Trend thoa mỡ bò lên mặt hot Tiktok - Khoa học cũng "bó tay"
Được quảng bá với công dụng dưỡng ẩm và chống lão hóa, nhưng lại gây tranh cãi về hiệu quả cũng như độ an toàn.
Xu hướng làm đẹp bằng mỡ bò bắt đầu bùng nổ trên TikTok từ cuối năm ngoái và nhanh chóng thu hút sự chú ý. Nhiều ngôi sao nổi tiếng như Naomi Campbell, Bella Hadid, Miranda Kerr và Jennifer Aniston cũng tham gia trào lưu này, theo đó mỡ bò được xem như một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên, giúp da sáng hơn, giảm mụn và không gây bít tắc lỗ chân lông.
Beef tallow được tạo ra thông qua quá trình rendering – loại bỏ độ ẩm khỏi mỡ động vật để giúp nó ổn định hơn, kéo dài thời gian bảo quản. Vốn dĩ, mỡ bò đã qua chế biến thường được dùng trong nấu ăn, làm xà phòng, nến và thậm chí là mỹ phẩm.
Vậy nhưng, beef tallow có thực sự tốt cho da hay chỉ là một trào lưu nhất thời? Cùng tìm hiểu kỹ hơn về lợi ích và rủi ro của xu hướng này!
Có nên đu trend làm đẹp bằng mỡ bò trend Tiktok
Hiện tại, chưa có đủ nghiên cứu khoa học để xác định lợi ích cũng như rủi ro của việc thoa mỡ bò lên mặt. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, có thể tham khảo bài viết được công bố trên tạp chí Cureus vào tháng 5/2024, có tiêu đề “Tallow, Rendered Animal Fat, and Its Biocompatibility With Skin: A Scoping Review.” Nghiên cứu này được thực hiện khi mỡ bò xuất hiện trong một số sản phẩm mỹ phẩm, nhằm tổng hợp và đánh giá các nghiên cứu hiện có về hiệu quả và độ an toàn của mỡ bò khi sử dụng trên da. Tuy nhiên, chỉ có 19 nghiên cứu đáp ứng tiêu chí sàng lọc và kết luận cuối cùng vẫn là “Cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.”
Những kết quả hiện có khá hạn chế và không đồng nhất về mức độ an toàn của mỡ bò khi dùng làm mỹ phẩm. Điều này có nghĩa là sự xuất hiện của thành phần này trong một số sản phẩm không đồng nghĩa với việc sử dụng mỡ bò nguyên chất trực tiếp trên da là an toàn.
Tóm lại, mỡ bò vẫn nằm trong nhóm "chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định lợi ích". Đừng vội tin vào những tuyên bố từ người nổi tiếng hay các trào lưu trên mạng xã hội, bởi chúng không thể thay thế nghiên cứu khoa học. Tốt hơn hết, hãy lựa chọn các sản phẩm dưỡng da đã được kiểm chứng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho làn da của bạn.
Giáo sư, nhà nghiên cứu y học Mỹ Bruce Y. Lee nói trên Forbes: "Những người nổi tiếng hoặc những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể nói thứ gì đó tốt, an toàn, nhưng thực tế lại không đúng với các nghiên cứu khoa học. Ai biết được họ có sử dụng sản phẩm đó hay không và dùng như thế nào". Ông khuyên mọi người nên lựa chọn các sản phẩm dưỡng da đã được khoa học chứng minh.
Xem thêm:
Kem dưỡng ẩm cho da khô tốt nhất
Kem dưỡng ẩm cho da dầu mụn tốt nhất
Kem dưỡng phục hồi da tốt nhất
Những tranh cãi xung quanh trend thoa mỡ bò lên mặt
Mặc dù xu hướng dưỡng da bằng mỡ bò đang nhận được nhiều sự quan tâm và được nhiều người nổi tiếng ủng hộ, nhưng không phải ai cũng đồng tình với phương pháp này. Một số chuyên gia da liễu lo ngại rằng việc thoa mỡ bò lên mặt có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt với những làn da nhạy cảm hoặc dễ bị mụn.
Phía ủng hộ
Những người ủng hộ xu hướng này cho rằng mỡ bò là một liệu pháp dưỡng da "tự nhiên" và "cổ xưa", giúp da khỏe mạnh hơn. Một số còn tìm mua mỡ trực tiếp từ các cửa hàng thịt để sử dụng. Các video trên TikTok cũng nhấn mạnh vào kết cấu dày, dạng sáp của beef tallow và cho rằng nó tương đồng với dầu tự nhiên trên da.

Trên thị trường, các sản phẩm kem mỡ bò ngày càng phổ biến, thậm chí có thời điểm cháy hàng, đặc biệt trong các sự kiện mua sắm lớn như Black Friday. Loại kem này được sản xuất từ mỡ quanh thận của bò, sau đó chế biến thành sáp dưỡng ẩm. Một số thương hiệu còn kết hợp với dầu olive, đánh bông để tạo kết cấu mềm mịn, dễ thoa và bảo quản.
Theo Tiến sĩ Brendan Camp, bác sĩ da liễu tại New York, mỡ bò có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều loại chất béo động vật khác, giàu vitamin D và A, giúp nuôi dưỡng làn da, giữ da mịn màng và mềm mại. Bên cạnh đó, axit béo omega-3 có trong mỡ bò còn giúp bảo vệ da khỏi stress oxy hóa, duy trì hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
Là một chất làm mềm tự nhiên (emollient), mỡ bò giúp lấp đầy các vết nứt nhỏ trên bề mặt da, giảm cảm giác thô ráp và khóa ẩm hiệu quả. Tiến sĩ Camp cũng cho biết thêm, mỡ bò thường được dung nạp tốt bởi hầu hết các loại da, giúp duy trì độ ẩm và tăng cường sức khỏe tổng thể của làn da.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Ross Perry từ phòng khám da liễu Cosmedics, mỡ bò đặc biệt phù hợp với những người có làn da khô hoặc mắc các bệnh lý như chàm và vảy nến. Nhờ vào đặc tính dưỡng ẩm sâu, mỡ bò có thể hỗ trợ làm dịu làn da bị kích ứng, giảm bong tróc và khô ráp.
Từ những lợi ích nổi bật đó, mỡ bò trở thành một lựa chọn tự nhiên cho những ai muốn cải thiện độ ẩm và sức khỏe của làn da một cách an toàn và hiệu quả.
Phía phản đối
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều ý kiến phản đối công dụng của phương pháp thoa mỡ bò lên mặt này.

Tiến sĩ Tiina Meder, bác sĩ da liễu tại London, cho rằng lipid trong mỡ bò không có nhiều điểm tương đồng với lipid tự nhiên của da người, thậm chí có thể gây viêm, đặc biệt đối với da nhạy cảm. Ngoài ra, một số sản phẩm không được sản xuất trong môi trường vô trùng có nguy cơ chứa vi khuẩn hoặc bị ôi thiu, làm tăng nguy cơ kích ứng da.
Tiến sĩ Akis Ntonos cũng cảnh báo rằng mỡ bò có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Một số người có thể thấy da mình có mùi khó chịu sau khi sử dụng.
Bác sĩ Anil Sharma cảnh báo rằng mỡ bò có thể gây hại nhiều hơn lợi. Thành phần này có tính gây bít tắc cao (comedogenic), khiến lỗ chân lông dễ bị tắc nghẽn, dẫn đến mụn. Ngoài ra, hàm lượng axit oleic cao trong mỡ bò có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ mất nước và trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân bên ngoài. Một số nghiên cứu còn cho thấy mỡ bò có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Trải nghiệm thực tế của người đã làm đẹp bằng mỡ bò
Ngoài các video được đăng tải trên nền tảng Tiktok, mình có đọc tham khảo thêm một số bài trải nghiệm từ những báo nước ngoài - những người cũng nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp thì:
https://organicbeautylover.com/skin/tallow-skincare-before-and-after/
Sau 30 ngày sử dụng trọn bộ sản phẩm từ mỡ bò, người trải nghiệm nhận thấy da trở nên mềm mại, ẩm mịn hơn, đặc biệt là đối với da khô và da lão hóa. Tuy nhiên, sản phẩm có cảm giác khá nặng và nhiều loại có mùi đặc trưng không dễ chịu. Kem chống nắng từ mỡ bò có kết cấu dạng balm, giàu kẽm oxit nên dễ gây vệt trắng trừ khi có màu tint. Tallow soap được đánh giá là cực kỳ dưỡng ẩm, tạo bọt kem mịn như sữa, đáng thử hơn các loại xà phòng thông thường. Một điểm trừ là không phải tất cả sản phẩm từ mỡ bò đều có chất lượng tốt, vì vậy cần chọn thương hiệu uy tín, ưu tiên nguồn nguyên liệu hữu cơ, chăn nuôi bền vững.
Kết luận, hiệu quả của mỡ bò trong skincare phụ thuộc nhiều vào chất lượng sản phẩm và những dòng giá rẻ đại trà có thể không đáng để đầu tư.
https://www.vogue.com/article/beef-tallow-for-skin
Người thử nghiệm đã thay thế kem dưỡng thông thường bằng mỡ bò nguyên chất trong 7 ngày. Ban đầu, kết cấu dày và bóng nhờn khiến da cảm thấy nặng bí, mùi mỡ bò cũng không mấy dễ chịu. Sau vài ngày, cảm giác khó chịu ngày càng tăng - mùi trở nên nồng hơn, lớp dầu trên da khiến việc trang điểm và di chuyển ngoài trời trở nên bất tiện. Đến ngày thứ năm, các nốt mụn bắt đầu xuất hiện trên má, cằm và thái dương, nhưng với hy vọng da đang "thải độc", người thử nghiệm vẫn cố gắng kiên trì. Tuy nhiên, sang ngày thứ sáu, tình trạng mụn viêm trở nên nghiêm trọng, buộc cô phải ngừng trải nghiệm.
Bài viết có tham khảo ý kiến của các chuyên gia: Bruce Y. Lee, MD, MBA – Giáo sư, nhà báo, chuyên gia y tế kỹ thuật số. Brendan Camp, MD – Bác sĩ da liễu, chuyên gia bệnh lý da liễu tại MDCS Dermatology. Dr. Ross Perry – Bác sĩ da liễu, phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ tại Anh. Dr. Meder – Nhà sáng lập thương hiệu chăm sóc da Meder Beauty Science. Akis Ntonos – Chuyên gia tiêm thẩm mỹ, đồng sáng lập Aion Aesthetics, New York. Anil Sharma – Bác sĩ phụ khoa, chuyên gia phẫu thuật nội soi tại Auckland. |
Kết luận
Xu hướng làm đẹp bằng mỡ bò có thể thu hút sự chú ý nhờ tính tự nhiên và những lời khen từ một số người dùng, nhưng thực tế vẫn chưa có đủ nghiên cứu khoa học để khẳng định hiệu quả và độ an toàn của nó. Mặc dù mỡ bò có thể giúp giữ ẩm và làm dịu da trong một số trường hợp, nhưng việc thoa trực tiếp lên mặt lại tiềm ẩn nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông, mụn và kích ứng – đặc biệt đối với những ai có làn da dầu hoặc dễ bị mụn.
Như bất kỳ trào lưu làm đẹp nào, không nên chỉ dựa vào lời truyền miệng hay quảng bá từ mạng xã hội. Trước khi thử nghiệm bất kỳ sản phẩm nào trên da, hãy tìm hiểu kỹ thành phần, tìm hiểu thêm nguồn tin từ các nghiên cứu khoa học và tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu để đảm bảo an toàn cho làn da của bạn.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .