Cảnh giác với chiêu trò các công ty tài chính cho vay trả góp lừa đảo
Hiện nay, các công ty tài chính cho vay trả góp ở nước ta ngày càng xuất hiện càng nhiều, tạo điều kiện cho người tiêu dùng vay vốn dễ dàng và phương thức trả góp cũng thuận lợi cho việc trả nợ với lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên, không phải công ty tài chính nào cũng uy tín, có nhiều công ty đã lợi nhiều chiêu trò để móc túi khách hàng, gây nhiều dư luận xấu. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về công ty tài chính cho vay trả góp và những lưu ý để tránh sập bẫy khi vay trả góp nhé.
Các công ty tài chính cho vay trả góp là gì?
Tại Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính thì Công ty tài chính là Doanh nghiệp thuộc loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, những công ty này hoạt động bằng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay hoặc đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực của mình.
Ngoài hoạt động các lĩnh vực của mình, một số công ty còn cung ứng các dịch vụ như tư vấn tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định thì các công ty tài chính không được làm các dịch vụ thanh toán và không được nhận tiền gửi dưới một năm.
Các hình thức của công ty tài chính:
Công ty tài chính ở Việt Nam sẽ hoạt động theo 5 hình thức chủ yếu sau đây:
- Công ty tài chính nhà nước: Đây là loại hình công ty do nhà nước thành lập, đầu tư vốn và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh.
- Công ty tài chính cổ phần: Đây là loại hình công ty được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, do tổ chức và cá nhân cùng góp vốn theo quy định của pháp luật để hoạt động.
- Công ty trực thuộc tổ chức tín dụng: Đây là loại hình được các tổ chức tín dụng bằng vốn tự có của tổ chức và làm chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Công ty tài chính liên doanh: Đây là loại hình công ty được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh, góp vốn giữa Việt Nam và bên nước ngoài.
- Công ty 100% vốn nước ngoài: Đây là loại hình công ty do tổ chức tín dụng của nước ngoài thành lập, hoạt động bằng vốn của tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Cách thức hoạt động của các công ty tài chính
Các công ty tài chính cho vay trả góp sẽ hoạt động theo 3 hình thức chính sau:
Huy động vốn: Hình thức huy động vốn sẽ hoạt động như sau:
- Cũng giống như các ngân hàng, công ty tài chính cũng huy động vốn từ tiền gửi của tổ chức và cá nhân có kỳ hạn theo quy định của pháp luật.
- Huy động vốn dưới nhiều hình thức cả trong lẫn ngoài nước như phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu với chứng chỉ tiền gửi cùng các loại giấy tờ có giá trị…
- Tiếp nhận vốn uỷ thác cả trong và ngoài nước từ các cá nhân hoặc tổ chức chính phủ.
- Vay vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế và từ ngân hàng nhà nước theo quy định của pháp luật.
Hình thức cho vay của ngân hàng:
- Công ty tài chính cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân.
- Cho vay tiêu dùng thông qua hình thức vay, mua trả góp hoặc cho vay bằng tiền mặt.
- Vay theo sự ủy thác của chính phủ hoặc cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài.
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.
Các dịch vụ khác: Thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, bảo hiểm, bao thanh toán…
Như vậy, các công ty tài chính cho vay trả góp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Cách thức hoạt động của chúng cũng tương tự như của ngân hàng nhà nước.
Ưu, nhược điểm khi vay tại các công ty tài chính
Khi vay vốn tại các công ty tài chính thì sẽ có những lợi ích và hạn chế khác nhau, sau đây là một số ưu, nhược điểm khi vay tại đây:
Ưu điểm:
- Thứ nhất, điều kiện vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, đảm bảo
Đây là một trong những ưu điểm khi vay vốn tại các công ty tài chính, bởi điều kiện cho vay của họ thường rất đơn giản. Do số tiền các công ty cho vay thường không cao, nên họ không yêu cầu quá cao về điều kiện cho vay, chỉ cần một số loại giấy tờ sẵn có của người vay.
Để có thể vay vốn tại đây, khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện như: Là công dân Việt Nam hoặc cư trú tại Việt Nam; Cần có các loại giấy tờ chứng minh nhân thân như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu/Giấy phép lái xe/Hộ chiếu…
Bên cạnh các điều kiện trên thì các công ty tài chính không yêu cầu khách hàng phải có tài sản để đảm bảo, thế chấp và cũng không cần chứng minh về mục đích sử dụng vốn.
- Thứ hai, hồ sơ thủ tục nhanh gọn, dễ thực hiện
Các công ty tài chính thực hiện hồ sơ thủ tục vay vốn rất nhanh và đơn giản giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người vay, không phức tạp như vay tại các ngân hàng. Khi có nhu cầu vốn, khách hàng chỉ cần cung cấp các giấy tờ nhân thân theo yêu cầu, sau đó đợi xét duyệt và nhận tiền.
Hiện nay, do công nghệ thông tin phát triển nên nhiều công ty tài chính đã phát triển dịch vụ vay trực tuyến, giúp khách hàng được vay tiền dù ở bất cứ đâu.
- Thứ ba, thời gian xét duyệt, giải ngân nhanh chóng
Khác với các ngân hàng, các công ty tài chính thường xét duyệt hồ sơ và giải ngân tối đa chỉ vài ngày làm việc.
- Thứ tư, mục đích cho vay rộng rãi
Đối với ngân hàng thì mục đích cho vay chỉ với các khoản lớn, còn với công ty tài chính thì đáp ứng được nhu cầu vay rộng rãi của khách hàng. Có thể vay vốn để mua ô tô, xe máy cho đến sắm đồ dùng gia dụng như điều hoà, tủ lạnh, máy giặt…
Nhược điểm:
Ngoài các ưu điểm kể trên, việc vay vốn tại công ty tài chính cũng có một số nhược điểm nhất định như:
- Thứ nhất, hạn mức vay thấp
Hạn mức cho vay của các công ty tài chính được quy định là không quá 100 triệu đồng trên mỗi khách hàng. Hạn mức cho vay này được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
- Thứ hai, lãi suất cao
Lãi suất vay qua công ty tài chính thường cao hơn, trung bình khoảng từ 12 - 22%/năm. Vì các công ty tài chính cho vay dựa trên uy tín cá nhân của khách hàng mà không cần thế chấp tài sản. Do đó, họ rất có thể sẽ không đòi được nợ do khách hàng không có khả năng chi trả hoặc bị trốn nợ, nên lãi suất thường cao hơn.
Ngoài yếu tố rủi ro, các chi phí phát sinh để quản lý khoản vay như chi phí đòi nợ, chi phí phục vụ… đối với các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn sẽ cao hơn so với các khoản vay dài hạn có tài sản thế chấp.
- Thứ ba, bị làm phiền, nhắc nợ nhiều lần
Do khi vay, khách hàng không có tài sản để đảm bảo, thế chấp nên các công ty tài chính sẽ liên tục gọi điện nhắc nhở, thúc giục khách hàng trả nợ đúng hạn để tránh xảy ra tình trạng trốn nợ.
Nếu khách hàng không nghe máy, có một số công ty còn gọi điện tới những người thân của khách hàng để nhắc nợ. Điều này ít nhiều khiến khách hàng không thoải mái và cảm thấy bị làm phiền.
Như vậy, ta có thể các công ty tài chính cho vay trả góp thì đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo có thể gặp phải
Hiện nay, có muôn vàn các chiêu trò, hình thức lừa đảo được thực hiện, nếu bạn không tỉnh táo thì rất dễ mắc phải các chiêu trò mà không hay biết là mình đã bị lừa. Đặc biệt là khi vay vốn, đây là một trong những vấn đề mà các đối tượng, các công ty tài chính giả mạo, không uy tín lợi dụng để lừa đảo tiền của khách hàng. Sau đây là một số chiêu trò lừa đảo mà bạn có thể gặp phải:
1. Lừa đảo khách hàng vay tiền lãi suất thấp
Đây là chiêu trò mà các công ty tài chính đánh vào tâm lý của người đi vay, bởi ai đang cần tiền cũng đều muốn thủ tục nhanh gọn, không mất thời gian, vay số tiền lớn theo yêu cầu… với mức lãi suất thấp.
Thường thì mức cho vay theo quảng cáo thường từ 100 - 200 triệu đồng với lãi suất chỉ 1,1%/tháng theo dư nợ giảm dần. Đây là mức lãi suất khá hấp dẫn mà vay được số tiền cũng tương đối cao. Nhiều khách hàng cứ nghĩ đó là các công ty tài chính hợp pháp nên thực hiện triển khai vay tiền.
Đến khi chính thức vay thì lãi không phải như con số công bố mà lên hàng trăm, hàng nghìn phần trăm, người vay trả hoài không hết và phản pháo không chịu trả. Kết quả là người vay và cả người thân, đồng nghiệp bị kẻ cho vay khủng bố bởi những cuộc điện thoại chửi bới thô tục, gắn hình ảnh và bêu rếu lên mạng xã hội.
2. Giả mạo các công ty tài chính uy tín để lừa đảo
Đây cũng là chiêu trò lừa đảo khá phổ biến hiện nay mà chúng ta thường hay mắc phải liên quan đến các công ty tài chính, các đối tượng thường mạo danh công ty, tổ chức tài chính uy tín để lừa tiền các khách hàng đang có nhu cầu vay tiêu dùng.
Khi gặp các trường hợp cho vay quá dễ dàng, thủ tục đơn giản, nhanh gọn đặc biệt yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính, thì chúng ta nên thận trọng. Liên hệ trực tiếp công ty tài chính để xác nhận xem các hồ sơ, thủ vay như vậy có chính xác hay không.
3. Lừa đảo cho vay tiền qua App
Ngày nay, internet phát triển dẫn đến những hình thức lừa đảo qua mạng dần trở nên rất phổ biến, đặc biệt là dịch vụ vay tiền qua App trên điện thoại di động. Các chiêu trò như yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay; dụ dỗ vay tiền trên nhiều App, từ đó tạo ra nhiều khoản vay…
Nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Tuy nhiên, ngay sau khi đóng phí, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc trong khi khách hàng chưa nhận được giải ngân.
Hoặc như khách hàng đăng ký vay nhưng không giải ngân tiền vay mà vẫn mắc nợ, các đối tượng lừa đảo “tung ra” các lời mời gọi hấp dẫn, các chương trình vay hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Đây cũng là một trong những chiêu trò lừa đảo mà chúng ta cũng có thể gặp phải đi đang dạo chơi trên các trang mạng xã hội.
Những lưu ý để tránh sập bẫy lừa đảo
1. Xem kĩ lãi suất cho vay của các công ty tài chính cho vay trả góp
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, các tổ chức cho vay lãi suất cao hơn các ngân hàng nhưng không được vượt quá 20%/năm.
Nhưng, riêng với các tổ chức tín dụng, Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Thế nên, các công ty tài chính đang áp dụng triệt để quy định của Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Cho nên mức lãi suất của các công ty tài chính đang thường cao hơn rất nhiều so với ngân hàng.
Vấn đề chúng ta cần lưu ý là các công ty tài chính luôn chia nhỏ mức lãi suất theo tháng, thay vì năm nên khiến khách hàng nhầm tưởng là lãi suất khá nhỏ. Do đó, khi vay cần cần phải tìm hiểu kỹ mức lãi suất của công ty tài chính.
2. Hỏi kỹ về bảo hiểm, các chi phí phát sinh
Thường thì bảo hiểm, các chi phí phát sinh sẽ được các công ty tài chính tính gộp vào trong khoản vay và trừ thẳng trước khi giải ngân cho khách hàng. Nếu chúng ta không biết về vấn đề này, sẽ bị các công ty tài chính lừa và thiệt thòi cho chúng ta.
Vậy nên, khi vay tại các công ty này chúng ta cần phải hỏi kỹ về bảo hiểm và các chi phí phát sinh để tránh mất thêm tiền không mong muốn.
3. Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết vay
Điều này là vô cùng cần thiết để tránh những phát sinh không mong muốn khi vay vốn. Thực tế nhiều người chỉ chú ý đến việc mình sẽ được vay bao nhiêu tiền, sản phẩm mình sẽ được sở hữu như thế nào mà không đọc kỹ các điều khoản dẫn đến thực hiện sai và tỏ ra bất mãn, nghĩ là mình bị “cài bẫy”.
Vậy nên chỉ có nghe tư vấn vấn và đọc kỹ thì người vay tiêu dùng mới hiểu cách tính lãi suất ra sao, thời gian trả nợ như thế nào, khi quá hạn thì nộp lãi như thế nào...
4. Lựa chọn công ty tài chính uy tín
Để tránh sập bẫy lừa đảo, thì tốt nhất chúng ta nên chọn những công ty tài chính cho vay uy tín. Vì hiện nay việc lừa đảo qua mạng Internet rất phổ biến, chỉ cần sơ suất nhỏ là người tiêu dùng sẽ rất thiệt thòi.
Vậy nên hãy cân nhắc lựa chọn một công ty tài chính uy tín và đáng tin cậy khi muốn vay trả góp cũng như tham khảo kỹ lưỡng các nguồn thông tin chính thống để yên tâm khi ký kết hợp đồng nhằm tránh bị lừa đảo không đáng có.
Như vậy, chúng ta có thể thấy công ty tài chính cho vay trả góp ở nước ta có rất nhiều loại và rất nhiều chiêu trò để lừa đảo khách hàng, vì vậy khi tiến hành vay vốn tại đây thì hãy lưu ý tìm hiểu thật kỹ để tránh phải bị lừa đảo nhé. Chúc bạn tìm được các công ty tài chính cho vay trả góp uy tín cho mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.