Những hoạt chất điều trị nám đã được chứng minh: Không chỉ có Hydroquinone
Thành phần điều trị nám, tàn nhang, đốm nâu hiệu quả, có bằng chứng khoa học chứng minh.
Hoạt chất điều trị nám đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tăng sắc tố, giúp da đều màu và rạng rỡ hơn. Nám, tàn nhang, đốm nâu xuất hiện do rối loạn sản xuất melanin dưới tác động của tia UV, lão hóa, nội tiết tố và di truyền. Để cải thiện tình trạng này, các hoạt chất cần tác động theo nhiều cơ chế: ức chế enzyme tyrosinase, chống oxy hóa, tái tạo tế bào và củng cố hàng rào bảo vệ da.
Vậy đâu là những thành phần trị nám hiệu quả nhất?
Thực tế, chưa có phác đồ "chuẩn hóa" tuyệt đối cho điều trị nám. Việc cải thiện sắc tố đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp thay vì chỉ dựa vào một hoạt chất duy nhất.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích cơ chế hoạt động và hiệu quả của từng hoạt chất, giúp bạn có cái nhìn khoa học khi lựa chọn sản phẩm trị nám. Chanh sẽ có bài viết chuyên sâu hơn về phác đồ điều trị và cách kết hợp các hoạt chất, đừng bỏ lỡ nhé!
Hydroquinone - Hoạt chất điều trị nám hiệu quả nhưng nhiều tác dụng phụ
Hydroquinone (HQ) là hoạt chất được kê đơn phổ biến nhất trên toàn thế giới trong điều trị tăng sắc tố và vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị nám, đặc biệt là nám biểu bì.
Cơ chế hoạt động của HQ được biết đến với ba tác động chính: (1) ức chế enzyme tyrosinase, cản trở quá trình tổng hợp melanin; (2) ức chế quá trình sao chép DNA và RNA của tế bào melanocyte; (3) thúc đẩy sự thoái hóa của melanosome. Chống chỉ định: HQ khuyến cáo không được sử dụng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc những người có tiền sử dị ứng với hoạt chất này. |
Vào giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học đã đánh giá hiệu quả của hydroquinone (HQ) với nồng độ 1,5% - 5% trên bệnh nhân bị nám và nhận thấy sự cải thiện đáng kể về sắc tố da. Các nghiên cứu sau đó tiếp tục được thực hiện để so sánh hiệu quả của HQ với các tác nhân làm sáng da khác trong điều trị nám.
Một nghiên cứu mù đôi (nghiên cứu mà cả nhà nghiên cứu và người tham gia đều không biết về phương pháp điều trị hoặc can thiệp đang được thực hiện) trên 25 bệnh nhân đã so sánh hiệu quả của HQ 4% với một phức hợp làm trắng da (SWC) chứa chiết xuất từ uva-ursi, bưởi, gạo và Aspergillus lên men (5%) trong 12 tuần.
Theo đánh giá của hai nhà nghiên cứu độc lập và phản hồi từ bệnh nhân vào tuần thứ 12, ở nhóm sử dụng HQ và giả dược tỷ lệ cải thiện đạt 76,9% , trong khi nhóm dùng SWC và giả dược có tỷ lệ 66,7%. Tuy không có sự khác biệt thống kê giữa hai nhóm, nhưng hiệu quả của HQ vẫn vượt trội hơn
Ngoài ra, trong một thử nghiệm mù đôi, đối chứng ngẫu nhiên (RCT) trên 54 bệnh nhân bị nám, một bên mặt được điều trị bằng chiết xuất mùi tây ủ lên men, trong khi bên còn lại sử dụng kem HQ 4% (bôi một lần/ngày) trong 8 tuần. Kết quả cho thấy bên sử dụng HQ 4% có sự giảm đáng kể về điểm Melasma Area and Severity Index - MASI (Thang điểm đánh giá nám từ 0 - 48) so với ban đầu.
Nghiên cứu RCT nhỏ gần đây đã so sánh HQ dạng liposome với HQ 4% trên 20 bệnh nhân (bôi một lần/ngày trong 12 tuần). Cả hai phương pháp đều làm giảm đáng kể điểm MASI mà không có sự khác biệt thống kê giữa chúng. Kết quả này cho thấy HQ dạng liposome có hiệu quả đáng kể trong điều trị nám, đồng thời giúp giảm tác dụng phụ thường gặp của HQ.
Nhìn chung, hoạt chất điều trị nám Hydroquinone mang lại kết quả tích cực nhưng không đồng nhất, với tỷ lệ cải thiện 60% - 90% sau 5-7 tuần điều trị. |

Hiệu quả nhưng Hydroquinone tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ
Viêm da tiếp xúc kích ứng là tác dụng phụ thường gặp nhất của HQ, với các triệu chứng như đỏ da, cảm giác bỏng rát, ngứa và bong tróc. Phản ứng này xảy ra ở tới 70% bệnh nhân, đặc biệt khi dùng HQ 4% trở lên, mặc dù nó có thể xuất hiện ở nhiều nồng độ khác nhau.
Các tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm:
- Đổi màu móng tay
- Milium dạng keo (colloid milium)
- Tăng sắc tố nghịch lý (paradoxical post-hyperpigmentation)
- Giảm sắc tố dạng chấm (guttate hypomelanosis),…
- Một tác dụng phụ nghiêm trọng khác là ochronosis ngoại sinh, biểu hiện bằng sắc tố xanh đen xuất hiện trên vùng da điều trị, chủ yếu gặp ở những người có làn da tối màu sử dụng HQ nồng độ cao trong thời gian dài.
Monobenzyl ether của HQ tuyệt đối không nên được sử dụng để điều trị nám, vì nó có thể gây mất tế bào sắc tố vĩnh viễn, dẫn đến tình trạng bạch biến dạng đốm loang lổ (confetti-like leukoderma) gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Quy định của FDA đối với Hydroquinone
Năm 2006, FDA đề xuất cấm Hydroquinone không kê đơn (OTC) ở nồng độ 1-2% do các vấn đề: Khả năng hấp thụ cao qua da, nguy cơ ochronosis ngoại sinh, kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy HQ có thể gây ung thư.
Lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào năm 2020 theo Đạo luật CARES, giới hạn việc phân phối HQ chỉ thông qua đơn thuốc cá nhân hoặc quy trình phê duyệt thuốc mới của FDA.
Dù một số nghiên cứu trên động vật cho thấy HQ có thể gây ung thư, nhưng các nghiên cứu này được thực hiện với liều HQ rất cao, dùng đường uống hoặc tiêm, và trong thời gian dài. Hiện nay, không có dữ liệu đủ để khẳng định rằng hydroquinone gây ung thư ở người. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào liên hệ việc bôi HQ tại chỗ với bất kỳ loại ung thư nào ở người.
Lệnh cấm Hydroquinone OTC đã hạn chế khả năng tiếp cận của bệnh nhân bị rối loạn sắc tố, đặc biệt là những người có nguồn lực tài chính hạn chế hoặc không thể tiếp cận bác sĩ chuyên khoa.
Các cơ quan quản lý tại Nhật Bản, châu Âu cũng đã cấm hoạt chất này trong mỹ phẩm tại nhiều quốc gia. Điều này đã thúc đẩy nghiên cứu các hoạt chất thay thế cho việc điều trị nám bằng phương pháp bôi ngoài da.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Khi đã đạt đến giới hạn tối đa của HQ, đâu sẽ là lựa chọn thay thế?
HQ không thể sử dụng lâu dài do tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vậy khi hết thời gian tối đa có thể dùng HQ thì nên dùng gì?
Câu trả lời là các hoạt chất điều trị nám non-hydroquinone (không chứa HQ). Những thành phần này can thiệp vào nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình tổng hợp, vận chuyển và biểu hiện sắc tố, giúp tối ưu hiệu quả điều trị. Quan trọng hơn, chúng có thể sử dụng lâu dài trong giai đoạn duy trì sau HQ, giúp hạn chế nguy cơ tăng sắc tố tái phát.
Các hoạt chất điều trị nám thay thế Hydroquinone (Non-Hydroquinone)
Non-Hydroquinone – những giải pháp thay thế an toàn và hiệu quả, đang ngày càng được ưa chuộng trong ngành da liễu. Các hoạt chất này không chỉ tác động đa chiều vào quá trình sản xuất và vận chuyển melanin mà còn phù hợp cho việc sử dụng lâu dài, giúp ngăn ngừa tái phát sắc tố và duy trì làn da sáng đều màu. Hãy cùng khám phá những hoạt chất tiên tiến này và cách chúng có thể trở thành "cứu cánh" cho làn da của bạn!
Azelaic Acid

Azelaic acid là một hợp chất hữu cơ tự nhiên, thuộc nhóm acid đa chức với 9 nguyên tử carbon, được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và gạo. Ban đầu, hợp chất này thu hút sự chú ý nhờ khả năng ức chế enzyme tyrosinase, từ đó giảm sản xuất melanin và làm sáng da.
Năm 2003, sản phẩm dạng gel chứa 15% azelaic acid đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh rosacea (trứng cá đỏ). Sau đó, nồng độ 20% của hoạt chất này tiếp tục được cấp phép để điều trị mụn trứng cá thông thường và được đưa vào phác đồ điều trị của Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD) vào năm 2016.
Azelaic acid không chỉ làm sáng da thông qua việc ức chế tyrosinase mà còn mang lại hiệu quả kháng viêm và kháng khuẩn, giúp điều trị các vấn đề như mụn trứng cá và rosacea. Đặc biệt, đây là một trong số ít hoạt chất an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú (theo phân loại FDA-B).
Cách dùng: Azelaic acid có thể được sử dụng 1-2 lần mỗi ngày, sau bước làm sạch da hoặc tẩy tế bào chết, và có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các hoạt chất khác.
So sánh Azelaic acid với Hydroquinone: Một nghiên cứu ngẫu nhiên mù đôi đã chỉ ra rằng nồng độ axit azelaic 20% tương đương với hydroquinone 4% trong điều trị nám da, nhưng không có tác dụng phụ của nó. Sự kết hợp của axit azelaic với tretinoin 0,05% hoặc axit glycolic 15-20% có thể làm sáng da sớm hơn, rõ rệt hơn. |
>>> Sản phẩm gợi ý: Sản phẩm chứa Azelaic Acid được tin dùng
Kojic Acid
Kojic acid là một acid hữu cơ có nguồn gốc từ quá trình lên men của các loại nấm thuộc chi Aspergillus, Penicillium và Acetobacter.
Lần đầu tiên được phân lập vào năm 1907 bởi nhà khoa học Nhật Bản Kendo Saito, kojic acid có nguồn gốc từ các sản phẩm lên men như miso, sake và shoyu. Tên gọi "kojic" bắt nguồn từ "koji" trong tiếng Nhật, có nghĩa là cơm hấp lên men, và đây là một trong những chất chuyển hóa đầu tiên được con người tách chiết thành công.
Giống như azelaic acid và arbutin, kojic acid hoạt động bằng cách ức chế enzyme tyrosinase, từ đó giảm sản xuất melanin và làm sáng da. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng kojic acid có khả năng chống oxy hóa và hoạt động như một màng lọc tia UV, hỗ trợ quá trình làm sáng da hiệu quả hơn.
Cách dùng: Hoạt chất điều trị nám Kojic acid thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da với nồng độ từ 1-4%, tùy theo quy định của từng quốc gia. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hoạt chất này có thể gây kích ứng da, tăng nhạy cảm với ánh nắng hoặc viêm da tiếp xúc ở một số người. Do đó, việc thử nghiệm trên một vùng da nhỏ và kết hợp với kem chống nắng là điều cần thiết khi sử dụng các sản phẩm chứa kojic acid.
So sánh Kojic acid (KA) với Hydroquinone (HQ): Trong một nghiên cứu mù đôi, KA 2% kết hợp với HQ 2% đã chứng minh là tốt hơn axit glycolic (GA) 10% và HQ 2%[ 25 ] Một nghiên cứu mù đôi khác đã so sánh GA 5% với HQ 4% hoặc KA 4% trong ba tháng. Cả hai sự kết hợp đều có hiệu quả như nhau với việc giảm sắc tố ở 52% bệnh nhân. |
>>> Sản phẩm Chanh Tươi Review gợi ý:
Tranexamic Acid

Tranexamic Acid là một dẫn xuất bán tổng hợp của acid amin lysine, ban đầu được sử dụng như một chất cầm máu trong các trường hợp rối loạn đông máu.
Tuy nhiên, vào năm 1979, nhà nghiên cứu Nijo Sadako tại Nhật Bản đã phát hiện ra một tác dụng bất ngờ của Tranexamic Acid khi điều trị mề đay dị ứng: các bệnh nhân của ông cũng cải thiện đáng kể tình trạng nám má chỉ sau 2-3 tuần sử dụng. Phát hiện này đã mở đường cho hàng loạt nghiên cứu về cơ chế làm sáng da của tranexamic acid.
Khác với các hoạt chất làm sáng khác, Tranexamic Acid không trực tiếp ức chế tyrosinase mà tác động thông qua việc ức chế con đường plasminogen/plasmin, từ đó gián tiếp ngăn chặn quá trình tổng hợp melanin. Ngoài ra, Tranexamic Acid còn được chứng minh hiệu quả trong điều trị PIE (hồng ban sau viêm), bao gồm các vết thâm đỏ sau mụn và rosacea, nhờ khả năng ức chế các cytokine tiền viêm như IL-1, IL-6 và yếu tố hoại tử u (TNF-α), đồng thời giảm tân tạo mạch máu và giãn mạch.
Cách dùng: Tranexamic Acid có thể được sử dụng qua đường bôi, đường uống hoặc kết hợp với các liệu pháp xâm lấn nhẹ như lăn kim. Trong mỹ phẩm, nồng độ Tranexamic Acid thường dao động từ 3-5%. Lưu ý rằng việc sử dụng TXA đường uống để làm sáng da là chỉ định "ngoài hướng dẫn" (off-label) và cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
>>> Sản phẩm Chanh Tươi Review gợi ý: Sản phẩm chứa Tranexamic Acid trị nám hiệu quả nhất
Arbutin
Arbutin là một dẫn xuất tự nhiên của Hydroquinone, có nguồn gốc từ các loại quả mọng như việt quất, nam việt quất và một số loài thực vật khác. Đây là hoạt chất phổ biến nhờ khả năng làm sáng da hiệu quả nhưng an toàn hơn HQ.
Cơ chế tác động của Arbutin: Ức chế enzyme tyrosinase, giúp giảm quá trình sản xuất melanin. Hoạt tính chống oxy hóa nhẹ, giúp hạn chế tác động của gốc tự do trong quá trình hình thành sắc tố.
Có hai dạng Arbutin chính:
- α-Arbutin: Hoạt tính mạnh hơn, được khuyến cáo sử dụng ở nồng độ tối đa 2%.
- β-Arbutin: Ít mạnh hơn, có thể sử dụng với nồng độ lên đến 7%.
Cách dùng: Hoạt chất điều trị nám Arbutin nên sử dụng 1-2 lần/ngày, tăng tần suất dần để da thích nghi. Phối hợp với Vitamin C để tăng cường hiệu quả làm sáng và chống oxy hóa. Luôn sử dụng kem chống nắng trong quá trình điều trị để bảo vệ da khỏi tia UV và ngăn ngừa tăng sắc tố trở lại.
>>> Sản phẩm Chanh Tươi Review gợi ý: Top mỹ phẩm chứa Arbutin trị nám, tàn nhang
Retinoids

Retinoids là nhóm dẫn xuất của vitamin A, bao gồm các dạng như retinyl ester (retinyl propionate), retinol, retinal, retinoic acid (tretinoin) và các dẫn xuất tổng hợp như tazarotene và adapalene. Chúng không chỉ giúp làm đều màu da và dưỡng sáng mà còn mang lại lợi ích vượt trội trên da lão hóa, mụn và da chùng nhão.
Cơ chế chính của retinoids là thúc đẩy quá trình thay mới tế bào (cell turnover), giúp loại bỏ các tế bào sừng chứa sắc tố melanin trên bề mặt da, từ đó cải thiện độ đều màu. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra khả năng ức chế tổng hợp tyrosinase của retinoids, giúp giảm sản xuất melanin.
Cách dùng: Retinoids có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các hoạt chất làm sáng khác để tăng hiệu quả. Một trong những công thức làm sáng nổi tiếng được FDA Hoa Kỳ phê duyệt là phối hợp Kligman, bao gồm hydroquinone, corticosteroid và tretinoin.
N-Acetylglucosamine (NAG)
N-Acetylglucosamine (NAG) là một hợp chất tự nhiên có mặt trong hầu hết các mô của cơ thể, đóng vai trò là tiền chất của hyaluronic acid (HA) – một thành phần quan trọng trong cấu trúc da và duy trì độ ẩm cho ma trận ngoại bào ở lớp thượng bì và trung bì.
NAG và dạng chuyển hóa của nó - Glucosamine, đã được chứng minh có khả năng ức chế quá trình tổng hợp melanin thông qua việc ngăn chặn quá trình glycosyl hóa và ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase – yếu tố chính trong quá trình sản xuất melanin. Bên cạnh đó, NAG còn được ghi nhận với khả năng thúc đẩy quá trình thay mới tế bào (cell turnover), giúp da trở nên tươi sáng và đều màu hơn.
Cách dùng: Các nghiên cứu cũng chỉ ra sự kết hợp hiệu quả giữa hoạt chất điều trị nám NAG với Niacinamide (vitamin B3) hoặc Retinol trong việc làm sáng da và chống lão hóa. Vì vậy, nếu quy trình chăm sóc da của bạn đã có sẵn B3 hoặc Retinol nhưng vẫn cảm thấy thiếu gì đó, hãy cân nhắc bổ sung NAG để tối ưu hiệu quả.
Cysteamine
Cysteamine, hay L-Cysteamine là một hợp chất aminothiol có đặc tính chống oxy hóa mạnh, tồn tại tự nhiên trong hầu hết tế bào của động vật có vú như một chất chuyển hóa của L-Cysteine.
Cơ chế làm sáng da của Cysteamine bao gồm ức chế enzyme tyrosinase và peroxidase, đồng thời tăng cường nồng độ glutathione nội bào, giúp điều chỉnh sắc tố eumelanin thành pheomelanin. Mặc dù đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả từ lâu, một trong những trở ngại lớn nhất của Cysteamine là mùi lưu huỳnh đặc trưng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ bọc vi nang, nhược điểm này đã được khắc phục đáng kể.
Cysteamine 5% dạng kem bôi ngoài da đã được chứng minh là an toàn hơn Hydroquinone, dung nạp tốt và hiệu quả trong điều trị các vấn đề sắc tố da, trở thành lựa chọn thay thế tiềm năng với ít tác dụng phụ hơn.
Một số hoạt chất điều trị nám khác và các thử nghiệm mới
Vitamin C (Ascorbic Acid): Với đặc tính chống oxy hóa mạnh, vitamin C ảnh hưởng đến quá trình hình thành melanin bằng cách chuyển đổi dopaquinone thành DOPA, đồng thời ngăn chặn sản xuất gốc tự do và bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
Niacinamide (Vitamin B3): Hoạt chất này ngăn chặn sự vận chuyển melanosome từ tế bào hắc tố (melanocytes) đến tế bào sừng (keratinocytes) mà không ảnh hưởng đến hoạt động của tyrosinase, giúp làm sáng da hiệu quả.
Undecylenoyl Phenylalanine (Sepiwhite): Là một hoạt chất mới có nguồn gốc từ acid amin phenylalanine, Sepiwhite hoạt động bằng cách ức chế enzyme tyrosinase. Với nồng độ ổn định và hiệu quả là 2%, đây được xem là một hoạt chất tiềm năng trong điều trị tăng sắc tố trong tương lai.
Flavonoid: Flavonoid là nhóm hợp chất polyphenolic tự nhiên, nổi bật với các đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, kháng vi-rút và thậm chí chống ung thư. Một số flavonoid có nguồn gốc thực vật còn được nghiên cứu về khả năng giảm sắc tố, như catechin kết hợp với axit gallic (từ lá trà xanh), axit ellagic (có trong trà xanh, dâu tây, khuynh diệp...) và aloesin (chiết xuất từ lô hội).
N-acetyl-4-S-cysteaminylphenol (NCAP): NCAP là một hợp chất phenolic có khả năng ức chế enzyme tyrosinase bằng cách đóng vai trò như một chất nền thay thế cho tyrosine. So với hydroquinone, NCAP được đánh giá là ổn định hơn và ít gây kích ứng hơn. Một nghiên cứu trên 12 bệnh nhân bị nám cho thấy khi sử dụng 4% NCAP, có đến 66% người tham gia cải thiện rõ rệt, trong khi 8% đạt hiệu quả loại bỏ hoàn toàn các mảng nám. Các thay đổi lâm sàng bắt đầu xuất hiện sau 2-4 tuần sử dụng đều đặn.
Bạn cần lưu ý rằng hầu hết các hoạt chất non-HQ kể trên đều được so sánh với HQ như một tiêu chuẩn. Mặc dù có nghiên cứu cho thấy hiệu quả có thể "tương đương", nhưng theo trải nghiệm cá nhân mình cũng như phản hồi từ người dùng và các nghiên cứu khoa học khác, kết quả thực tế lại chưa đạt mức như HQ. Đặc biệt, với tình trạng nám, nguy cơ tái phát vẫn luôn hiện hữu. Chính vì thế, nhiều người không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm các hoạt chất khác nhau – sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp – nhằm hạn chế nhược điểm của HQ, chẳng hạn như nguy cơ kích ứng, viêm da hay hạn chế về thời gian sử dụng. Khi lựa chọn hoạt chất, hãy cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, cũng như tính phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhé! |
Kết hợp hoạt chất điều trị nám Hydroquinone và các hoạt chất non-Hydroquinone: Xen kẽ
|
Điều trị nám không phải là một chặng đường ngắn mà đòi hỏi sự kiên trì và lựa chọn thông minh. Mặc dù Hydroquinone vẫn là tiêu chuẩn vàng, nhưng những hạn chế về thời gian sử dụng và nguy cơ kích ứng khiến nhiều người tìm kiếm các giải pháp thay thế an toàn hơn. May mắn là, ngày càng có nhiều hoạt chất không chứa Hydroquinone được chứng minh hiệu quả trong việc can thiệp vào quá trình tổng hợp và vận chuyển sắc tố, đồng thời có thể kết hợp linh hoạt và duy trì lâu dài. Hãy cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, ngắn hạn hay dài hạn, để tìm ra thành phần phù hợp nhất cho làn da của mình. Chúc bạn luôn rạng rỡ và sớm tìm được hoạt chất điều trị nám lý tưởng!
Tài liệu tham khảo:
- Nakagawa M, Kawai K, Kawai K - Dị ứng tiếp xúc với axit kojic trong các sản phẩm chăm sóc da (1995) - https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1600-0536.1995.tb00832.x
- Verallo-Rowell VM, Verallo V, Graupe K, Lopez-Villafuerte L, Garcia-Lopez M. So sánh mù đôi giữa axit azelaic và hydroquinone trong điều trị nám - TẠI ĐÂY
- National Library of Medicine - Điều trị bệnh nám tại chỗ - https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2807702/#CIT22
- Garcia A, Fulton JE., Jr Sự kết hợp của axit glycolic và hydroquinone hoặc axit kojic để điều trị nám da và các tình trạng liên quan - TẠI ĐÂY
- Picardo M, Carrera M. Các phương pháp điều trị mới và thử nghiệm cho chứng cloasma và các chứng tăng sắc tố da khác - https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S073386350700040X
- Jimbow K. N-acetyl-4-S-cysteaminylphenol là một loại tác nhân khử sắc tố mới cho bệnh hắc tố da ở bệnh nhân bị nám da - https://jamanetwork.com/journals/jamadermatology/article-abstract/553541
- Funasaka Y, Komoto M, Ichihashi M. Tác dụng khử sắc tố của alpha-tocopheryl ferulate trên tế bào hắc tố bình thường của người - https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.0893-5785.2000.130830.x
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .