5 cách điều trị mụn nội tiết tố từ chuyên gia - Trị từ gốc để không tái lại!

Điều trị bằng cách: Thay đổi lối sống sinh hoạt, OTC, thuốc kê theo toa, điều trị phòng khám,…

Thảo Una , Thúy Nga 09 tháng 05, 2025 - 16:09 (GMT +07)   5 cách điều trị mụn nội tiết tố từ chuyên gia - Trị từ gốc để không tái lại!

Cách điều trị mụn nội tiết tố luôn là chủ đề khiến nhiều người đau đầu, đặc biệt là khi tình trạng mụn cứ dai dẳng, tái đi tái lại bất kể bạn đã dùng đủ loại mỹ phẩm hay thuốc bôi. Không giống như mụn do vi khuẩn hay bít tắc lỗ chân lông, mụn nội tiết có liên quan mật thiết đến sự rối loạn bên trong cơ thể, đặc biệt là nội tiết tố nữ – điều khiến việc điều trị cần có sự hiểu biết kỹ lưỡng và đúng hướng. 

Vậy làm sao để trị mụn nội tiết từ gốc, giúp làn da sạch mụn bền vững và không tái phát? Chanh Tươi Review đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia da liễu để giúp bạn tìm ra lời giải rõ ràng và thực tế nhất!

Thông tin tham khảo từ chuyên gia và các trang uy tín:

1. Meixiong J, Ricco C, Vasavda C, Ho BK - Diet and acne: A systematic review - JAAD International (2022): https://www.jaadinternational.org/article/S2666-3287(22)00028-1/fulltext

2. American Academy of Dermatology Association (Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ) - Adult acne treatment dermatologists recommend (Các bác sĩ da liễu khuyên dùng phương pháp điều trị mụn trứng cá ở người lớn): https://www.aad.org/public/diseases/acne/diy/adult-acne-treatment

3. American Academy of Dermatology Association (Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ) - Stubborn acne? Hormonal therapy may help: https://www.aad.org/public/diseases/acne/derm-treat/hormonal-therapy

4. National Center for Complementary and Integrative Health - Skin conditions and complementary health approaches: what the science says (Các tình trạng da và phương pháp tiếp cận sức khỏe bổ sung: khoa học nói gì?) https://www.nccih.nih.gov/health/providers/digest/skin-conditions-and-complementary-health-approaches-science

5. Bagatin E, Proença de Freitas TH, Rivitti-Machado MC - Adult female acne: a guide to clinical practice (Mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành: hướng dẫn thực hành lâm sàng ) https://www.scielo.br/j/abd/a/qXdkswPvSxTtFyc4LzGswYx/?lang=en

Cách điều trị mụn nội tiết tố dứt điểm, khoa học, không tái lại

Mụn nội tiết thường khó kiểm soát bằng các sản phẩm bôi ngoài da thông thường và có xu hướng tái phát nếu không điều trị đúng nguyên nhân từ bên trong.

1. Thay đổi lối sống để cải thiện nội tiết tố

Để điều trị mụn nội tiết tố hiệu quả và bền vững, thay đổi lối sống là một yếu tố quan trọng. Dưới đây là những điều chỉnh thiết thực đã có nghiên cứu chứng minh mà bạn có thể áp dụng hằng ngày để cải thiện làn da và giảm nguy cơ mụn nội tiết tái phát:

cách điều trị mụn nội tiết tố 3
Lối sống lành mạnh là bước đầu trong cách điều trị mụn nội tiết tố

Ưu tiên sử dụng sản phẩm không gây bít tắc lỗ chân lông

Các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm và thậm chí là sản phẩm chăm sóc tóc có thể chứa thành phần dễ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó làm nặng thêm tình trạng mụn.

  • Hãy lựa chọn những sản phẩm được dán nhãn “non-comedogenic” (không gây bít tắc lỗ chân lông), không chứa dầu và không gây mụn để giảm thiểu rủi ro này.
  • Đừng quên tẩy trang sạch mỗi ngày và giặt vỏ gối thường xuyên để hạn chế vi khuẩn tích tụ.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Trong một đánh giá của JAAD International về chế độ ăn và mụn nội tiết vào năm 2022: Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (như bánh mì trắng, cơm, khoai tây, đồ ngọt, nước ngọt...) có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh, kích thích cơ thể sản sinh androgen – một hormone làm tăng tiết dầu và gây mụn. Vì thế hãy hạn chế những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Bạn nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, ít tinh bột tinh chế, như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đạm thực vật. Bổ sung thêm thực phẩm chống viêm như cá béo, trà xanh, bơ, hạt lanh để hỗ trợ làn da khỏe mạnh từ bên trong.

Giảm căng thẳng, cân bằng cảm xúc

Căng thẳng là một trong những yếu tố góp phần làm rối loạn nội tiết tố, khiến mụn bùng phát hoặc kéo dài. Tập thể dục đều đặn, thiền, yoga hoặc đơn giản là ngủ đủ giấc và dành thời gian thư giãn mỗi ngày đều có thể giúp giảm mức độ hormone căng thẳng (cortisol), từ đó cải thiện tình trạng mụn. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo âu, hãy xem xét gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ phù hợp.

Những thay đổi tưởng chừng đơn giản này nếu duy trì đều đặn sẽ hỗ trợ đáng kể cho quá trình điều trị mụn nội tiết tố và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.

2. Cách điều trị mụn nội tiết tố bằng OTC - Thuốc không kê đơn

cách điều trị mụn nội tiết tố 4
Cách điều trị mụn nội tiết tố bằng sản phẩm không kê đơn tại nhà

Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ đã đề xuất một số loại thuốc không kê đơn (OTC) có thể sử dụng tại nhà và được xem là an toàn để điều trị mụn trứng cá bao gồm:

  • Differin (adapalene): Đây là một loại gel có nguồn gốc từ vitamin A, giúp cải thiện hiệu quả các loại mụn như mụn đầu trắng, đầu đen và mụn viêm.
  • Azelex (azelaic acid): Hoạt chất bôi ngoài có khả năng kiểm soát mụn đồng thời hỗ trợ làm mờ vết thâm sau mụn, cải thiện sắc tố da. => SẢN PHẨM CHỨA AZELAIC ACID
  • Clearasil (benzoyl peroxide): Sản phẩm dạng kem hoặc gel phù hợp với tình trạng mụn nhẹ. Do có thể gây khô da, nên bắt đầu với nồng độ 2.5% rồi tăng dần nếu cần thiết, tối đa đến 10%.
  • PanOxyl 2% (salicylic acid): Hoạt chất này giúp làm sạch lỗ chân lông, hỗ trợ loại bỏ mụn đầu trắng và đầu đen. Đồng thời, nó còn có tác dụng tẩy tế bào chết nhẹ, giúp giảm tích tụ bã nhờn – nguyên nhân hình thành mụn.

3. Cách điều trị mụn nội tiết tố bằng thuốc kê đơn theo toa

Để điều trị mụn nội tiết hiệu quả, đặc biệt trong những trường hợp mụn nặng, kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, bác sĩ da liễu thường kê đơn một số loại thuốc có tác dụng điều chỉnh rối loạn hormone và giảm mụn. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:

Thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt trong điều trị mụn vì chúng giúp điều hòa hormone nữ, giữ cân bằng giữa hormone androgen và estrogen – từ đó giảm nguy cơ hình thành mụn.

Clascoterone: Đây là một loại thuốc bôi đặc trị mụn nội tiết đã được FDA chấp thuận. Nó hoạt động bằng cách ức chế hormone androgen tại chỗ, giúp giảm mụn do nội tiết tố gây ra.

Retinoid (dẫn xuất vitamin A): Nhóm thuốc này có khả năng làm sạch lỗ chân lông, ngăn ngừa tắc nghẽn và hạn chế sự phát triển của mụn. Chúng thường được dùng dưới dạng bôi ngoài da.

Isotretinoin: Thường được chỉ định trong các trường hợp mụn nặng, mụn dạng nang có nguy cơ để lại sẹo. Đây là một dạng mạnh của retinoid và cần được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Dapsone dạng bôi (thương hiệu Aczone): Là thuốc kháng viêm và kháng khuẩn dùng ngoài da. Thuốc giúp làm giảm tình trạng viêm nhiễm và ngăn vi khuẩn gây mụn phát triển.

Spironolactone: Đây là thuốc thường được dùng để điều trị huyết áp cao, nhưng cũng có tác dụng điều chỉnh hormone và kiểm soát mụn nội tiết, đặc biệt là ở phụ nữ trưởng thành.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc để đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Quan trọng nhất là người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng phụ hoặc biến chứng không mong muốn.

4. Cách điều trị mụn nội tiết tố bằng việc sử dụng liệu pháp bổ sung

cách điều trị mụn nội tiết tố 5
Bổ sung các sản phẩm bổ trợ cho quá trình điều trị mụn nội tiết tố

Liệu pháp bổ trợ đóng vai trò như một “trợ thủ” đắc lực trong cách điều trị mụn nội tiết. Tuy không thay thế hoàn toàn thuốc điều trị, nhưng chúng có thể giúp tăng hiệu quả kiểm soát mụn và cải thiện sức khỏe làn da. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cách điều trị mụn nội tiết tố này để tránh tương tác thuốc hoặc phản ứng bất lợi.

Một số liệu pháp bổ trợ đã được nghiên cứu và cho thấy hiệu quả nhất định bao gồm:

Tinh dầu tràm trà và nọc ong (dùng ngoài da): Có thể hỗ trợ giảm mụn nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học vẫn còn hạn chế và một số người có thể gặp phải tình trạng kích ứng da hoặc dị ứng.

Chiết xuất cây hoàng liên dạng uống: Dạng lỏng của chiết xuất này đã được ghi nhận là có khả năng cải thiện tình trạng mụn từ trung bình đến nặng.

Kẽm dạng uống: Kẽm là khoáng chất thiết yếu có liên quan đến chức năng miễn dịch và quá trình lành da. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu về hiệu quả trong điều trị mụn người lớn vẫn chưa đồng nhất.

Gugulipid: Là chiết xuất từ nhựa cây guggul, khi uống hai lần mỗi ngày, gugulipid cho thấy hiệu quả tương đương kháng sinh đường uống trong việc điều trị mụn dạng cục (nodular acne).

Men vi sinh (probiotics): Dùng dưới dạng bôi ngoài hoặc uống, probiotics có thể giúp cân bằng hệ vi sinh trên da và đường ruột, từ đó giảm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn và kiểm soát phản ứng viêm.

5. Cách điều trị mụn nội tiết tố tại bệnh viện, phòng khám da liễu

Trong những trường hợp mụn nội tiết, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị chuyên sâu tại phòng khám. Một số cách điều trị mụn nội tiết tố chuyên sâu bao gồm:

Tiêm corticosteroid: Được sử dụng để xử lý nhanh các nốt mụn lớn, viêm sưng và đau. Tuy nhiên, corticosteroid chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt do có thể ức chế hệ miễn dịch nếu dùng lâu dài.

Liệu pháp ánh sáng laser: Dành cho mụn mức độ nhẹ đến trung bình, sử dụng ánh sáng năng lượng cao để tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm và hỗ trợ tái tạo da.

Phẫu thuật mụn (nặn mụn y khoa): Được thực hiện bởi bác sĩ da liễu có chuyên môn, giúp loại bỏ nhân mụn, hạn chế nguy cơ để lại sẹo nếu được thao tác đúng kỹ thuật.

Peel da hóa học: Đây là cách điều trị mụn nội tiết tố bằng việc loại bỏ lớp tế bào chết và bã nhờn gây bít tắc lỗ chân lông – một trong những nguyên nhân chính gây mụn. Peel phù hợp với nhiều loại da và có thể kết hợp trong phác đồ điều trị mụn.

Mụn nội tiết là gì?

cách-điều-trị-mụn-nội-tiết-tố-2
Mụn nội tiết tố là gì?

Mụn nội tiết là loại mụn xuất hiện khi cơ thể rối loạn nội tiết, khiến tuyến bã nhờn hoạt động quá mức và tiết ra nhiều dầu. Lượng bã nhờn dư thừa này nếu không được kiểm soát sẽ tích tụ cùng tế bào chết, gây bít tắc lỗ chân lông. Tình trạng tắc nghẽn này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm và hình thành mụn nội tiết trên da.

Dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết thường khá đặc trưng và có thể được phân biệt với các loại mụn thông thường thông qua vị trí, thời điểm xuất hiện và tính chất của mụn. Dưới đây là những biểu hiện phổ biến:

  • Vị trí mụn xuất hiện: Trước đây, nhiều nghiên cứu cho rằng mụn trứng cá do rối loạn nội tiết chủ yếu xuất hiện ở vùng dưới của gương mặt, đặc biệt là quanh miệng, cằm và dọc theo đường viền hàm. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng loại mụn này có thể phát sinh ở nhiều khu vực khác như: Xương gò má, hai bên thái dương, vùng trán. Ngoài ra, mụn nội tiết còn có thể lan đến các vùng khác ít được chú ý hơn như quanh mắt, cổ, ngực, lưng hoặc thậm chí là vùng mông.
  • Mụn xuất hiện theo chu kỳ: Đặc biệt ở nữ giới, mụn có xu hướng bùng phát vào thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt, trước hoặc trong kỳ, trong thời kỳ mang thai, thời kỳ mãn kinh hoặc nam giới đang điều trị bằng testosterone.
  • Tính chất mụn: Mụn thường là mụn viêm sâu, đau, sưng đỏ, khó lành, có thể là mụn bọc, mụn nang, dễ để lại thâm hoặc sẹo. Ngoài ra còn có mụn đầu đen, đầu trắng. Thể nặng hơn sẽ có mụn u cục nằm sau dưới cấu trúc da.
  • Da tiết nhiều dầu nhưng có thể vẫn khô: Sự rối loạn nội tiết khiến da khó cân bằng, dẫn đến tình trạng da vừa bóng dầu vừa có những vùng bong tróc nhẹ.
  • Mụn tái phát dai dẳng: Dù đã chăm sóc da kỹ lưỡng, mụn nội tiết thường rất dễ quay lại nếu nguyên nhân gốc là rối loạn hormone chưa được điều chỉnh.

>>> Mọi người có thể đọc bài: PHÂN BIỆT MỤN NỘI TIẾT VÀ MỤN THÔNG THƯỜNG TẠI ĐÂY

Nguyên nhân gây mụn nội tiết

cách điều trị mụn nội tiết tố 1
Mụn nội tiết tố do đâu?

Mụn nội tiết hình thành khi cơ thể xảy ra sự rối loạn nội tiết, dẫn đến tuyến bã nhờn hoạt động quá mức. Lượng bã nhờn dư thừa kết hợp với tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến viêm da, hình thành mụn.

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra sự rối loạn hormone và dẫn đến mụn nội tiết gồm:

  • Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ trong các giai đoạn như kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều, mang thai, mãn kinh hoặc sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai.
  • Nam giới đang điều trị bằng testosterone, làm gia tăng hoạt động tuyến dầu.
  • Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có người từng bị mụn nội tiết, nguy cơ bạn mắc phải cũng cao hơn.
  • Tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là corticosteroid hoặc một số loại thuốc nội tiết khác.
  • Các bệnh lý liên quan đến nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn chức năng buồng trứng.

Mối liên hệ giữa nội tiết tố và mụn trứng cá là gì?

Làn da cần một lượng bã nhờn vừa đủ – loại dầu tự nhiên do tuyến bã nhờn tiết ra, để duy trì độ ẩm và bảo vệ da. Tuy nhiên, khi hormone mất cân bằng, đặc biệt là sự gia tăng androgen (hormone nam), tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh hơn, tiết ra nhiều dầu hơn mức cần thiết. Trong khi đó, estrogen – hormone nữ lại có vai trò điều tiết androgen, từ đó hạn chế sản xuất bã nhờn.

Khi sự thay đổi nội tiết xảy ra do chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai, quá trình sản xuất bã nhờn có thể trở nên rối loạn, khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc và hình thành mụn trứng cá.

Mụn nội tiết kéo dài bao lâu? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với những trường hợp mụn nội tiết ở mức độ nhẹ đến trung bình, nhiều người trưởng thành hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng các sản phẩm phù hợp. Điều quan trọng là bạn cần duy trì đều đặn theo đúng hướng dẫn, bởi hiệu quả sẽ không đến tức thì. Thông thường, mụn bắt đầu giảm sau khoảng 4–8 tuần và có thể cải thiện rõ rệt sau 3–4 tháng.

Tuy nhiên, nếu sau thời gian này bạn vẫn không thấy tiến triển, hoặc xuất hiện những vết thâm sậm màu sau mụn, bạn nên chủ động gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác.

Trong trường hợp mụn nội tiết ở mức độ trung bình đến nặng, các sản phẩm không kê đơn có thể không đủ mạnh để kiểm soát mụn viêm sâu. Khi đó, các phương pháp điều trị theo toa do bác sĩ chỉ định sẽ là lựa chọn tối ưu giúp kiểm soát tình trạng mụn hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng.

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị mụn trứng cá do nội tiết tố?

Để không phải loay hoay tìm cách điều trị mụn nội tiết tố hoặc phòng ngừa mụn nội tiết tố quay lại, bạn cần điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày một cách khoa học, tập trung vào việc kiểm soát hormone, giảm viêm và giữ cho làn da luôn thông thoáng. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả mà bạn có thể áp dụng:

Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (như bánh mì trắng, gạo, khoai tây) vì chúng có thể làm tăng hormone androgen – yếu tố thúc đẩy mụn. Thay vào đó, hãy ưu tiên rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ và omega-3 để hỗ trợ làn da khỏe mạnh từ bên trong.

Kiểm soát căng thẳng: Stress kéo dài có thể khiến cơ thể sản sinh nhiều cortisol và androgen, gây mất cân bằng nội tiết và khiến mụn bùng phát. Tập yoga, thiền định hoặc đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp tinh thần thư giãn và cân bằng hormone.

Chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Hãy sử dụng các sản phẩm được dán nhãn “không gây bít tắc lỗ chân lông” (non-comedogenic), không chứa dầu hoặc hương liệu mạnh để tránh làm tình trạng mụn nặng thêm.

Giữ vệ sinh da đúng cách: Rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, tránh chà xát mạnh và không tự ý nặn mụn vì có thể làm da viêm nặng hơn hoặc để lại sẹo.

Ngủ đủ giấc và sinh hoạt điều độ: Thiếu ngủ và thay đổi đồng hồ sinh học có thể làm rối loạn hormone. Hãy ngủ từ 7–8 tiếng mỗi đêm và giữ thói quen đi ngủ – thức dậy đều đặn.

Những thói quen này không chỉ giúp giảm nguy cơ nổi mụn do nội tiết mà còn góp phần duy trì sức khỏe làn da lâu dài và ổn định hơn. 

Trị mụn nội tiết tố không phải là hành trình một sớm một chiều, nhưng với cách tiếp cận đúng – kết hợp giữa điều chỉnh lối sống, chế độ ăn, chăm sóc da phù hợp và can thiệp y khoa khi cần thiết – bạn hoàn toàn có thể lấy lại làn da sạch mụn, khỏe mạnh từ bên trong. Điều quan trọng là lắng nghe cơ thể và kiên nhẫn với làn da của mình. Cách điều trị mụn nội tiết tố hiệu quả không chỉ nằm ở sản phẩm bạn dùng, mà còn ở sự hiểu đúng bản chất và cách bạn chăm sóc bản thân mỗi ngày.

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .

Gửi bình luận
thaotran
Tác giả: Thảo Una
Chuyên gia hoạt chất, da liễu thẩm mỹ
Với niềm đam mê làm đẹp và mong muốn chia sẻ những kiến thức thực tế, cô đã thử nghiệm rất nhiều sản phẩm và rút ra những kinh nghiệm quý báu.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Thảo Una
thuynga
Tác giả: Thúy Nga
Biên tập viên
Với kiến thức chuyên môn về Ảnh Báo chí, Thúy Nga mong muốn mang đến cho độc giả những bài viết mỹ phẩm, làm đẹp, thời trang... chất lượng, hữu ích và chân thật.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Thúy Nga

Thông báo