TOP 15 món ngon từ vịt dễ làm, hao cơm cho bữa ăn hàng ngày
Thịt vịt có giá trị dinh dưỡng rất cao. Ngoài những món ngon từ vịt như om sấu hay thịt vịt luộc thì có khá nhiều người không biết thịt vịt có thể chế biến thành các món ăn độc đáo khác. Do đó, trong bài viết này, mình xin giới thiệu với bạn TOP 15 món ngon khác và cách làm. Hãy cùng theo dõi nhé!
Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt
Thịt vịt là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g thịt vịt có khoảng 25g Protein nhiều hơn so với thịt bò, heo, dê, cá và trứng. Hàm lượng các chất như Canxi, Phốt Pho, Sắt, Vitamin (B1, B2, A, D, E), Acide Nicotic, … cũng rất cao có tác dụng bồi bổ cơ thể và tăng cường sức khỏe.
Công dụng của thịt vịt trong hỗ trợ sức khỏe
Vào những ngày thời tiết mùa hè nóng nực, thịt vịt luôn là nguồn Protein được ưu tiên hàng đầu vì tính mát, dễ ăn. Những món ngon từ vịt có khả năng phòng chống, hỗ trợ chữa những bệnh như sau:
- Người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, phù nề tiểu ít
- Tăng huyết áp, bị mất ngủ hay quên
- Hen suyễn, thiếu máu
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm: "Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư, ngay cả trong quá trình hóa trị, xạ trị".
Top 15 món ngon từ vịt dễ làm, hao cơm
1. Vịt om sấu
Bằng vị chua thanh của sấu, béo của thịt vịt, bùi của khoai sọ, cách làm vịt om sấu khoai sọ đã khiến biết bao nhiêu người từng thưởng thức qua phải mê mẩn và tìm kiếm công thức chế biến với mong muốn thực hiện ngay tại nhà.
2. Vịt kho sả
Bữa cơm sẽ trở nên thật đầm ấm với cách làm vịt kho sả thơm ngon hấp dẫn. Với vị cay cay thơm nồng từ sả, ớt sẽ khiến vị giác của bạn trở nên thú vị hơn khi dùng món ăn này trong các bữa cơm gia đình.
- Nguyên liệu:
- Thịt vịt 1 kg
- Ớt 3 trái
- Hành tím 5 củ
- Tỏi 3 tép
- Sả cây 100 gr
- Chanh 1 trái
- Nước mắm 3 muỗng canh
- Nước màu thốt nốt 2 muỗng canh
- Dầu ăn 2 muỗng canh
- Gia vị thông dụng 1 ít(hạt nêm/ muối/ bột ngọt)
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế: Để khử mùi hôi của vịt, bạn chà xát hỗn hợp muối và chanh lên bề mặt thịt vịt, sau đó rửa thật sạch với nước. Sau đó, chặt thành khúc nhỏ vừa ăn, để ra rổ cho ráo nước.
Sả cắt bỏ phần bẹ già, lá và gốc rễ, rửa sạch rồi bào mỏng. Tiếp đến, lấy 1/2 phần sả cho vào máy xay nhuyễn.
Hành và tỏi lột bỏ vỏ, rửa sạch. Ớt lặt bỏ phần cuống, rửa sạch. Cho hành, tỏi và ớt vào máy xay nhuyễn.
- Bước 2: Ướp vịt:
Sau khi vịt đã ráo nước, đổ vào thau để ướp vịt, bạn cho vào 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt, 3 muỗng canh nước mắm và 2 muỗng canh nước màu thốt nốt.
Trộn đều và ướp trong 15 phút cho vịt thấm gia vị.
- Bước 3: Kho vịt: Bắc nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng thì bạn cho hỗn hợp hành, tỏi và ớt đã xay nhuyễn vào, phi thơm lên.
Tiếp đến, bạn cho phần sả còn lại vào, đảo đều khoảng 2 phút thì cho thịt vịt vào, đảo đều rồi kho trong khoảng 20 - 30 phút.
Sau khoảng 30 phút, cho vào thêm 100ml nước lọc vào, kho thêm 10 phút nữa, nêm nếm lại cho hợp khẩu vị gia đình bạn rồi tắt bếp.
- Thành phẩm:
- Vịt kho sả sau khi hoàn thành có màu nâu đẹp mắt, phần thịt thơm, béo mềm, thấm đẫm gia vị. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, mặn mà, vừa miệng, chắc chắn sẽ khiến gia đình bạn thích mê chỉ với miếng đầu tiên.
3. Vịt kho gừng
Món ngon từ vịt tiếp theo mình muốn giới thiệu đó là vịt kho gừng. Đĩa vịt kho gừng nóng hổi, phần thịt chín mềm thoang thoảng vị cay nồng của gừng sẽ khiến bạn thích mê khi thưởng thức.
- Nguyên liệu:
- 500g thịt vịt làm sẵn
- 1 củ gừng
- Ớt tươi
- Hành lá
- Hành tím, tỏi
- Gia vị: nước mắm ngon, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay, nước màu dừa
- Các bước thực hiện:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Vịt mua về rửa với gừng đập dập cùng một ít rượu trắng để khử mùi tanh. Sau đó để ráo nước rồi chặt thành từng miếng vừa ăn.
Gừng cạo vỏ, rửa sạch, 1/2 cắt sợi, 1/2 băm nhuyễn. Ớt cắt khoanh tròn. Tỏi và hành tím bóc bỏ vỏ, băm nhuyễn. Hành lá cắt bỏ gốc rễ, rửa sạch, cắt khúc.
- Bước 2: Ướp vịt: Ướp thịt vịt với gừng băm nhuyễn, 1/2 phần hành tỏi băm, 1 muỗng canh nước mắm ngon, 1/2 muỗng canh đường, một ít hạt tiêu trong khoảng 20 – 30 phút cho thấm gia vị.
- Bước 3: Kho vịt: Phi thơm phần hành tỏi còn lại với dầu ăn rồi cho gừng cắt sợi vào đảo đều. Khi gừng hơi vàng bạn cho thịt vịt đã ướp vào xào săn lại.
Thêm 1 muỗng canh nước màu dừa, nêm gia vị gồm: nước mắm, đường, hạt nêm, bột ngọt, muối sao cho vừa ăn.
Xào thịt với lửa lớn khoảng 3 phút, khi thấy dậy mùi thơm thì bạn cho nước lọc vào xâm xấp mặt thịt.
Tiếp tục nấu cho sôi rồi hạ nhỏ lửa. Khi thấy nước hơi cạn, có độ sánh sệt, thịt vịt mềm, thấm gia vị và có màu nâu cánh gián đẹp mắt là món vịt kho đã được.
Cuối cùng, cho ớt vào đảo lại một lần nữa rồi tắt bếp. Lấy vịt kho gừng ra đĩa, trang trí với hành lá rồi thưởng thức.
- Thành phẩm:
Món vịt kho gừng nấu xong thịt phải mềm, ngọt, không ngấy, không quá khô. Khi ăn cảm nhận được vị đậm đà đặc trưng, thoảng mùi thơm của gia vị thấm trong từng thớ thịt, ai ăn cũng ghiền ngay từ miếng đầu tiên.
4. Món ngon từ vịt - Vịt kho măng
Vịt kho măng là món ăn kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của thịt vịt và vị chua nhẹ của măng. Món ăn tạo cho người dùng cảm giác thật thú vị khi thưởng thức.
- Nguyên liệu:
- 300g thịt vịt
- 200g măng tươi
- Hành tím, tỏi
- Gia vị: ngũ vị hương, ớt bột, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
Thịt vịt sau khi mua về thì rửa lại với nước, sau đó chà xát thịt vịt với rượu trắng và gừng đập dập để khử hết mùi hôi lông, rửa lại với nước rồi cắt thành từng miếng vừa ăn. Tham khảo thêm cách chọn thịt vịt ngon cho món ăn.
Măng tươi sau khi mua về rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn, cho vào nồi nước cùng với một ít muối, luộc măng trong 3 phút, sau đó vớt ra để ráo. Luộc với muối sẽ giúp măng giòn, giảm bớt mùi hăng của măng đi.
Hành tím và tỏi lột vỏ, rửa lại với nước sau đó đem đi băm nhuyễn.
- Bước 2: Ướp vịt: Cho phần thịt vịt vào trong một cái tô cùng với một ít hành tím, tỏi, ớt bột, ngũ vị hương, hạt nêm, đường và nước mắm, trộn đều cho thịt thấm gia vị rồi ướp trong 30 phút.
- Bước 3: Kho vịt với măng: Cho một ít dầu ăn vào nồi cùng với phần hành tím và tỏi còn lại, phi lên cho vàng thơm, sau đó cho thịt vịt cùng nước ướp vào, xào đến khi thịt săn lại.
Tiếp đó cho măng vào với một ít nước, rồi tiến hành kho ở lửa nhỏ trong 10 - 15 phút cho vịt thấm và chín mềm, sau đó tắt bếp.
- Thành phẩm:
- Vịt kho măng sau khi kho xong thì bạn ăn kèm với một chén cơm trắng, thêm rau sống hoặc dưa leo chấm cùng nước kho nữa sẽ ngon lắm đấy.
5. Cà ri vịt xiêm
Cà ri vịt xiêm là một món ngon từ vịt, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Với sự kết hợp của vị ngọt thanh từ khoai tây, vị nồng thơm của hành tây quyện với thịt vịt đậm đà, nước dừa béo ngậy và mùi thơm của cà ri, sả sẽ tạo nên một món ăn rất hấp dẫn và lạ miệng.
- Nguyên liệu:
- 500g thịt vịt tương đương khoảng tầm 1/2 con.
- 1 miếng huyết vịt.
- 200gr khoai lang (có thể dùng khoai môn thay thế).
- 2-3 cây sả đập dập, 1 gói bột cà ri
- 500ml nước dão dừa.
- 300ml nước cốt dừa.
- Gia vị: Bột nghệ, muối, đường, tiêu, tỏi xay, lá quế, giá,... bánh mì ăn kèm.
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Với thịt vịt, chà xát đều muối lên bề mặt rồi xả lại nhiều lần với nước. Chặt thành từng miếng vừa ăn, ướp với 1/2 gói bột cà ri, 1 muỗng cà phê các loại gia vị như nghệ, muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, 2 muỗng tỏi, sả băm nhuyễn.
Miếng huyết thái nhỏ ra cho vừa ăn. Khoai củ bào vỏ, thái khúc vừa ăn ngâm qua nước muối loãng. 2 cây sả đập dập.
- Bước 2: Chế biến: Bắc chảo, cho khoảng 2 muỗng dầu ăn vào đun nóng. Phi tỏi. Cho 1/2 gói bột cà ri còn lại vào để tạo màu. Thịt vịt đã ướp cho vào xào tầm 10 phút. Đổ phần nước dão dừa vào, thêm vào 2 cây sả đập dập.
- Bước 3: Khi nước sôi, bạn hớt bọt rồi tiếp tục cho hết phần khoai và huyết vào.
Chờ đến khi khoai mềm tới thì nêm thêm muối ăn tùy vào khẩu vị gia đình bạn, đổ phần nước cốt dừa vào, khuấy đều một lúc rồi tắt bếp.
- Thành phẩm:
- Múc cà ri vịt ra tô, điểm thêm một ít lá quế lên mặt. Ăn nóng cùng bánh mì hoặc bún, chấm với muối ớt chanh.
6. Vịt hầm bia
Không quá đơn điệu như các món vịt luộc, hấp, quay… vịt hầm bia là một món ngon từ vịt được biến tấu mới lạ và hấp dẫn hơn hẳn. Cách làm vịt hầm bia không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi một chút khéo léo và thời gian. Để món ăn được thơm ngon mà không có mùi tanh thì khâu sơ chế đòi hỏi người nấu phải hết sức tỉ mỉ và cẩn thận.
- Nguyên liệu:
- Vịt 1/2 con (khoảng 1kg)
- Bia 330 ml (1 lon)
- Ớt sừng 2 quả
- Hành boa rô 3 nhánh
- Hành lá 4 nhánh
- Hành tím 3 củ
- Tỏi 4 tép
- Sa tế 1 muỗng cà phê
- Tương ớt 1 muỗng cà phê
- Rượu 1 ít
- Dầu hào 1 muỗng cà phê
- Dầu ăn 2 muỗng canh
- Nước mắm 1 muỗng cà phê
- Gia vị thông dụng 1 ít (Muối/ đường/ hạt nêm/ bột ngọt/ tiêu)
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế vịt: Để làm sạch và khử mùi hôi của thịt vịt, sau khi mua về bạn rửa sơ với nước rồi dùng muối và 1 ít rượu chà xát thật sạch, nhặt hết lông tơ.
Sau đó rửa lại với nước một lần nữa cho sạch, để ráo rồi cắt thành từng miếng vừa ăn khoảng 1 lóng tay.
- Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác: Hành tím, tỏi bóc vỏ, đập dập rồi băm nhuyễn.
Hành lá, hành boa rô cắt bỏ gốc, rửa sạch, đầu hành lá và hành boa rô cắt khúc để riêng, lá hành cắt nhỏ. Ớt rửa sạch, cắt lát.
- Bước 3: Ướp vịt: Ướp thịt vịt với 1/2 phần hành tím và tỏi băm nhuyễn, 1 muỗng cà phê dầu hào, 1 muỗng cà phê tương ớt, 1 muỗng cà phê sa tế, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm.
Thêm 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường, trộn đều và để vịt ướp khoảng 30 phút cho ngấm gia vị.
- Bước 4: Om vịt: Bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo, cho hết phần hành tím, tỏi còn lại vào phi thơm.
Khi hành tỏi đã thơm, cho thịt vịt vào xào chung với lửa lớn 5 phút cho đến khi thịt săn lại.
Thêm 330ml bia, chỉnh lửa vừa om thêm 15 phút cho vịt chín mềm, nước kho sệt lại là được, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn và cho hành lá, ớt sừng vào, tắt bếp.
- Thành phẩm:
- Bạn múc thịt vịt om bia ra dĩa, thịt vịt dai dai thơm ngon với vị ngọt, béo, thêm vị cay cay của ớt, thấm đều gia vị đậm đà.
- Đặc biệt thơm mùi bia rất kích thích vị giác khi thưởng thức. Bạn có thể ăn cùng với cơm nóng hoặc bún trắng đều ngon nha.
7. Vịt nướng chao - Món ngon từ vịt
Vịt nướng vốn dĩ là một món ăn bổ dưỡng và vô cùng ngon miệng. Khi cho thêm chút chao vào ướp và rưới lên khi nướng, miếng thịt vịt lại càng trở nên hấp dẫn hơn.
- Nguyên liệu:
1 con vịt (đã làm sạch)
1 hũ chao môn trắng
Hành tím và tỏi băm nhuyễn, gừng
Nước cốt chanh, đậu bắp, dưa leo, rau răm
Gia vị: đường, muối ăn, dầu điều, sa tế, hạt nêm, tiêu,...
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Sau khi rửa vịt sạch với nước muối, bạn hãy dùng gừng thoa đều và ngâm thịt vịt trong khoảng 10 phút. Làm cách này vịt sẽ sạch và trông ngon miệng hơn.
Tiếp đến, bạn rửa sạch vịt một lần nữa với nước rồi dùng dao chặt thành từng miếng vừa ăn. Để ráo và cho ra một đĩa lớn.
Bạn chỉ cần dùng bốn viên chao, cho vào chén và thêm ít đường rồi tán nhuyễn để bớt mặn.
Đậu bắp, dưa leo rửa sạch rồi thái dưa leo thành miếng vừa ăn là xong.
Bước 2: Ướp thịt vịt: Bạn cần chuẩn bị hỗn hợp ướp thịt với công thức: 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê sa tế, 1 muỗng cà phê dầu điều, nửa muỗng cà phê bột ngọt, một ít tiêu.
Cho tất cả vào chén chao đã chuẩn bị có rồi trộn đều đến khi các nguyên liệu tan hết.
Sau đó bạn đổ 2/3 hỗn hợp vào đĩa thịt vịt đã sơ chế và trộn đều. Đợi thịt ngấm đến khoảng 45 phút là đã có thể mang nướng.
Bước 3: Nướng thịt vịt và đậu bắp: Bạn cần chuẩn bị một bếp than hoa rồi đặt thịt vịt lên nướng như bình thường. Sau khi thấy thịt vịt săn, bạn phết thêm hỗn hợp ướp còn lại để tiếp tục nướng.
Làm như thế thịt vịt sẽ thơm hương và đậm vị hơn. Khi miếng thịt chuyển màu vàng sẫm là đã chín rồi đó nha.
Trong khi nướng thịt, bạn có thể đặt đậu bắp lên nướng cùng để tiết kiệm thời gian.
Thời gian để nướng nguyên con có thể kéo dài từ 30-45 phút.
- Thành phẩm:
- Sau khi hoàn thành xong các bước làm vịt nướng chao, bạn lấy vịt ra, chặt thành miếng vừa ăn rồi thưởng thức thành quả của mình cùng với đồ ăn kèm.
- Thịt vịt nướng chao có hương vị thơm ngon, lớp da giòn giòn bên ngoài vô cùng hấp dẫn.
8. Vịt nướng riềng mẻ
Vịt nướng riềng mẻ là một món ngon từ vịt có hương vị rất đặc biệt. Nếu được nếm thử món ăn này, chắc chắn bạn sẽ rất bất ngờ bởi nguyên liệu giản dị, không hề cầu kỳ nhưng món ăn lại rất thơm ngon và hấp dẫn.
- Nguyên liệu:
- Vịt 1 kg
- Mẻ 1/2 muỗng canh
- Củ riềng 50 gr
- Bột canh 1/2 muỗng cà phê
- Nước mắm 1/2 muỗng cà phê
- Tiêu/ bột ngọt 1 ít
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế vịt:
Đâu tiên vịt mua về bạn làm sạch lông và nội tạng vịt. Sau đó dùng một muỗng canh muối chà xát lên phần thịt vịt để khử mùi tanh cũng như giúp vịt sạch hơn.
Rửa sạch thịt vịt rồi để ráo. Tiếp đến bạn chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, to khoảng 2 lóng tay. Đừng chặt quá nhỏ, khi nướng sẽ dễ bị cháy khét.
- Bước 2: Ướp thịt vịt: 50gr riềng bạn rửa sạch rồi cạo bỏ lớp vỏ. Sau đó bạn giã hoặc xay nhuyễn riềng ra.
Tiếp đến bạn cho vịt vào tô, thêm vào tô 1/2 muỗng cà phê bột canh, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê nước mắm, 1/2 muỗng canh mẻ cùng phần riềng đã giã nhuyễn.
Đeo bao tay và bóp trộn đều cho phần gia vị ngấm vào thịt. Ướp thịt vịt trong 1 giờ đồng hồ.
- Bước 3: Nướng vịt: Quét một lớp dầu ăn lên chảo bếp nướng điện, khi dầu nóng bạn cho từng miếng thịt vịt lên chảo. Bật mức nhiệt trung bình và nướng cho phần mỡ trong vịt tiết ra, phần da vịt rám vàng thì bạn trở thịt.
Tiếp tục nướng mặt thịt còn lại đến khi vàng đều, thịt chín thơm. Nhớ rằng trong thời gian nướng bạn cần kiểm tra và trở đều thịt để tránh làm thịt vịt bị cháy nhé.
- Thành phẩm:
- Thịt vịt nướng riềng mẻ khi hoàn thành có mùi thơm lừng hấp dẫn, vịt vừa béo mềm, vừa ngọt nước, không khô lại cộng thêm lên hương vị thơm lừng của riềng và mẻ, tạo nên món vịt nướng thơm ngon và mới lạ.
9. Vịt quay Bắc Kinh
Vịt quay Bắc Kinh là một món ăn đặc sản nổi tiếng từ Đông Bắc – Trung Quốc với đặc trưng là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm thơm ngon, hấp dẫn. Đây là món ăn được rất nhiều người yêu thích.
- Nguyên liệu:
- Vịt 1 con(khoảng 1.5 - 2kg)
- Tỏi 1 củ
- Hành tím 1 củ
- Dầu hào 4 muỗng canh
- Rượu nấu ăn 1/2 muỗng canh
- Ngũ vị hương 5 muỗng cà phê
- Đường mạch nha 3 muỗng canh
- Dấm trắng 1 muỗng canh
- Tương xay 1/2 muỗng
- Đường 1 muỗng
- Bột ngọt 1/3 muỗng
- Muối 1/2 muỗng
- Bột năng 1/2 thìa cà phê
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế vịt: Vịt mua về bạn nên nhờ người bán làm lông, mổ rồi làm thật sạch ruột bên trong sau đó về nhà bạn chỉ cần rửa lại và chế biến, điều này giúp tiết kiệm thời gian chế biến ở nhà.
Cho dấm vào trong nước, cho vịt vào ngâm trong 1 giờ. Sau đó dùng dây buộc vịt vào sợi dây, treo vịt lên để cho khô, ráo nước.
- Bước 2: Ướp vịt bên trong và bên ngoài da vịt: Trộn 4 muỗng canh dầu hào vào 1/2 muỗng canh rượu nấu ăn và 1,5 muỗng cà phê ngũ vị hương, sau đó, phết hỗn hợp sốt này vào trong bụng vịt. Lưu ý phết thật đều để khi quay, gia vị ngấm đều vào từng thớ thịt của vịt.
Tiếp tục, trộn 3 muỗng canh đường mạch nha, với 3 muỗng canh nước nóng và 1 muỗng canh dấm trắng vào 1 cái bát khác. Sau đó phết hỗn hợp gia vị này lên khắp bề mặt da của vịt. Hỗn hợp này giúp cho da vịt sẽ có màu vàng sậm như cánh gián và giòn.
Sau 30 phút lại phết lại 1 lần nữa. Sau đó dùng lạt hoặc que xiên tre khâu kín bụng vịt lại để khi treo vịt hoặc quay vịt nước sốt bên trong không bị chảy mất ra ngoài.
Sau đó, treo vịt lên ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu là mùa đông có thể treo vịt lên trong 24 giờ. Còn riêng mùa hè, nếu treo lâu vịt sẽ bị ôi thiu, vì thế chỉ nên treo 5-6 tiếng.
- Bước 3: Nướng vịt trong lò: Sau khi treo vịt được thời gian như mong muốn, lúc này, cần làm nóng lò nướng lên để chuẩn bị quay vịt. Nên làm nóng ở nhiệt độ 180 độ C. Khi lò bắt đầu nóng, cho vịt vào quay.
Nướng vịt 15 phút thì lật vịt. Sau đó hạ nhiệt độ xuống 120 độ C và tiếp tục nướng trong 40 phút. Nếu vịt to hơn có thể nướng thêm 10 phút nếu nó nặng thêm 500g.
- Bước 4: Xối dầu ăn nóng vào vịt: Đun nóng một nồi dầu ăn, sau đó một tay cầm phần cổ vịt, một tay dùng muôi múc dầu ăn nóng rưới lên vào da vịt cho da vịt nóng giòn. Cẩn thận bị bỏng tay.
Cứ rưới đều tay và liên tục cho dầu ăn ngấm vào da vịt làm da vịt thật giòn là được. Sau khi xối dầu để tạo độ giòn cho da vịt, bạn treo vịt lên cho ráo dầu, để nguội bớt rồi thái thành từng miếng nhỏ. - Bước 5: Pha nước chấm vịt quay Bắc Kinh: Đầu tiên, pha nước lọc cùng 1/2 muỗng tương xay, 1 muỗng đường, 1/3 muỗng bột ngọt và 1/2 muỗng muối khuấy đều. Phi thơm hành tím, tỏi băm trên chảo dầu nóng, sau đó nấu sôi hỗn hợp trên trong khoảng 5 phút.
Sau 3 phút đun sôi xốt tương xay, cho nửa muỗng bột năng vào nấu cùng để tạo thành một hỗn hợp sền sệt rồi tắt bếp. Để nguội, vắt thêm chút chanh và tiêu xay vào là có thể thưởng thức.
- Thành phẩm:
- Khi vịt đã nướng xong, bạn có thể băm thành từng miếng vừa ăn hoặc lọc riêng thịt ra bằng cách khứa một đường quanh ức và bụng vịt. Dùng dao khứa đôi vịt dọc theo bụng vịt.
- Khứa phần thịt trên bề mặt này thành các miếng bằng nhau rồi lấy dao lọc từng miếng ra. Hoặc cũng có thể lọc riêng da với thịt rồi ăn kèm bánh tráng. Khi ăn, phết nước chấm lên bánh tráng rồi gói thịt vịt, hành boaro và dưa chuột, cuộn lại, chấm lần nữa rồi thưởng thức.
10. Vịt rô ti nước dừa
Vịt rô ti nước dừa là món ngon từ vịt rất hấp dẫn và đưa cơm. Với cách làm đơn giản chỉ cần xử lý sạch mùi hôi của thịt vịt rồi ướp cùng hỗn hợp gia vị và xốt tạo mùi thơm hấp dẫn, sau đó chiên sơ cho thịt săn lại rồi rót thêm nước dừa, đun đến cạn là bạn đã có ngay một món ăn vô cùng thơm ngon, khó cưỡng.
- Nguyên liệu:
- 1 con vịt
- 2 nhánh hành lá
- 2 củ hành tím
- 1 miếng gừng
- 3 tép tỏi
- 1/3 củ hành tây
- 1 lít nước dừa tươi
- Gia vị: 2 muỗng canh dầu hào + 1 muỗng canh xì dầu + 1 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng cà phê ngũ vị hương + 1 muỗng canh rượu nấu ăn (mình dùng rượu mai quế lộ) + 1 muỗng cà phê bột nêm
- Cách nấu:
- Bước 1: Hành tím + gừng + tỏi thái lát. Hành lá thái khúc. Hành tây thái mỏng.
- Bước 2: Vịt rửa với nước muối và rượu gừng hay rượu thường, sau đó xả qua nước lạnh thật sạch. chặt vịt thành 4 miếng to. Cho thịt vịt vào âu, sau đó cho hết gia vị và hành tỏi vào. Mang bao tay trộn ướp ít nhất 2 tiếng.
- Bước 3: Bắc 1 cái chảo to lên bếp, cho vào 2-3 muỗng canh dầu, chờ dầu nóng cho từng miếng thịt vào chiến áp chảo hai mặt, sau đó cho hết nước ướp thịt cùng nước dừa tươi vào, đậy nắp rim lửa thấp, cứ rim từ từ cho đến khi nước rút và sánh lại, thịt vịt chín và có màu đẹp mới tắt bếp.
Nếu thịt chưa chín mà nước cạn thì cần phải đổ thêm.
- Thành phẩm:
- Vịt rô ti cho ra dĩa có xà lách + dưa leo cùng ít mì xào.
11. Thịt vịt đút lò
Thịt vịt trước khi đút lò đã được chiên rán nên lớp da vịt săn lại rất ngon. Sau đó đem nướng trong lò khiến phần thịt mềm, ngậy và thơm nức hương vị của các loại gia vị đi kèm. Cách làm thịt vịt đút lò này chắc chắn sẽ giúp cho thực đơn của bạn thêm đa dạng, không kém phần hấp dẫn và lạ miệng.
- Nguyên liệu:
- Thịt vịt 1 Con
- Muối 1 Muỗng cà phê
- Tiêu 1/2 Muỗng cà phê
- Hành tây 1 Củ
- Mận khô 100 Gr
- Dầu ăn 2 Muỗng canh
- Nguyệt quế 5 Lá
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế: Thịt vịt rửa sạch, thấm khô bằng khăn giấy, chặt thành các miếng nhỏ. Phần nhiều xương như lưng, cổ có thể để lại để hầm lấy nước dùng hoặc nấu canh tùy ý.
- Bước 2: Làm nóng dầu trong một chiếc chảo gang. Cho thịt vịt vào chiên cho đến khi vàng giòn mỗi bên mặt thịt. Nêm muối và hạt tiêu.
- Bước 3: Hành tây cắt hạt lựu. Sau đó, cho lá nguyệt quế vào, tiếp đến là hành tây và mận khô vào cùng.
- Bước 4: Đậy nắp vung lại và đặt chảo thịt vịt sang một bên. Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 350 độ F. Sau đó đặt nồi thịt vịt vào trong lò và nấu trong 1 giờ. Sau đó, chỉ việc thưởng thức thịt vịt đút lò với cơm trắng thôi.
12. Vịt nấu chao - món ngon từ vịt đưa cơm
Vịt nấu chao là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây. Món ăn này thường được chế biến vào những dịp cuối tuần gia đình, bạn bè sum họp. Nếu đã từng thưởng thức qua, chắc hẳn bạn sẽ khó lòng quên được hương thơm đặc trưng của chao hòa cùng vị bùi của khoai môn và vị béo ngậy của từng miếng thịt vịt. Món ăn này thường được dùng kèm với cơm nóng hoặc bún và các loại rau sống ăn kèm tùy theo sở thích cá nhân.
- Nguyên liệu:
- Vịt 1 con(khoảng 1.5kg)
- Khoai môn 500 gr(2 củ)
- Chao đỏ 350 gr(hoặc chao môn)
- Rau muống 200 gr
- Cải thìa 200 gr
- Hành tím 4 củ
- Tỏi 5 tép
- Gừng 1 nhánh
- Ớt sa tế 1/2 muỗng cà phê
- Bún tươi 500 gr
- Đường phèn 3 muỗng canh
- Dầu ăn 7 muỗng canh
- Dầu màu điều 2 muỗng canh
- Gia vị thông dụng 1 ít(Muối/ hạt nêm/ đường/ bột ngọt)
- Cách nấu:
- Bước 1: Sơ chế: Để khử mùi hôi của thịt vịt, bạn chà xát 1 muỗng canh muối lên bề mặt thịt vịt, rồi rửa thật sạch với nước. Sau đó, chặt thành khúc nhỏ vừa ăn, để ra rổ cho ráo nước.
Khoai môn bạn dùng dao gọt bỏ đi lớp vỏ rồi rửa sạch và cắt thành các miếng vừa ăn có chiều dài khoảng 2 lóng tay.
Hành tím và tỏi, gừng bạn bỏ vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ. Rau muống và rau cải thìa bạn nhặt bỏ gốc già, lá úa, rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn khoảng 2 lóng tay.
Bạn lấy 200gr khoai môn đã sơ chế cho vào máy xay sinh tố, thêm 200ml sữa tươi không đường rồi xay nhuyễn mịn.
- Bước 2: Ướp vịt: Bạn lấy 300gr chao đỏ và 2 muỗng canh nước của chao ra chén, thêm 3 muỗng canh đường, 2 muỗng canh dầu màu điều, 2 muỗng canh bột ngọt, dùng muỗng nghiền nhuyễn.
Bạn ướp vịt với hỗn hợp chao và 1/2 phần hành tím băm, 1/2 phần tỏi băm. Trộn đều và để ướp thịt vịt trong khoảng 2 tiếng cho thấm gia vị.
- Bước 3: Chiên khoai môn: Bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, cho vào chảo 5 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng thì bạn cho phần khoai môn còn lại vào chiên.(Bạn chỉnh lửa nhỏ và chiên khoảng 5 phút cho khoai môn vàng đều cả 2 mặt thì bạn gắp ra để ráo dầu.)
- Bước 4: Làm vịt nấu chao: Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, cho vào nồi 2 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng thì bạn cho phần hành tím, tỏi còn lại và 1 muỗng canh gừng băm vào, phi thơm lên.
Khi hành tím, tỏi đã thơm, bạn cho thịt vịt vào, xào khoảng 10 phút ở lửa lớn cho thịt vịt săn lại rồi bạn cho hỗn hợp khoai môn xay nhuyễn vào xào thêm 10 phút ở lửa vừa.
Sau đó, bạn cho 2 lít nước, 3 muỗng canh đường phèn, 4 muỗng canh hạt nêm vào, chỉnh lửa nhỏ đậy nắp nấu thêm 30 phút.
Sau cùng, bạn thêm nấm rơm, khoai môn đã chiên vào, đợi sôi lại bạn nêm nếm cho hợp khẩu vị gia đình là hoàn thành rồi nè!
- Bước 5: Làm nước chấm: Bạn lấy 50gr chao (khoảng 2 viên) và 4 muỗng canh nước của chao ra chén, dùng muỗng nghiền nhuyễn rồi thêm 1/2 muỗng cà phê ớt sa tế vào là hoàn thành nước chấm.
- Thành phẩm:
Vịt nấu chao sau khi hoàn thành có màu sắc đẹp mắt, mùi thơm hấp dẫn lan tỏa cả căn phòng.
Khi ăn bạn cho bún tươi ra chén, ăn tới đâu nhúng kèm rau muống, rau cải thìa tới đó, phần thịt vịt thơm, béo mềm, thấm đẫm gia vị vừa ăn, chấm kèm chén chao, chắc chắn sẽ khiến gia đình bạn thích mê chỉ với miếng đầu tiên.
13. Vịt nấu giả cầy
Giả cầy là món ăn đặc sản của người dân miền Bắc, thường được dùng phổ biến trong mùa đông hay những ngày thời tiết mưa lạnh. Giả cầy được nấu từ nhiều nguyên liệu: thịt heo, thịt ngan, thịt vịt… kết hợp với các gia vị đặc trưng có tính nóng như: gừng, riềng, tỏi… đặc biệt không thể thiếu mẻ và mắm tôm.
- Nguyên liệu:
- 1/2 con vịt (khoảng 800g)
- 1 trái ớt sừng
- 10g ngò gai và rau om
- 1 muỗng canh nghệ băm
- 1 muỗng canh hành băm
- 2 muỗng canh tỏi băm
- 3 muỗng canh riềng băm
- 3 muỗng canh nước mẻ
- 1 trái dừa tươi
- Gia vị: mắm tôm, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, muối
- Các bước nấu:
- Bước 1: Sơ chế vịt và các nguyên liệu: Vịt sau khi mua về, bạn mua về rửa sạch cùng với muối và chanh để khử đi mùi tanh. Tiếp theo dùng đồ khò lửa thui phần da bên ngoài. Thui để da có màu vàng và dậy mùi thơm hơn. Sau đó chặt vịt thành những miếng vừa ăn.
Ớt sừng rửa sạch, cắt lát. Ngò gai và ngò ôm rửa sạch, cắt khúc nhỏ.
Dừa chặt lấy phần nước.
- Bước 2: Ướp thịt vịt: Cho vịt vào âu lớn và ướp cùng với 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng canh mắm tôm, 1 muỗng canh nghệ băm, 1 muỗng canh tỏi, 1 muỗng canh hành tím băm, 2 muỗng canh riềng băm, 3 muỗng canh nước mẻ, 1 muỗng canh hạt nêm, trộn đều cho thịt thấm đều gia vị và để ướp trong thời gian ít nhất 30 phút.
- Bước 3: Nấu vịt: Bắc nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, đổ tỏi vào phi thơm, vàng. Sau đó đổ hết phần vịt đã ướp vào xào săn lại. Tiếp theo đổ nước dừa vào, đậy nắp, đun trên lửa nhỏ cho thịt vịt mềm và nước hơi sắc lại.
Khi thấy nước đã hơi cạn, bạn cho vào nồi 1 muỗng canh riềng băm, ớt sừng, ngò gai, rau om và tắt bếp.
- Yêu cầu thành phẩm:
- Miếng thịt vịt vàng thơm, mềm, không bị nát hoặc bị dai. Vị đậm và đặc biệt là dậy mùi thơm của riềng và mẻ.
14. Cháo vịt
Cháo vịt là món ăn Việt quen thuộc được bày bán ở nhiều nơi từ những quán vỉa hè bình dân đến hàng quán sang trọng. Cách nấu cháo vịt cỏ ngon tương đối đơn giản tuy nhiên cần sự tỉ mỉ của người nấu để đem đến hương vị thơm ngon cho người thưởng thức. Đồng thời, bạn cần nắm một số điểm lưu ý quan trọng để có món ăn ngon, bổ dưỡng ngay tại nhà.
- Nguyên liệu:
- 1 con vịt (loại vịt cỏ nặng khoảng 1kg)
- 2 củ hành tím
- 1 củ tỏi
- 1 củ gừng
- 1 chén gạo tẻ
- 1 nắm gạo nếp
- Một số loại rau: Hành lá, rau mùi, tía tô.
- Gia vị: Dầu ăn, tiêu xay, nước mắm, muối, bột ngọt, …
- Cách nấu cháo:
- Bước 1: Sơ chế thịt vịt: Đầu tiên, bạn làm sạch lông thịt vịt mua về, chà xát muối, rửa lại nhiều lần với nước. Sau đó, bạn gọt vỏ, băm nhỏ ½ củ gừng, chà xát lên toàn bộ bề mặt của vịt, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để khử mùi tanh.
- Bước 2: Luộc thịt vịt: Tiếp theo, bạn nướng 1 củ hành tím rồi bóc vỏ, đập dập miếng gừng còn lại. Sau đó, bạn cho vào chung hành, gừng, ít muối vào nồi nước, tiến hành luộc vịt.
- Bước 3: Phi hành: Sau đó, bạn thái mỏng củ hành tím còn lại cho vào chảo dầu phi vàng.
- Bước 4: Nấu cháo: Sau đó, bạn trộn gạo nếp và gạo tẻ, vo sạch, để trên rổ cho ráo nước rồi cho vào chảo rang sơ qua đến khi ngả sang màu hơi vàng.
Khi vịt chín, bạn vớt ra ngoài. Kế đó, bạn cho gạo vào nồi nước luộc vịt, đun tiếp cho đến khi nồi cháo sôi bùng lên thì nhanh tay điều chỉnh lửa nhỏ và hầm để cháo chín nhừ. Cách nấu cháo vịt cỏ ngon là bạn tiến hành nêm nếm gia vị vào cháo cho vừa ăn ngay ở bước này.
- Bước 5: Chặt vịt: Trong thời gian hầm cháo, bạn dùng dao để chặt vịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn và xếp ra đĩa ăn.
- Bước 6: Pha nước chấm: Tiếp theo, bạn pha nước mắm chấm công thức: 1 thìa tỏi băm, ½ thìa ớt băm, 1 thìa đường, nước mắm ngon, ½ củ gừng thái sợi chỉ cùng một ít nước lọc, trộn đều.
- Bước 7: Hoàn thành và trình bày: Kế đó, bạn nhặt và rửa sạch các loại rau ăn kèm như hành lá, tía tô, rau mùi bằng nước muối pha loãng. Sau đó, bạn thái nhỏ các loại rau và để riêng.
Khi cháo chín nhuyễn, bạn múc cháo ra bát, cho lên trên một ít hành phi, hành lá, tía tô và rau mùi cùng một ít tiêu xay. Như vậy, bạn đã hoàn thành cách nấu cháo vịt trong thời gian ngắn.
15. Bún vịt măng tươi
Bún măng vịt là món ngon từ vịt đơn giản trong cách chế biến nhưng lại được yêu chuộng tại nhiều vùng miền của nước ta. Chút béo ngậy của thịt vịt hòa quyện cùng nước dùng ngọt thanh và vị sần sật của măng sẽ mang đến cho bạn một món ăn ngon đến khó cưỡng.
- Nguyên liệu:
- 1 con vịt (khoảng 2kg)
- 150g gừng
- 50g hành tím củ
- 1 muỗng canh hành tím băm
- 200g củ cải trắng
- 50g măng khô
- 3 muỗng canh hành phi
- 1 trái ớt hiểm
- Bún tươi
- Gia vị: muối, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt
- Rau ăn kèm: giá đỗ, bắp chuối, rau răm, rau thơm, rau muống bào
- Rau nêm: hành lá, ngò rí và rau răm
- Các bước nấu:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu khác: Hành tím mang đi rửa, sau đó cho lên bếp nướng thơm. Gừng rửa sạch, chia làm 3 phần, 1 phần mang đi nướng như hành tím, 1 phần đập dập, phần còn lại xay nhuyễn. Gừng xay vắt lấy xác, bỏ phần nước. Phần hành tím, gừng nướng cạo bỏ phần cháy đen, rửa lại. Củ cải trắng rửa sạch, cắt khúc. Ớt hiểm băm nhuyễn. Rau ăn kèm rửa sạch, để ráo. Rau nêm rửa sạch, cắt nhỏ.
- Bước 2: Sơ chế măng: Măng khô mang đi ngâm với nước vo gạo qua đêm sau đó rửa sạch lại 2 – 3 lần. Cho măng vào nồi nước, luộc 10 phút tính từ lúc nước sôi (luộc 10 phút với sợi măng nhỏ, nếu sợ măng xé to hơn thì thời gian luộc là tầm 15 phút). Sau khi luộc 10 phút, đổ ra ngâm nước lạnh cho nguội rồi vớt ra để ráo.
Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, đổ hành tím băm vào phi thơm, trút măng vào xào. Bạn cũng nêm vào chảo ½ muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt đảo đều cho măng thấm gia vị và tắt bếp.
- Bước 3: Sơ chế thịt vịt: Cho gừng đập dập, 30g muối và 2 muỗng canh rượu trắng vào thau rồi lấy hỗn hợp này chà xát trên toàn bộ thân vịt từ trong ra ngoài. Sau đó rửa lại 2 – 3 nước cho thật sạch.
- Bước 4: Nấu nước dùng: Bắc khoảng 5 lít nước lên bếp, đun sôi tăm thì cho vịt vào cùng với gừng, hành tím nướng, củ cải trắng. Khi đun được 30 phút, bạn nêm vào nồi 30g muối, 60g đường, 30g hạt nêm. Trong quá trình nấu, bạn nhớ thường xuyên vớt bọt.
Bạn dùng đũa xiên vào vịt nếu không chảy nước đỏ ra là vịt đã chín, nhanh chóng vớt ra ngâm vào âu nước lạnh. Sau đó, bạn vớt ra, chặt thành miếng vừa ăn.
Tiếp theo, bạn có thể lọc lại nước dùng, bỏ hết phần rau củ nấu cùng. Cho hành phi vào nồi nước dùng mới lọc, bắt lại lên bếp và nêm vào 50g nước mắm, 20g bột ngọt. Sau khi nêm xong, bạn cho măng vào đợi sôi lên lại và tắt bếp.
- Bước 5: Làm nước chấm: Cho 45g đường, 30g nước mắm, 20g giấm, 1g bột ngọt vào chén, khuấy tan. Tiếp theo bạn cho xác gừng và ớt băm vào, khuấy đều lên lần nữa.
- Bước 6: Trình bày và thưởng thức: Cho bún ra tô, sắp thịt vịt, chan nước dùng kèm với măng, rau nêm, cho thêm 1 ít hành phi và đừng quên thưởng thức kèm với rau, chấm nước mắm gừng. Nếu thích thêm vị chua, bạn có thể vắt thêm 1 miếng chanh nhỏ.
Những ai không nên ăn thịt vịt?
Tuy thịt vịt có khá nhiều chất dinh dưỡng, nhưng vẫn cấm kỵ với một số đối tượng vì khi ăn sẽ mang lại tác hại xấu. Theo như đông y, thịt vịt có tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Tuy nhiên những người sau đây cần nên tránh thịt vịt, gồm:
- Người bị cảm: Theo y học cổ truyền, thịt vịt có tính hàn, vị ngọt, có thể bồi bổ cơ thể, bổ hư, lợi tiểu,…vnhưng bởi có tính hàn nên người đang cảm tuyệt đối không được ăn vì nó sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.
- Người bệnh gout: Thịt vịt có chứa lượng purin cao làm tăng axit uric trong cơ thể, cho nên người bệnh gout tuyệt đối không được ăn loại thịt này.
Người mới phẫu thuật xong: Thịt vịt có chất tanh khiến vết thương lâu lành, cho nên người mới phẫu thuật xong nên kiêng thịt vịt. - Người có hệ tiêu hóa kém: Theo đông y, vì thịt vịt mang tính hàn (lạnh) nên những người có hệ tuần hoàn kém lâu ngày làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch… cũng không nên ăn nhiều nếu không muốn cơ thể càng dễ bị nhiễm lạnh hơn. Ngoài ra thịt vịt cũng khiến người có thể trạng hàn dễ bị các bệnh về cơ – xương – khớp.
Hi vọng bài viết trên đã có thể giúp các bạn biết được các món ngon từ vịt, cách làm của chúng, đồng thời giúp bạn có thêm kiến thức về dinh dưỡng. Chúc bạn thành công.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Bình luận 0 Bình luận
Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Hãy thoải mái chia sẻ quan điểm của bạn, nhưng nhớ tuân thủ chính sách bình luận