Kinh nghiệm du lịch Nhà thờ Mằng Lăng - điểm đến không thể bỏ qua tại Phú Yên
Trong một chuyến du lịch tới mảnh đất duyên hải Phú Yên, tôi tình cờ đã được tham quan Nhà thờ Mằng Lăng. Dấu ấn của các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới đều đã được ghi nhận ở Việt Nam, song ở mỗi nơi mà tôn giáo lan tỏa tới, ở đó không chỉ có những đức tin bất diệt, những giáo hội trang nghiêm mà còn có những dấu tích kiến trúc độc đáo trường tồn mãi với thời gian, mà nhà thờ Mằng Lăng chính là một trong số đó.
Giới thiệu đôi chút về nhà thờ Mằng Lăng
1. Vị trí nhà thờ là ở đâu?
Nhà thờ Mằng Lăng nằm trên địa phận xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, là một nhà thờ lớn của Giáo xứ Mằng Lăng, thuộc Giáo hạt Mằng Lăng, Giáo phận Qui Nhơn. Nếu xét theo phong thủy, khu vực tọa lạc của nhà thờ có thể coi là một vị trí đắc địa, "tiền thông hậu thuận" khi tiếp giáp phía Bắc là Giáo xứ Sông Cầu, phía Nam giáp Giáo xứ Chợ Mới, phía Tây là Giáo xứ Đồng Tre, còn phía Đông là biển.
Nhà thờ này được cho là nơi khai sinh của Chân phước Anrê Phú Yên - một trong những tín hữu Công giáo, được cho là vị tử đạo tiên khởi ở Việt Nam và đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên chân phước vào ngày 5 tháng 3 năm 2000. Nằm cách xa trung tâm thành phố khoảng 35km về phía Bắc, nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1892 và mất đến 15 năm để hoàn thành. Cho tới nay, đây là nhà thờ cổ xưa nhất của nước ta. Người có công góp phần xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo này là vị linh mục người Pháp tên là Joseph de La Cassagne, người dân theo đạo ở đây còn gọi ông với cái tên Cổ Xuân. Ông cũng chính là vị linh mục Chánh xứ đầu tiên của nhà thờ Mằng Lăng.
2. Tại sao gọi là nhà thờ Mằng Lăng?
Về tên gọi Mằng Lăng, tuy nghe có vẻ lạ tai nhưng nguồn gốc lại khá là mộc mạc và giản dị. Đây không phải là từ Việt hóa của tiếng Pháp mà là tên gọi của một loài hoa xuất hiện ở nơi đây. Theo các bậc cao niên ở gần nhà thờ kể lại thì cách đây hơn 100 năm, khu vực xung quanh vị trí này rất ít người sinh sống, chính vì thế mà hoa cỏ, cây cối mọc nhiều không xuể. Nổi bật trong những loài hoa đua sắc ở đây thì có một loài hoa tim tím cùng họ với hoa bằng lăng, nên người dân gọi chúng là mằng lăng. Do đó, khi xây dựng nhà thờ ở khu vực An Thạch này thì người dân đã gọi luôn công trình kiến trúc là Nhà thờ Mằng Lăng cho tiện. Đến nay, việc tìm kiếm được loài hoa này vô cùng khó khăn, nhưng những dấu tích của chúng thì vẫn còn ở một bàn gỗ tròn có đường kính 1,7m trong nhà thờ. Chiếc bàn này đã được đẽo từ gỗ mằng lăng và đã được đem vào sử dụng từ thưở sơ khai khi nhà thờ mới được xây dựng lên.
3. Một vài nét về kiến trúc của Nhà thờ
Kiến trúc của nhà thờ cũng đã trở thành nét độc đáo trong khu vực thời bấy giờ. Khởi công xây dựng vào cuối thế kỷ 19 trên một khoảng khuôn viên rộng hơn 5000 mét vuông, nhà thờ được ưu ái cho lối kiến trúc tôn giáo thời thượng Gothic. Lối kiến trúc này đã được những kiến trúc sư của Pháp thiết kế cách đây hơn khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên, nổi bật với mái vòm và đầu nhọn. Phong cách này nhấn mạnh vào những hình khối theo chiều thẳng đứng và tập trung vào những hệ cột mảnh, trần cao mở rộng với sự kết hợp của những vật liệu như kính. Nhờ có kiến trúc mái vòm như vậy, cùng với hệ thống cửa kính lắp đặt hai bên của công trình nên hầu như kiến trúc Gothic đem tới cho công trình nhiều ánh sáng tự nhiên.
Một điểm đặc biệt của hầu hết những công trình kiến trúc tại Việt Nam, đó là dù cho có phục vụ mục đích nào đi nữa, hay có ảnh hưởng của bất kỳ tôn giáo nào thì đều có những chi tiết kiến trúc mang đậm hơi thở bản địa dân Việt. Nhà thờ Mằng Lăng cũng không phải ngoại lệ khi những cửa chính dẫn vào không gian nhà thờ được nghệ nhân thời đó chạm khắc rất tinh xảo, song, toát lên vẻ mộc mạc rất Việt Nam.
Bên cạnh những tiểu tiết tiêu biểu cho lối kiến trúc Gothic như mái vòm, cột trụ bê tông cốt thép, thì điểm nhấn không thể bỏ qua ở nhà thờ cổ này chính là hai tháp chuông bên tả bên hữu cân đối với chính giữa là thập tự giá. Hai tháp chuông này và thập tự giá chính là những hình ảnh tiêu biểu hiện lên trong tâm trí mỗi người dân khi nhắc đến nhà thờ Công giáo. Không gian thánh đường với những màu sơn, hoa văn trang trí mỹ thuật vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Tuy không lớn như những nhà thờ khác rải rác khắp dải đất hình chữ S, sự độc đáo trong lối thẩm mỹ cầu kỳ kết hợp giữa Gothic Pháp và bản địa Việt Nam đã đem tới yếu tố đặc sắc đáng nhớ mà ít nhà thờ nào có được.
4. Bí ẩn khu hầm kín của Nhà thờ Mằng Lăng
Trong khuôn viên nhà thờ còn có khu hầm kín, xây dựng khá kỳ công dưới một quả đồi giả. Bên trong hầm là những điêu khắc màu kể về cuộc đời của thánh Anrê Phú Yên, bên cạnh đó là nhiều hình ảnh quý giá chụp lại nhà thờ từ những năm 90 đến nay và những hiện vật giá trị với giáo xứ. Ẩn sâu trong căn hầm còn trang trọng lưu giữ một cuốn sách cổ được cho là cuốn sách đầu tiên in bằng chữ Quốc Ngữ có tên là "Phép giảng tám ngày". Đây là một cuốn sách giáo lý của Giáo hội Công Giáo Rôma, biên soạn bởi linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ), in tại Ý vào năm 1651. Cha Đắc Lộ cũng là người đã góp phần vào việc khai sinh ra bộ chữ Quốc Ngữ của nước ta.
Lịch trình đi cụ thể của tôi và gia đình
Xuất phát
Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình vào lúc 8 giờ sáng tại một khách sạn nằm ở trung tâm thành phố Phú Yên, cách biển Phú Yên không quá 1 km về hướng Đông. Sau khi tham khảo giá thuê xe 16 chỗ để di chuyển quanh thành phố (khoảng 400.000 đồng), chúng tôi quyết định gọi xe và nhờ bác tài chở đi đến các điểm tham quan.
Tham quan
Chúng tôi đi xe hướng về phía Bắc để ra đường lớn, đi khoảng được 30 phút thì rẽ trái để tham quan ghềnh đá đĩa trước, bởi theo đúng lịch trình thì vị trí của ghềnh đá đĩa khá gần nhà thờ. Tôi đã thực sự bị choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên của ghềnh đá, xếp ngay ngắn lên nhau tạo thành những khối đá khổng lồ nhấp nhô tràn ra ngoài biển.
Sau khoảng hơn 1 tiếng chụp ảnh và vui chơi ở ghềnh đá đĩa, chúng tôi được bác tài đưa đến nhà thờ, lúc này cũng đã quá trưa nên thời tiết rất nóng. Khuôn viên nhà thờ quả thật rất rộng lớn, tuy vậy lại hơi thiếu cây xanh. Chúng tôi tham quan hết các bậc cầu thang, cửa kính, bàn ghế và cả nơi làm lễ của nhà thờ, rồi mới theo chân các đoàn du lịch khác xuống căn hầm để nghe kể về cuộc đời vị thánh Anrê Phú Yên, tất cả thời gian di chuyển và tham quan chỉ trong vòng gần 2 tiếng.
Kết thúc
Chúng tôi quay ra xe rồi trở về khách sạn. Thật tiếc là xung quanh nhà thờ hầu như không có các hàng quán ăn nên chúng tôi đã phải chuẩn bị trước một khoanh giò và hơn hai chục ổ bánh mì để phát cho các thành viên trong gia đình. Sau chuyến đi tham quan dài, chúng tôi trở về khách sạn tuy có hơi mỏi chân vì phải đi bộ và leo trèo nhiều, nhưng ai cũng cảm thấy rằng chuyến đi lần này thật sáng suốt vì được học và khám phá thêm nhiều điều bổ ích.
Một vài lưu ý khi đến tham quan nhà thờ
- Giá vé vào cửa nhà thờ là miễn phí
- Thời gian mở cửa của nhà thờ là từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối
- Trong chuyến đi du lịch Phú Yên, thông thường khách du lịch sẽ di chuyển về phía Bắc để tham quan ghềnh đá đĩa trước, rồi theo hướng ghềnh đá đĩa đi thêm khoảng 2 tiếng là sẽ đến.
- Khi tham quan, các bạn nên giữ vệ sinh khu vực tham quan, không xả rác bừa bãi, tránh gây tiếng ồn lớn. Bên cạnh đó, việc ăn mặc lịch sự cũng là việc rất nên làm, bởi ngoài ý nghĩa tham quan, nhà thờ Mằng Lăng còn là một phần của giáo phận Công Giáo Quy Nhơn - một nơi rất thiêng liêng.
Lời kết
Qua chuyến đi, tôi đã có những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất Phú Yên nói chung và nhà thờ Mằng Lăng nói riêng. Nếu có dịp đến với thành phố duyên hải đầy nắng và gió này, nhà thờ Mằng Lăng sẽ là một điểm đến đầy hứa hẹn đối với du khách trong và ngoài nước. Hy vọng với những nỗ lực thúc đẩy du lịch không ngừng của tỉnh Phú Yên, nhà thờ sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, trở thành niềm tự hào không chỉ của Nhà thờ Mằng Lăng mà còn của những người dân Phú Yên nói riêng và người Việt Nam nói chung
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.