Hướng dẫn đọc bảng thành phần mỹ phẩm sao cho đúng chuẩn!
Cách đọc bảng thành phần mỹ phẩm thế nào cho đúng? Bảng thành phần sẽ tiết lộ gì và sẽ không nói cho bạn những gì về một sản phẩm?
Nếu bạn quan tâm đến việc đọc bảng thành phần sản phẩm hay còn chưa hiểu rõ, thậm chí nghi ngờ chúng thì hướng dẫn này là dành cho bạn. Chúng sẽ giúp bạn giải đáp được các thắc mắc như thành phần nào là đáng tin cậy và chính xác, thông tin bạn có thể giải mã từ bảng thành phần sản phẩm là gì, giới hạn của bản danh sách thành phần mỹ phẩm là gì, làm thế nào bạn có thể nhận ra danh sách đó sai lầm và không đáng tin cậy?
Hãy cùng Chanh Tươi Review tìm hiểu qua bài viết này để tìm thấy được câu trả lời của mình nhé!
Quy chuẩn khiến bảng thành phần mỹ phẩm trông sẽ thế nào?
Nhìn chung, sự khác nhau giữa các vùng miền, quy chuẩn của từng quốc gia, sự giảm tránh của các nhà sản xuất khiến cho bảng thành phần mỹ phẩm nhìn như vô tổ chức. Nhưng, có 2 quy chuẩn cơ bản mà bạn sẽ nhận thấy được trên các bao bì sản phẩm, và dĩ nhiên, không phải toàn bộ nhưng chúng vẫn có ngoại lệ.
Quy tắc 1: Tên quy chuẩn INCI sẽ được dùng trong bảng thành phần mỹ phẩm
INCI đại diện cho điều gì? Tên INCI của một thành phần là gì?INCI là viết tắt của International Momenclature of Cosmetic Ingredients, tạm hiểu là danh mục quốc tế của các thành phần mỹ phẩm (danh pháp các thành phần mỹ phẩm). Danh sách này được công bố bởi Personal Care Products Council. Và Chanh Beauty đang hướng tới việc đưa tất cả thành phần mỹ phẩm có trong bảng thành phần về quy chuẩn chung và cùng phân tích để đưa ra kết quả dữ liệu phân tích gửi tới bạn tham khảo.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng hẳn nhiên bạn sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên khi có quá nhiều sản phẩm có thành phần không hề tuân theo quy tắc này. Bạn sẽ dễ dàng bị những tên hoa mỹ của thành phần sản phẩm đánh lừa hoặc lách luật liệt kê để ẩn giấu những gì nhà bên nhà sản xuất muốn giấu.
Sản phẩm có chiết xuất trà xanh đúng không? Nhưng bạn sẽ không tìm thấy tên Green Tea trên bao bì sản phẩm, mà nó được tìm thấy với tên khoa học mỹ miều hơn là Camellia Sinensis Extract.
Hoặc bạn đang cầm trong tay lọ vitamin C, nhưng bảng thành phần bạn nhìn mỏi mắt cũng chưa thấy nó đâu? Có thể nhà sản xuất không sai bởi nó có thể hiển thị dưới dạng tên đặc trưng L-Ascorbic Acid là dạng tinh khiết của vitamin C. Hoặc bạn cũng có thể nhận biết thành phần Vitamin C bởi những cái tên khác trong bảng thành phần như Magnesium Ascorbyl Phosphate, Sodium Ascorbyl Phosphate, Ascorbyl Palmitate, Tetrahexyldecyl Ascorbate, Ascorbyl Glucoside… Chúng cũng đều là Vitamin C, nhưng là ở dạng biến thể khác.
Nghe có vẻ phức tạp khi bạn không hề hiểu ý nghĩa của các thành phần, làm thế nào để bạn biết rốt cục chúng là gì. Nhưng sẽ đơn giản hơn khi bạn có thể tra cứu tại: https://beauty.chanhtuoi.com/phan-tich-thanh-phan.
Hầu hết, danh sách thành phần mỹ phẩm sẽ được in trên bao bì sản phẩm. Và bạn có thể theo dõi một vài ví dụ thông qua hình ảnh dưới đây!
Quy tắc 2: Thứ tự sắp xếp thành phần cũng có quy chuẩn
Nồng độ cao ưu tiên nằm trước và theo thứ tự giảm dần
Thứ tự liệt kê của các thành phần có trên bao bì sản phẩm là rất quan trọng. Theo quy định liệt kê thành phần, các thành phần chiếm nồng độ cao nhất sẽ nằm đầu tiên và sau đó sắp xếp theo thứ tự giảm dần. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, với những thành phần có nồng độ dưới 1% thì quy chuẩn sắp xếp theo nồng độ sẽ không được áp dụng. Điều này có nghĩa là những thành phần mỹ phẩm có nồng độ 0.01% cũng có thể nằm trước thành phần có nồng độ 0.99%. Dựa trên điều này, thông thường các hãng sản xuất sẽ ưu tiên đặt các thành phần có tên nghe thu hút lên trước và đẩy những thành phần có những cái tên không mấy mỹ miều, thậm chí tác động không tốt tới làn da mà vẫn xác định là hợp pháp và chấp nhận được.
Thành phần Active luôn xếp trước Inactive bất chấp quy tắc về nồng độ
- Thành phần Active Ingredient là những chất có tác dụng chữa trị hoặc phòng ngừa một bệnh lý hoặc tình trạng da nào đó và được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) xác định về độ an toàn khi sử dụng trên da.
- Thành phần Inactive Ingredient là những chất không có tác dụng trực tiếp lên da, mà chỉ đóng vai trò làm dẻo, ổn định, bảo quản, hoặc cải thiện mùi và màu sắc của sản phẩm. Chúng cũng có thể giúp da dưỡng ẩm và mềm mại hơn.
Một vài sản phẩm họ sẽ tách active với inactive ingredient nhưng cũng có những bên tự mình gộp chúng với nhau, và bạn sẽ phải tự tìm hiểu các thành phần đó. Các thành phần được xem là hoạt tính của sản phẩm này có tác động tới làn da sẽ nằm ở top đầu của bảng thành phần.
Thành phần hoạt tính trong mỹ phẩm thường là các thành phần có tác dụng chống nắng, làm sáng da, trị mụn… FDA quy định khá nghiêm ngặt về việc này và thường yêu cầu xác định phần trăm đi kèm. Ví dụ với các thành phần như titanium dioxide để chống nắng, benzoyl peroxide cho mụn trứng cá, và hydroquinone để làm sáng da sẽ có phần trăm đi kèm trong bảng thành phần. Với BHA thì việc chứa Salicylic Acid là điều hiển nhiên, nhưng nếu đó không phải là sản phẩm xác định với việc trị mụn thì Salicylic Acid sẽ không được ghi nhận là thành phần hoạt tính với sản phẩm đó.
Và theo đó, không hoạt tính cũng không có nghĩa là thành phần đó không tốt. Với những sản phẩm trị mụn, làm sáng da thì những thành phần không được liệt kê là active ingredients không có nghĩa là chúng không có hiệu quả, chúng chỉ là không có tác động nhiều tới việc trị mụn hay làm sáng da mà thôi. Và điều này cũng đồng nghĩa là sẽ có hàng loạt thành phần có tác dụng khác những chống lão hóa, cấp ẩm sẽ không được dán nhãn active ingredients dù chúng cực kỳ hiệu quả và an toàn. Thêm nữa, một vài thành phần inactive dù không có tác động trực tiếp nhưng nó hỗ trợ, tạo môi tường cho các chất khác hoạt động hay thậm chí là điều trị tốt khi kết hợp với các thành phần khác, điểm hình là anti-inflammation (kháng viêm) hay antioxidants.
Giải mã một vài điều về bảng thành phần
- Các sản phẩm dạng chiết xuất lỏng như gel, nước thì thành phần Water chiếm phần lớn là tất yếu ngay cả khi bạn không nhìn nó ở đầu tiên của bảng thành phần. Aqua/Water/Eau có trong bảng thành phần thì bạn có thể mặc định hiểu 70-90% sản phẩm là nước. Tức một lọ serum nặng khoảng 100g thì có đén 70-90g là nước tinh khiết. Phần còn lại mới là khối lượng của các thành phần active và các chất tổng hợp khác (các chất này thường chiếm khoảng 5%).
- Thứ tự thường thấy của các thành phần trên bao bì sản phẩm:
Thành phần chính chủ đạo chiếm tỉ lệ cao nhất – Active ingredients – Chất nhũ hoá – Hương liệu (fragrances) – Chất bảo quản (preservatives)
- Chỉ chú ý một vài thành phần đầu tiên trên bảng thành phần: Các thành phần pha trộn với tỷ lệ khác nhau cũng sẽ đưa đến những kết quả khác nhau, đồng thời việc tách nhỏ các thành phần xếp riêng rẽ sẽ khiến cho các đối thủ không biết họ làm thế nào để có được sản phẩm vậy. Vậy nên, khi đọc bảng thành phần sản phẩm, hãy nhớ chỉ chú ý đến một vài thành phần đầu tiên, nó có nồng độ cao, chiếm tỷ lệ nhiều nhất nên dĩ nhiên sẽ đưa lại giá trị sản phẩm. Ví dụ như dầu gội, sữa rửa mặt, thì 3 đến 5 thành phần đầu tiên xuất hiện trong list là những thành phần cần chú ý, còn đối với các sản phẩm như cream hay serum, thì 8 đến 10 thành phần đầu tiên của sản phẩm là những thành phần đáng quan tâm.
- Nếu đang mỏi mắt tìm kiếm silicones trong bảng thành phần hãy chú ý các tên thành phần có đuôi -onone hoặc -conol.
- Paraben nếu lượng nhỏ thì vẫn có thể coi là an toàn: Paraben được xem là chất không tốt, chỉ cần khối lượng 0.01% cũng đủ để kéo dài hạn sử dụng của mỹ phẩm hàng năm trời, và dĩ nhiên, chút thành phần nhỏ này chưa đủ để gây ung thư như mọi người vẫn sợ.
- Nếu tìm paraben nhưng không thấy nó, bạn có thể quay lại tìm với tên: BHT hay MYRTRIMONIUM BROMIDE.
Chìa khóa để nắm được cách đọc bảng thành phần mỹ phẩm chính là bạn phải hiểu nó, hiểu làn da mình để có thể chọn ra được sản phẩm, thiết lập được routine chăm sóc da cho mình.
Bình luận 1 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.
khá bổ ích