[Cần biết] Nợ xấu nhóm 5 là gì? Nợ xấu nhóm 5 có bị truy tố không?
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nếu quá hạn chi trả sẽ đưa vào nhóm nợ xấu, trong đó mức cao và nghiêm trọng nhất là nợ xấu nhóm 5. Tất cả thông tin về nợ xấu sẽ được Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC lưu trữ.
Khi dính vào nợ nhóm 5, bạn sẽ gặp những rắc rối nhất định, thậm chí là khiếu kiện nếu tiếp tục ngó lơ số nợ. Vậy cụ thể nợ xấu nhóm 5 là gì? vì sao bị xếp nào nợ nhóm 5? Những lưu ý để tránh nợ xấu? Tất cả thông tin chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nợ xấu nhóm 5 là gì? Khi nào hồ sơ vay của bạn bị xếp vào nợ nhóm 5?
Theo quy định hiện nay, dựa trên Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nợ được phân loại thành 05 nhóm gồm:
- Nợ nhóm 1 là nợ tiêu chuẩn.
- Nợ nhóm 2 là nợ cần chú ý.
- Nợ nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn.
- Nợ nhóm 4 là nợ nghi ngờ.
- Nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn.
Đồng thời, khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN cũng có nêu: Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5
Như vậy nợ nhóm 5 sẽ xếp vào nhóm nợ xấu, cần theo dõi và sẽ khó vay được tại các ngân hàng cũng như công ty tài chính khác.
Vậy nợ xấu nhóm 5 là gì?
Tại Điểm đ, khoản 1, Điều 11 Thông tư 11/2021/TT-NHNN có nêu rõ về phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định tính, cụ thể:
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
- Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không còn khả năng thu hồi, có khả năng mất vốn.
- Các cam kết ngoại bảng mà khách hàng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cam kết.
Khi nào hồ sơ vay của bạn bị xếp vào nợ nhóm 5?
Dựa trên Điểm đ, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm bạn rơi vào nợ xấu nhóm 5, có thể kể đến như:
- Sở hữu các khoản nợ quá hạn 360 ngày.
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.
- Sở hữu các khoản nợ đã được cơ cấu lại lần thứ 3 kể cả quá hạn hoặc chưa quá hạn.
- Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi được.
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.
- Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản
Cách kiểm tra nợ xấu
Dưới đây là các cách kiểm tra nợ xấu thường sử dụng nhất:
- Kiểm tra nợ xấu cá nhân bằng Website hoặc App của CIC.
- Kiểm tra nợ xấu cá nhân bằng app ngân hàng.
- Trực tiếp đến ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng mà bạn đang vay vốn để kiểm tra.
Việc kiểm tra nợ xấu là bước xác định cụ thể tình trạng tài chính hiện tại của bạn để qua đó biết mình đang ở trạng thái như thế nào để có hướng giải quyết cho phù hợp nhất.
Nợ xấu nhóm 5 có được tiếp tục được chấp nhận vay tiền ngân hàng không?
Nếu bạn đang được xếp vào nhóm 5 và có nhu cầu vay tiền ngân hàng thì khó đấy, đa phần các ngân hàng đều "sợ" hồ sơ rơi vào nhóm nợ có khả năng mất vốn cho vay này.
Căn cứ theo quy định của Ngân hàng nhà nước, đối với mỗi nhóm nợ xấu thì ngân hàng đều phải trích lập dự phòng rủi ro. Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu càng cao thì mức trích lập dự phòng càng nhiều, điều này cũng đồng nghĩa giảm biên lợi nhuận của Ngân hàng nên Ngân hàng nào cũng không mong muốn điều đó xảy ra.
Cụ thể, nhóm nợ càng xấu, thì tỷ lệ trích lập dự phòng càng cao. Nếu như nhóm 1: 0%; nhóm 2: 5%; nhóm 3: 20%; nhóm 4: 50%; thì nhóm 5: 100%.
Vì vậy, nợ nhóm 5 là một "nỗi ám ảnh" đối với các tổ chức tín dụng, do đó tỉ lệ rất cao khi bạn đang dính nợ nhóm 5 sẽ bị tối chối vay ngay. Từ dân gian chúng ta thường ví là ngân hàng "chạy mất dép" khi nhìn thấy hồ sơ vay dính nợ nhóm 5.
Chỉ khi hồ sơ đi vay của bạn được cải thiện bằng cách tất toán các khoản nợ quá hạn và đợi trên hệ thống CIC xóa tên người đi vay khỏi danh sách nợ xấu, trong khi đó thời gian mà CIC xóa nợ xấu là 5 năm đối với nợ nhóm 5, nên bạn mất một khoảng thời gian không nhỏ mới có thể tiếp cận nguồn vốn vay.
Chính vì thời gian chờ đợi lâu như thế nên các ngân hàng và tổ chức tài chính thường hối thúc người đi vay thanh toán khoản nợ để tránh việc hồ sơ bị đóng băng quá lâu.
Những lưu ý để tránh bị rơi vào nợ xấu?
Nợ xấu có khả năng phòng ngừa được khi bạn lưu ý một trong các điều sau:
- Cần kỷ luật tuân thủ theo đúng quy định mà các ngân hàng đặt ra, tất toán các khoản nợ đúng kỳ thời hạn và không dây dưa với các khoản nợ để tránh việc lãi chồng lãi và mất khả năng chi trả.
- Cân đối mức vay và chi phí thanh toán nợ mỗi tháng không vượt quá 50% thu nhập hàng tháng để đảm bảo được khả năng trả nợ vay, bởi nếu bạn không tính toán được thời gian và số tiền chi trả nợ mỗi tháng chắc chắn bạn sẽ rất mệt mỏi với khoản nợ đã vay và mọi nhu cầu, sinh hoạt thường ngày sẽ bị xáo trộn lớn với 2 chữ "tiền bạc".
- Đừng đi vay khi lịch sử tài chính 02 năm gần nhất của bạn luôn bị âm, bởi khi đi vay có khác nào bạn rước họa vào nhà.
- Hãy chắc chắn rằng bạn đã thanh toán toàn bộ khoản vay trước đó thì hãy khi mang hồ sơ đi vay tiếp, điều này giảm gánh nặng tài chính cho bạn và chỉ tập trung chi trả cho một khoản nợ duy nhất, lúc này khả năng thanh toán sẽ được đảm bảo hơn so với việc chi trả cho nhiều khoản nợ cùng một lúc.
- Cuối cùng, nếu cảm thấy bản thân không có khả năng chi trả cho các khoản nợ thì tốt nhất là đừng đi vay, thứ nhất là ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng, thứ hai là lãi suất và thứ ba là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường ngày.
Một số điều cần biết về nợ nhóm 5
Nợ xấu nhóm 5 có bị truy tố không?
Theo Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội ban hành ngày 24/11/2015, tại Điều 466 có quy định: "Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo quy định trên, bên vay có nghĩa vụ trả đủ số tiền đã vay khi đến hạn. Nếu không nhận đủ số tiền đã cho vay, bên cho vay có quyền kiện ra Tòa án để đòi hết số tiền còn lại.
Đối với trường hợp vay tiền ngân hàng nhưng không trả được nợ khi quá hạn, tùy vào chính sách của từng ngân hàng và thời gian nợ xấu mà bị kiện ra tòa sẽ khác nhau.
Hiện nay trong bộ luật hình sự không có tội danh quy định về nợ xấu do đó nếu như cá nhân có nợ xấu thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, người vay vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự.
Do đó, để tránh khỏi các rắc rối bạn nên nhanh chóng trả hết các khoản vay của mình nhé
Mất bao lâu thì người vay được xóa khoản nợ xấu?
Căn cứ tại khoản 1, Điều 1, Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định như sau:
"Điều 11. Hạn chế khai thác thông tin tín dụng
1. Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Do đó, thông tin các khoản nợ như lịch sử khoản nợ xấu sẽ được lưu trữ trên hệ thống CIC trong thời hạn là 05 năm. Sau 05 năm những đối tượng thuộc nhóm khoản nợ xấu được xóa nợ trên CIC và có thể được vay tiếp.
Điều kiện xóa nợ xấu nhóm 5 dưới 10 triệu
Nhiều người nhầm tưởng khi bị dính nợ nhóm 5 sẽ bị lưu hồ sơ lên đến 5 năm. Thật ra đối với các khoản vay nhỏ dưới 10 triệu thì có quy định khác chút xíu và thoáng hơn là khi bạn đã tất toán hết nợ thì trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC sẽ ngừng cung cấp lịch sử nợ xấu đối với các khoản này.
Có nghĩa là nếu số tiền nợ thực tế của bạn dưới 10 triệu và đã thanh toán thì sẽ được xóa nợ xấu trên CIC ngay lập tức và có thể tiếp tục đăng ký vay vốn bình thường.
Kết luận
Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu câu chuyện xoay quanh nợ nhóm 5, một món nợ không chỉ là nỗi ám ảnh của riêng người vay mà còn cả tổ chức cho vay.
Do đó, bạn hãy cân nhắc khi vay vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển, tránh liệt vào danh sách khách hàng có nợ khó đòi. Cần nhanh chóng tìm cách thanh toán nhanh nhất có thể, đừng kéo dài với khoản nợ vì mọi cách trốn nợ đều là vô nghĩa.
Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp những thông tin có ích đến những bạn đang tìm hiểu về nợ xấu nhóm 5, cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.