Retinoids từ A - Z: Giải mã các câu hỏi thường gặp dựa trên cơ sở khoa học

Giải đáp tất tần tật từ A-Z các câu hỏi phổ biến về hoạt chất Retinoids.

Thảo Una , Thúy Nga 12 tháng 05, 2025 - 11:52 (GMT +07)   Retinoids từ A - Z: Giải mã các câu hỏi thường gặp dựa trên cơ sở khoa học

Bài viết này sẽ không phải là những kiến thức khô cứng về Retinoids, mà là giải đáp cho những câu hỏi thường gặp về Retinoids trong cách sử dụng và bản chất. Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn cẩm nang sử dụng Retinoids từ A - Z thì hãy đọc thật kỹ bài viết này nhé!

Chanh Tươi Review đã tham khảo ý kiến của chuyên gia và tìm hiểu các tài liệu, nghiên cứu chứng minh để mang đến những giải đáp chính xác nhất cho các thắc mắc thường gặp về retinoids.

Bạn có thể đọc các bài viết tìm hiểu về Retinoid tại đây: Retinoid là gì? Retinoid khác gì Retinol?

Câu hỏi thường gặp về retinoids: Từ A - Z

Chanh Tươi Review sẽ giải đáp thắc mắc thường gặp về Retinoids chính xác, chi tiết nhất dưới đây:

Thời điểm lý tưởng để bắt đầu sử dụng Retinoids là khi nào?

Đây là một câu hỏi thường gặp về Retinoids khi mới tìm hiểu về hoạt chất này. Việc khởi động hành trình cùng retinoids không tuân theo một “mốc tuổi vàng” cố định, mà phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của làn da và mục tiêu điều trị. Nếu bạn đang đối mặt với mụn trứng cá, dấu hiệu lão hóa sớm, tăng sắc tố, hay các bệnh lý da như vảy nến (trong trường hợp này có thể được chỉ định acitretin – một dạng retinoid dùng đường uống), thì đó chính là lúc bạn nên cân nhắc đến việc sử dụng retinoids.

Ngay từ tuổi dậy thì, nếu làn da bắt đầu nổi mụn viêm, mụn đầu đen hay bít tắc lỗ chân lông, bạn hoàn toàn có thể được bác sĩ da liễu kê đơn tretinoin. Thực tế, có những trường hợp chỉ mới 11–12 tuổi nhưng đã bắt đầu điều trị mụn bằng tretinoin dưới sự theo dõi chuyên môn.

Với mục tiêu chăm sóc da mang tính phòng ngừa, đặc biệt là làm chậm quá trình lão hoá – thời điểm được xem là tối ưu để đưa retinoids vào chu trình dưỡng da thường nằm trong khoảng từ 22 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn có nền tảng kiến thức tốt, hiểu rõ cơ chế và cách dùng an toàn, thì việc bắt đầu với các dạng nhẹ hơn như retinol ester hoặc retinol nồng độ thấp từ năm 18 tuổi là hoàn toàn khả thi.

câu hỏi thường gặp về retinoids 1
Thời điểm lý tưởng để bắt đầu sử dụng Retinoids là khi nào?

Sử dụng retinoids mà không bong tróc thì không có tác dụng?

Quan niệm sai lầm!

Tình trạng bong tróc, đỏ hoặc khô da là những phản ứng thường gặp khi bắt đầu dùng retinoids, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng phải xảy ra mới chứng minh sản phẩm hiệu quả. Trên thực tế, các biện pháp như bắt đầu với nồng độ thấp, giảm tần suất sử dụng, dùng lượng nhỏ hoặc kết hợp với kem dưỡng đã được khuyến khích để giúp da thích nghi tốt hơn, hạn chế tối đa tình trạng kích ứng.

Retinoids khiến da bị mỏng, tổn thương hoặc bị bào mòn?

Hoàn toàn không đúng!

Từ khi FDA phê duyệt tretinoin cách đây hơn 50 năm đến nay, qua nhiều thế hệ retinoids, từ thế hệ thứ hai như etretinate, acitretin (điều trị vảy nến), đến thế hệ thứ ba như adapalene, tazarotene và mới nhất là trifarotene – các dẫn xuất này đều đã được chứng minh hiệu quả và độ an toàn cao qua nhiều nghiên cứu nghiêm ngặt.

Thực tế, việc bong tróc xảy ra là do retinoids giúp loại bỏ lớp tế bào chết (lớp sừng), dẫn đến lớp sừng có vẻ mỏng đi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc da bị mỏng hay yếu đi.

 Ngược lại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra retinoids giúp làm dày lớp trung bì bằng cách kích thích sản sinh collagen, elastin và glycosaminoglycan (GAGs) - những yếu tố quan trọng trong việc củng cố cấu trúc và độ đàn hồi của da. Ví dụ như trong nghiên cứu “Restoration of Collagen Formation in Photodamaged Human Skin by Tretinoin ( Griffiths CE, Russman AN, Majmudar G, Singer RS, Hamilton TA, Voorhees JJ) [4] ” và Một nghiên cứu so sánh về tác dụng của retinol và axit retinoic đối với các đặc tính mô học, phân tử và lâm sàng của da người vào năm 2016 [5].

Việc da bị đỏ, căng, rát trong giai đoạn đầu là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí được xem là dấu hiệu cho thấy retinoids đang hoạt động, hỗ trợ quá trình sửa chữa và tái tạo da. Ngoài ra, retinoids còn thường được khuyên dùng trước các thủ thuật da liễu như peel hay laser nhờ khả năng thúc đẩy quá trình lành thương nhanh hơn, một minh chứng rõ ràng cho việc retinoids không hề gây tổn hại cho làn da. [3]

Thậm chí, đối với những làn da bị tổn thương do lạm dụng corticosteroids như giãn mao mạch, da mỏng yếu, teo da nhiều nghiên cứu đã cho thấy retinoids có khả năng phục hồi và cải thiện rõ rệt, giúp củng cố lại hàng rào bảo vệ da. Ví dụ như trong một nghiên cứu lâm sàng, mô học và sinh hóa kéo dài 8 tuần. Ở mỗi 20 bệnh nhân bị vẩy nến, một mảng bám và vùng da quanh tổn thương của mảng bám được điều trị một lần mỗi ngày bằng betamethasone dipropionate và tretinoin 0,1%, và một mảng bám và vùng da quanh tổn thương được điều trị một lần mỗi ngày bằng betamethasone dipropionate và tretinoin. Những dữ liệu cuối cùng đều chỉ ra rằng việc bổ sung tretinoin không làm giảm hiệu quả của corticosteroid tại chỗ trong điều trị bệnh vẩy nến và cải thiện một phần tình trạng teo biểu bì do corticosteroid tại chỗ gây ra. [6]

câu hỏi thường gặp về retinoids 2
Retinoids là bong lớp sừng nhưng không đồng nghĩa với việc làm da mỏng, yếu đi

Retinoids làm mụn viêm trở nên nặng hơn và gây đẩy mụn?

Không hẳn vậy!

Trong giai đoạn đầu sử dụng, việc da xuất hiện mẩn đỏ, sưng rát hay kích ứng là điều phổ biến – điều này đôi khi bị nhầm lẫn với việc “mụn bùng phát” hay “đẩy mụn nặng”. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng retinoids có tác dụng hiệu quả trên cả mụn viêm lẫn mụn không viêm và những phản ứng ban đầu này sẽ giảm dần theo thời gian khi da bắt đầu thích nghi.

Thông thường, hiệu quả rõ rệt trên mụn chỉ bắt đầu thể hiện từ tuần thứ 12 trở đi (khoảng 3 tháng sử dụng) và có thể chậm hơn đối với một số dẫn xuất. Nếu sau thời gian này tình trạng viêm không cải thiện, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được điều chỉnh phù hợp. [3]

Có dùng retinoids khi đang mang thai hoặc cho con bú?

Đây là một trong những chủ đề gây tranh cãi và khiến không ít người cảm thấy lo lắng. Trên lý thuyết, retinoids đặc biệt là dạng uống có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến thai nhi, nhưng mức độ rủi ro sẽ khác nhau tùy vào dạng hoạt chất cụ thể và đường sử dụng.

🚫 Những dạng cần tuyệt đối tránh:

Trong báo cáo “Safety of skin care products during pregnancy” (Sự an toàn của các sản phẩm chăm sóc da trong thời kỳ mang thai) của NIH có chỉ ra: Lượng Retinoids hấp thụ từ da khi sử dụng sản phẩm này rất thấp; tuy nhiên, có 4 báo cáo trường hợp đã công bố về dị tật bẩm sinh trong tài liệu liên quan đến việc sử dụng tretinoin đường bôi. [7]

Trong một nghiên cứu của Choi JS, Koren G, Nulman I “Pregnancy and isotretinoin therapy”:  Isotretinoin đường uống là loại retinoid có khả năng gây quái thai đã được chứng minh rõ ràng trong y văn. Các thống kê cho thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh dao động từ 20–35%, trong khi có đến 60% trường hợp ghi nhận ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thần kinh ở thai nhi. Vì vậy, đây là dạng được xếp vào nhóm chống chỉ định tuyệt đối trong thai kỳ. [8]

Với các phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản và buộc phải dùng retinoids đường uống (như isotretinoin) vì lý do y tế, cần:

  • Sử dụng ít nhất một biện pháp tránh thai hiệu quả trong suốt thời gian điều trị.
  • Được theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên môn.
  • Ngưng thuốc ít nhất 1–2 tháng trước khi có ý định mang thai.

Retinol, retinaldehyde hoặc các retinol esters là những tiền chất của acid retinoic. Những dạng này cần trải qua nhiều bước chuyển hóa trong da mới có thể phát huy tác dụng, nên khả năng hấp thụ toàn thân cực kỳ thấp. Đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo chính thức nào ghi nhận dị tật thai nhi liên quan đến các dẫn xuất nhẹ này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo phụ nữ mang thai nên cân nhắc và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng những hoạt chất này.

câu hỏi thường gặp về retinoids 3
Retinoid dạng uống ảnh hưởng nghiệm trọng đến thai nhi

Nếu lỡ đang dùng Retinoids mà phát hiện có thai thì làm sao?

Trường hợp bạn phát hiện mang thai trong lúc đang dùng retinoids, điều quan trọng là đừng hoảng loạn. Đầu tiên, hãy ngừng sử dụng sản phẩm ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ sản phụ khoa. Nếu bạn đang sử dụng retinol hoặc tretinoin bôi ngoài da, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi được xem là rất thấp, đặc biệt nếu liều lượng không cao và thời gian sử dụng không kéo dài. Việc theo dõi sức khoẻ và thực hiện tầm soát thai kỳ định kỳ sẽ giúp bạn an tâm hơn.

Thực tế, một số bác sĩ vẫn cho phép sử dụng retinol nồng độ thấp trong thời kỳ cho con bú, miễn là không thoa trực tiếp lên vùng ngực và có sự theo dõi cẩn trọng.

Nên chọn loại retinoid nào? Dẫn xuất nào? Nồng độ bao nhiêu là phù hợp?

Việc lựa chọn retinoid phù hợp, từ loại dẫn xuất đến nồng độ sử dụng – không có đáp án duy nhất cho tất cả mọi người. Mỗi làn da có một “bản đồ sinh học” riêng, phụ thuộc vào độ dày, mức độ nhạy cảm, nền bệnh lý da liễu (như mụn, tăng sắc tố, vảy nến...) và cả mục tiêu sử dụng (chống lão hóa, trị mụn, hay tái cấu trúc da). Do đó, không tồn tại một công thức cố định, mà chỉ có lựa chọn phù hợp nhất với bạn tại một thời điểm nhất định.

Bạn hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để họ cho bạn lời khuyên phù hợp nhất!

Dù có người cùng loại da và cùng tình trạng, cách đáp ứng với một hoạt chất vẫn có thể khác nhau. Vì thế, lời khuyên tối ưu luôn là: quan sát làn da của chính bạn, đánh giá phản ứng và hiệu quả sau thời gian sử dụng. Nếu da bạn tiến triển tích cực, không xuất hiện kích ứng quá mức, đó chính là tín hiệu bạn đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, Chanh Tươi Review có một số lời khuyên cho bạn như sau:

Khởi đầu chậm – nồng độ thấp – dẫn xuất nhẹ!

Nếu bạn là người mới làm quen với retinoids, đừng vội vã chọn những sản phẩm “mạnh đô” như tretinoin nồng độ cao. Hãy bắt đầu một cách khoa học:

  • Ưu tiên các dẫn xuất nhẹ nhàng hơn như retinol, retinaldehyde, hoặc retinyl esters.
  • Tần suất ban đầu lý tưởng là 2–3 lần mỗi tuần, sau đó tăng dần khi da đã thích nghi tốt.
  • Nồng độ an toàn để khởi động thường nằm trong khoảng 0.25% – 0.5% đối với retinol.

Mục tiêu ban đầu không phải là thấy hiệu quả nhanh, mà là giúp da học cách “chung sống hòa bình” với retinoids. Khi da đã thích nghi, bạn có thể điều chỉnh nồng độ và tần suất để đạt hiệu quả tối ưu.

Liều lượng dùng Retinoids thế nào là hợp lý?

Mỗi sản phẩm có thể có hướng dẫn riêng, nhưng quy tắc phổ biến nhất là: Dùng một lượng tương đương hạt đậu cho toàn mặt.

Ví như như loại tretinoin nổi tiếng hiện nay là Obagi, hướng dẫn cho phép dùng tối đa 1 gram/lần (tương đương 2 lóng tay) vào cả sáng và tối. Tuy nhiên, đây là liều lượng cao, cần thận trọng vì nguy cơ kích ứng rõ rệt.

Nên dùng retinoids vào thời điểm nào trong ngày?

Buổi tối là thời điểm lý tưởng để dùng retinoids vì hai lý do chính:

Ánh sáng mặt trời có thể làm bất hoạt các hoạt chất như tretinoin, retinol, retinal. Đặc biệt, tretinoin là hoạt chất rất dễ thoái hóa dưới ánh sáng, điều này đã được ghi nhận rõ trong đó một nghiên cứu về độ ổn định của tretinoin trong ánh sáng: so sánh gel tretinoin dạng vi hạt 0,05% và gel tretinoin 0,025% sau khi tiếp xúc với ánh sáng huỳnh quang và ánh sáng mặt trời. [9]

Ban ngày là lúc da phải đối mặt với nhiều tác nhân gây hại như ánh nắng, ô nhiễm, bụi mịn... nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm chống oxy hóa, chống nắng vào ban ngày và dành retinoids cho buổi tối.

Hiện nay, nhiều công thức tretinoin thế hệ mới đã áp dụng công nghệ bọc phân tử hoặc hệ vận chuyển tiên tiến (như microgel, microsponge) để giúp hoạt chất ổn định hơn trong môi trường ánh sáng. Tuy nhiên, nếu bạn dùng retinol hoặc retinal, việc bôi buổi tối vẫn là lựa chọn tối ưu.

câu hỏi thường gặp về retinoids 4
Nên dùng Retinoids vào lúc nào?

Retinoids có làm da nhạy cảm với ánh nắng (bắt nắng) không?

Về bản chất, retinoids không gây bắt nắng theo nghĩa hấp thụ tia UV, nhưng chúng khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng trong giai đoạn đầu sử dụng. Sự tái tạo lớp sừng nhanh hơn khiến lớp da non lộ ra dễ tổn thương, dễ đỏ rát khi tiếp xúc với tia UV.

Chống nắng không còn là lựa chọn mà là bắt buộc. Dù bạn có đang dùng retinoids hay không, kem chống nắng là một trong những bước thiết yếu nhất để bảo vệ làn da khỏi lão hoá sớm, tăng sắc tố và tổn thương DNA do ánh nắng.

Làm thế nào để đưa retinoids vào quy trình chăm sóc da?

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất khi sử dụng retinoids là nên bôi trước hay sau kem dưỡng, có nên trộn chung với kem dưỡng hay không, hoặc thậm chí là bôi cả trước và sau.

Thực tế, không có một công thức “chuẩn” cho tất cả mọi người. Chỉ chính bạn mới hiểu rõ làn da của mình nhất. Những gì phù hợp với người khác, kể cả khi họ có làn da tương tự bạn cũng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Cách tốt nhất là bạn hãy trải nghiệm từng phương pháp, lắng nghe phản ứng của da và lựa chọn cách ít gây kích ứng nhất mà vẫn mang lại hiệu quả. Nếu bạn thấy da mình ổn, cải thiện tốt, thì đó chính là cách phù hợp nhất dành cho bạn.

Nguyên tắc cơ bản cần nhớ:

  • Luôn đảm bảo da khô hoàn toàn trước khi thoa retinoids. Da còn ẩm có thể làm tăng khả năng hấp thụ, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ kích ứng.
  • Nếu retinoids của bạn ở dạng serum (thường là retinol, retinol esters hoặc HPR) thì nên thoa ở bước serum, tuân theo nguyên tắc: kết cấu lỏng dùng trước, đặc dùng sau.

Thoa trực tiếp (không dùng kèm kem dưỡng)

Phương pháp này được áp dụng trong hầu hết các nghiên cứu lâm sàng, đặc biệt với tretinoin. Tuy nhiên, khả năng kích ứng là điều thường thấy. Nếu da bạn có thể dung nạp tốt, bạn có thể thử. Tuy nhiên, về lâu dài, hầu hết người dùng đều sẽ gặp phải kích ứng ít nhất một lần, nên việc bổ sung kem dưỡng vào quy trình chăm sóc là điều cần thiết.

Kết hợp với kem dưỡng (phương pháp “buffering”)

Đây là cách khá phổ biến hiện nay nhằm làm dịu tác dụng phụ của retinoids. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng việc dưỡng ẩm giúp làm giảm tình trạng kích ứng, kể cả với da mụn.

  • Retinoids dạng gel: nên thoa trước kem dưỡng.
  • Dạng kem: có thể thoa trước, sau, tức là theo phương pháp sandwich layer. Cách làm này được nhiều bác sĩ da liễu và cộng đồng skincare áp dụng: DƯỠNG ẨM – RETINOIDS – DƯỠNG ẨM

Bôi kem dưỡng trước retinoids – có làm giảm hiệu quả không?

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định điều này. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu đều cho thấy rằng thoa kem dưỡng trước, chờ khô rồi mới dùng retinoids sẽ giúp hạn chế kích ứng. Việc thoa ngay khi da còn ẩm hoặc trộn chung với dưỡng ẩm có thể ảnh hưởng đến khả năng thẩm thấu, từ đó làm giảm tác dụng của hoạt chất.

Trộn retinoids với kem dưỡng – nên hay không?

Chanh không khuyến khích điều này. Mỗi sản phẩm đã được thiết kế với hệ nền và tá dược riêng biệt để đạt hiệu quả tối ưu. Việc trộn lẫn không những làm loãng nồng độ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng do sự tương tác giữa các thành phần. Nhất là với các dạng retinol cao cấp hiện nay, vốn đã được tối ưu hóa về hệ dẫn và khả năng chuyển hóa – hãy để chúng làm đúng chức năng của mình!

Dù retinol và kem dưỡng đều là những bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da, song việc trộn lẫn hai sản phẩm này có thể mang lại những rủi ro không mong muốn:

Hiệu quả bị suy giảm: Mỗi sản phẩm đều được thiết kế với công thức và hệ nền riêng biệt nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả. Khi trộn chung, sự ổn định của hoạt chất có thể bị phá vỡ, khiến cả hai sản phẩm không còn phát huy công dụng như mong đợi.

Tăng nguy cơ kích ứng: Sự tương tác giữa các thành phần trong retinol và kem dưỡng có thể dẫn đến phản ứng không mong muốn trên da, đặc biệt là đối với làn da nhạy cảm hoặc đang yếu.

Khả năng hình thành hợp chất có hại: Việc pha trộn sản phẩm một cách tùy tiện có thể tạo ra những hợp chất mới không được kiểm soát về độ an toàn, từ đó dẫn đến tình trạng kích ứng hoặc tổn thương hàng rào bảo vệ da.

câu hỏi thường gặp về retinoids 5
Không nên mix kem dưỡng với retinoids

Da bị sạm đi khi mới dùng retinoids có đúng không?

Đúng!

Một số người sẽ nhận thấy làn da trở nên xỉn màu hoặc sạm hơn trong thời gian đầu sử dụng retinoids. Nguyên nhân phổ biến là do phản ứng đỏ da do kích ứng nhẹ, cộng với việc retinoids thúc đẩy quá trình tái tạo da khiến melanin từ lớp đáy được đẩy nhanh lên bề mặt. Lúc này, lớp tế bào sừng chết chưa kịp bong tróc có thể khiến da trông tối màu hơn. Tuy nhiên, đây là phản ứng bình thường và sẽ cải thiện theo thời gian khi da đã quen dần với hoạt chất. [10]

Retinoids dùng bao lâu mới thấy hiệu quả? Có thể sử dụng retinoids đến khi nào?

Hãy kiên nhẫn – vì hiệu quả cần thời gian!

Retinoids là hoạt chất bôi ngoài da, nên cần ít nhất 3 chu kỳ tái tạo da (tương đương khoảng 3 tháng) để thấy rõ cải thiện. Với tretinoin, phần lớn nghiên cứu trên da mụn và da lão hóa đều ghi nhận hiệu quả rõ rệt từ tuần thứ 12 trở đi. Trong điều trị lão hóa, những thay đổi sâu sắc ở tầng trung bì bắt đầu thấy rõ sau 6 tháng và tiếp tục cải thiện mạnh sau 12 tháng điều trị. [1][2]

Các nghiên cứu dài hạn cũng cho thấy việc duy trì bôi tretinoin liên tục có thể mang lại cải thiện đều đặn cho làn da bị tổn thương do ánh nắng và lão hóa trong suốt 22 tháng. Một số nghiên cứu thậm chí đã theo dõi tác dụng của tretinoin kéo dài đến 4 năm, dù vẫn còn hạn chế về quy mô và thiết kế nghiên cứu. [11][12]

Hiện nay, phương pháp được khuyến khích là sử dụng tretinoin đều đặn trong khoảng 1 năm, sau đó có thể chuyển sang các dẫn xuất nhẹ hơn để duy trì hiệu quả và quay trở lại dùng tretinoin nếu cần. Tuy nhiên, mọi quyết định điều chỉnh nên dựa trên phản ứng thực tế của làn da bạn.

Nhắc nhở về: Viêm da tiếp xúc khi dùng retinoids

Retinoids luôn tồn tại hai mặt song hành: hiệu quả và nguy cơ kích ứng. Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà giới chuyên môn gọi tên là “retinoid dermatitis” – viêm da do retinoids.

Nếu làn da bạn phản ứng chỉ sau vài ngày đầu tiên dùng retinoids với biểu hiện bong tróc, đỏ nhẹ, nóng rát... thì đây được xem là viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính – hiện tượng khá thường gặp khi mới làm quen với hoạt chất mạnh này. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng cách giảm tần suất sử dụng, nghỉ vài ngày hoặc kết hợp bôi corticosteroid trong thời gian ngắn để giảm viêm.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng viêm da tiếp xúc tích lũy – một dạng phản ứng xảy ra sau thời gian dài sử dụng retinoids, đặc biệt là khi bạn dùng nồng độ cao, tần suất dày đặc mà không có giai đoạn nghỉ hoặc phục hồi da. Lúc này, da bắt đầu trở nên yếu hơn, dễ bị kích ứng, thường xuyên đỏ, rát, ngứa, khô căng và bong tróc dai dẳng. Thậm chí, ngay cả khi bạn bôi những sản phẩm cơ bản như serum HA hay B5, da vẫn nóng rát, ửng đỏ – một dấu hiệu rõ rệt cho thấy hàng rào bảo vệ da đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Hiện tượng này được gọi là viêm da tiếp xúc tích lũy (cumulative irritant contact dermatitis) do retinoids. Cơ chế gây viêm vẫn chưa hoàn toàn được làm rõ, nhưng có vài giả thiết đáng chú ý:

Retinoids có thể thúc đẩy quá trình tái tạo da quá nhanh, khiến lớp sừng bong tróc liên tục nhưng lớp da mới chưa kịp hình thành đủ mạnh để bảo vệ da. Hệ quả là hàng rào bảo vệ bị tổn thương, làm tăng độ thẩm thấu của các chất khác và dẫn đến tình trạng viêm kéo dài.

Một số nghiên cứu còn phát hiện retinoids cả tự nhiên lẫn tổng hợp có khả năng kích hoạt thụ thể TRPV1. Khi được kích hoạt, thụ thể này gửi tín hiệu đến các dây thần kinh cảm giác gây ra cảm giác đau rát – tương tự như khi bạn thoa ớt lên da. Đồng thời, retinoids cũng kích thích giải phóng CGRP – một peptide gây viêm, làm tăng tính thấm thành mạch, gây sưng đỏ và phù nề. 

Tóm lại: Nếu bạn đã thử nhiều dẫn xuất, nồng độ khác nhau mà da vẫn liên tục phản ứng nóng, rát, đỏ, bong tróc, thì khả năng cao bạn đã rơi vào tình trạng viêm da tiếp xúc (kích ứng cấp tính hoặc tích lũy). Lúc này, không còn là chuyện “da chưa quen” nữa, mà bạn cần ngừng sử dụng retinoids và có sự điều chỉnh kịp thời.

Nói cách khác, một làn da khỏe là làn da không phản ứng dữ dội với sản phẩm cơ bản. Nếu bạn dùng một chai serum B5 hay HA đơn giản mà cũng đỏ rát, thì 99% là da bạn đang bị viêm và cần phục hồi trước khi dùng lại bất kỳ hoạt chất mạnh nào.

Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về bản chất, cách dùng và những lưu ý quan trọng khi sử dụng retinoids trong chu trình skincare. Đừng vội vàng hay quá lo lắng trước những phản ứng ban đầu – hãy lắng nghe làn da, điều chỉnh phù hợp và kiên trì với hành trình tái sinh làn da khỏe mạnh. Đừng quên lưu lại bài viết này như một cẩm nang bỏ túi cho tất cả những câu hỏi thường gặp về retinoids nhé!

Tài liệu tham khảo:

[1]. Choi JS, Koren G, Nulman I - Pregnancy and isotretinoin therapy - https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3602257/ 

[2]. Bozzo P, Chua-Gocheco A, Einarson A - Safety of skin care products during pregnancy: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3114665/

[3]. Leyden J, Stein-Gold L, Weiss J - Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne - https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5574737/#CR21

[4].  Griffiths CE, Russman AN, Majmudar G, Singer RS, Hamilton TA, Voorhees JJ - Restoration of collagen formation in photodamaged human skin by tretinoin (retinoic acid) - https://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJM199308193290803

[5].  Kong R, Cui Y, Fisher GJ, et al - A comparative study of the effects of retinol and retinoic acid on histological, molecular, and clinical properties of human skin. J Cosmet Dermatol - https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jocd.12193

[6]. McMichael AJ et al. Concurrent application of tretinoin (retinoic acid) partially protects against corticosteroid-induced epidermal atrophy - https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8776360/

[7]. Bozzo P, Chua-Gocheco A, Einarson A. Safety of skin care products during pregnancy - https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3114665/

[8].  Choi JS, Koren G, Nulman I - Pregnancy and isotretinoin therapy - https://www.cmaj.ca/content/185/5/411.short

[9].  Rosso JD, Harper J, Pillai R, Moore R - Tretinoin photostability: comparison of micronized tretinoin gel 0.05% and tretinoin gel 0.025% following exposure to fluorescent and solar light - https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3579485/

[10]. Kang HY, Valerio L, Bahadoran P, Ortonne J-P - The role of topical retinoids in the treatment of pigmentary disorders. Am J Clin Dermatol - https://link.springer.com/article/10.2165/00128071-200910040-00005

[11]. Ellis CN, Weiss JJ, Hamilton TA, et al. Sustained improvement with prolonged topical tretinoin (retinoic acid) for photoaged skin. J Am Acad Dermatol. 1990;23:629–37 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/019096229070265J

[12]. J. Bhawan, et al., Histologic evaluation of the long term effects of tretinoin on photodamaged skin - https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/0923181195004327

Bình luận 0 Bình luận

Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận .

Gửi bình luận
thaotran
Tác giả: Thảo Una
Chuyên gia hoạt chất, da liễu thẩm mỹ
Với niềm đam mê làm đẹp và mong muốn chia sẻ những kiến thức thực tế, cô đã thử nghiệm rất nhiều sản phẩm và rút ra những kinh nghiệm quý báu.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Thảo Una
thuynga
Tác giả: Thúy Nga
Biên tập viên
Với kiến thức chuyên môn về Ảnh Báo chí, Thúy Nga mong muốn mang đến cho độc giả những bài viết mỹ phẩm, làm đẹp, thời trang... chất lượng, hữu ích và chân thật.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Thúy Nga

Thông báo