Hàng hóa là gì? Phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa chi tiết nhất
Một đất nước phát triển luôn không thể thiếu cung cấp và sản xuất hàng hóa. Hàng hóa chính là thành phẩm của sự lao động trong mọi ngành nghề, còn là bưu phẩm để trao đổi giữ mọi người với nhau. Vậy hàng hóa là gì? Giá trị hàng hóa là gì? Kinh tế hàng hóa là gì? Hàng hóa bổ sung là gì? Cái gì quyết định giá trị hàng hóa? Hàng hóa có mấy thuộc tính cơ bản? Cùng đi phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và cho ví dụ chi tiết nhất trong bài viết dưới đây nhé.
1. Hàng hóa là gì?
Hàng hoá là một phạm trù lịch sử, nó chỉ xuất hiện khi có nền sản xuất hàng hoá, đồng thời sản phẩm lao động mang hình thái hàng hoá khi nó là đối tượng mua bán trên thị trường. Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thỏa mãn mong muốn, nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi hay mua bán.
Hàng tiêu dùng và hàng đầu tư là những thành tố quan trọng tạo nên tổng sản phẩm trong nước.
Hàng hóa kinh tế là những hàng hóa khan hiếm hay những hàng hóa mà mọi người muốn mua nhiều hơn khi điều kiện cho phép.
Karl Marx định nghĩa hàng hoá trước hết là đồ vật mang hình dạng có khả năng thoả mãn nhu cầu con người nhờ vào các tính chất của nó. Để đồ vật trở thành hàng hoá cần phải có:
- Tính hữu dụng đối với người dùng
- Giá trị (kinh tế), nghĩa là được chi phí bởi lao động.
- Sự hạn chế để đạt được nó, nghĩa là độ khan hiếm.
Theo định nghĩa của Karl Marx, hàng hóa là sản phẩm của lao động, thông qua trao đổi, mua bán có thể thỏa mãn một số nhu cầu nhất định của con người. Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất.
Hàng hóa có thể tồn tại dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể. Từ khái niệm này, ta có thể rút ra kết luận một đồ vật muốn trở thành hàng hoá cần phải thỏa mãn 3 yếu tố:
- Hàng hóa là sản phẩm của lao động
- Hàng hóa có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người
- Thông qua trao đổi, mua bán
Sự thay đổi và phát triển nhận thức đối với đời sống kinh tế dẫn đến cách hiểu hàng hóa không như các nhà kinh tế cổ điển xác định. Phạm trù hàng hóa mất đi ranh giới của sự hiển hiện vật lý của vật thể và tiến sát đến gần phạm trù giá trị. Tiền, cổ phiếu, quyền sở hữu nói chung, quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, sức lao động, v.v. được xem là hàng hóa trong khi chúng không nhất thiết có những tính chất như đã liệt kê trên.
Hàng hóa có thể được phân thành nhiều loại như:
- Hàng hóa đặc biệt
- Hàng hóa thông thường
- Hàng hóa thứ cấp
- Hàng hóa hữu hình
- Hàng hóa vô hình
- Hàng hóa công cộng
- Hàng hóa tư nhân
- …
Hàng hóa tiếng Anh là gì?
Hàng hóa tiếng Anh là Goods/Commodities
Trong kinh tế chính trị Marx-Lenin, hàng hóa cũng được định nghĩa là sản phẩm của lao động thông qua trao đổi, mua bán.
Hàng tiêu dùng và hàng đầu tư là những thành tố quan trọng tạo nên tổng sản phẩm trong nước.
Hàng hóa kinh tế là những hàng hóa khan hiếm hay những hàng hóa mà mọi người muốn mua nhiều hơn khi điều kiện cho phép.
2. Hai thuộc tính của hàng hóa là gì? Phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa
Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, sản xuất hàng hóa có bản chất khác nhau, nhưng một vật phẩm sản xuất ra khi đã mang hình thái là hàng hóa thì đều có hai thuộc tính cơ bản là giá trị sử dụng và giá trị.
Giá trị sử dụng
Giá trị sử dụng là công dụng của vật phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Ví dụ: Giá trị sử dụng của cơm là để ăn, của áo là để mặc, của máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu là để sản xuất… Và ngay mỗi một vật cũng có thể có nhiều thuộc tính tự nhiên khác nhau, do đó nó có nhiều giá trị sử dụng hay công dụng khác nhau: gạo có thể dùng nấu cơm, nhưng gạo cũng có thể dùng làm nguyên liệu trong ngành rượu, bia hay chế biến cồn y tế..
Đối với giá trị sử dụng, hàng hóa có các đặc điểm như sau:
- Giá trị sử dụng do thuộc tính tự nhiên của hàng hóa quyết định
- Hàng hóa không nhất thiết chỉ có một giá trị sử dụng duy nhất. Khi khoa học kỹ thuật càng phát triển người ta càng phát hiện ra nhiều thuộc tính mới của hàng hóa và sử dụng chúng cho nhiều mục đích khác nhau.
- Giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn vì nó tồn tại trong mọi phương thức hoặc mọi kiểu tổ chức sản xuất.
- Giá trị sử dụng không dành cho bản thân người sản xuất hàng hóa mà cho người tiêu dùng hàng hóa (xã hội). Người mua có quyền sở hữu và sử dụng hàng hóa theo mục đích của họ. Hay nói cách khác, sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của xã hội.
=> Một vật khi đã là hàng hóa thì nhất thiết nó phải có giá trị sử dụng. Nhưng không phải bất cứ vật gì có giá trị sử dụng cũng đều là hàng hóa. Chẳng hạn, không khí rất cần cho cuộc sống con người. nhưng không phải là hàng hóa. Nước suối, quả dại cũng có giá trị sử dụng, nhưng cũng không phải là hàng hóa. Như vậy, một vật muốn trở thành hàng hóa thì giá trị sử dụng của nó phải là vật được sản xuất ra để bán, để trao đổi, cũng có nghĩa là vật đó phải có giá trị trao đổi. Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là vật mang giá trị trao đổi.
Giá trị hàng hóa
Muốn hiểu được giá trị hàng hóa phải đi từ giá trị trao đổi. Các Mác viết: “Giá trị trao đổi trước hết biểu hiện ra như là một quan hệ về số lượng, là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác”.
Trước tiên, để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về khái niệm này, chúng ta sẽ cùng xét một ví dụ đơn giản như sau:
Giả sử một con gà có thể được đổi lấy 10kg táo. Có nghĩa là gà và táo là vật mang giá trị trao đổi. Trong trường hợp này, có hai câu hỏi đặt ra:
Thứ nhất: Tại sao gà và táo là hai loại hàng hóa khác nhau, có giá trị sử dụng khác nhau lại có thể trao đổi với nhau?
Thứ hai: Tại sao chúng ta lại trao đổi theo tỷ lệ nhất định 1:10
Ví dụ: 1 mét vải = 10 kg thóc.
Vấn đề đặt ra là, tại sao vải và thóc là hai hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau lại có thể trao đổi được với nhau, hơn nữa chúng lại trao đổi với nhau theo một tỷ lệ nhất định?
Khi hai hàng hóa khác nhau là vải và thóc có thể trao đổi được với nhau, thì phải có một cơ sở chung nào đó: Cái chung đó không phải là giá trị sử dụng, tuy sự khác nhau về giá trị sử dụng của chúng là điều kiện cần thiết của sự trao đổi. Song, cái chung đó phải nằm ở cả hai hàng hóa. Nếu gạt giá trị sử dụng của sản phẩm sang một bên, thì giữa chúng chỉ có một cái chung: chúng đều là sản phẩm của lao động. Để sản xuất ra vải và thóc, nguời thợ thủ công và người nông dân đều phải hao phí lao động để sản xuất ra chúng. Hao phí lao động là cơ sở chung để so sánh vải với thóc, để trao đổi giữa chúng với nhau.
Sở dĩ phải trao đổi theo một tỷ lệ nhất định, (1m vải = 10kg thóc), vì người ta cho rằng lao động hao phí sản xuất ra lm vải bằng lao động hao phí để sản xuất ra 10kg thóc. Lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa ẩn giấu trong hàng hóa chính là giá trị của hàng hóa. Từ sự phân tích trên, rút ra kết luận: giá trị là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.
=> Giá trị hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh bên trong hàng hóa. Giá trị là nội dung bên trong của hàng hóa, nó được biểu hiện ra bên ngoài bằng việc hai hàng hóa có thể trao đổi được với nhau. Giá trị hàng hóa có những đặc trưng cơ bản như sau:
- Biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa
- Là phạm trù lịch sử chỉ tồn tại ở kinh tế hàng hóa
3. Mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hoá
Hai thuộc tính của hàng hoá có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Đề trả lời cho câu hỏi “Vì sao hàng hóa có hai thuộc tính” chúng ta sẽ đi vào phân tích mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa:
Thống nhất
Hai thuộc tính này cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hoá. Nếu một vật có giá trị sử dụng (tức có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người, xã hội), nhưng không có giá trị (tức không do lao động tạo ra, không có kết tinh lao động) như không khí tự nhiên thì sẽ không phải là hàng hoá. Ngược lại, một vật có giá trị (tức có lao động kết tinh), nhưng không có giá trị sử dụng (tức không thể thoả mãn nhu cầu nào của con người, xã hội) cũng không trở thành hàng hoá.
Đối lập
Thứ nhất, với tư cách là giá trị sử dụng thì các hàng hoá khác nhau về chất (vải mặc, sắt thép, lúa gạo…). Nhưng ngược lại, với tư cách là giá trị thì các hàng hoá lại đồng nhất về chất, đều là “những cục kết tinh đồng nhất của lao động mà thôi”, tức đều là sự kết tinh của lao động, hay là lao động đã được vật hoá ( vải mặc, sắt thép, lúa gạo… đều do lao động tạo ra, kết tinh lao động trong đó).
Thứ hai, quá trình thực hiện giá trị và giá trị sử dụng có sự tách rời nhau cả về mặt không gian và thời gian.
- Giá trị được thực hiện trong lĩnh vực lưu thông và thực hiện trước.
- Giá trị sử dụng được thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.
Người sản xuất quan tâm tới giá trị, nhưng để đạt được mục đích giá trị bắt buộc họ cũng phải chú ý đến giá trị sử dụng, ngược lại người tiêu dùng quan tâm tới giá trị sử dụng để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của mình.
Nhưng muốn có giá trị sử dụng họ phải trả giá trị cho người sản xuất ra nó. Nếu không thực hiện giá trị sẽ không có giá trị sử dụng. Mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị hàng hoá cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng sản xuất thừa.
Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa là gì?
Như đã đề cập ở phần trên, hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Hai thuộc tính này tồn tại trong bất kỳ một loại hàng hóa nào, thiếu một trong hai thuộc tính này sản phẩm sẽ không được coi là hàng hóa. Cũng theo lý thuyết của Mác, sở dĩ hàng hóa có hai thuộc tính đó không phải do hai lao động tạo ra mà bởi vì lao động của người sản xuất hàng hóa có tính hai mặt. Cụ thể tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa là lao động cụ thể và lao động trừu tượng.
Lao động cụ thể
Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều các loại hình lao động khác nhau cùng tồn tại song song. Ví dụ như làm nông nghiệp, lái xe, bán hàng, thợ thủ công... đó là những lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những nghề nghiệp chuyên môn nhất định. Các loại lao động này tạo ra một loại sản phẩm cụ thể và những loại sản phẩm này là khác nhau. Các Mác gọi đó là lao động cụ thể.
Đặc trưng của lao động cụ thể:
Thứ nhất, mỗi lao động cụ thể tạo ra một giá trị sử dụng nhất định bởi mỗi lao động cụ thể sẽ có một mục đích riêng, công cụ lao động riêng, đối tượng lao động riêng. Chính những cái riêng đó đã làm cho lao động cụ thể này khác với lao động cụ thể kia.
Ví dụ:
- Lao động cụ thể của người thợ may cần các nguyên vật liệu là vải vóc, kim chỉ, máy may... mục đích là để tạo ra những sản phẩm may mặc như quần áo,...
- Lao động cụ thể của người thợ xây cần các nguyên vật liệu là gạch, đá, xi măng, sắt, thép... để tạo ra các công trình xây dựng.
- Lao động cụ thể của người thợ cơ khí để tạo ra các sản phẩm bằng kim loại.
- Lao động cụ thể của người thợ mộc để tạo ra các sản phẩm bằng gỗ...
Thứ hai, lao động cụ thể phản ánh trình độ phân công lao động xã hội. Trong xã hội, không một ai có thể đảm nhận toàn bộ các công việc, người ta chỉ có thể đảm nhiệm một công việc, một lao động cụ thể nhất định. Bởi vậy cần có sự phân công lao động xã hội. Hay nói cách khác, càng xuất hiện nhiều lao động cụ thể thì phân công lao động xã hội càng chi tiết, sản xuất hàng hóa càng phát triển.
Thứ ba, lao động cụ thể là phạm trù vĩnh viễn. Lao động cụ thể tồn tại độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ hình thái kinh tế xã hội nào.
Ví dụ:
Lao động cụ thể của người thợ làm bánh là tạo ra các loại bánh và chắc chắn nó không thể tạo ra quần áo, sản phẩm kim loại khi ở các hình thái kinh tế xã hội khác.
Thứ tư, lao động cụ thể ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và có tính chuyên môn hóa cao.
Lao động trừu tượng
Lao động trừu tượng chỉ xét về mặt hao phí lao động nói chung. Bao gồm có hao phí về cơ bắp, về thần kinh và về sức lực của người sản xuất hàng hóa. Có nghĩa là chúng ta gạt bỏ đi mọi hình thức cụ thể của sản xuất lao động hàng hóa và chỉ xét ở góc độ hao phí lao động. Chẳng hạn như, lao động của người thợ may, thợ xây, thợ mộc hay thợ làm bánh ta không xét đến việc họ sản xuất sản phẩm gì, sản xuất cho ai, với mục đích gì mà chỉ cần quan tâm đến hao phí lao động trong công việc của họ như thế nào mà thôi.
Đặc trưng của lao động trừu tượng:
Thứ nhất, lao động trừu tượng tạo ra giá trị của hàng hóa. Khi xét về mặt lao động trừu tượng, người ta có thể so sánh giá trị của hàng hóa này với các hàng hóa khác. Ví dụ lao động trừu tượng của người sản xuất tivi sẽ cao hơn lao động trừu tượng của người nuôi gà do hao phí lao động xã hội để làm ra một chiếc tivi sẽ cao hơn đối với việc nuôi một con gà. Và vì thế, giá cả của chiếc tivi cũng sẽ cao hơn so với giá của một con gà.
Thứ hai, lao đông trừu tượng là một phạm trù lịch sử chỉ tồn tại trong nền kinh tế hàng hóa. Do lao động trừu tượng tạo ra giá trị của hàng hóa cho nên khi hai hàng hóa khác nhau trao đổi với nhau thì cần căn cứ theo nguyên tắc trao đổi ngang giá. Ví dụ như 1 con gà có thể đổi lấy 5kg gạo do có cùng hao phí lao động như nhau. Lao động trừu tượng tạo ra giá trị, là cơ sở cho sự ngang bằng trong việc trao đổi. Nếu không có sản xuất hàng hóa, không có trao đổi thì không cần phải quy các lao động cụ thể về lao động trừu tượng.
Mối quan hệ giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng
Xét về lao động cụ thể, mỗi người sản xuất hàng hóa sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào và việc riêng của họ. Vì vậy, lao động cụ thể mang tính chất tư nhân.
Xét về lao động trừu tượng, khi gạt bỏ các hình thức cụ thể thì lao động của người sản xuất hàng hóa chỉ được xét là một bộ phận của toàn bộ lao động xã hội nên nó có tính chất xã hội.
Phân công lao động xã hội sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất hàng hóa, họ làm việc cho nhau thông qua trao đổi hàng hóa. Từ đó, tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa sẽ phản ánh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của lao động của người sản xuất hàng hóa. Tính chất tư nhân và tính chất xã hội có tính mâu thuẫn:
- Sản phẩm của người sản xuất hàng hóa tư nhân tạo ra có thể không ăn khớp với nhu cầu của xã hội.
- Mức tiêu hao hao phí lao động cá biệt cao hơn mức tiêu hao mà xã hội có thể chấp nhận được.
Hậu quả của việc mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội là cuộc khủng hoảng sản xuất thừa. Đây có thể được coi là mầm mống của mọi mâu thuẫn trong nền sản xuất hàng hóa. Chính vì những mâu thuẫn đó mà sản xuất hàng hóa vừa vận động vừa tiềm ẩn khả năng khủng hoảng.
Trong nền kinh tế hiện nay, hàng hóa không thể thiếu để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự phân công lao động sản xuất trong xã hội. Đây chính là nguồn cung đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và ngày càng tăng của tiêu dùng thì việc cải thiện chất lượng hàng hóa, mẫu mã nâng cao và đem cho khách hàng giá cả phải chăng nhất. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ nắm rõ nhất hàng hóa là gì và phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.