn về BP, nồng độ cực kỳ quan trọng! Mình khuyên bạn nên bắt đầu với 2.5%, vì đây là nồng độ nhẹ nhàng nhất và ít gây kích ứng. Nếu da bạn không có phản ứng gì, bạn có thể thử lên 5%. Nhưng mình thực sự không khuyến khích dùng 10%, vì khi da không có mụn, BP có thể làm da khô và dễ bị phản ứng. 

Và điều quan trọng là bạn chỉ nên dùng BP trực tiếp lên các nốt mụn thôi. Không có lý do gì để dùng BP cho toàn bộ mặt nếu không có mụn. Mình biết có một số sản phẩm như Clear của Paula’s Choice hay Proactiv+ có BP và có thể dùng cho cả mặt, nhưng mình thật sự không khuyến khích đâu. Hãy chỉ dùng BP lên những nốt mụn đã lên đầu, như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Cách kết hợp combo thần thánh: BHA & BP một cách an toàn và hiệu quả

  • BHA có thể dùng cho cả mặt, đặc biệt là sau khi mụn đã giảm bớt. Bạn cũng có thể dùng BHA lâu dài để duy trì làn da sạch sẽ, thông thoáng.
  • BP chỉ nên chấm lên những đốm mụn đã có đầu, không nên thoa lên toàn bộ mặt. Nếu bạn có mụn ở diện rộng, có thể dùng sản phẩm BP dạng lotion hoặc kem lỏng, nhưng nhớ chọn sản phẩm có các thành phần dưỡng để không làm da quá khô.

Nói là nói vậy, nhưng thực tế không có gì là "thần thánh" tuyệt đối trong skincare. Da bạn có thể không hợp với BHA và chỉ phù hợp với BP, hoặc ngược lại. Tuy nhiên, BHA và BP là một sự kết hợp mạnh mẽ, hiệu quả trong trị mụn mà bạn có thể thử nghiệm nếu da bạn đủ "cứng cáp". 

Mỗi làn da đều có đặc điểm riêng, vì vậy bạn đừng quên lắng nghe da của mình để tìm ra phương pháp phù hợp. Hơn hết, hãy trang bị cho mình kiến thức chăm sóc da đúng đắn, vì những gì mình chia sẻ chỉ là một góc nhìn và không phải lúc nào cũng là 100% đúng cho tất cả mọi người.

Mình tin là nếu làm đúng cách, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Hãy kiên nhẫn và lắng nghe da mình nhé! Chúc bạn sớm có làn da sạch mụn và khỏe mạnh!

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.

Gửi bình luận
hongtho
Tác giả: Hồng Thơ
Biên tập viên
Là một cựu sinh viên Đại học Vinh, Thơ đều đặt hết tâm huyết để chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và kiến thức hữu ích về các lĩnh vực như tài chính, mẹ và bé, mỹ phẩm và làm đẹp...
Đọc tiểu sử đầy đủ của Hồng Thơ

Thông báo