Review kem chống nắng Bigoo: Không tốt như quảng cáo!

Giá rẻ, nhưng nguồn gốc và chất lượng thực tế lại tiềm ẩn nhiều dấu hiệu đáng nghi.

Thảo Una, Nguyễn Thắm   07 tháng 07, 2025 - 17:01 (GMT +07)  

0
Kem chống nắng Bigoo Sun Protection Whitening Series
Tiêu chí và điểm số
  Điểm tốt
  • Giá thành rất rẻ
  • Kết cấu sản phẩm khá mỏng nhẹ, dễ tán
  • Finish sáng nhẹ, nâng tone da tự nhiên
  Thiếu sót
  • Hiệu quả chống nắng không đảm bảo
  • Chỉ số chống nắng, bảng thành phần mâu thuẫn với giá
  • Không có bảng thành phần INCI đầy đủ
  • Thiếu minh bạch về thương hiệu và công ty
  • Nghi vấn tiêu chuẩn sản xuất "lệch pha"

Giữa một “rừng” mỹ phẩm giá rẻ, kem chống nắng Bigoo SPF60 PA+++ là cái tên đang được bán khá phổ biến trên các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Facebook... Nhìn vào vỏ hộp, bạn sẽ dễ bị ấn tượng bởi các dòng mô tả hấp dẫn: “chống nắng toàn diện”, “bảo vệ da khỏi tia UVA/UVB”, “chứa chiết xuất thiên nhiên”… cùng chỉ số SPF60 khá cao. Thậm chí, cảm giác khi bôi lên da cũng được khen là mịn, nhẹ, nâng tone đẹp.

Nhưng liệu cảm giác dễ chịu và bao bì bắt mắt có đồng nghĩa với một sản phẩm chống nắng an toàn và hiệu quả? Câu trả lời rất tiếc là không. Dưới đây là một cái nhìn kỹ hơn - để bạn không bị đánh lừa bởi những "vỏ ngoài hoàn hảo".

Review kem chống nắng Bigoo có tốt không?

Để các bạn hiểu rõ, mua hàng rẻ hàng không rõ nguồn gốc nó nguy hiểm như thế nào, mình cũng đã mua 1 tuýp về test thử. Dưới đây là những vấn đề mà mình đã phát hiện ra:

Đánh giá từ bao bì, thiết kế sản phẩm: Các sai phạm rõ ràng

Nếu như không có kinh nghiệm phân tích mỹ phẩm, có thể nhiều bạn sẽ bị "trúng bùa" từ các chị bán hàng, bởi ngoại hình khá chỉn chu, lại toàn tiếng Hàn Quốc, đúng là rất “hàng ngoại”, rất xịn.

review kem chống nắng bigoo 1
Hộp giấy bên ngoài

1. Thông tin sản phẩm thể hiện trên bao bì

  • Có đầy đủ thông tin cơ bản: tên sản phẩm, công dụng, cách dùng, dung tích (80ml), ngày sản xuất, hạn dùng.
  • Có nhãn phụ tiếng Việt: ghi rõ công dụng, nhà sản xuất (Công ty mỹ phẩm BIGOO), nơi sản xuất (Hàn Quốc), số đăng ký (20186/08/CBMP-QLD).
  • Ghi rõ website: www.bigoospa.com (nhưng trang web này hiện không hoạt động).
  • Bao bì có mã vạch, biểu tượng tái chế, hạn sử dụng rõ ràng.

2. Các điểm bất thường và nghi vấn pháp lý

Thế nhưng, sau khi check kỹ, dưới đây là đánh giá và các điểm bất thường liên quan đến bao bì, xuất xứ, thông tin pháp lý và dấu hiệu nghi vấn so với các quy định về mỹ phẩm tại Việt Nam:

  • Sản phẩm ghi “Formulated in Korea” nhưng không rõ nhà sản xuất tại Hàn là ai

Trên bao bì không có tên cụ thể của nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc - đây là vi phạm quy định về ghi nhãn (Thông tư 06/2011/TT-BYT & Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Ghi "Formulated in Korea" (công thức từ Hàn Quốc) không đồng nghĩa với việc sản xuất tại Hàn Quốc, điều này dễ gây hiểu lầm người tiêu dùng. Và điều đó đã xảy ra khi các trang bán hàng đều đồng nhất đây kem chống nắng Hàn Quốc luôn.

  • Nhãn phụ tiếng Việt không đúng chuẩn

Chiếu theo Luật Dán nhãn hàng hóa (Nghị định 43/2017/NĐ-CP & Nghị định 111/2021/NĐ-CP) và Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm, sản phẩm không đạt yêu cầu pháp lý, vi phạm nhiều quy định gây thiếu minh bạch thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, đang thiếu các thông tin bắt buộc: bảng thành phần, HDSD, tên, địa chỉ công ty chịu trách nhiệm ở Việt Nam, ngày sản xuất và hạn dùng, địa chỉ công ty ở Hàn Quốc.

Dùng các từ ngữ PR mơ hồ như: "giúp da khô thoáng, mềm mại, mịn màng", "chống lại tác động của tia tử ngoại và vi khuẩn", "dưỡng da trắng sáng",… nhưng không công bố rõ thành phần cụ thể - điều này trái quy định nếu sản phẩm có tính năng "dưỡng trắng, kháng khuẩn".

  • Không có bảng thành phần INCI (Ingredients list)

Mặc dù có chữ Hàn trên thân sản phẩm, nhưng hoàn toàn không có bảng thành phần quốc tế bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, điều này vi phạm quy định bắt buộc đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

  • Chữ không rõ nét, sai chính tả

Mình có nhìn qua bao bì thì còn thấy chữ có chỗ bị nhòe, không đều màu và bị sai chính tả. Điển hình như: 선크림 (Suncreen) mà trên tuýp lại ghi “썬크림”,…

Thành phần chống nắng: Loại thường, liều thấp, không đủ chống nắng

Nếu chỉ nhìn qua bảng thành phần in trên hộp, kem chống nắng Bigoo có vẻ “ổn” với các chất quen thuộc như Ethylhexyl Methoxycinnamate (Octinoxate), Titanium Dioxide, Zinc Oxide. Đây là những hoạt chất chống nắng phổ biến, đúng - nhưng vấn đề là không rõ nồng độ, không rõ công nghệ xử lý và cách ghi cũng thiếu chuyên nghiệp.

review kem chống nắng bigoo 02
Bảng thành phần in trên tuýp kem

Để hình dung rõ hơn, bạn hãy tưởng tượng thế này:

Octinoxate có thể giúp chống tia UVB, nhưng nếu dùng quá ít, nó chỉ có tác dụng làm trắng nhẹ - hoàn toàn không đủ để bảo vệ da. Trong khi đó, Titanium Dioxide và Zinc Oxide là 2 chất vật lý thường được xử lý bằng công nghệ nano hoặc coating để vừa chống nắng hiệu quả, vừa không làm trắng bệch da. Nhưng với một sản phẩm rẻ tiền như Bigoo, khả năng cao là chúng chỉ sử dụng bột kẽm và titanium thô - không xử lý.

Thêm nữa, sản phẩm không hề được kiểm nghiệm bởi bất kỳ tổ chức uy tín nào, không có thông tin công khai về chỉ số UVA-PF, PPD hay critical wavelength - những thông số cần thiết để đánh giá khả năng chống tia UVA (tia gây lão hóa, nám da, ung thư da).

Nói cách khác, chỉ số SPF60 PA+++ in trên vỏ hộp chỉ là con số… vô nghĩa, nếu không có kiểm nghiệm thật đi kèm. Bạn có thể đang bôi một lớp kem chỉ chống nắng ở mức SPF10-15, hoặc thậm chí không có khả năng chống nắng thực sự nào cả.

Nghi vấn tiêu chuẩn sản xuất “lệch pha”: Áp dụng chuẩn Trung Quốc cho sản phẩm gắn mác Hàn

Một chi tiết khá bất thường nữa nằm ở dòng chữ in trên bao bì: GB/T 29665-2013. Nếu tra cứu kỹ, đây là một mã Tiêu chuẩn Quốc gia của Trung Quốc (GB) quy định về sữa dưỡng da (skin care lotion).

kem chống nắng Bigoo 3
 

Điều đáng ngờ là tại sao một sản phẩm được cho là “Made in Korea”, lại áp dụng một tiêu chuẩn hoàn toàn của Trung Quốc?

Điều này khiến người tiêu dùng càng có lý do đặt dấu hỏi:

  • Sản phẩm này có thực sự được sản xuất tại Hàn Quốc hay chỉ được “đóng mác Hàn” để tăng uy tín?
  • Liệu nó có phải là hàng gia công tại Trung Quốc hoặc Việt Nam, rồi dán nhãn mác ngoại để dễ tiêu thụ?

Sự “lệch pha” này trong tiêu chuẩn là một dấu hiệu rõ ràng của việc giả mạo xuất xứ hoặc nhập nhằng nơi sản xuất – bạn hoàn toàn nên cảnh giác cao độ.

Không tìm thấy website hoạt động và công ty đứng sau: Minh chứng rõ ràng cho sự thiếu minh bạch

Trong thời đại số, một thương hiệu mỹ phẩm nghiêm túc dù nhỏ đến đâu cũng sẽ có website chính thức hoặc thông tin công ty rõ ràng để người tiêu dùng dễ tra cứu. Tuy nhiên, khi thử truy cập www.bigoospa.com - trang web in trên vỏ hộp sản phẩm - thì hiện tại không hoạt động. 

kem chống nắng Bigoo 4
Không có thông tin về thương hiệu

Việc đưa website lên bao bì nhưng web “chết” hoặc không tồn tại cho thấy đây có thể chỉ là:

  • Web “dựng” tạm để đối phó kiểm tra công bố sản phẩm.
  • Không có đội ngũ vận hành thật, không có địa chỉ công ty cụ thể → nguy cơ rất cao là hàng gia công/kem trộn.

Chưa hết, khi tìm kiếm từ khóa “Công ty mỹ phẩm Bigoo” hay bất kỳ đơn vị đại diện sản xuất nào liên quan, hoàn toàn không có kết quả nào khả tín, không có website, không có mã số doanh nghiệp, không có đăng ký FDA hoặc KFDA.

Việc một sản phẩm được bày bán rộng rãi nhưng không có đơn vị chịu trách nhiệm, không có dấu vết pháp lý nào rõ ràng là điều cực kỳ rủi ro cho người dùng:

  • Không ai chịu trách nhiệm nếu da bạn bị dị ứng hay tổn thương.
  • Không có cơ quan kiểm định để bạn phản ánh.
  • Không có cách nào xác minh chất lượng sản phẩm có thật hay không.

Nói cách khác, bạn đang bôi một sản phẩm “vô danh” lên da mỗi ngày - chỉ vì vẻ ngoài trông “giống hàng xịn”.

Kem chống nắng Bigoo giá quá rẻ - không đảm bảo chất lượng

Không khó để tìm thấy kem chống nắng Bigoo với giá chỉ khoảng 100k cho tuýp 80ml. Trong khi đó, một sản phẩm chống nắng đạt chuẩn Hàn Quốc thường sẽ có giá ít nhất từ 200.000 – 400.000 đồng, nếu tính cả chi phí kiểm nghiệm, bảo quản, nghiên cứu công thức và các khoản thuế xuất nhập khẩu.

kem chống nắng Bigoo 5
Mức giá chưa đến 100k

Ngược lại vấn đề một chút, muốn đạt SPF60 thực sự, sản phẩm phải trải qua kiểm nghiệm lâm sàng đạt chuẩn ISO 24444, rất tốn kém. Với một sản phẩm dưới 100k, gần như chắc chắn không đủ chi phí để làm kiểm nghiệm chuẩn chỉnh.

Nói dễ hiểu, giá rẻ đến mức “không tưởng” này cho thấy khả năng cao:

  • Thành phần chống nắng bị cắt giảm tối đa hoặc không đủ liều lượng.
  • Bao bì - thiết kế - sản xuất theo kiểu hàng chợ - làm nhanh, bán nhanh - không có kiểm định chất lượng.
  • Không có bảo hiểm da liễu nếu xảy ra dị ứng, kích ứng hay tổn thương do sản phẩm gây ra.

Vẫn có ưu điểm: Kết cấu, finish nâng tone khá đẹp

Công bằng mà nói, kem chống nắng Bigoo vẫn có một vài điểm cộng nhất định, đặc biệt là về mặt cảm giác sử dụng. Kết cấu sản phẩm khá mỏng nhẹ, dễ tán trên da mà không bị vón cục hay loang lổ như nhiều loại kem chống nắng giá rẻ khác. Khi thoa lên, kem để lại lớp finish sáng nhẹ, nâng tone nhưng không quá trắng bệch, tạo hiệu ứng da căng khỏe, đều màu.

Đây cũng chính là lý do nhiều người dùng ban đầu cảm thấy hài lòng: kem thoa lên da trông mịn hơn, sáng hơn tức thì, nhất là với những bạn da hơi ngăm hoặc có vết thâm nhẹ. Lớp finish này giúp tiết kiệm bước makeup nhẹ khi ra ngoài, phù hợp với người thích phong cách trang điểm tự nhiên.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng: đây là hiệu ứng mỹ phẩm, không phải khả năng chống nắng thật sự. Việc da đẹp hơn sau khi thoa không có nghĩa là da đang được bảo vệ đúng cách trước tia UVA/UVB. Thậm chí, nếu chỉ dựa vào lớp “nâng tone” để ra nắng mà không có màng lọc chất lượng thì da bạn vẫn có nguy cơ bị sạm, nám và tổn thương ngầm.

Xem thêm:

Câu hỏi thường gặp
Kem chống nắng Bigoo của nước nào?

Khả năng là hàng gia công được đặt hàng sản xuất tại Hàn.

Trên bao bì, ghi là “Made in Korea” (sản xuất tại Hàn Quốc). Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, sản phẩm lại áp dụng tiêu chuẩn công nghiệp QB/T 1975-2004 của Trung Quốc, và không có thông tin truy xuất chính thống nào từ Hàn Quốc, kể cả tên công ty sản xuất hay website cũng không hoạt động. Do đó, nguồn gốc thực sự của sản phẩm là rất đáng nghi vấn.

Kem chống nắng Bigoo dành cho da gì?

Về cảm quan, nhiều người cho rằng phù hợp với da thường hoặc da khô nhẹ. Tuy nhiên, không nên sử dụng cho bất kỳ loại da nào nếu chưa rõ về nguồn gốc và độ an toàn của sản phẩm.

Kem chống nắng Bigoo giá bao nhiêu?

Sản phẩm được bán với giá dao động từ khoảng 80.000 – 130.000 VNĐ/tuýp, tùy nơi bán. Mức giá này thuộc phân khúc rất rẻ so với mặt bằng chung.

Kết luận: Kem chống nắng Bigoo không phải là lựa chọn an toàn

Khi lựa chọn một sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là kem chống nắng – thứ mà bạn phải sử dụng mỗi ngày và bôi trực tiếp lên da mặt – thì nguồn gốc rõ ràng, thành phần minh bạch và chứng nhận an toàn là điều bắt buộc. Dù có thể mang lại cảm giác dễ chịu lúc mới bôi hay lớp nâng tone tạm thời, một sản phẩm không rõ xuất xứ, không kiểm định và tiềm ẩn nhiều điểm bất thường như tiêu chuẩn sản xuất sai lệch, website “ma”, hay không tìm được đơn vị chịu trách nhiệm thì không thể là lựa chọn an toàn.

Đừng để vẻ ngoài bóng bẩy và mức giá siêu rẻ đánh lừa cảm giác an tâm của bạn. Hãy là người tiêu dùng tỉnh táo và ưu tiên sức khỏe làn da lên hàng đầu – bởi hậu quả của một sản phẩm kém chất lượng đôi khi không thể sửa chữa dễ dàng.

Vì vậy, hãy thật sự cân nhắc trước khi quyết định sử dụng kem chống nắng Bigoo. Nếu hỏi có mua lại không, câu trả lời của mình là không.

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .

Gửi bình luận
thaotran
Tác giả: Thảo Una
Chuyên gia hoạt chất, da liễu thẩm mỹ
Với niềm đam mê làm đẹp và mong muốn chia sẻ những kiến thức thực tế, cô đã thử nghiệm rất nhiều sản phẩm và rút ra những kinh nghiệm quý báu.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Thảo Una
thamnguyen
Tác giả: Nguyễn Thắm
Biên tập viên
Là một cựu sinh viên Ngôn ngữ Anh, Nguyễn Thắm đã chia sẻ nhiều bài viết hữu ích giúp độc giả có những lựa chọn sáng suốt hơn.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Nguyễn Thắm

Thông báo