Giải ngân là gì? Làm thế nào để hồ sơ được giải ngân nhanh nhất?
Giải ngân là gì? Có những hình thức giải ngân nào? Quy trình giải ngân diễn ra như thế nào? Làm thế nào để hồ sơ được giải ngân nhanh nhất? Đây chắc hẳn là câu hỏi mà rất nhiều người có ý định vay vốn còn băn khoăn. Chính vì vậy hãy cùng mình tìm hiểu những điều cần biết về giải ngân ngay nhé!
Giải ngân là gì?
Để biết chính xác giải ngân là gì, trước tiên phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 21/2017/TT-NHNN định nghĩa:
2. Giải ngân vốn cho vay là việc tổ chức tín dụng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền thông qua việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Có thể hiểu đơn giản, giải ngân là việc người vay nhận được tiền sau khi đã hoàn tất các thủ tục và thực hiện được kế hoạch đã đặt ra. Tuy nhiên, người vay chỉ nhận được tiền sau khi hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng. thực hiện đầy đủ các thủ tục vay, đồng thời được ngân hàng. tổ chức tín dụng chấp thuận.
Tùy vào thỏa thuận giữa hai bên mà việc giải ngân có thể được thực hiện qua một hoặc nhiều lần. Nguồn vốn giải ngân được trao nhận đa dạng bằng các hình thức như tiền mặt, séc, thẻ tín dụng…
Một số thuật ngữ nói về giải ngân
Ngoài việc cần phải hiểu giải ngân là gì thì bạn cũng cần tìm hiểu về các thuật ngữ nói về giải ngân như sau:
- Room giải ngân: là hạn mức cho vay tối đa của một Ngân hàng hay công ty tài chính.
- Lũy kế giải ngân: tức là số liệu thống kê, tổng hợp lại số tiền đã được giải ngân trong một thời gian nhất định.
- Nghiệp vụ giải ngân: là quá trình hoàn thành điều kiện giải ngân để tiến hành giải ngân nguồn vốn vay.
- Điều kiện giải ngân: là cho phép ra quyết định giải ngân khi đã có những cơ sở hợp lí, vững chắc
- Tiền để giải ngân: từ Quyết định dự trù tiền ( vốn ) sinh ra
- Bên thụ hưởng: là bên nhận tiền
- Bên quản lý tiền: là bên nhận lệnh xuất tiền từ quyết định giải ngân.
- Giải ngân phong tỏa và giải ngân không phong tỏa: có thể lấy ví dụ cụ thể ở hoạt động mua bán bất động sản.
Các hình thức giải ngân
- Giải ngân phong tỏa
Giải ngân phong tỏa áp dụng cho các trường hợp khách hàng vay vốn với mục đích mua hàng hóa, mua bất động sản, ô tô, hàng điện máy. Số tiền được giải ngân vào tài khoản nhưng không thể rút ra được ngay để sử dụng cho đến khi khách hoàn thành việc mua bán hàng hóa và thực hiện đầy đủ các hồ sơ pháp lý, đăng ký sang tên tài sản…
Đây cũng được xem hình thức giải ngân an toàn với cả người đi vay vốn và ngân hàng. Điều này nhằm để ngân hàng không bị thất thoát khoản cho vay, đồng thời chắc chắn người vay sẽ được sang tên sổ đỏ.
- Giải ngân không phong tỏa
Giải ngân không phong tỏa là hình thức giải ngân mà khách hàng có thể lập tức rút tiền từ tài khoản ra để chi tiêu ngay sau khi hồ sơ được giải ngân. Giải ngân không phong tỏa thường được áp dụng trong các hồ sơ vay tín chấp, số tiền vay thấp từ 10 – 500 triệu với ưu điểm là nhanh chóng, tiện lợi.
Tuy nhiên, giải ngân không phong tỏa được đánh giá là hình thức chứa đựng nhiều rủi ro đối với ngân hàng. Chính vì vậy giải ngân không tỏa là thông thường chỉ áp dụng với một số chi nhánh, ngân hàng và đối với khoản vay nhỏ.
Để hạn chế rủi ro tối đa, một số ngân hàng còn yêu cầu xác minh khả năng sang tên mới được giải ngân, bạn sẽ cần đóng thêm một khoản phí khác nữa. Hình thức này thường không được khuyến khích và ít được áp dụng hơn so với hình thức giải ngân phong tỏa.
Hồ sơ giải ngân gồm những gì?
Để quá trình giải ngân được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi nhất, khách hàng cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Hồ sơ pháp lý: CMND, hộ chiếu, sổ hộ khẩu (hoặc KT3), giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của khách hàng vay.
- Hồ sơ tài chính: Bao gồm tất cả giấy tờ chứng minh thu nhập như HĐLĐ còn thời hạn, bảng lương, sao kê lương (với nguồn thu từ lương), giấy đăng ký kinh doanh, sổ sách bán hàng, hóa đơn (với nguồn thu từ kinh doanh), giấy tờ chứng minh sở hữu, chứng minh thu nhập từ tài sản cho thuê (với nguồn thu từ cho thuê tài sản).
- Hồ sơ mục đích sử dụng vốn: Bao gồm các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng như hợp đồng mua bán, giấy đặt cọc, thông báo nộp tiền; Bản dự toán xây sửa nhà, dự toán chi phí (với mục đích xây sửa nhà); Giấy phép kinh doanh, báo cáo tài chính, nhu cầu vốn tương lai (với mục đích kinh doanh).
- Hồ sơ tài sản đảm bảo: Có thể là sổ đỏ, sổ hồng nếu tài sản đảm bảo là nhà đất; Giấy đăng kí xe nếu tài sản đảm bảo là ô tô… Khách hàng lưu ý, cần cung cấp thêm CMND, sổ hộ khẩu nếu tài sản là của bên thứ 3.
Thời hạn giải ngân là gì?
Hiện nay, tùy vào yêu cầu, điều kiện của ngân hàng cũng như tính chính xác của hồ sơ, thời gian giải ngân thông thường mất khoảng từ 01- 02 ngày. Đối với các hồ sơ phức tạp, thời gian duyệt vay sẽ lâu hơn, có thể mất từ 03 - 07 ngày.
Quy trình giải ngân khi vay vốn ngân hàng
Quy trình giải ngân vay vốn khá phức tạp và trải qua nhiều bước, quy trình cụ thể khi giải ngân mà bạn cần nắm như sau:
Bước 1: Thực hiện đăng ký, kê khai, xác nhận thông tin
Đây là bước đầu tiên của quy trình giải ngân, khách hàng đăng kí và kê khai các thông tin vay vốn tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Các thông tin yêu cầu kê khai sẽ là các thông tin cơ bản như thông tin cá nhân, mục đích vay vốn, khả năng hoằn trả.
Chuyên viên tài chính sẽ tiếp nhận thông tin và xác nhận tính xác thực của thông tin khách hàng cung cấp.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và tiến hành thủ tục
Hồ sơ mà bạn cung cấp có thể ảnh hưởng đến việc chấp thuận vay vốn của ngân hàng hoặc hạn mức mà bạn có thể được vay. Do đó, cần chuẩn bị đầy đủ và chính xác nhất các hồ sơ cần thiết hoặc được yêu cầu.
Các hồ sơ cơ bản khách hàng cần chuẩn bị là: Hồ sơ chứng minh nhân thân (CMND/CCCD/ Hộ chiếu còn hiệu lực; Hộ khẩu ; sổ tạm trú ), hồ sơ vay vốn, hồ sơ liên quan đến tài sản đảm bảo, hồ sơ chứng minh về tài sản có liên quan. Tất cả các hồ sơ này cần được chuẩn bị đầy đủ, trung thực và cung cấp cho phía ngân hàng.
Bước 3: Thẩm định
Đây là bước quan trọng trong toàn bộ quy trình, chuyên viên sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra tính chính xác, độ trung thực và tính phù hợp của hồ sơ khách hàng.
Nếu hồ sơ còn thiếu khách hàng sẽ được yêu cầu bổ sung, trong một số trường hợp khách hàng cũng cần phản hồi 1 số câu hỏi cụ thể để đảm bảo độ chính xác và xác định khách hàng có phù hợp điều kiện vay của ngân hàng hay không.
Bước 4: Phê duyệt khoản vay
Sau khi thẩm định hồ sơ, chuyên viên sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ và đưa ra đề xuất để cấp trên xem xét về quyết định có phê duyệt đối với hồ sơ hay không.
Trong một số trường hợp nếu như số tiền mà khách hàng cần vay quá lớn thì ngân hàng sẽ thành lập ra một tổ thẩm định độc lập khác để có thể tiến hành thẩm định lại toàn bộ số hồ sơ, điều này là vô cùng quan trọng vì nó sẽ đảm bảo tính minh bạch công bằng và khách quan.
Đây là bước quyết định đối với hồ sơ vay vốn, sau khi đọc xong bản hồ sơ thẩm định của các chuyên viên thì người quản lý của ngân hàng sẽ tiến hành đưa ra quyết định có phê duyệt đối với hồ sơ của khách hàng hay là không.
Bước 5: Giải ngân
Giải ngân là bước cuối cùng của toàn bộ quy trình. Sau khi thực hiện lần lượt 4 bước trên và hồ sơ đạt điều kiện phê duyệt, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân cho bạn khoản vay theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Rủi ro của hoạt động giải ngân
Rủi ro lớn nhất của hoạt động giải ngân chính là tình trạng nợ xấu, nếu có nợ xấu ngân hàng sẽ bị giảm uy tín. Hơn nữa khi tổng số dư nợ lớn có thể làm giảm khả năng thanh toán của ngân hàng với tiền gửi. Do đó vốn của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Với kinh tế thị trường nếu có rủi ro do giải ngân sẽ khiến kinh tế hỗn loạn. Khả năng chi trả tiền gửi của ngân hàng giảm đi sẽ làm khách hàng rút vốn khỏi ngân hàng.
Lưu ý quan trọng khi giải ngân cho khách hàng
- Khách hàng nên cung cấp thông tin chi tiết và trung thực nhất có thể để rút ngắn thời gian thẩm định của Ngân hàng.
- Trong quá trình thẩm định, nếu khách hàng cung cấp thông tin đầy đủ thì bước thẩm định sẽ được tiến hành nhanh hơn. Khách hàng có thể chủ động bố trí thời gian gặp mặt trực tiếp và bổ sung hồ sơ kịp thời.
- Cố gắng sắp xếp thời gian khi Ngân hàng có yêu cầu làm thủ tục để được giải ngân nhanh và tránh để lỡ công việc.
- Cần đọc kỹ thông báo cho vay, điều kiện cho vay, các thông tin chi tiết về thời hạn, biên độ, lãi suất,… và cần đọc kỹ hợp đồng cho vay trước khi đặt bút ký.
- Nên tìm hiểu về vay vốn ngân hàng 1 - 2 tháng trước thời điểm cần sử dụng vốn để tránh lỡ kế hoạch sau này.
Làm thế nào để hồ sơ được giải ngân nhanh nhất?
Khi vay tiền nhanh, để hồ sơ được giải ngân nhanh chóng, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
- Thứ nhất, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu từ Ngân hàng. Mọi giấy tờ phải rõ ràng, đầy đủ thông tin. Trong trường hợp giấy tờ là bản photo cần phải có công chứng, thời gian công chứng còn hiệu lực 6 tháng hoặc 3 tháng tùy theo quy định của mỗi đơn vị cho vay.
- Thứ hai, khi vay vốn, cần trả nợ đầy đủ, đúng hẹn, nếu có tiền có thể tất toán hồ sơ trước hạn. Như vậy điểm tín dụng của bạn sẽ cao và trong những lần vay tiếp theo, hồ sơ sẽ dễ dàng được giải ngân hơn.
- Thứ ba, đối với các khoản vay thế chấp, mục đích sử dụng vốn cần đảm bảo trong suốt thời gian trả nợ, không sử dụng nguồn vốn giải ngân vào các mục đích trái pháp luật để đảm bảo hồ sơ được giải ngân nhanh chóng ở những lần vay tiếp theo.
Các ngân hàng thương mại cổ phần hoặc Ngân hàng nhà nước thường có quy trình giải ngân từ 1 – 2 ngày. Nếu bạn đang tìm kiếm một tổ chức tín dụng hỗ trợ vay online, giải ngân trong ngày bạn có thể tham khảo các công ty tài chính.
Những câu hỏi thường gặp về giải ngân
Tần suất giải ngân là gì?
Đây chính là số lần giải ngân trong một thời gian nhất định. Không có tần suất giải ngân cố định cho các hoạt động giải ngân. Mà tần suất này sẽ được quy định tùy thuộc vào đối tượng khách hàng là ai? Mục đích vay là gì? Khoản vay có giá trị bao nhiêu? Và thậm chí ở mỗi ngân hàng, mỗi đơn vị cho vay lại có những tần suất giải ngân riêng biệt.
Tuy nhiên khách hàng khi tham gia và tiến trình giải ngân sẽ được tổ chức cho vay cho biết trước vấn đề này. Việc báo trước chu kỳ giải ngân cho khách hàng sẽ giúp họ có chuẩn bị tốt nhất.
Rút tiền có phải giải ngân không?
Nhiều người thường hay quy chụp hoạt động giải ngân và rút tiền là một. Tuy nhiên rút tiền không phải là giải ngân. Rút tiền là việc khách hàng lấy phần tiền gửi ngân hàng hoặc tiền trong thẻ tín dụng trả trước. Phần tiền đó thuộc quyền sở hữu của họ và khi rút tiền họ không cần phải có hồ sơ rút tiền giống như hồ sơ giải ngân.
Hơn nữa hoạt động rút tiền để sử dụng hoặc đầu tư sẽ không bị tính lãi. Bởi khi rút tiền, khách hàng đang sử dụng số tiền của họ và không vay mượn từ ai cả.
Còn giải ngân là hoạt động chuyển tiền từ một đơn vị xuống đơn vị hay cá nhân khác. Quá trình này cần được thực hiện qua một tiến trình cụ thể và có tính pháp lý bởi các giấy tờ ràng buộc liên quan.
Trên đây là phần tổng hợp những kiến thức giúp bạn trả lời câu hỏi giải ngân là gì. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích và giúp cho việc vay vốn được dễ dàng hơn.
Bình luận