Hết gàu lông mày chỉ với vài mẹo đơn giản tại nhà!

Đi tìm nguyên nhân, triệu chứng từ đó tìm ra cách chữa trị gàu lông mày.

Nguyễn Thắm 18 tháng 02, 2025 - 14:51 (GMT +07)   Hết gàu lông mày chỉ với vài mẹo đơn giản tại nhà!

Gàu lông mày – vấn đề ít ai nhắc đến nhưng lại gây không ít phiền toái. Không chỉ làm mất thẩm mỹ khuôn mặt, gàu trên lông mày còn có thể là dấu hiệu của tình trạng da đầu hoặc da mặt bị khô, viêm nhiễm. Dù là vấn đề nhỏ nhưng nó cũng ảnh hưởng không ít đến sự tự tin của bạn. Vậy, nguyên nhân gây gây ra tình trạng này là gì và làm thế nào để giải quyết hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này!

Nguyên nhân gây ra gàu lông mày

Gàu lông mày có thể là vấn đề khó chịu và có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các tình trạng da liễu đến yếu tố môi trường. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra gàu lông mày:

gàu lông mày 1
Gàu tạo vảy trên lông mày

Viêm da tiết bã (Seborrheic Dermatitis)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra gàu lông mày. Đây là tình trạng viêm da, khiến da đỏ, ngứa và bong vảy, đặc biệt ở những khu vực có tuyến dầu hoạt động mạnh như lông mày, da đầu, mặt, lưng trên và ngực. 

Tình trạng này có thể liên quan đến sự phát triển quá mức của nấm men Malassezia, một loại nấm sống trong dầu tự nhiên của da. Khi hệ miễn dịch yếu hoặc mất cân bằng, nấm này có thể phát triển và gây ra viêm nhiễm, dẫn đến gàu, ngứa.

Viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis)

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da phản ứng với chất gây dị ứng hoặc kích ứng từ các sản phẩm như dầu gội, kem dưỡng, mỹ phẩm hoặc chất tẩy rửa dùng cho khăn choàng đầu, mũ. Các sản phẩm này có thể gây ra phản ứng viêm, khiến da đỏ, ngứa và bong vảy. 

Nếu gàu lông mày xuất hiện sau khi sử dụng sản phẩm mới, bạn nên ngừng sử dụng sản phẩm đó và tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để kiểm tra dị ứng.

Da khô

Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ra gàu lông mày. Những người sống trong môi trường có điều kiện khô hanh, lạnh giá hoặc không sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên có thể gặp phải tình trạng da khô, dẫn đến bong tróc và tạo thành vảy ở khu vực lông mày. 

Eczema (Chàm)

Eczema là một tình trạng da mãn tính gây viêm và kích ứng da. Eczema gây ra những mảng da khô, ngứa và đỏ, đặc biệt là gần khu vực lông mày. Trong một số trường hợp, eczema có thể dẫn đến tình trạng gàu lông mày. Mặc dù eczema không phải là nguyên nhân chính gây gàu ở lông mày, nhưng nếu không được điều trị, nó có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và tái phát.

Bệnh vẩy nến (Psoriasis)

Vẩy nến là một bệnh lý miễn dịch khiến da tạo ra tế bào mới quá nhanh, làm cho da bị bong tróc và hình thành các mảng vảy đỏ, ngứa. Dù bệnh vẩy nến ít xuất hiện ở khu vực lông mày, nhưng khi mắc phải, nó vẫn khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong trường hợp này, vẩy nến có thể lan đến các khu vực quanh mắt và gây gàu lông mày. Điều trị bệnh vẩy nến cần phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ da liễu để tránh các biến chứng.

Nhiễm nấm men (Yeast Infection)

Nấm men Malassezia, vốn sống trên da và trong tuyến dầu, có thể góp phần vào sự phát triển của viêm da tiết bã và gàu lông mày. Khi phát triển quá mức, nấm có thể gây viêm nhiễm và các biểu hiện như ngứa, đỏ và bong vảy. Trong một số trường hợp, nhiễm nấm Malassezia có thể dẫn đến viêm tuyến bã nhờn mí mắt (blepharitis), ảnh hưởng đến khu vực quanh mắt và gây gàu lông mày.

Triệu chứng thường gặp

gàu lông mày 2
Hình ảnh gàu lông mày

Gàu lông mày có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu gàu lông mày liên quan đến viêm da tiết bã, các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Xuất hiện các mảng vảy nhỏ màu trắng hoặc vàng trên lông mày, có thể rơi xuống khi chạm vào.
  • Ngứa, đặc biệt khi thời tiết hanh khô hoặc sau khi sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da.
  • Da nhờn, bong vảy vàng
  • Vùng da dưới lông mày có thể bị kích ứng, ửng đỏ do viêm da.
  • Xuất hiện tình trạng tương tự ở các vùng khác như da đầu, trán, hai bên mũi, cằm, ngực hoặc lưng.
  • Tái phát theo chu kỳ, đặc biệt khi gặp các yếu tố kích thích như thời tiết lạnh, căng thẳng hoặc sử dụng sản phẩm không phù hợp.

Mẹo đơn giản để loại bỏ gàu trên lông mày

Gàu lông mày không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Việc điều trị gàu lông mày hiệu quả phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

trị gàu lông mày
Dùng dầu gội cho lông mày

1. Sử dụng sản phẩm không kê đơn (OTC)

Các sản phẩm không kê đơn, đặc biệt là dầu gội trị gàu, có thể hỗ trợ trong việc kiểm soát gàu lông mày. Một số thành phần có tác dụng giảm gàu và giải quyết nguyên nhân gây ra gàu, bao gồm:

  • Selenium sulfide và ketoconazole: Hỗ trợ kiểm soát dầu thừa và sự phát triển quá mức của nấm Malassezia, nguyên nhân gây viêm da tiết bã.
  • Xà phòng than đá (tar soap): Giúp giảm bong tróc và làm dịu da.
  • Axit salicylic: Loại bỏ tế bào da chết và ngăn chặn sự tích tụ của vảy gàu.
  • Lưu huỳnh và sulfacetamide: Có tính kháng khuẩn, giúp kiểm soát vi khuẩn và nấm trên da.

Cách sử dụng dầu gội trị gàu cho lông mày:

Làm ướt vùng lông mày, thoa một lượng nhỏ dầu gội, tạo bọt và để trên da trong vài phút trước khi rửa sạch. Cần cẩn thận để tránh dây vào mắt.

Ngoài ra, nếu gàu lông mày xuất phát từ viêm da tiếp xúc, có thể sử dụng kem chống ngứa hoặc thuốc kháng histamine không kê đơn để làm dịu kích ứng.

=> Xem thêm: Top dầu gội trị gàu tốt nhất

2. Điều trị bằng thuốc kê đơn

Nếu các phương pháp không kê đơn không mang lại hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu. Khi đó, có thể bạn sẽ được giới thiệu các loại dầu gội chứa ketoconazole hoặc selenium sulfide với nồng độ cao hơn để kiểm soát tình trạng gàu tốt hơn.

3. Sử dụng kem hydrocortisone

Kem hydrocortisone có thể giúp làm dịu tình trạng viêm và kích ứng da. Đây là một lựa chọn hữu ích nếu bạn bị đỏ, ngứa hoặc viêm da do gàu lông mày. Tuy nhiên, cần sử dụng theo hướng dẫn để tránh tác dụng phụ khi dùng lâu dài.

4. Rửa mặt thường xuyên

Vệ sinh da mặt đều đặn vào buổi sáng, buổi tối và sau khi tập luyện giúp loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn cũng như vi khuẩn tích tụ trong ngày. Điều này không chỉ giúp kiểm soát nấm men – tác nhân có thể gây kích ứng lông mày – mà còn giúp duy trì làn da sạch sẽ, hạn chế tình trạng gàu.

5. Sử dụng giấm táo

Giấm táo có nhiều lợi ích, bao gồm cả chăm sóc da. Bạn có thể thấm một giọt giấm táo pha loãng vào bông tẩy trang, vắt bớt nước rồi nhẹ nhàng lau lên lông mày. Phương pháp này có thể thực hiện 1-2 lần mỗi tuần mà không cần rửa lại, vì giấm táo đã được pha loãng để phù hợp với da.

6. Làm sạch với tinh dầu

Tinh dầu tràm trà không chỉ có hương thơm dễ chịu mà còn chứa đặc tính kháng khuẩn, giúp làm dịu da khô và bong tróc. Trước khi ngủ, hãy thoa một vài giọt dầu tràm trà lên vùng lông mày và massage nhẹ nhàng để hỗ trợ loại bỏ vảy gàu.

7. Dùng sữa rửa mặt trị mụn

Sữa rửa mặt trị mụn thường có các thành phần giúp làm sạch sâu và kiểm soát dầu nhờn, từ đó có thể hỗ trợ giảm gàu ở lông mày. Bạn có thể pha loãng sữa rửa mặt với nước rồi dùng để làm sạch vùng lông mày nhẹ nhàng.

=> Xem thêm: Top sữa rửa mặt trị mụn tốt nhất

8. Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng

Sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết chứa AHA hoặc BHA có thể giúp loại bỏ lớp vảy bong trên da. Trong đó, BHA (Beta Hydroxy Acid) đặc biệt hiệu quả trong việc làm sạch lỗ chân lông và hạn chế tình trạng gàu xuất hiện trên lông mày.

9. Giảm căng thẳng

Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể làm trầm trọng hơn tình trạng gàu lông mày. Việc duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, cũng như thực hành các phương pháp thư giãn như thiền, yoga có thể giúp cải thiện làn da.

Cách phòng ngừa gàu lông mày

Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách chăm sóc da đúng cách và tránh các tác nhân gây kích ứng. Dưới đây là những biện pháp giúp phòng ngừa gàu lông mày hiệu quả.

phòng ngừa gàu lông mày
Nhiều cách để phòng ngừa

1. Bảo vệ và chăm sóc da

  • Mặc đồ bảo vệ khi thời tiết khắc nghiệt.
  • Dưỡng ẩm da thường xuyên để ngăn ngừa khô và bong tróc.
  • Dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tia UV.

2. Tránh tác nhân gây kích ứng

  • Kiểm tra và loại bỏ sản phẩm có thể gây dị ứng (mỹ phẩm, dầu gội, nước giặt, v.v.).
  • Hạn chế chạm tay hoặc gãi vùng lông mày để tránh kích ứng.

3. Kiểm soát và điều trị

  • Dùng dầu gội trị gàu hằng ngày, sau đó giảm xuống 1-2 lần/tuần.
  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và dưỡng ẩm ngay sau đó.
  • Thoa dầu khoáng lên vùng vảy dày, sau đó dùng lược nhẹ nhàng loại bỏ.
  • Tránh sản phẩm có xà phòng mạnh và hương liệu dễ gây kích ứng.

Câu hỏi liên quan

Gàu lông mày có phải do vệ sinh kém không?
Vệ sinh kém có thể là một nguyên nhân, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Gàu lông mày thường liên quan đến viêm da tiết bã hoặc nấm, dù bạn vệ sinh tốt.
Gàu lông mày có lây không?
Gàu lông mày không lây, nhưng nếu do nấm, vi khuẩn có thể lây lan sang vùng da khác nếu không điều trị kịp thời.
Khi nào nên gặp bác sĩ da liễu?
Hãy đi khám nếu:
  • Gàu lông mày không cải thiện sau 2-3 tuần điều trị tại nhà.
  • Da bị đỏ, sưng, chảy dịch hoặc đau.
  • Tình trạng lan rộng sang các vùng khác như mí mắt, trán.
Gàu lông mày có phải nấm lông mày không?
Đây là hai vấn đề khác nhau, mặc dù chúng có thể có một số triệu chứng tương tự. Để xác định chính xác liệu bạn bị gàu hay nấm, bạn nên đến bác sĩ da liễu để được khám và chẩn đoán. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn.

Gàu lông mày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các vấn đề da liễu đến yếu tố môi trường. Việc xác định đúng nguyên nhân và áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp sẽ giúp kiểm soát tình trạng này hiệu quả. Duy trì thói quen chăm sóc da khoa học để giữ cho làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa gàu lông mày.

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .

Gửi bình luận
thamnguyen
Tác giả: Nguyễn Thắm
Biên tập viên
Là một cựu sinh viên Ngôn ngữ Anh, Nguyễn Thắm đã chia sẻ nhiều bài viết hữu ích giúp độc giả có những lựa chọn sáng suốt hơn.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Nguyễn Thắm

Thông báo