Những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh cần chuẩn bị
Các mẹ thường cảm thấy mình có hàng trăm hàng nghìn việc phải làm trước và sau khi sinh em bé. Vì có quá nhiều việc mà mẹ thường quên mất những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh mình cần phải chuẩn bị là gì. Các mẹ đừng bối rối nhé, mình sẽ liệt kê cho các mẹ danh sách tất cả những đồ dùng cần chuẩn bị cho bé yêu trong bài viết này. Các mẹ chỉ cần note lại và đi mua là có thể yên tâm rồi.
Có khá nhiều những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh mà các bố mẹ cần chuẩn bị trước khi chính thức bước vào phòng sinh. Chưa kể những giây phút chờ đợi con yêu chào đời thường là khoảng thời gian bố mẹ bối rối, lo lắng và đặc biệt hay quên nhất. Do đó bố mẹ cần phải chuẩn bị tất cả những đồ dùng cho con ở một nơi cố định để dễ dàng lấy ra nếu con cần dùng. Cùng mình xem các đồ dùng đó là gì nhé.
1. Chuẩn bị đồ vải cho bé
- Áo cho bé sơ sinh: tối thiểu 10 cái size nhỏ, 10 cái size lớn hơn
- Tã vải (dán 2 bên): 10 cái cỡ nhỏ nhất, 10 cái cỡ tiếp theo
- Miếng tã lót để dán vào tã vải: 1 gói newborn 1 (em bé mau lớn nên không cần mua nhiều newborn 1), nhiều gói newborn 2 (bình quân 1 ngày sẽ dùng 8-10 miếng)
- Tã bỉm (mặc khi đi ngủ, ra ngoài đi chích ngừa): 2 gói
- Vớ tay, vớ chân: 10 đôi
- Nón cho trẻ sơ sinh: 5 cái
- Khăn lông lớn (để quấn người em bé, kê đầu cho em bé nằm, lau khô sau khi tắm): hơn 10 cái
- Khăn sữa nhỏ, mềm: 20 cái nhỏ + 30 cái lớn (dùng khi cho bú, lau người em bé,…
- Khăn lót mông bé khi nằm (1 lớp khăn dính liền 1 lớp nilong không thấm): loại dài hình chữ nhật/hình vuông lớn: hơn 15 cái
- Yếm (đắp ngực em bé khi ngủ): 10 cái
- Áo khoác dài tay bằng vải cotton có nón liền, cỡ lớn: khoác cho bé khi đưa đi ra ngoài, đi chích ngừa (cu Bảo dùng áo này từ sơ sinh đến 18 tháng vẫn còn vừa)
Việc chuẩn bị trước khi sinh đối với những đồ dùng này bạn có thể thực hiện từ lúc bắt đầu mang thai cho đến ngày sinh.
2. Chuẩn bị dụng cụ ăn uống cho bé
- 1 bình sữa mini, núm cao su mềm: cho bé bú trong những ngày đầu chưa có sữa mẹ, sau đó làm bình cho bé uống nước
- 1 bình sữa cỡ vừa bằng thủy tinh, cổ to (sau này kết hợp làm ly pha bột cho bé): mình chỉ thấy bình Nuk của Đức được bán ở VN
- 01 hộp sữa bột cho trẻ từ 0 tháng: cho bé bú khi sữa mẹ chưa xuống kịp
- Ly + muỗng cho em bé uống nước (dùng đồ có sẵn trong nhà)
- Bình thủy/hoặc bình giữ nhiệt: lấy nước ấm pha sữa cho bé, nước ấm cho mẹ uống
3. Chuẩn bị đồ dùng vệ sinh
- Cây rữa bình sữa: không nên lựa loại có lõi kim loại vì có thể rỉ sét, không mua loại có gắn mút ở đầu vì hay bị rách, rơi mút ra chỉ còn cái lõi phía trước khó chùi đáy bình sữa
- Chậu tắm dài, có lỗ thoát phía dưới + đồ đỡ gác vào chậu tắm để tắm cho bé (kiểu như cái ghế bố, hoặc cái võng mắc vào chậu tắm)
- Chậu tròn để đựng nước tắm dội lại lần 2 + ca/gáo múc nước (vì em bé chưa tắm bằng vòi sen được, phải để sẵn chậu nước ấm)
- Chậu tròn nhỏ để giặt khăn lau
- Chậu đựng đồ dơ để giặt
- Rơ lưỡi: 40 cái (khi con hơn 18 tháng, bác sĩ vẫn khuyên mình tiếp tục rơ lưỡi cho bé để hạn chế viêm họng)
- Gạc băng rốn: 10 cái (khoảng 2 hộp)
- Khăn giấy ướt: 1 hộp lớn/hoặc 2 hộp nhỏ
- Que tăm bông ngoáy tai cho bé: lau nhẹ phía ngoài lỗ tai + vành tai sau khi tắm
- Que bông tiệt trùng: dùng lau cồn vào rốn sau khi tắm
- Nước muối nhỏ mắt, mũi cho trẻ sơ sinh: 10 lọ
- 1 bình xịt nước biển (Sterimar-Pháp) để xịt cho bé hơn 3 tháng: dùng khi sổ mũi hoặc sau khi đi ra ngoài về
- Ống hút mũi: loại có 2 đầu dài, 1 đầu để vào lỗ mũi bé, 1 đầu cho mẹ hút
- Nhiệt kế: đo nhiệt độ cho em bé khi thấy nghi ngờ nóng sốt, hoặc theo dõi sau khi chích ngừa
- Cồn 70 độ (lau rốn sau khi tắm, lúc rốn chưa rụng)
- Thuốc Povidine: thuốc sát trùng, bôi vào rốn khi chưa rụng, thỉnh thoảng khi con bị nổi ít hạt rôm ở mông, mình cũng bôi một vài lần để tránh việc vết rôm vỡ ra gây nhiễm trùng.
- Kem chống hăm (không nên dùng phấn rôm): tốt nhất là chỉ dùng miếng lót cho bé 1-2 tháng đầu, sau đó tập xi tè cho bé+giảm dần miếng lót
- Dầu khuynh diệp/hoặc dầu chàm: nếu em bé ra khỏi nhà, khi về trước khi ngủ nên bôi 1 ít vào lòng bàn chân để tránh bị cảm gió (không được bôi dầu gió cho bé vì nóng rát da)
- Dầu gội+ tắm cho bé
- Dầu baby oil: 1 chai nhỏ (dùng khi em bé bị cứt trâu trên đầu)
- Bô cho bé, nên lựa loại có lưng tựa, bô thấp vừa, tập ngồi bô khi bé biết ngồi.
Bên cạnh đó cần chuẩn bi những đồ linh tinh khác:
- Rổ chữ nhật cỡ vừa để đầu giường: sắp sẵn những thứ bé cần dùng hàng ngày để thuận tiện thay đồ cho bé ngay trên giường, hoặc khi tắm cho bé thì đem cả rổ theo luôn: áo, tả vải, miếng lót, vớ tay chân, nón, kem chống hăm,…
- Rổ chữ nhật lớn có nắp và quai xách: thuận tiện với mô hình nuôi con kiểu du mục như bạn Vân, vài ngày gửi bà ngoại rồi vài ngày gửi bà nội, do tình hình sức khỏe của các bà có hạn + còn phải bận chăm các ông nên hễ thấy bà nào có vẻ đuối sức thì bạn Vân liền khăn gói đưa con sang nhà bà kia
- Chiếu mỏng cho em bé nằm, bằng vải bố: để khi di chuyển em bé trên giường mà em bé đang ngủ thì chỉ cần kéo chiếu xịch qua
- Móc phơi đồ cho em bé: 20 móc cỡ nhỏ, 1 treo phơi đồ linh tinh
4. Chuẩn bị đồ cho mẹ
- Áo dài tay cài nút (không nên mặc áo chui đầu vì khó cho bé bú), quần dài: 4-5 bộ
- Vớ chân: 4-5 đôi
- Dép đi trong nhà
- Băng vệ sinh cho bà đẻ: 1 gói (vì vào bệnh viện đã được phát 1 gói rồi)
- Quần lót giấy: vài cái (vì vào bệnh viện cũng được phát 1 gói)
- Sữa bột hoặc sữa tươi
- Ly thủy tinh (pha sữa/nước nóng uống cho mau xuống sữa mẹ) + muỗng
- Nghệ tươi (dùng khi về nhà, bôi mặt+ toàn thân)
- Dầu chàm/dầu khuynh diệp: bôi vào bàn chân, sau tai sau khi tắm cho ấm người
5. Một số đồ vật không cần chuẩn bị
Trong quá trình chuẩn bị trước khi sinh, không phải thứ nào cũng cần thiết. Dưới đây là những đồ có thể không cần đến khi chuẩn bị trước khi sinh:
- Đồ xay thức ăn bằng tay: mình thích dùng máy xay sinh tố để xay cháo thành bột ăn dặm hơn vì nhanh
- Bộ chăn gối cho bé: gối kê đầu loại lõm ở giữa không nên dùng vì làm đầu em bé u ra phía sau, chăn cũng chưa cần dùng vì đắp bằng khăn lông tiện hơn, 2 gối ôm nhỏ: khi em bé biết nghiêng người ôm gối thì gối ôm này đã quá nhỏ rồi, còn trước đó thì để nhiều gối xung quanh em bé wa cũng không tốt, nguy hiểm
- Loại 2 gối ôm có miếng lót nối ở giữa: không nên dùng vì nguy hiểm, em bé còn nhỏ trở mình kẹt vào gối ôm, nhưng không tự mình trở người lại được
- Giường nôi: để em bé nằm chung giường tiện hơn là nằm nôi, thường ít em bé nào chịu nằm nôi
- Giày trẻ sơ sinh: không cần thiết vì em bé dùng vớ chân, ít ra ngoài
6. Kinh nghiệm chuẩn bị đồ dùng thực tế từ bà mẹ trẻ ở thành phố HCM
Sắm đồ chuẩn bị cho thiên thần sắp chào đời là một công việc mà tất cả các mẹ bầu đều háo hức thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khiến rất nhiều chị em “đau đầu”. Làm sao để mua đầy đủ các món đồ cho con để khi sinh xong ở cữ không phải lo cứ mỗi khi thiếu đồ lại phải mất công nhờ người nhà đi mua? Làm sao để cân đối tài chính và tránh được cảnh mua thừa thãi những món đồ sơ sinh không thực sự cần thiết?
4 tháng trước khi bé Póc chào đời, chị Nguyễn Thư (sinh năm 1983, Nhà Bè – TP.HCM) cũng từng tự mình loay hoay trên mạng tìm thông tin về những thứ cần chuẩn bị cho bé cưng trước khi đi sinh và bị “hoa mắt chóng mặt” bởi những thông tin rải rác và không chi tiết. Sau khi con được 2 tháng hơn rồi, bà mẹ trẻ đã ngồi góp nhặt lại tất cả những kinh nghiệm mua sắm chuẩn bị đồ sơ sinh cho con cực hữu ích và chi tiết để dành tặng các mẹ bầu.
QUẦN ÁO + GIẤC NGỦ CỦA BÉ:
- 3 áo sơ sinh dài tay có dây thắt chéo ngực (dễ mặc, ấm ngực, nhớ chọn loại vạt áo vuông, đừng chọn vạt áo bầu sẽ ló rốn, lạnh bụng bé).
- 3 áo ngắn tay liền quần bỉm (mặc ban ngày, ấm bụng, dễ thay tả, dễ dàng mặc thêm quần ở ngoài nếu trời lạnh).
- 3 cái khăn tắm cotton 100% có góc trùm đầu, lau mình cho bé sau khi tắm hoặc đắp nhẹ cho bé khi trời nóng.
- 3 mũ đội đầu dạng tròn ko hoa văn càng tốt để ko cấn đầu bé. Mua loại có 1 phần gấp để nếu chật có thể tháo nếp gấp ra, đội vô tư.
- 3 đôi bao tay bao chân có lỗ thông khí, đừng mua loại may bằng chỉ thun nhún lại sẽ hằn vết trên da bé.
- 2 cái yếm vải, mua loại dán tiện lợi hơn loại cột dây.
- 15 quần đóng bỉm sơ sinh + 15 quần đóng bỉm trẻ 3 tháng, không nên mua quần màu trắng, rất dễ nhuốm màu vàng của phân bé, giặt cực lắm.
- 5 cái quần dài, rộng đũng (đáy rộng, ráp 1 mảnh vải ở đáy làm đáy cong hình tròn chứ không nhọn) rất tiện khi mặc bỉm ngủ.
- 2 bộ gối vỏ đỗ: 1 tấm lót + 1 gối đầu + 2 gối ôm.– 2 cái chăn lưới dùng để đắp khi trời hơi lạnh hoặc lót cho bé nằm rất mát.
- 1 tấm chiếu nhỏ.
- 10 miếng lót vuông 1 mặt khăn lông 1 mặt nylong, dùng để lót mông trẻ khi tiêu tiểu bị tràn ra ngoài thì không thấm xuống chiếu được.
- 2 bịch to tã giấy dán cho bé sơ sinh loại giống BVS dùng để dán vào quần đóng bỉm
- 1 bịch bỉm quần dùng để mặc cho bé khi ra đường
Lưu ý:
- Không nên mua quá nhiều đồ sơ sinh cho bé vì 3 tháng đầu bé tăng cân và dài ra rất nhanh, nên mọi thứ chỉ cần 3 bộ là đủ, 1 cái mặc, 1 cái phơi, và 1 cái đề phòng bị ướt phải thay
- Không dùng khăn lông lau mình cho bé vì thấm nước không tốt mà dùng làm khăn đắp thì rất nóng, giặt thì lâu khô nữa, nên thay bằng khăn tắm cotton có góc trùm đầu.
- Nếu sống ở miền Nam thì không cần mua áo ấm cho trẻ sơ sinh, khi đi ra ngoài chỉ cần mặc áo tay dài + quần dài bên trong, bên ngoài lấy khăn tắm có góc trùm đầu quấn chéo bé lại, vừa đủ ấm vừa tiện lợi.
- Mình ít khi dùng bỉm cho bé dưới 3 tháng tuổi, rất hầm hì, chỉ dùng tã giấy dán vào quần vải cho thoáng.
- Nên giặt sẵn tất cả quần áo của bé trước khi cho bé mặc lần đầu.
BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO BÉ:
- Bông trang điểm miếng vuông – rất tiện lợi, dùng để thấm nước ấm lau mặt hoặc lau mông cho trẻ, vừa lành với da trẻ vừa rẻ hơn khăn ướt, lại ko làm trẻ giật mình vì lạnh.
- 1 lốc giấy vệ sinh
- 10 lọ nước muối sinh lý rửa mắt mũi hằng ngày cho bé (Efticol 0.9% – Nhà thuốc tây)
- 1 chai cồn 60 độ dùng để vệ sinh cuống rốn sau khi tắm (Nhà thuốc tây)– 1 chai dầu khuynh diệp. (Nhà thuốc tây)
- 1 chai Paracetamol 10% dung dịch uống 20ml, phòng ngừa đêm bé sốt cao gây động kinh (Nhà thuốc tây)
- Miếng dán hạ sốt của Nhật (Siêu thị)
- Băng gạc tiệt trùng dùng để rơ lưỡi em bé (nếu bé bú sữa công thức thì lưỡi bé đóng bợn nhiều, nếu bú sữa mẹ thì miệng bé rất sạch, không cần rơ) hoặc loại làm sẵn hình ngón tay. (Nhà thuốc tây)
- Bình xịt sát trùng tay diệt vi khuẩn ko cần rửa lại nước, dùng để khách đến thăm bé sát trùng tay trước khi chạm vào bé (Nhà thuốc tây)
- Tăm bông, đầu to vừa phải, nhưng cũng đừng quá nhỏ, dùng để ngoáy tai, mũi, mắt và xứt kem chống hăm cho bé. (Siêu thị)
- Kem chống hăm loại tốt, xài rất lâu hết nên đầu tư loại mắc tiền 1 chút.
- Xà bông giặt + xả dạng nước dành riêng cho bé (Siêu thị)
- Dụng cụ hút mũi (Siêu thị)
- Cắt móng tay + kéo cắt lông mi dành riêng cho bé sơ sinh (Siêu thị)
- Cặp nhiệt độ. Riêng cái này mình khuyên là nếu có điều kiện thì mua luôn loại cặp nhiệt ở trán 6 giây hoặc ở tai 1 giây vì vừa nhanh vừa chính xác. Không thì loại điện tử kẹp nách cũng được, nhưng nhớ phải + thêm 0,5 độ mới là nhiệt độ đúng của bé.
- 1 cái rổ vuông dựng đồ linh tinh cho con + 1 cái rổ đứng đựng đồ dơ cho con (Siêu thị)
- 1 cái bô nhỏ, ko cần màu mè gì hết, loại đơn giản thôi, nhưng phải vững vàng để khi bé trộm đứng lên thì ko bị lật.
- Thau tắm dài + ghế tắm lưới (Siêu thị)
Lưu ý:
- Mình không mua dầu tắm cho bé vì mình toàn tắm cho bé bằng khổ qua xay nhuyễn, lọc lấy nước, pha với nước ấm lau cho bé xong tắm lại bằng nước trong, da bé rất sạch và ít bị nổi rôm sảy.
- Mình cũng không dùng phấn rôm vì phấn rôm không thấm nước sẽ làm bít lỗ chân lông gây viêm da, chỉ thích hợp cho phương Tây khí hậu mát mẻ thôi.
- Mình không dùng Iod sát trùng rốn cho trẻ vì theo Bs Nhi ở BV Nhi Đồng thì Iod nguyên chất sẽ hại da của bé sơ sinh, nếu muốn dùng phải pha với nước muối sinh lý theo đúng tỉ lệ riêng, tốt nhất là chỉ dùng cồn 60 độ sát trùng là được.
- Mình cũng không dùng băng rốn vì sẽ làm vết thương ở lâu lành và có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu để nước tiểu vô tình thấm vào mà không biết.
TIỆN ÍCH CHO MẸ – AN TOÀN CHO BÉ:
- Ghế nôi rung, dùng để ru bé ngủ, sau này cho ngồi tập bé ăn bột, có thể dùng đến khi bé 18kg– Cũi cho bé. Cái này rất tiện nhé, tập cho bé ngủ riêng từ nhỏ, bé ngủ ngon hơn và ba mẹ cũng khỏe hơn.
Chuẩn bị ghế nôi rung cho trẻ.
- Máy bắt muỗi.
- Máy đun nước 3 chế độ nhiệt độ 98-90-60
- Máy vắt sữa
- Máy báo khóc 1 chiều
- Xe đẩy của bé
- Tủ quần áo đứng cho bé 1,2mx1,2m 1 ngăn đứng + 4 ngăn ngang
- Móc treo kẹp khung nhôm kẹo nhựa, nhớ mua loại tốt của Nhật vừa xài bền vừa không bị rỉ sét dính vào quần áo bé, khoảng 30 kẹp là vừa (Siêu thị)
- Quạt + đèn sạc, phòng ngừa cúp điện
- Đồ ghim lỗ điện an toàn cho bé
- Địu em bé loại có chốt an toàn 1 chút, không cần mua loại cả triệu đâu, mình mua loại chỉ 250k mà xài tốt lắm, loại vừa có thể bế ngửa vừa bế vác phía trước hoặc phía sau đều được
Lưu ý:
- Nếu bé nằm cũi, nên kê cho tấm lót cũi nghiêng 1 góc 15 độ và ko cần kê gối cho bé.
- Nếu bé nằm trong phòng máy lạnh, nên để nhiệt độ khoảng 26-28 độ. Đã tư vấn B/S Nhi thì phòng máy lạnh thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé hết, thậm chí còn tốt vì giữ nhiệt độ ổn định và mát mẻ với thân nhiệt hơi cao hơn người lớn của bé, nhưng phải tạo độ ẩm cần thiết không để người bé bị khô hóc. Nếu có điều kiện mua máy tạo độ ẩm thì tốt, không thì chỉ cần đặt 1 thau nước nhỏ trong phòng, vắt 1 cái khăn 1/2 trên 1/2 thấm dưới nước cho nước bay hơi từ từ là được.
BÌNH SỮA VÀ PHỤ KIỆN:
- 2 bình sữa 150ml cổ rộng có van chống đầy hơi.
- Máy tiệt trùng bình sữa núm vú bằng hơi nước, rất dễ sử dụng. Nếu có điều kiện thì mua luôn loại có sẵn chế độ sấy khô là tốt nhất, đừng mua loại nhiều chức năng hâm sữa hâm thức ăn…
- Máy hâm sữa. Nếu bé bú mẹ và mẹ có dự định khi đi làm sẽ vắt sữa cho tủ lạnh hôm sau con uống thì rất nên mua cái này. Còn nếu bé bú sữa công thức thì không cần.
- Nước rửa bình sữa (Siêu thị) + cây cọ rửa bình sữa Siêu thị) + khay úp bình sữa (Siêu thị) + dụng cụ gắp bình sữa (~80k – Siêu thị)– 1 hộp sữa công thức nhỏ cho bé sơ sinh đề phòng mấy ngày đầu sữa mẹ chưa về.
Lưu ý:
- Nếu mẹ có ti nhỏ thì nên mua bình sữa cổ thường, nếu ti to thì mua bình sữa cổ rộng, như vậy bé sẽ thấy quen thuộc hơn khi chuyển sang bú bình.
- Chỉ mua trước 2 bình 150ml, nếu bé bú ok thì nên mua cùng loại nhưng dung tích cao hơn như 250ml vì có thể dùng luôn sau này khi bé hơn 1 tuổi. Sau khi đã thử nghiệm xong bình nào bé chịu bú thì nên có khoảng 2 bình 150ml + 2 bình 250ml = 4 bình để khi vệ sinh bình thì làm 1 lần trong ngày, úp cho ráo rồi xài từ từ nguyên ngày luôn.
- Dĩ nhiên là khi bạn cho con bú mẹ trực tiếp thì ko cần bình, nhưng lời khuyên ở đây là phải vắt sữa mẹ ra tập cho bé ti bình ít nhất 1 cữ/ngày ngay khi bé còn trong tháng, để khi mẹ đi làm ở nhà ông bà cho bé bú bình. Chỉ cần ra tháng bé nhận biết được sự khác biệt giữa ti mẹ và ti bình thì tập sẽ rất khó khăn, stress vô cùng. Hiện giờ mình cũng đang mệt mỏi vì chuyện này đây, 5 tuần đã bắt đầu tập thế mà đến giờ là 9 tuần rồi mà bé vẫn chưa chịu bú bình
ĐỒ DÙNG CHO MẸ:
- 20 cái khăn sữa, chọn chất liệu thấm hút nước tốt dùng để lót bên trong áo hút sữa chảy khi ở nhà. (Siêu thị)
- 1 hộp miếng lót thấm sữa, dùng khi mẹ có việc đi ra ngoài sẽ dán vào bên trong áo ngực. Hoặc 4 miếng lót giặt được. Không cần mua loại đắt tiền vì thường sau vài tháng đầu là sữa không còn nhiều đến mứa tràn trề nữa, nên đến tháng thứ 6 là mình hết xài rồi.
- 3 bộ đồ bộ mặc ở nhà dạng cài nút, hoặc đầm ngủ dạng tuột vai áo xuống được
- 3 đôi tất dài
- 3 bịch BVS dành cho sản phụ sau khi sinh + 5 bịch BVS mỏng dùng cho những ngày còn sản dịch. (Siêu thị)– 5 bịch quần giấy mỗi bịch 5 cái. (Siêu thị)
Các mẹ đã thấy choáng trước hàng bao nhiêu đồ dùng cần chuẩn bị trước khi đón bé yêu chào đời chưa? Những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh mà mình liệt kê trên đây đã rất đầy đủ rồi nên các mẹ hãy in chúng ra giấy rồi tiến hành mua nhé. Chúc các mẹ vượt cạn an toàn!
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận